Trang

Thứ Năm, 16 tháng 6, 2011

Chủ nghĩa thực tiễn” và trường hợp ông Nguyễn Gia Kiểng

Nhân đọc bài “Chủ Nghĩa Thực Tiễn Và Trường Hợp Obama” của tác giả Nguyễn Gia Kiểng, xin có vài dòng ý kiến dưới góc nhìn của một bạn đọc. Cũng xin được hiểu bài viết của ông dưới góc độ triết lý và chính trị, vì ông Nguyễn Gia Kiểng dường như là một nhà hoạt động chính trị chuyên nghiệp, chứ không phải là một người viết bình thường.

Sau khi tìm hiểu chủ nghĩa thực dụng Mỹ của Sanders Charles Peirce. Có lẽ đây là lần đầu tiên, người viết bài này được biết thêm một chủ nghĩa mới – Chủ nghĩa thực tiễn – Một phát minh (hay là một phát hiện) của ông Nguyễn Gia Kiểng.

Trước hết, thế nào là một chủ nghĩa? “Chủ nghĩa” là tập hợp những nguyên tắc lý luận về nhận thức, tư tưởng. Nó tạo nên một hệ thống lý thuyết nhằm định hướng một cách có ý thức cho hoạt động của con người.

Vấn đề thực tiễn là gì? Thực tiễn là một phạm trù. Nó phản ánh quá khứ và hiện tại, hoàn toàn phụ thuộc vào những gì đã và đang diễn ra trong cuộc sống. Thực tiễn giống như một tấm gương phản chiếu mọi sự vật. Thực tiễn có mối quan hệ biện chứng với nhận thức. Nó giúp con người nhân thức được những gì tốt và xấu, thuận và nghịch đang diễn ra. Từ đó người ta rút ra được những kinh nghiệm cho các hoạt động sống trong tương lai. Vì vậy thực tiễn không phải là bản chất, nó chỉ là hiện tượng nhằm phản ánh thực tế của cuộc sống.

Ông Nguyễn Gia Kiểng là một con người sáng tạo. Không ít người đã từng “toát mồ hôi hột” khi đọc tựa đề bài viết “Tổ Quốc Ăn Năn” của ông, vì người ta không hiểu được, “tổ quốc” chỉ là một khái niệm, tại sao khái niệm lại biết…ăn năn? Trong bài viết “Chủ Nghĩa Thực Tiễn Và Trường Hợp Obama” Ông lại sáng tạo ra một chủ nghĩa mới, đó là “chủ nghĩa thực tiễn”. Theo quan điểm riêng, trên thực tế không thể có “chủ nghĩa thực tiễn”, vì nó không có những yếu tố cần và đủ để có thể cấu thành một chủ nghĩa như đã dẫn ở trên.

Hoạt động sống không thể thiếu sự sáng tạo. Cuộc đấu tranh giữa cái cũ và cái mới, giữa bảo thủ và tiến bộ là điều luôn xảy ra. Việc xúc tiến để biến đổi xã hội Việt Nam hiện nay từ chế độ Độc Tài độc đảng sang chế độ Đa Nguyên Dân Chủ là một công việc tất yếu. Đó thực sự là một cuộc cách mạng. Muốn có cách mạng thì phải có lý luận cách mạng, đó cũng là điều tối quan trọng và cần thiết. Thế nhưng lý luận đó sẽ như thế nào? Có phù hợp với văn hóa, lối sống, nếp nghĩ của người dân (đại chúng) hay không, có sáng tạo hay không? Đó là điều cần quan tâm hàng đầu. Nhưng không vì vậy mà ta cứ sáng tạo (ra lý luận) một cách tùy ý, thậm chí là… tùy tiện!

Trong bài viết “Chủ Nghĩa Thực Tiễn Và Trường Hợp Obama” của ông Nguyễn Gia Kiểng. Ông đã viện dẫn ra câu chuyện “quỹ đạo của chó”. Đây là một câu chuyện lại không có (hoặc rất ít)… thực tế! Chó là một loài vật được người thuần dưỡng từ rất sớm, có lẽ là từ buổi bình minh của loài người. Loại trừ chó hoang dạng Dingo, chó Sói (ít khi săn những con mồi nhỏ như Thỏ), một số ít chú Chó dùng cho việc đi săn của người cũng chỉ được giao nhiệm vụ đánh hơi, theo dõi phát hiện con mồi mà thôi. Vì vậy kỹ năng săn mồi của Chó (nhà) hiện nay là rất kém. Về tư duy (!), Chó chỉ là bậc con cháu so với loài Cáo. Cáo là một loài thông minh, nó biết cách giả chết khi cần (thậm chí một số họ nhà Cáo có thể tiết ra mùi của xác chết), nó biết cách rình mồi, bí mật tiếp cận và tung đòn tấn công chớp nhoáng (chưa kể đến tốc độ chạy của Cáo cũng thuộc loại đáng nể). Vì vậy, trong hầu hết các cuộc đối đầu với Cáo, Thỏ đều chịu thúc thủ. Con Cáo chẳng cần dùng chiến thuật “hò hẹn với tương lai” (lại một sáng tạo về ngôn ngữ) như ông Nguyễn Gia Kiểng đã trình bày. Cáo có chiến thuật khác – Chiến thuật thông minh – Hay ngày nay như người ta thường nói, dùng “sức mạnh thông minh” (học thuyết của Gioseph Nye), có thể tạm ví như vậy. Có lẽ câu chuyện “quỹ đạo của chó” nên viết thành “sức mạnh thông minh của Cáo” thì tính thuyết phục sẽ cao hơn?

Nhận xét của ông Nguyễn Gia Kiểng về ông Obama. Người viết bài này hoàn toàn tôn trọng ý kiến cá nhân của ông. Theo ý hiểu riêng, chắc ông Kiểng cũng chỉ nhằm làm sáng tỏ vấn đề “chủ nghĩa thực tiễn” của ông, để áp dụng (hay là giải thích sự chậm trễ) vấn đề “dân chủ đa nguyên” ở Việt Nam mà thôi.

Tổng thống Obama nhậm chức trong lúc cơn bão suy thoái kinh tế toàn cầu đang lên. Ông Obama (cùng bộ máy của ông) giữ được sự cân bằng của nền kinh tế Mỹ, đã là một thắng lợi. “Nước Mỹ và chính quyền Obama cần phải tỉnh táo để không áp dụng những sai lầm của chủ nghĩa hiện thực giáo điều cho các quyết sách kinh tế và ngoại giao của mình”. Đó là phát biểu của Paul Wolfowitz- Một nhà đối ngoại hàng đầu dưới thời tổng thống George Bush.

Với phương châm “không can thiệp vào nội bộ các nước khác”. Người Mỹ chủ trương “xử lý mối quan hệ giữa các nước với nhau” hơn là “trực tiếp làm thay đổi bản chất của một chế độ nào đó”. Họ không chủ trương “áp đặt giá trị của nền văn minh Mỹ lên một nước khác”. Chính vì vậy, mọi tư tưởng “há miệng chờ sung” của ai đó, mong người Mỹ dọn cỗ sẵn sàng, để mình chỉ việc ngồi vào ăn, là một việc làm hoàn toàn thụ động và sai lầm.

Người Mỹ, tổng thống Obama, hay một vị tổng thống tiền nhiệm nào của ông có thể mắc sai lầm. Điều đó cũng dễ hiểu vì họ cũng là những con người bằng xương bằng thịt mà thôi. Hơn bao giờ hết, người Mỹ (cụ thể là bất kỳ vị tổng thống nào của họ) đều phải ưu tiên đặt lợi ích của nước Mỹ lên hàng đầu, nếu các vị tổng thống này muốn nhận được sự ủng hộ từ các cử tri của mình…

Phong trào dân chủ ở một nước nhỏ (như Việt Nam) chỉ nên trông chờ vào các nước lớn bởi sức ép chính trị (hợp lý và hợp pháp) của họ trên các diễn đàn quốc tế. Chính nhờ điều này, hiện nay các nước độc tài trên thế giới ít nhiều đều có những sự “chuyển động” nào đó. Nhưng những thay đổi ấy vẫn chưa đáp ứng được với mong mỏi của nhân dân (đặc biệt là đối với những nhà chính trị như ông Nguyễn Gia Kiểng). Cho nên chúng ta có thể hiểu được (phần nào) những chỉ trích của ông Kiểng đã dành cho tổng thống Obama…

Tựu chung lại, người viết bài này không có ý công kích ông Nguyễn Gia Kiểng. Chỉ xin bày tỏ quan điểm và suy nghĩ riêng của mình về bài viết “Chủ Nghĩa Thực Tiễn Và Trường Hợp Obama” của ông. Cùng một vài nhận xét chủ quan trong phạm vi vốn kiến thức còn nhiều khiêm tốn của mình.

Thiết nghĩ, người dân Việt trong nước đang cần những điều thiết thực bằng hành động của bà con người Việt hải ngoại, cụ thể:

Tạo áp lực lên chính phủ các quốc gia mà mình đang cư trú, yêu cầu họ có tiếng nói lên án chế độ độc tài thiếu dân chủ ở Việt Nam. Đòi nhà nước Việt Nam tôn trọng các cam kết của họ về việc thực thi nhân quyền (được thể hiện trong Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyên), bảo đảm các quyền tự do về dân sự, tự do về chính trị cho người dân.

Giúp đỡ tiền bạc, phương tiện cho các cá nhân và tổ chức đấu tranh (chủ yếu là trong nước), nhằm phá thế bao vây kinh tế của chế độ độc tài.

Đẩy mạnh hơn nữa cuộc đấu tranh giành quyền tự do Internet, nhằm gỡ bỏ “bức màn sắt thông tin” (lời của bà Hillary Clinton) đang bao trùm lên xã hội Việt Nam. Qua đó cải thiện kiến thức nhân quyền cho nhân dân trong nước. Nhưng không phải bằng những sản phẩm văn hóa lạc lõng, các bài viết nặng tính giáo điều. Vì chính những tư tưởng chính trị sai lạc, mơ hồ, sẽ đem lai một cuộc cách mạng mất định hướng. Điều này chắc chắn những nhà chính trị như ông Nguyễn Gia Kiểng, là những người biết rõ hơn ai hết.

© Lê Nguyên Hồng

© Đàn Chim Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét