Trang

Thứ Năm, 16 tháng 6, 2011

Chủ nghĩa thực tiễn và trường hợp Obama

Không cần phải là người Mỹ để quan tâm đến các cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Tôi đã là một trong hàng tỷ người trên thế giới theo dõi cuộc tranh cử năm 2008. Tôi lưỡng lự giữa Obama mà tôi tự nhiên thấy có cảm tình và McCaine mà tôi quý trọng từ lâu về nhân cách. Chọn lựa của tôi lệch về Obama sau khi bà Sarah Pallin được chọn làm ứng cử viên phó tổng thống cho McCain và tôi đã là một trong hàng tỷ người hân hoan theo dõi lễ nhậm chức của Obama trên truyền hình. Trong lịch sử nước Mỹ có lẽ ngoại trừ George Washington chưa có vị tổng thống Mỹ nào được hoan nghênh khi đắc cử bằng Obama. Nhưng rồi Obama trở thành một trong những tổng thống Mỹ ít được tín nhiệm nhất sau một năm cầm quyền.

Ronald Reagan trước đây cũng đã từng xuống thấp trong tỷ lệ tín nhiệm sau một năm tại chức như Obama, nhưng sau đó đã lên dốc được và trở thành một trong những tổng thống Mỹ được ái mộ nhất vì ông quả quyết theo đuổi một chính sách và chính sách đó -quyết tâm đánh gục lạm phát và chủ nghĩa cộng sản- dần dần chứng tỏ là đúng và đã thành công. Obama thì khác, ông khó có thể đảo ngược được tình thế bởi vì không thể chờ đợi kết quả của một hò hẹn nào với tương lai cả, ông là một con người thực tiễn.

Thất vọng đầu tiên của tôi đối với Obama đến ngay trong khi nghe ông đọc bài diễn văn nhậm chức. Obama nói đại khái: “Với những chế độ độc tài bám lấy quyền lực bằng mọi giá và bịt miệng đối lập chúng tôi nói quí vị đi sai chiều lịch sử, nhưng nếu quí vị chìa bàn tay ra chúng tôi cũng sẽ nắm lấy“. Diễn nghĩa: quí vị cứ tiếp tục vi phạm nhân quyền cũng không sao miễn là đừng thù địch với chúng tôi. Câu nói ngắn ngủi này diễn tả một cách bóng bẩy chủ thuyết đối ngoại thực tiễn của Obama. Ông đã trình bày một cách tỉ mỉ hơn trong bài diễn văn tại Cairo ngày 4-6-2009. Hôm đó đúng là ngày kỷ niệm 20 năm cuộc thảm sát Thiên An Môn nhưng Obama đã không có một lời nào cho biến cố này, hơn thế nữa trong phần nói về dân chủ Obama đã làm một triệt thoái lớn trong khái niệm dân chủ: ông định nghĩa dân chủ một cách mơ hồ là chính quyền phải phản ánh nguyện vọng của người dân. Nhưng đây chỉ là định nghĩa của dân chủ sơ đẳng nhất, không hề làm phiền các chế độ độc tài vì chúng đều tự xưng là thể hiện trung thành ý chí của nhân dân. Đây là dân chủ ở mức độ zero. Hình như nghĩ rằng nói như thế vẫn chưa đủ để làm vừa lòng các chế độ độc tài, Obama còn nói thêm rằng không một dân tộc nào có quyền quyết định chế độ nào là phù hợp nhất cho một dân tộc khác. So much for democracy. Quý vị nào muốn có thể đọc bài nhận định của tôi về ông Obama sau bài diễn văn này.

Chủ nghĩa thực tiễn của Obama có thể tóm tắt như sau: thôi nhấn mạnh về dân chủ và nhân quyền trong quan hệ đối ngoại, thoả hiệp thay vì đương đầu với các chế độ hung bạo, tương đối hoá các giá trị và các văn hoá, tránh can thiệp khi quyền lợi của Hoa Kỳ không trực tiếp bị đe doạ. Trong chuyến công du châu Á vừa qua, gồm cả Trung Quốc, Obama đã hầu như không đề cập đến vấn đề dân chủ và nhân quyền.

Obama mất dần uy tín bởi vì chính sách thực tiễn của ông đã thất bại. Iran đã bạo tay hơn trong việc đàn áp các cuộc biểu tình chống bầu cử gian lận và cũng mạnh dạn hơn trong việc chuẩn bị chế tạo bom nguyên tử, tương tự như Bắc Triều Tiên. Các chế độ độc tài tại Venezuella, Cuba, Sudan còn hung hăng hơn. Tình hình Trung Đông bế tắc vì cả Do Thái lẫn các lực lượng khủng bố Hồi Giáo Hizbollah và Hamas đều leo thang trong sự quá khích. Trung Quốc, Việt Nam và Miến Điện gia tăng đàn áp một cách thô bạo đối với những người dân chủ. Trung Quốc và Việt Nam còn công khai hành xử như bọn tin tặc, đánh phá các website của đối lập, bất chấp luật pháp quốc tế, thách thức cả thế giới. Chắc chắn họ không làm như vậy với một tổng thống Mỹ khác. Thái độ của Trung Quốc đặc biệt đáng lưu ý. Trung Quốc làm ngơ trước đòi hỏi tăng hối suất đồng Nhân Dân Tệ, phá đám và làm thất bại hội nghị quốc tế về khí hậu tại Copenhagen, có lúc một thành viên phái đoàn Trung Quốc còn la ó phản đối trong khi Obama đọc diễn văn. Các chế độ bạo ngược đều muốn gia tăng sự bạo ngược vì đó là bản chất của họ; với Obama họ tha hồ làm tới vì được bảo đảm là sẽ không gặp khó khăn. Trong chính sách đối ngoại chủ nghĩa thực tiễn là điều mà ngay cả nếu bất đắc dĩ phải áp dụng cũng không nên nói ra như Obama.

Obama cũng áp dụng chủ nghĩa thực tiễn trong chính sách đối nội. Dự luật cải tổ y tế của ông sau quá nhiều nhượng bộ và thoả hiệp đã mất dần ý nghĩa; nó hầu như không đả động đến vấn đề cốt lõi của nền y tế Mỹ là giá điều trị quá đắt để chỉ tập trung vào một vấn đề ít quan trọng hơn là mở rộng bảo đảm chăm sóc.

Trước sự suy sụp của cảm tình và uy tín dành cho ông, Obama đã bắt đầu thay đổi thái độ. Ông đã tỏ ra cứng rắn hơn đối với Iran và Trung Quốc, các quan chức Hoa Kỳ cũng đã lên tiếng tố giác các chính quyền độc tài. Obama có nhiều lợi thế hơn để bênh vực nhân quyền, so với Bush 43 chẳng hạn, vì con người truyền thông của ông và vì mọi người đều tin ông là một con người ôn hoà chừng mực, nhưng ông có một trở ngại lớn: chính ông. Obama là con người thực tiễn, và chủ nghĩa thực tiễn chỉ có thể thất bại.
*
Nhưng chủ nghĩa thực tiễn là gì?

Trước hết không nên lẫn lộn chủ nghĩa thực tiễn (realism) với hai triết lý về đạo đức: chủ nghĩa phúc lợi (utilitarianism) và chủ nghĩa thực dụng (pragmatism). Chủ nghĩa phúc lợi là một phương pháp đánh giá hành động, đặc biệt là hành động chính trị, theo tiêu chuẩn hành động đúng là hành động đem lại phúc lợi tối đa cho thật nhiều người; chính vì thế mà chủ nghĩa phúc lợi được coi là một nền tảng của dân chủ; những người khai sáng ra chủ nghĩa này (Bentham và Stuart Mill) cũng là những người đấu tranh nhiệt tình cho dân chủ và nhân quyền. Chủ nghĩa thực dụng là một phương pháp đánh giá các lý thuyết, theo đó một lý thuyết chỉ đáng để ta quan tâm và học hỏi nếu sự kiện nó đúng hay sai có ảnh hưởng cụ thể trong đời sống, còn nếu không nó chỉ là một lý thuyết suông không đáng để ta mất thì giờ.

Chủ nghĩa thực tiễn không phải là một triết lý, dù là triết lý tri thức hay là triết lý hành động, nó là một thái độ hướng dẫn chọn lựa, theo đó mỗi khi có mâu thuẫn giữa quyền lợi và nguyên tắc thì quyền lợi phải được dành ưu tiên, trái tim phải phục tùng cái đầu, tình cảm phải nhường chỗ cho lý trí. Obama thực tiễn cho nên dù ông có cho rằng các chế độc độc tài là sai ông cũng sẵn sàng bắt tay như ông đã nói trong bài diễn văn nhậm chức của ông, hay như khi ông định nghĩa dân chủ một cách chung chung và khẳng định rằng không một quốc gia nào có quyền quyết định thế nào là một chế độ đúng cho một nước khác để khỏi bị sự chống đối của các chế độ độc tài. Đặng Tiểu Bình cũng phát biểu chủ nghĩa thực tiễn khi ông nói “mèo trắng mèo đen mèo nào cũng được miễn là bắt chuột”. Bản chất của một chế độ không có tầm quan trọng nào trong chính sách đối ngoại của một chính quyền thực tiễn, điều quan trọng là lợi và hại.

*
Các chính trị gia thực tiễn không bao giờ nhìn nhận là chủ nghĩa thực tiễn đồng nghĩa với sự mềm yếu. Họ có thể viện dẫn trường hợp nhiều nhân vật rất quả quyết từng được coi, có khi tự coi, là thực tiễn. Barry Goldwater, Richard Nixon và Ronald Reagan đã được coi là những chính trị gia Mỹ thực tiễn. Với một bản chất khác hẳn, Lenin, Stalin và Đặng Tiểu Bình cũng là những con người rất thực tiễn. Nhưng nếu nhìn kỹ hơn thì sự thực có thể khác.

Năm 1964 nghị sĩ Barry Goldwater tranh cử với tổng thống Johnson trên một lập trường mà ông cho là thực tiễn và có thể tóm tắt như sau: hy vọng thoả hiệp với cộng sản chỉ là hão huyền, cộng sản chỉ hiểu ngôn ngữ của sức mạnh vì thế thái độ thực tiễn nhất đối với họ là phải tỏ ra sẵn sàng dùng sức mạnh, phải sẵn sàng tăng cường quân lực tại Việt Nam, sẵn sàng đánh Cuba, Trung Quốc và cả Liên Xô nếu cần. Thực ra Goldwater không phải là một người thực tiễn. Ở vào giữa thập niên 1960, cao điểm của phong trào phản chiến và chủ nghĩa Mác – Lênin, lấy một lập trường như thế là chuốc lấy thảm bại, và quả nhiên Goldwater đã thua rất xa Johnson trong cuộc tranh cử tổng thống. Goldwater đã lấy thái độ diều hâu như thế, dù biết sẽ thất cử, chỉ để chặn đứng khuynh hướng chủ bại. Ông là một người lý tưởng. Reagan có lúc cũng đã bị đánh giá là thực tiễn một cách sơ đẳng như Goldwater nhưng đã chứng tỏ là một tổng thống lỗi lạc, có lý tưởng, bản lãnh và tầm nhìn. Chỉ có Nixon quả thực là con người thực tiễn. Người Mỹ không còn chấp nhận những hy sinh tại Việt Nam? Vậy thì phải Việt Nam hoá chiến tranh và chuẩn bị triệt thoái. Khối cộng sản có dấu hiệu chia rẽ? Vậy hãy bắt tay với Mao để tách hẳn Trung Quốc và Liên Xô mà không cần thắc mắc về bản chất tội ác của chế độ Trung Cộng. Đặc tính thực sự của chủ nghĩa thực tiễn là sự mưu tìm hiệu quả một cách giản dị trong lý luận và hành động ngay cả nếu phải hy sinh hoặc gác lại các nguyên tắc nền tảng. Hitler, Lenin, Stalin, Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình đều đã hành động giản dị như thế, và vì họ không bị ràng buộc bởi một luật pháp nào nên họ đã không dừng tay trước tội ác.

Trong trường hợp các nước dân chủ, mà bản chất là muốn giải quyết mọi vấn đề trước hết bằng đường lối hoà bình, chính do sự giản dị của nó mà chủ nghĩa thực tiễn dẫn đến sự nhu nhược một cách khá tự nhiên. Lý do là vì đối đầu luôn luôn là một chọn lựa khó khăn, đòi hỏi sự quyết tâm mà những người thực tiễn thường không có. Hơn nữa đối đầu bao giờ cũng bao hàm một thiệt hại nào đó lúc ban đầu cho nên không được coi là khôn ngoan, nhất là khi quyền lợi quốc gia không bị trực tiếp đe doạ, vì thế những người lãnh đạo thực tiễn thường hay chọn giải pháp nhân nhượng và thoả hiệp, ngay cả khi những giá trị nền tảng bị vi phạm.

Chủ nghĩa thực tiễn thường được hưởng một lợi thế về ngôn ngữ. Người ta thường có khuynh hướng coi thực tiễn là thái độ đúng và có lợi, ngược lại với thực tiễn là viển vông và vô ích. Nhưng đây chỉ là một sự hiểu lầm. Không cần phải là một người thực tiễn, bất cứ ai cũng đều hành động nhắm lợi ích. Ngay cả những nhà tu hành cũng chỉ chọn cuộc sống tu hành vì nghĩ đó là cách sống có lợi nhất, hoặc vì nó mở cửa thiên đường cho cuộc sống vĩnh cửu sau này, hoặc vì cho rằng đó mới là hạnh phúc đích thực ngay trong cuộc đời này. Tất cả vấn đề chỉ là quan niệm thế nào là quyền lợi, quyền lợi thực sự hay quyền lợi biểu kiến, quyền lợi lâu dài hay quyền lợi ngắn hạn. Chủ nghĩa thực tiễn dựa trên thực tại trước mắt và coi nhẹ các nguyên tắc và giá trị nền tảng nên thường chỉ là quyền lợi ngắn hạn. Các nguyên tắc và các giá trị nền tảng là gì nếu không phải là những điều mà trí tuệ và kinh nghiệm cho thấy là nên tuân thủ vì phúc lợi lâu dài?

*

Một đặc tính của chủ nghĩa thực tiễn là nó không phù hợp với thực tế. Nó luôn luôn nhắm tiến thẳng tới mục tiêu bằng giải pháp trực tiếp nhất và vì thế luôn luôn bị hụt hẫng. Thực tại không ngừng thay đổi cho nên những người thực tiễn phải vất vả chạy theo nó và có mọi triển vọng là sau khi đã tốn nhiều thì giờ và cố gắng người ta nhận ra rằng thực tại đã thay đổi đến độ mà mục tiêu theo đuổi đã mất ý nghĩa. Làm chính trị là hò hẹn với tương lai cho nên khả năng quan trọng nhất là tiên liệu cái gì sẽ xảy ra, các vấn đề hiện nay sẽ đặt ra như thế nào trong tương lai, các vấn đề nào sẽ không còn đặt ra nữa và các vấn đề mới nào sẽ xuất hiện. Người làm chính trị phải có viễn kiến. Chủ nghĩa thực tiễn thực ra chỉ tố giác sự thiếu viễn kiến. Các trường đại học, và các cố gắng trau dồi văn hoá nói chung, không nhắm mục đích nào khác ngoài việc cho chúng ta khả năng nhìn xa trông rộng, nói cách khác là giải phóng chúng ta khỏi phản xạ thực tiễn.

Một đặc tính khác cần được lưu ý của chủ nghĩa thực tiễn mà có lẽ Obama không thấy là nó luôn luôn sai trong chính sách đối ngoại. Nó bỏ qua quan tâm ý thức hệ để chỉ đặt chính sách đối ngoại trên nền tảng quyền lợi mà không biết rằng ý thức hệ, nghĩa là bản chất của chế độ, bao giờ cũng quyết định chính sách ngoại giao và các đồng minh của một quốc gia. Ngưu tầm ngưu mã tầm mã. Dù Hoa Kỳ và các nước dân chủ phương Tây có ve vãn đến đâu đi nữa thì các chế độ độc tài Trung Quốc, Việt Nam, Bắc Triều Tiên, Sudan, Miến Điện, Iran… vẫn coi họ là thù địch, và dù trong thâm tâm các chế độ độc tài có khinh bỉ nhau thế nào đi nữa chúng vẫn là đồng minh. Câu nói “buột miệng” của ông Nguyễn Minh Triết (theo đó ông tìm cách “phân hoá” nước Mỹ) là một bằng cớ.

Mỹ và các nước dân chủ nói chung cần rút kinh nghiệm trên hai trường hợp mà chủ nghĩa thực tiễn đã được thể hiện. Trong hơn ba thập qua họ đã hợp tác với Trung Quốc mà không đặt vấn đề bản chất của chế độ, ngay cả sau cuộc thảm sát Thiên An Môn, có lẽ với hy vọng là tăng trưởng kinh tế tự nó sẽ dần dần đem đến dân chủ (cứ như là độc tài là hậu quả chứ không phải là nguyên nhân của sự nghèo khổ). Thực tế đã không như vậy, nhờ giao thương với các nước dân chủ, đặc biệt là Hoa Kỳ, Trung Quốc đã mạnh hơn nhiều nhưng vẫn là một chế độ bạo ngược và còn yểm trợ cho nhiều chế độ hung bạo khác. Đôi khi Trung Quốc còn được viện dẫn như là một bằng cớ về sự đúng đắn của chủ thuyết tăng trưởng kinh tế bất chấp nhân quyền. Sức mạnh kinh tế đã chỉ khiến Trung Quốc tự tin hơn trong thái độ thách thức và đang trở thành một lo âu cho thế giới. Một bài học khác là Pakistan. Tại đây, một cách thực tiễn, Hoa Kỳ đã ủng hộ chế độ quân phiệt của tướng Pervez Musharraf sau khi ông này đảo chính lật đổ chính quyền dân cử cuối năm 1999 và coi ông này như một đồng minh đắc lực trong cuộc chiến tranh chống khủng bố. Thực tế đã ngược hẳn với sự mong đợi, chính Musharraf đã giúp quân khủng bố Taliban hồi sinh; Hoa Kỳ đã chỉ tỉnh mộng một cách muộn màng. Bản chất của những tập đoàn độc tài là gian trá. Phải nói rõ để tránh mọi hiểu lầm: ngày nay ít ai còn đòi hỏi cô lập và trừng phạt các chế độ độc tài, các biện pháp này chỉ đánh vào nạn nhân thay vì thủ phạm. Nhưng ít nhất cũng phải gây áp lực và gắn bó hợp tác với những tiến bộ về nhân quyền bởi vì đó vừa là đạo đức quốc tế được qui định trong hiến chương Liên Hiệp Quốc vừa là điều kiện để có những đối tác đáng tin cậy.

Coi nhẹ các giá trị dân chủ và nhân quyền còn là một sai lầm lớn nếu hoà bình là điều cần được trân quý nhất. Trong lịch sử thế giới các cuộc chiến đã chỉ xảy ra hoặc giữa các nước độc tài với nhau hoặc giữa một nước độc tài và một nước dân chủ. Chưa có trường hợp hai nước dân chủ chiến tranh với nhau. Dân chủ và nhân quyền là nền tảng của hoà bình.

Chủ nghĩa thực tiễn chỉ có thể đem lại thất vọng bởi vì trong chiều sâu nó là một sự từ nhiệm. Dân chúng chờ đợi ở những người lãnh đạo khả năng, viễn kiến và đởm lược để lấy những quyết định khó khăn có thể khó hiểu và nhức nhối lúc ban đầu chứ không phải để lấy những quyết định hiển nhiên, dễ dãi. Người dân đòi hỏi người lãnh đạo phải đi trước họ, họ bầu ra người lãnh đạo để nếu cần áp đặt những cố gắng và hy sinh cần thiết chứ không phải để chạy theo họ. Vả lại nếu không có viễn kiến và lý tưởng thì bước vào trường chính trị để làm gì? Các chính trị gia thực tiễn có thể được lòng dân lúc mới xuất hiện nhưng chắc chắn sẽ gây thất vọng sau đó. Trong trường hợp Obama sự thất vọng còn lớn hơn bởi vì rất nhiều người đã bỏ phiếu cho ông vì những giá trị dân chủ và nhân quyền để rồi khám phá ra rằng chính ông không tha thiết gì lắm với những giá trị này.

Có một bài toán động học và hình học giải tích trình bày một cách khá chính xác chủ nghỉa thực tiễn. Bài toán, với cái tên dí dỏm là “quỹ đạo của chó”, mô tả một con chó đuổi bắt một đối tượng đang di chuyển. Chó có bản năng rất thực tiễn nên nhắm thẳng đối tượng mà chạy tới nhưng vì đối tượng di chuyển không ngừng nên chính tính thực tiễn của nó khiến chó phải chạy trên một quỹ đạo rất cầu kỳ, ngay cả nếu đối tượng di chuyển một các giản dị trên một đường thẳng với một vận tốc cố định. Trong trường hợp đối tượng di chuyển một cách phức tạp hơn thì bài toán không có giải đáp. Chủ nghĩa thực tiễn được chứng minh là sai bằng toán học.

*
Một lời sau cùng: tại sao người Việt Nam cần hiểu rằng chủ nghĩa thực tiễn là sai? Đó là vì cuộc đấu tranh cho dân chủ đang rất vất vả với chủ nghĩa thực tiễn. Có quá nhiều người mong muốn một tương lai dân chủ cho Việt Nam nhưng lại suy nghĩ và hành động một cách thực tiễn. Trong nội bộ đảng và nhà nước cộng sản thái độ thực tiễn là không bộc lộ lập trường dân chủ để khỏi bị trù dập và vô hiệu hoá. Ngoài xã hội thái độ thực tiễn là kiếm tiền, và làm giàu nếu có thể được, thay vì đối đầu với một chính quyền đồ sộ và hung bạo. Chủ nghĩa thực tiễn có một tên gọi khác: chủ nghĩa luồn lách. Người ta chán ghét chế độ nhưng thấy phải thoả hiệp với thực tại để sống, và vì thế vô tình củng cố chế độ. Cuộc chuyển hoá về dân chủ là một cuộc cách mạng rất lớn, như chưa từng có trong lịch sử nước ta. Nó đòi hỏi những trí tuệ và những tấm lòng rất lớn. Những người thực tiễn chẳng bao giờ làm được những thay đổi lớn và thực sự đáng mong ước.

Nguồn: Thông Luận.

Chủ nghĩa thực tiễn” và trường hợp ông Nguyễn Gia Kiểng

Nhân đọc bài “Chủ Nghĩa Thực Tiễn Và Trường Hợp Obama” của tác giả Nguyễn Gia Kiểng, xin có vài dòng ý kiến dưới góc nhìn của một bạn đọc. Cũng xin được hiểu bài viết của ông dưới góc độ triết lý và chính trị, vì ông Nguyễn Gia Kiểng dường như là một nhà hoạt động chính trị chuyên nghiệp, chứ không phải là một người viết bình thường.

Sau khi tìm hiểu chủ nghĩa thực dụng Mỹ của Sanders Charles Peirce. Có lẽ đây là lần đầu tiên, người viết bài này được biết thêm một chủ nghĩa mới – Chủ nghĩa thực tiễn – Một phát minh (hay là một phát hiện) của ông Nguyễn Gia Kiểng.

Trước hết, thế nào là một chủ nghĩa? “Chủ nghĩa” là tập hợp những nguyên tắc lý luận về nhận thức, tư tưởng. Nó tạo nên một hệ thống lý thuyết nhằm định hướng một cách có ý thức cho hoạt động của con người.

Vấn đề thực tiễn là gì? Thực tiễn là một phạm trù. Nó phản ánh quá khứ và hiện tại, hoàn toàn phụ thuộc vào những gì đã và đang diễn ra trong cuộc sống. Thực tiễn giống như một tấm gương phản chiếu mọi sự vật. Thực tiễn có mối quan hệ biện chứng với nhận thức. Nó giúp con người nhân thức được những gì tốt và xấu, thuận và nghịch đang diễn ra. Từ đó người ta rút ra được những kinh nghiệm cho các hoạt động sống trong tương lai. Vì vậy thực tiễn không phải là bản chất, nó chỉ là hiện tượng nhằm phản ánh thực tế của cuộc sống.

Ông Nguyễn Gia Kiểng là một con người sáng tạo. Không ít người đã từng “toát mồ hôi hột” khi đọc tựa đề bài viết “Tổ Quốc Ăn Năn” của ông, vì người ta không hiểu được, “tổ quốc” chỉ là một khái niệm, tại sao khái niệm lại biết…ăn năn? Trong bài viết “Chủ Nghĩa Thực Tiễn Và Trường Hợp Obama” Ông lại sáng tạo ra một chủ nghĩa mới, đó là “chủ nghĩa thực tiễn”. Theo quan điểm riêng, trên thực tế không thể có “chủ nghĩa thực tiễn”, vì nó không có những yếu tố cần và đủ để có thể cấu thành một chủ nghĩa như đã dẫn ở trên.

Hoạt động sống không thể thiếu sự sáng tạo. Cuộc đấu tranh giữa cái cũ và cái mới, giữa bảo thủ và tiến bộ là điều luôn xảy ra. Việc xúc tiến để biến đổi xã hội Việt Nam hiện nay từ chế độ Độc Tài độc đảng sang chế độ Đa Nguyên Dân Chủ là một công việc tất yếu. Đó thực sự là một cuộc cách mạng. Muốn có cách mạng thì phải có lý luận cách mạng, đó cũng là điều tối quan trọng và cần thiết. Thế nhưng lý luận đó sẽ như thế nào? Có phù hợp với văn hóa, lối sống, nếp nghĩ của người dân (đại chúng) hay không, có sáng tạo hay không? Đó là điều cần quan tâm hàng đầu. Nhưng không vì vậy mà ta cứ sáng tạo (ra lý luận) một cách tùy ý, thậm chí là… tùy tiện!

Trong bài viết “Chủ Nghĩa Thực Tiễn Và Trường Hợp Obama” của ông Nguyễn Gia Kiểng. Ông đã viện dẫn ra câu chuyện “quỹ đạo của chó”. Đây là một câu chuyện lại không có (hoặc rất ít)… thực tế! Chó là một loài vật được người thuần dưỡng từ rất sớm, có lẽ là từ buổi bình minh của loài người. Loại trừ chó hoang dạng Dingo, chó Sói (ít khi săn những con mồi nhỏ như Thỏ), một số ít chú Chó dùng cho việc đi săn của người cũng chỉ được giao nhiệm vụ đánh hơi, theo dõi phát hiện con mồi mà thôi. Vì vậy kỹ năng săn mồi của Chó (nhà) hiện nay là rất kém. Về tư duy (!), Chó chỉ là bậc con cháu so với loài Cáo. Cáo là một loài thông minh, nó biết cách giả chết khi cần (thậm chí một số họ nhà Cáo có thể tiết ra mùi của xác chết), nó biết cách rình mồi, bí mật tiếp cận và tung đòn tấn công chớp nhoáng (chưa kể đến tốc độ chạy của Cáo cũng thuộc loại đáng nể). Vì vậy, trong hầu hết các cuộc đối đầu với Cáo, Thỏ đều chịu thúc thủ. Con Cáo chẳng cần dùng chiến thuật “hò hẹn với tương lai” (lại một sáng tạo về ngôn ngữ) như ông Nguyễn Gia Kiểng đã trình bày. Cáo có chiến thuật khác – Chiến thuật thông minh – Hay ngày nay như người ta thường nói, dùng “sức mạnh thông minh” (học thuyết của Gioseph Nye), có thể tạm ví như vậy. Có lẽ câu chuyện “quỹ đạo của chó” nên viết thành “sức mạnh thông minh của Cáo” thì tính thuyết phục sẽ cao hơn?

Nhận xét của ông Nguyễn Gia Kiểng về ông Obama. Người viết bài này hoàn toàn tôn trọng ý kiến cá nhân của ông. Theo ý hiểu riêng, chắc ông Kiểng cũng chỉ nhằm làm sáng tỏ vấn đề “chủ nghĩa thực tiễn” của ông, để áp dụng (hay là giải thích sự chậm trễ) vấn đề “dân chủ đa nguyên” ở Việt Nam mà thôi.

Tổng thống Obama nhậm chức trong lúc cơn bão suy thoái kinh tế toàn cầu đang lên. Ông Obama (cùng bộ máy của ông) giữ được sự cân bằng của nền kinh tế Mỹ, đã là một thắng lợi. “Nước Mỹ và chính quyền Obama cần phải tỉnh táo để không áp dụng những sai lầm của chủ nghĩa hiện thực giáo điều cho các quyết sách kinh tế và ngoại giao của mình”. Đó là phát biểu của Paul Wolfowitz- Một nhà đối ngoại hàng đầu dưới thời tổng thống George Bush.

Với phương châm “không can thiệp vào nội bộ các nước khác”. Người Mỹ chủ trương “xử lý mối quan hệ giữa các nước với nhau” hơn là “trực tiếp làm thay đổi bản chất của một chế độ nào đó”. Họ không chủ trương “áp đặt giá trị của nền văn minh Mỹ lên một nước khác”. Chính vì vậy, mọi tư tưởng “há miệng chờ sung” của ai đó, mong người Mỹ dọn cỗ sẵn sàng, để mình chỉ việc ngồi vào ăn, là một việc làm hoàn toàn thụ động và sai lầm.

Người Mỹ, tổng thống Obama, hay một vị tổng thống tiền nhiệm nào của ông có thể mắc sai lầm. Điều đó cũng dễ hiểu vì họ cũng là những con người bằng xương bằng thịt mà thôi. Hơn bao giờ hết, người Mỹ (cụ thể là bất kỳ vị tổng thống nào của họ) đều phải ưu tiên đặt lợi ích của nước Mỹ lên hàng đầu, nếu các vị tổng thống này muốn nhận được sự ủng hộ từ các cử tri của mình…

Phong trào dân chủ ở một nước nhỏ (như Việt Nam) chỉ nên trông chờ vào các nước lớn bởi sức ép chính trị (hợp lý và hợp pháp) của họ trên các diễn đàn quốc tế. Chính nhờ điều này, hiện nay các nước độc tài trên thế giới ít nhiều đều có những sự “chuyển động” nào đó. Nhưng những thay đổi ấy vẫn chưa đáp ứng được với mong mỏi của nhân dân (đặc biệt là đối với những nhà chính trị như ông Nguyễn Gia Kiểng). Cho nên chúng ta có thể hiểu được (phần nào) những chỉ trích của ông Kiểng đã dành cho tổng thống Obama…

Tựu chung lại, người viết bài này không có ý công kích ông Nguyễn Gia Kiểng. Chỉ xin bày tỏ quan điểm và suy nghĩ riêng của mình về bài viết “Chủ Nghĩa Thực Tiễn Và Trường Hợp Obama” của ông. Cùng một vài nhận xét chủ quan trong phạm vi vốn kiến thức còn nhiều khiêm tốn của mình.

Thiết nghĩ, người dân Việt trong nước đang cần những điều thiết thực bằng hành động của bà con người Việt hải ngoại, cụ thể:

Tạo áp lực lên chính phủ các quốc gia mà mình đang cư trú, yêu cầu họ có tiếng nói lên án chế độ độc tài thiếu dân chủ ở Việt Nam. Đòi nhà nước Việt Nam tôn trọng các cam kết của họ về việc thực thi nhân quyền (được thể hiện trong Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyên), bảo đảm các quyền tự do về dân sự, tự do về chính trị cho người dân.

Giúp đỡ tiền bạc, phương tiện cho các cá nhân và tổ chức đấu tranh (chủ yếu là trong nước), nhằm phá thế bao vây kinh tế của chế độ độc tài.

Đẩy mạnh hơn nữa cuộc đấu tranh giành quyền tự do Internet, nhằm gỡ bỏ “bức màn sắt thông tin” (lời của bà Hillary Clinton) đang bao trùm lên xã hội Việt Nam. Qua đó cải thiện kiến thức nhân quyền cho nhân dân trong nước. Nhưng không phải bằng những sản phẩm văn hóa lạc lõng, các bài viết nặng tính giáo điều. Vì chính những tư tưởng chính trị sai lạc, mơ hồ, sẽ đem lai một cuộc cách mạng mất định hướng. Điều này chắc chắn những nhà chính trị như ông Nguyễn Gia Kiểng, là những người biết rõ hơn ai hết.

© Lê Nguyên Hồng

© Đàn Chim Việt

Nhận định

Năm 2009 vừa qua, hàng loạt những nhà dân chủ bị cầm tù với những bản án nặng nề, nhà cầm quyền CSVN tung ra những đòn phủ đầu lên lực lượng dân chủ hòng dập tắt lòng yêu nước và khát vọng tự do.. nếu nhà cầm quyền cộng sản VN nghĩ như vậy thì thật là hoang đường…Vì sao?

Khi nào Thế giới tự do còn, nhân loại văn minh và những giá trị Tự do, dân chủ, nhân quyền vẫn còn là xu thế và khát vọng của nhân loại, và khi nào cộng đồng Việt Nam tự do ở hải ngoại còn thì mầm mống dân chủ sẽ tiếp tục nảy nở-phát triển. Không có một cường quyền nào có thể dập tắt được, cho nên tôi vẫn tin tưởng rằng tương lai của đất nước VN dân tộc VN sẽ tươi sáng và ngày mà VN hội nhập vào với gia đình, cộng đồng các nước dân chủ đang gần kề.

Tôi vẫn tin tưởng và chờ đợi trong hy vọng từ trước đến nay.. trước khi học thuyết Clinton hình thành.. nhưng phải nói rằng việc Chính phủ Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Obama nâng giá trị Nhân quyền và quyền tự do Internet lên tầm vóc “Học thuyết” là điều chưa từng có trong lịch sử, nó sẽ cổ võ cho những người đang đấu tranh cho quyền tự do phát biểu trên mạng thông tin toàn cầu, nó thổi thêm một luồng sinh khí cho một phần nhân loại đang bị bóp ngẹt thông tin dưới các chế độ độc tài chuyên chế…

Tôi xin được trao đổi với độc giả Đàn Chim Việt như một người bạn: Với tham vọng bá quyền của Trung cộng.. cục diện chính trị của khu vực và Thế giới sẽ thay đổi

Trong tương lai gần, Trung cộng sẽ tự chuyển biến sang một nhà nước Dân chủ hoặc sẽ bị tiêu diệt bởi chính tham vọng Bá quyền của mình.

Cộng sản VN cũng như bất cứ chế độ độc tài nào, dùng cường quyền để cai trị.. dùng sự sợ hải để giữ “ổn định” và đặc quyền đặc lợi để củng cố xây dựng lực lượng

Vì chính sách cường quyền cho nên mất lòng dân.. vì dùng lợi lộc để phát triển lực lượng nên tạo ra một tầng lớp cơ hội đông đảo và có uy lực, và cũng chính tầng lớp cơ hội này sẽ tiêu diệt chế độ cộng sản khi thời cơ đến.

Trung cộng sẽ sụp đổ vì chính sức nặng của nó, hoặc sẽ bị tiêu diệt vì ngày nay nó đã biến thành hiểm họa của cả Thế giới…Chế độ hiện nay đang nấp dưới chiếc ô dù của “sức mạnh Trung quốc”, đây là lý do vì sao những người CSVN không dám lên tiếng bảo vệ đất nước trước hành động ngang ngược của Trung cộng vì Trung cộng như một bảo đảm chính trị cho chế độ. Khi nào Trung cộng còn thì những người dân VN, những người CSVN, những người cơ hội vẫn có cảm tưởng rằng họ còn có cả một hệ thống vững chắc.. “khối XHCN”. Chính vì vậy mà Đảng CSVN không bao giờ dám động đến hoặc làm phương hại đến hình ảnh,biểu tượng cho sự sức mạnh và trường tồn của họ.

Một ngày không xa Trung cộng sẽ bị tiêu diệt vì là nguyên nhân của chiến tranh (hoặc sụp đổ bởi lý do nội tại) thì đảng CSVN sẽ bị cô lập, nhanh chóng bị nhân dân tẩy chay.. thành phần cơ hội sẽ khởi động một cuộc tắm máu, tiêu diệt đảng CSVN để mưu cầu một vị trí mới trong một xã hội mới.

Theo tôi thành phần cơ hội là một hiểm họa đối với đảng CS.. là một thứ vi trùng… khu trú trong cơ thể chế độ.

Ngày hôm nay những người CSVN đang tung ra những đòn chí tử hòng dập tắt phong tào dân chủ và những tổ chức xã hội dân sự. Họ đâu ngờ rằng làm như vậy cũng là dập tắt luôn cơ hội sống còn cho chính bản thân và gia đình mình. Vì chính những nhà dân chủ hôm nay đang bị đàn áp, bị cầm tù, và những hội đoàn dân sự đang bị truy bức sẽ là tiền đề, là những nhân tố quyết định để xây dựng một thể chế Dân chủ thực sự…văn minh và nhân bản. Chính chế độ Dân chủ văn minh và nhân bản sẽ bảo vệ những người cộng sản và gia đình họ khi họ mất hết quyền lực.

Thành phần cơ hội mà chế độ nuôi dưỡng hiện nay là một hiểm họa cho đất nước và cho chính những người cộng sản vì đối với bọn cơ hội, mục tiêu của họ là quyền lợi và quyền lực. Khi TC sụp đổ, CSVN mất chỗ dựa, mất thế lực hỗ trợ, thành phần cơ hội sẽ nhanh chóng “nhả khói quay đầu” và sẽ thẳng tay tiêu diệt những người cộng sản và gia đình họ để khẳng định mình là những người “chống cộng”, để mưu tìm một chỗ đứng mới trong một xã hội mới.

Đối với những người dân chủ, thành phần cơ hội vừa là “đồng minh cơ hội” khi thời cơ đến, vừa là một gánh nặng có khi là một hiểm họa…Vì khi chế độ CS sụp đổ, nguy cơ hình thành một chế độ độc tài khác là một thực tế. Đây là một bài toán, một thách thức đối với lực lượng và thể chế dân chủ trong tương lai.

Cách tốt nhất cho những người cộng sản hiện nay là chấm dứt ngay việc đàn áp, bắt bớ những nhà dân chủ và thôi ngay việc truy bức những tổ chức xã hội dân sự rồi “hạ cánh”… Nhưng đây là việc vô cùng khó đối với họ vì nhiều lý do, trong đó có sự đam mê quyền lực, bảo thủ, tham lam và thiển cận, sống trong ảo tưởng rằng “thế giới sẽ bình an…VN sẽ phát triển” và họ cùng con cháu họ tha hồ hưởng vinh hoa phú quý trên đầu trên cổ người dân cho đến khi…. quá muộn.

Chúng ta hi vọng trong hàng ngũ Đảng cộng sản còn những người có lương tâm, hoặc thức thời có tầm nhìn xa trông rộng sẽ chuyển hướng con tàu VN, nhưng thực lòng …hi vọng này khó thành hiện thực!?

Chúng ta không hề muốn cho bất cứ ai bị tổn thương, đổ máu nhưng những chính sách mù quáng của những người CS hiện nay tạo tiền đề cho điều đó.

Theo nhận định của người viết bài này, VN sẽ xảy ra 1 trong 2 kịch bản sau:

1. Như Nicolae Ceausescu ở Rumani

2. Như Saddam Hussein của Iraq.

Nếu những người cộng sản Việt nam cứ tiếp tục khư khư nắm giữ quyền lực và tiếp tục cách hành xử như hiện nay mà bất chấp ý nguyện của người dân và xu thế của thời đại.

© Đàn Chim Việt Online

Phần sau:

Nguồn: flick.com

Tôi vừa đọc bài “Chủ nghĩa Thực tiễn và trường hợp của Obama” của ông Nguyễn Gia Kiểng, và bài phản biện của tác giả Lê Nguyên Hồng. Với tấm lòng của một độc giả ĐCV, tôi xin góp một vài ý kiến.

1. Thưa ông Lê Nguyên Hồng, theo thiển ý của tôi thì ông NGK dùng chữ “Tổ quốc ăn năn” là thỏa đáng: Tổ quốc ở đây không còn là một khái niệm mà nó đã được nhân cách hóa, Tổ quốc đồng nghĩa với dân tộc, đồng bào rồi nên ông NGK dùng cụm từ “Tổ quốc ăn năn” là rất hay đấy chứ?

2. Ông NGK dùng từ “Chủ nghĩa thực tiễn” cũng không có gì là không thỏa đáng. Theo tôi “Chủ nghĩa” không nhất thiết phải hình thành từ một hệ thống lý luận.

Khi nào một quan điểm một lối sống, một lối tư duy và hành động của một cộng đồng đông đảo hay là chiến lược, chính sách của những nhà lãnh đạo xuyên suốt một giai đoạn lịch sử nào đó…thì nó mặc nhiên đã là một “chủ nghĩa” rồi. Tuy là một chủ nghĩa “bất thành văn” nhưng nó thật sự là một chủ nghĩa vì nó chi phối, định hướng cho cả một dân tộc, một cộng đồng to lớn, cho cả mấy thế hệ lãnh đạo!!.

Trong thực tiễn cuộc sống có những luật “bất thành văn” thì cũng có “chủ nghĩa” bất thành văn chứ? Đó cũng là việc bình thường thôi!

Ở VN hiện nay tồn tại một dư luận phổ biến như thế này về nước Mỹ (từ những người dân bình thường hoặc của những trí thức không Cộng sản).

Người Mỹ rất thực tế-thực tiến. Họ rất coi trọng quyền lợi và nhu cầu trước mắt đến nỗi họ sẵn sàng bỏ qua những giá trị căn bản của họ hoặc chỉ hô hào Tự do Dân chủ Nhân quyền một cách biểu kiến?!

Trong mối quan hệ “đối tác” giữa Trung cộng và Việt cộng chẳng hạn, những giá trị Tự do Dân chủ Nhân quyền là những giá trị mờ nhạt thứ yếu (Trong chuyến công du Bắc kinh khi mới nhậm chức, bà ngoại trưởng Hillary Clinton đã tuyên bố một cách tương tự như vậy trong mối quan hệ với Trung cộng). Và cách đây không lâu, khi TT Bush sang VN dự hội nghị APEC đã lờ đi không nhắc đến vấn đề Dân chủ, Nhân quyền với nhà cầm quyền CSVN cũng vì để mưu cầu một mối quan hệ kinh tế-chiến lược!

Có quá nhiều những thí dụ như vậy!

Nhìn lại lịch sử hiện đại, khi cổ máy chiến tranh của Trục Phát xít hùng hổ khắp thế giới Mỹ đã cuống cuồng lo đối phó: Họ liên minh với Liên Xô viện trợ ồ ạt cho Liên Xô để chống phát xít mà không thấy rằng Liên Xô là một hiểm họa cho nước Mỹ và thế giới Tự do trong tương lai và còn nguy hiểm hơn cả chủ nghĩa Phát xít… và điều đó đã xảy ra..

Khi Liên Xô và Đông Âu trở thành mối đe dọa đối với Mỹ và Phương Tây thì lại một lần nữa, Mỹ cuống cuồng tìm đồng minh để đối phó và họ đã hà hơi tiếp sức cho TC với ý đồ dùng TC đối trọng với Liên Xô mà không nhìn thấy rằng TC là một hiểm họa trong tương lai, còn nguy hiểm hơn cả Đông Âu và Liên Xô cộng lại.

Đúng là Mỹ “dưỡng hổ di họa”…

Còn tại VN Mỹ đã phạm một sai lầm chí tử: Đó là lật đổ TT Ngô Đình Diệm rồi ồ ạt đổ quân vào Miền Nam VN biến cuộc chiến tranh xâm lược của Miền Bắc cộng sản thành “cuộc chiến chính nghĩa” “chống Mỹ cứu nước”, đẩy Miền Nam vào hỗn loạn và sau đó rút quân và cắt hoàn toàn viện trợ..dẫn đến sự sụp đổ của một chế độ dân chủ non trẻ nhưng tiến bộ bậc nhất khu vực Đông Nam Á lúc bấy giờ.

Tất cả những việc đó làm cho rất nhiều người có cảm tưởng rằng Nước Mỹ và giới lãnh đạo không có tầm nhìn chiến lược. Họ chỉ lo giải quyết tình thế. Họ là một siêu cường duy nhất trên Thế giới nhưng họ không tạo nên thời cuộc mà chỉ chạy theo thời cuộc, bị thời cuộc kéo lê xềnh xệch.!!

Người ta thấy chính sách của nước Mỹ bị chi phối quá nhiều bởi những tập đoàn tài chính và công nghiệp, cộng với những hội đoàn gây áp lực…còn lý tưởng tự do, dân chủ thì không phải là giá trị chỉ đạo, giá trị nguyên tắc.!.

Trong tương lai không biết nước Mỹ “xử lý”mối quan hệ với TC như thế nào,chỉ thấy hai nước quá tùy thuộc lẫn nhau về kinh tế. Trong vấn đề này thì TC khôn ngoan hơn Mỹ rất nhiều, họ dùng quan hệ thương mại với Mỹ như một động lực để phát triển kinh tế và quân sự, vừa như một sự trói buộc Mỹ vào mối quan hệ nhùng nhằng.!!.

Nhìn nhận và đánh giá nước Mỹ như thế nào là quyền của mỗi người.

Riêng tôi,cho dù mối quan hệ “đối tác chiến lược” Mỹ-Trung có quan trọng với cả 2 như thế nào đi nữa thì với tham vọng không giới hạn của Trung cộng, mối quan hệ này sẽ đi vào bế tắc và xung đột là tất yếu. Mỹ vì quyền lợi sống còn của mình sẽ phải có đối sách và lựa chọn. Nhưng TC là một kẻ thù cực kỳ nguy hiểm, khôn ngoan và hùng mạnh, nếu nước Mỹ lần này không chiến thắng kẻ thù của mình thì sẽ bị kẻ thù hủy diệt, không hề có chổ cho sự thỏa hiệp, phân vân nhút nhát.

Và tôi cũng tin như đinh đóng cột rằng trước đây người Mỹ đã chiến thắng Phát xít Đức và Quân phiệt Nhật một cách vẻ vang, biến 2 kẻ thù của mình trong chiến tranh trở thành Đồng minh, giúp Mỹ cùng giữ gìn hòa bình Thế giới….Rồi trong cuộc đối đầu với Liên Xô, người Mỹ đã làm cho tên Đế quốc đỏ này kiệt sức, lâm vào khủng hoả ng toàn diện và sụp đổ…Lần này cũng vậy người Mỹ sẽ đánh cho TC một đòn chí mạng, xóa sổ một chế độ tàn độc nhất hành tinh. Và một lần nửa cả thế giới sẽ ngã nón thán phục, tri ân!

VN chúng ta là một nước nhỏ, lại bị VC và TC kìm hãm…chúng ta không thể tạo nên thời cuộc, nhưng chúng ta có thể lợi dụng thời cuộc để mưu tìm một tương lai Tự do, dân chủ, thịnh vượng cho đất nước và dân tộc VN….Tại sao chúng ta không lợi dụng cái thế “Tọa sơn quan Hổ đấu” để chuẩn bị cho tương lai con cháu chúng ta?! Điều này buộc lòng chúng ta phải hành xử một cách “thực tiễn” như người Mỹ vậỵ…Hơn lúc nào hết người Việt Dân chủ chúng ta cần phải đoàn kết hơn nữa!!

© Huỳnh Ngọc Tuấn

© Đàn Chim Việt Online

Bài liên quan:

“Chủ nghĩa thực tiễn” và trường hợp ông Nguyễn Gia Kiểng

Chủ nghĩa thực tiễn và trường hợp Obama

Bài trước:

Nhận định

4 Phản hồi cho “Nhận định [2]”

Việt Hoàng-LB Nga says:
29/03/2010 at 06:43

Một bài viết ngắn nhưng rất hay và đầy đủ, ông Huỳnh Ngọc Tuấn có một cái nhìn rất viễn kiến rằng Mỹ và TQ phải bắt buộc “so găng” trong một tương lai gần và Mỹ sẽ thắng như đã thắng phát xít Đức và Liên xô cũ. Người Mỹ quá thực tiễn nên họ phải giải quyết hậu họa.
Tôi thắc mắc một điều là ít nghe thấy nói về ông Huỳnh Ngọc Tuấn, rất mong ông viết bài nhiều hơn cho Đàn Chim Việt.
Rất mong ông chỉ giáo thêm cho những người Việt Nam yêu nước. Họ phải làm gì? Làm thế nào để đoàn kết được người Việt với nhau? Ông Đặng Văn Âu đã có những đề nghị rất hay về sự Hòa giải dân tộc nhưng vẫn chưa thống nhất được ý kiến giữa những người Việt với nhau. Chúng ta phải làm gì bây giờ?
Reply
Nguyễn Hữu Tâm says:
26/03/2010 at 19:42

Tôi rất đồng ý với t/g HNT . Nhưng tôi mong muốn chúng ta tích cực hơn là ( Toạ sơn quan hổ đấu)
Bằng cách be bờ ngăn cản hay ít nhất không cho sự tàn phá của 2 con hổ làm chúng ta thiệt hại hãy tìm cách đưa đấu trường ra biển . Nơi đó có lợi cho chúng ta hơn là nó xảy ra gần hoặc ngay trên đất nước chúng ta vì với phương châm con gì chết cũng giẫy nếu chúng ta có chuẩn bị thì sự thiệt hai sẽ giảm đi rất nhiều …..
Reply
Hung Cali says:
26/03/2010 at 14:13

Bai viet rat an tuong va thuyet phuc, toi hoan toan ddong y voi tac gia Huynh Ngoc Tuan. Qua nhieu bai viet toi nhan thay tac gia HNT rat co long voi que huong va dan toc Viet. Cam on tac gia va dien ddan DCV.
Reply
Thang Bui says:
26/03/2010 at 10:29

Ai ủng hộ Trung Quốc và nói ông Kiểng sai… thì xin mời di qua Trung Quốc ở và làm nguời TQ cho xong chuyện…
Còn tui ở Mỹ, tui thấy ông Kiểng nói hay, nói đúng… thậm chí còn quá hay, quá đúng… chỉ sợ là ngưòi đọc không có đủ trình độ để hiểu mà thôi… còn chuyện “phản biện” thì xin mời because no one can argue with the idiots!
Reply

Phản hồi

Mặt trái của "Đồng thuận Bắc Kinh"

Vũ Hoàng & Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA
2011-06-15
Khi biển Đông còn nổi sóng sau hai vụ khiêu khích và đụng độ của tầu hải giám Trung Quốc với tầu địa chất của Việt Nam thì hàng loạt các vụ biểu tình bạo động bùng nổ tại Hoa lục.


AFP photo

Cảnh sát tuần tra đường phố đã yên ắng hôm 15/6/2011, sau nhiều ngày bạo loạn ở Zengcheng- TQ. Cư dân của một thị trấn phía nam TQ đã mô tả những chiếc xe chìm trong biển lửa trong những ngày xung đột bạo lực trước đó.

Cảnh sát võ trang ra tay trấn áp những điểm nóng, từ khu tự trị Nội Mông của người Mông Cổ đến thành phố Phủ Châu ở Giang Tây, rồi thị xã Lợi Xuyên trong Châu Tự trị có tên là Ân Thi của các sắc tộc Thổ Gia và Miêu ở tỉnh Hồ Bắc.


Mới nhất là tại thành phố Triều Châu và thị xã Tăng Thành trong vùng phụ cận của Quảng Châu thuộc tỉnh Quảng Đông. Với thành quả kinh tế làm thế giới kinh ngạc, vì sao Trung Quốc lại gặp hỗn loạn tràn lan như vậy? Diễn đàn Kinh tế nêu câu hỏi với nhà tư vấn kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa trong phần trao đổi do Vũ Hoàng thực hiện.


Đồng thuận Bắc Kinh

Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nghĩa. Thưa ông, ta hãy tạm gác qua những biến động ngoài biển Đông Nam Á để nhìn vào nội địa Trung Quốc vì từ một tháng nay, nhiều vụ biểu tình đã dẫn tới bạo động liên tục ở nhiều địa điểm khác nhau của xứ này. Chúng ta cũng không quên là hôm 26 Tháng Năm, khi tầu hải giám Trung Quốc cắt dây cáp của tầu thăm dò địa chất Bình Minh 02 của Việt Nam thì thành phố Phủ Châu thuộc tỉnh Giang Tây bị gài chất nổ ở ba nơi một lúc, có thể là do một người dân bất mãn gây ra vì bị cướp đất. Và tuần qua, cảnh sát võ trang xuất hiện ở nhiều nơi của Trung Quốc để đàn áp. Câu đầu tiên xin hỏi ông là "vì sao như vậy?"


Nguyễn Xuân Nghĩa: Tôi nghĩ rằng đây chỉ là một mặt trái của hiện tượng gọi là "Đồng thuận Bắc Kinh" mà chúng ta cần tìm hiểu để tránh cho các xứ khác, kể cả Việt Nam, khỏi phạm vào những sai lầm về chính sách kinh tế khi học theo Trung Quốc!


Về nạn động loạn tại Trung Quốc, thế giới không được thông báo và có thống kê đầy đủ, nhưng qua những gì được chính các trung tâm nghiên cứu về xã hội của xứ này nêu ra thì năm 2006 đã xảy ra sáu vạn trường hợp biến động vì dân chúng nổi loạn; năm 2007 thì có 84.000 vụ, năm 2008 thì có 128.000 vụ và đầu năm nay, một giáo sư xã hội của Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh đưa ra con số là 180.000 cho năm 2010, với ước lượng đáng chú ý là đã cao gấp đôi năm 2006!


Do đó, ta có thể kết luận là động loạn xã hội đã tăng và ngoài các sắc tộc thiểu số có phản ứng mạnh ở Tân Cương, Tây Tạng hay Tứ Xuyên từ năm 2008, thì người dân mọi nơi cũng vì bất kỳ vấn đề nào bày tỏ thái độ một cách dữ dội, mà càng bị đàn áp thì họ lại càng nổi loạn.

Vũ Hoàng: Ông vừa nói đến hiện tượng gọi là "Đồng thuận Bắc Kinh" và cho rằng động loạn ở Trung Quốc là mặt trái của hiện tượng này. Thế "Đồng thuận Bắc Kinh" là cái gì?


Nguyễn Xuân Nghĩa: Số là năm 2004, một nhà báo Mỹ là Joshua Cooper Ramo nhanh nhẩu hệ thống hóa một chuỗi chính sách kinh tế của Trung Quốc thành một tập hợp có vẻ hợp lý rồi dán cho nhãn hiệu là "Đồng thuận Bắc Kinh". Tôi có đọc tập tài liệu này với sự thú vị vì có đầy giải thích khiên cưỡng. Nhưng dù sao thì tác phẩm cũng giúp tác giả trở thành nhân viên và Tổng thư ký của công ty vận động kinh doanh của Tiến sĩ Henry Kissinger gọi là Kissinger and Associates. Công ty vận động kinh doanh là loại "thầy cò", nói hoa mỹ là "du thuyết", là lobby, và ông Kissinger là tay du thuyết đắc lực cho việc kinh doanh tại Trung Quốc. Đó là một lẽ.


Về nội dung "Đồng thuận Bắc Kinh", mà tác giả thêu dệt thành một thứ học thuyết của Trung Quốc về phát triển sau khi gom góp một số phát biểu của lãnh đạo Bắc Kinh, ông ta nhấn mạnh đến ba hướng sáng tạo của Trung Quốc là: Thứ nhất, nhảy vọt vào công nghệ hiện đại để thâu ngắn thời gian chứ không tiến treo cấu trúc cổ điển dựa trên công nghệ lỗi thời, thí dụ như dùng cáp quang, sợi quang học, chứ khỏi cần kéo dây đồng. Thứ hai, không chú trọng đến loại chỉ dấu tổng hợp như đà tăng trưởng lợi tức một đầu người mà cố phát triển phẩm chất của cuộc sống, nôm na là chú ý đến phẩm hơn lượng. Thứ ba là phải phát huy sức tự chủ để tranh hùng với thiên hạ và không cho ai lấn lướt mình.


Bản thân tôi thì chẳng nhận ra chiến lược phát triển của Trung Quốc như vậy mà chỉ thấy là cả ba quan niệm chủ đạo ấy không thể hiện trong thực tế. Thứ nhất, Trung Quốc chỉ học lóm và đang chất kim loại đồng thành núi chứ nào có nhảy vọt vào công nghệ tiên tiến đâu. Thứ hai, Kế hoạch Năm năm thứ 12 vừa ban hành tháng 10 năm ngoái đã chuyển từ lượng sang phẩm vì chiến lược cũ có quá nhiều bất toàn và gây ra động loạn xã hội! Thứ ba, khái niệm phát triển tự chủ là nguồn gốc của hành động bá quyền ngang ngược hiện nay và sẽ gây vấn đề cho xứ này.


Đồng thuận Washington

Vũ Hoàng: Xin hỏi ông ngay một câu, ngày xưa, người ta nói đến "Đồng thuận Washington" như một mô thức phát triển các nước nghèo, nó có khác gì "Đồng thuận Bắc Kinh" không?



Công nhân xưởng quần jean tại Zengcheng-TQ hôm 15/6/2011, sau những ngày xung đột bạo lực khắp miền nam Trung Quốc. AFP photo Nguyễn Xuân Nghĩa: Câu hỏi rất hay và câu chuyện này hơi dài nên tôi xin cố gắng tóm lược.
Hơn 20 năm trước, khi các nền kinh tế thuộc loại đang phát triển bị vỡ nợ và khủng hoảng thì hai định chế tài chính quốc tế là Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF và Ngân hàng Thế giới phải nhảy vào cấp cứu. Các kinh tế gia thời ấy mới chủ trương một số biện pháp áp dụng khá khắc nghiệp để xây dựng nền móng phát triển bền vững. Vì hai tổ chức đó có trụ sở tại thủ đô Washington của Mỹ, từ năm 1989 người ta mới dùng chữ "Đồng thuận Washington". Sau này, khi ông Ramo dùng chữ "Đồng thuận Bắc Kinh" chính là trong tinh thần phản biện đầy hấp dẫn về quảng cáo.


Nói cho ngắn gọn thì khái niệm "Đồng thuận Washington" đề cao kỷ luật chi thu ngân sách, tự do về ngoại hối và thương mại, phát triển tư doanh, xây dựng pháp quyền nhà nước dựa trên quy tắc dân chủ, v.v... Sau khi Liên Xô tan rã năm 1991, một học giả Mỹ lạc quan nói đến "sự cáo chung của lịch sử" là khi kinh tế thị trường và chính trị dân chủ trở thành chân lý hoàn vũ mà xứ nào cũng sẽ noi theo. Sự lạc quan dẫn tới việc phổ biến quy tắc "Đồng thuận Washington" và chi phối đối sách quốc tế của Hoa Kỳ và các nước Tây phương.


Đó là đề cao và yểm trợ các nước nghèo cùng cải tổ theo kinh tế thị trường, quan tâm đến môi sinh và lao động, giải trừ nạn tham nhũng, xây dựng xã hội dân sự và nhất là phát huy dân chủ và nhân quyền, v.v... Họ viện trợ các nước cũng theo các tiêu chuẩn nói trên.

Vũ Hoàng: Nhưng mà nhìn như vậy thì hình như ta có thể thấy ra sự đối nghịch mặc nhiên hoặc ngấm ngầm giữa "Đồng thuận Washington" với "Đồng thuận Bắc Kinh", có phải vậy không?


Nguyễn Xuân Nghĩa: Thưa đúng như vậy, vì trong khi ấy, lãnh đạo Bắc Kinh lại chủ trương trái ngược về đối ngoại. Họ đầu tư và viện trợ rất nhiều cho các nước nghèo để đảm bảo nguồn cung cấp nguyên nhiên vật liệu và thế liên kết về an ninh, nhưng lại theo hướng khác. Thứ nhất là không xen lấn vào nội bộ hoặc nêu điều kiện về nhân quyền hay tham nhũng của các quốc gia thọ nhận. Thứ hai, tranh thủ hậu thuẫn của các xứ này về ngoại giao và an ninh chiến lược. Và thứ ba là phát huy tình liên đới giữa các nước đang phát triển với nhau thành một lực đối trọng với các nước công nghiệp hoá Tây phương.


Điều ly kỳ ở đây là vì tự xưng là một nước đang phát triển, Trung Quốc được Ngân hàng Thế giới viện trợ tổng cộng hơn 49 tỷ 600 triệu đô la tính đến ngày 13 Tháng Sáu vừa qua và thực hiện nhiều dự án gây lãng phí. Nhưng song song, Bắc Kinh có trong tay khối dự trữ ngoại tệ là 3.000 tỷ đô la để đòi có tiếng nói mạnh hơn trong Quỹ Tiền tệ Quốc tế, mà lại thực tế tung tiền cạnh tranh với hai định chế này để gây thế lực trong các nước nghèo theo hướng trái ngược. Đó là dung dưỡng ách độc tài và tham nhũng, hủy hoại môi sinh của thiên hạ, và lại còn ngấm ngầm mở ra trận tuyến chống các nước dân chủ công nghiệp hóa như Âu, Mỹ, Nhật.


Vũ Hoàng: Nhưng nếu như vậy thì phải chăng là các nước đang phát triển được đặt trước một sự chọn lựa là Tây phương hay Trung Quốc không?


Nguyễn Xuân Nghĩa: Quả thật là như thế, vụ khủng hoảng 2008 và nạn Tổng suy trầm 2008-2009 lẫn những khó khăn tràn ngập của khối kinh tế Âu-Mỹ-Nhật khiến cho khái niệm gọi là "Đồng thuận Washington" coi như bị phá sản. Người ta phê phán những yêu cầu cải cách của Quỹ Tiền tệ IMF và đòi hỏi minh bạch hoá của Ngân hàng Thế giới là phiền phức và lỗi thời, trong khi thấy là lề lối quản lý kinh tế thị trường bằng chính quyền độc tài theo kiểu Bắc Kinh lại có vẻ hữu hiệu hơn! Hậu quả thực tế thì đa số các nước đang phát triển tại Phi châu hay Mỹ châu La tinh ngày nay, nhất là các nước độc tài và tham nhũng lại tin tưởng Trung Quốc và con đường "Đồng thuận Bắc Kinh" hơn là tin vào Hoa Kỳ cùng giải pháp "Đồng thuận Washington"!


Riêng từ giác độ kinh tế chính trị học, tôi thiển nghĩ rằng mối nguy của Trung Quốc không xuất phát từ sức mạnh quân sự dù sao vẫn chỉ có trình độ hàng mã nếu thật sự đụng độ với các đại cường hải dương như Nhật Bản hay Hoa Kỳ. Mối nguy của Trung Quốc xuất phát từ tinh thần, từ chủ trương gieo rắc thói quen hung đồ bá đạo trên toàn cầu để cùng các chế độ độc tài tham nhũng xây vòng đai đối nghịch với các nước tự do và dân chủ. Đấy mới là trận đánh chiến lược!


Từ Bắc Kinh nhìn về VN

Vũ Hoàng: Trở lại vụ "Đồng thuận Bắc Kinh" và nội loạn Trung Quốc, người ta thấy là giải pháp phát triển kinh tế thị trường bằng chế độ độc tài theo kiểu chủ nghĩa tư bản nhà nước vẫn gây ra bất công và bạo động chứ có gì là hài hòa đâu?



Sơ đồ vùng biển đảo đang tranh chấp ở Biển Đông. Việt Nam tập trận bắn đạn thật hôm 13/6/2011. AFP photo Nguyễn Xuân Nghĩa: Hiển nhiên là như vậy thưa ông. Những từ ngữ như "tổng hợp quốc lực", "xã hội hài hòa" hay "quật khởi hòa bình" đều là ngôn từ hoa mỹ của Trung Quốc cho cái thuật trong bá ngoài vương của lãnh đạo Bắc Kinh. Họ cứ nói chữ vương đạo văn minh nhân nghĩa mà thực chất thì toàn dùng trò bá đạo với người dân bên trong và với cả thế giới chung quanh.


Ngày nay, chiến lược phát triển kinh tế của Trung Quốc đã dẫn tới thực tế là gây bất công và bất mãn nên động loạn đang xảy ra, trong khi tai họa về môi sinh thì đã cận kề và sẽ bùng lên bất cứ lúc nào. Bây giờ, việc chế độ phải dàn trận với dân chúng là mặt nổi khó che giấu. Chính là những khó khăn ấy mới khiến họ quậy sóng Đông hải để khích động chủ nghĩa Đại Hán như một thứ nha phiến cho thần dân lầm than bên trong. Nghĩa là ta thấy ra một lúc hai mặt của một đồng tiền và cái gọi là "Đồng thuận Bắc Kinh" chỉ là trò quảng cáo giả trá mà thôi!


Vũ Hoàng: Câu hỏi cuối, thưa ông, trong hoàn cảnh đó, Việt Nam có những chọn lựa gì?


Nguyễn Xuân Nghĩa: Tôi đoán là ông muốn hỏi rằng lãnh đạo Hà Nội có những chọn lựa gì, chứ người dân không có quyền chọn lựa, trừ một việc là đi biểu tình và có khi lại bị đàn áp về tội yêu nước! Lãnh đạo hai bên đều có vẻ khai thác chủ nghĩa dân tộc cho ý đồ riêng chứ đều không chấp nhận dân chủ và nhân quyền bên trong thì làm sao người dân được quyền chọn lựa?


Còn nếu lạc quan cho rằng lãnh đạo Việt Nam muốn thoát ra khỏi "trật tự Trung Quốc", tức là quỹ đạo áp chế của Bắc Kinh, thì họ nên từ bỏ lề lối quản lý kinh tế kiểu "Đồng thuận Bắc Kinh" vì những nhược điểm đã mười mươi của lề lối này, như bất công xã hội, sự thống trị đầy lãng phí của các tập đoàn kinh tế nhà nước, là nạn tham nhũng được định chế hoá trong một môi trường sinh sống đầy ô nhiễm. Một cách cụ thể về đối ngoại, Việt Nam khỏi cần rút súng ra hăm dọa ai mà chỉ cần chứng tỏ là mình không ngả theo giải pháp của Bắc Kinh với người dân chủ mình. Cụ thể là thực tâm phát huy dân chủ để xây dựng kinh tế thị trường đích thực cho dân được hưởng.

“Lãnh đạo Việt Nam muốn thoát ra khỏi "trật tự Trung Quốc", tức là quỹ đạo áp chế của Bắc Kinh, thì họ nên từ bỏ lề lối quản lý kinh tế kiểu "Đồng thuận Bắc Kinh" vì những nhược điểm đã mười mươi của lề lối này.


Ô. Nguyễn Xuân Nghĩa

Các nước trong khu vực đều không muốn có xung đột võ trang ngoài Đông hải và đang thẩm xét thực tâm của Việt Nam là có muốn độc lập với Trung Quốc không, hay chỉ là một đồng chí đồng hành đã có những thoả thuận ngầm với Bắc Kinh. Một cách bày tỏ thực tâm trước tiên chính là từ bỏ thói quản lý hung đồ được mạ vàng thành "Đồng thuận Bắc Kinh". Nếu giải phóng người dân khỏi chế độ quản lý ác độc ấy thì Việt Nam huy động được sức mạnh của dân tộc và dễ liên kết với các quốc gia dân chủ trong trường kỳ để bảo vệ quyền lợi của mình. Chứ chẳng ai muốn giúp một chế độ độc tài bất tín chống một cường quốc độc tài bá quyền. Nhìn về dài thì đó là sự chọn lựa giữa "Đồng thuận Bắc Kinh" và "đồng thuận toàn dân", nó khác nhau rất xa!


Vũ Hoàng: Xin cảm tạ ông Nghĩa đã dành cho cuộc phỏng vấn này.



Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.

In bản tin này Email bản tin này

Ý kiến của Bạn
Click here to add your own comment

Xem tất cả ý kiến.

Trung Cộng sửa soạn dư luận để xua quân đánh Việt Nam

(Vũ Cao Đàm dịch)
Đăng bởi Trọng Khiêm
Thứ tư, 15 Tháng 6 2011 22:56
“...Việt Nam có lực lượng quân sự lớn nhất Đông Nam Á. Hơn nữa lại đang tăng cường phát triển lực lượng hải quân, không quân để đối đầu với ta. Quân đội của ta có thể phát động cuộc chiến Nam Sa, cho dù quân đội Việt Nam đã có chuẩn bị...”



Sau đây là nội dung bài báo Tàu đã được dịch :

Quần đảo Nam Sa (Việt Nam gọi là Trường Sa) vốn dĩ là chuỗi ngọc trai lấp lánh của đất mẹ Trung Hoa, nhưng lại bị nhiều kẻ trộm cắp, muốn chiếm đoạt, giành giật, việc này chỉ làm phân tán đi ánh hào quang của chuỗi ngọc trai mà thôi. Trong số các đảo bị các nước chiếm đoạt, bọn Việt Nam kiêu ngạo, vong ơn bội nghĩa đã ráo riết chiếm đóng quần đảo với số lượng nhiều nhất.

Nghĩ lại mà xem, Việt Nam vốn xưa là phiên thuộc của nước ta. Năm 1885, theo Thỏa ước Pháp – Thanh, Việt Nam đã bị nhượng lại cho Pháp, dần trở thành thuộc địa của Pháp. Sau hai cuộc chiến tranh, Trung Quốc đã giúp Việt Nam đánh đuổi thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, hai miền Nam Bắc đã được thống nhất. Nhưng thật không ngờ bọn Việt Nam không những không biết ơn Trung Quốc, mà trái lại đã lấy oán báo ân, tự vỗ ngực xem mình là nước có tiềm lực quân sự lớn thứ ba thế giới, liên tiếp khiêu khích Trung Quốc. Mặc dù qua hai bài học, là cuộc chiến tranh biên giới Trung – Vi ệt và chiến tranh Bãi đá ngầm, nhưng Việt Nam vẫn không nhận ra được bài học, càng ra sức chiếm đoạt nhiều đảo hơn.

Do bọn Việt Nam bắt tay thực hiện khai thác đảo sớm nên điều kiện chiếm cứ thuận lợi hơn, hơn nữa lại có nguồn nước ngọt nên bọn chúng có thể thi công trên đảo, xây dựng sân bay, kiến tạo hạ tầng kỹ thuật thông tin di động, di dân ra đảo, tổ chức du lịch quốc tế, thiết lập phân chia ranh giới khu hành chính cấp huyện hòng vĩnh cửu hóa, thực tế hóa, quốc tế hóa, hợp pháp hóa hành vi bá chiếm. Tiếp đó các nước khác cũng lần lượt theo đuôi Việt Nam, như Philipin, Malaysia, Indonesia, Bruney… xâu xé vùng biển Nam Sa của Trung Quốc, xây dựng căn cứ quân sự hoặc khoan dầu mỏ. Tất cả bọn chúng đều không coi Trung Quốc ra gì.

Các nước xung quanh xâm chiếm quần đảo Nam Sa đúng vào thời kỳ đất nước Trung Quốc chúng ta tiến hành cải cách mở cửa, thực hiện chiến lược đối ngoại hòa bình, tập trung xây dựng kinh tế trong nước, duy trì hòa bình phát triển với bên ngoài. Cùng là những nước đang phát triển đáng ra Việt Nam và các nước lân cận phải có thiện ý giải quyết hài hòa những tranh chấp. Đất nước chúng ta đề xướng ra mục tiêu “gác lại chiến tranh, cùng nhau phát triển”. Tuy nhiên, 30 năm qua, lòng tốt của chúng ta lại không hề được báo đáp, mà trái lại các nước còn không ngừng tăng cường lấn chiếm khu vực biển của nước ta, ngang nhiên chiếm lãnh hải, lãnh thổ nước ta. Không khó khăn lắm, chúng ta cũng có thể nhận ra rằng, lòng tốt của chúng ta không được báo đáp tử tế; danh dự, lãnh thổ và lãnh hải quốc gia nếu chỉ dựa vào giao thiệp hòa bình thì khó mà giữ gìn, bảo vệ được. Ủy ban thềm lục địa của Liên Hiệp Quốc quy định, 12/5/2009 là kỳ hạn cuối cùng cho các quốc gia có liên quan phải hoàn thành việc gửi những bản giải trình các luận cứ khoa học về chủ quyền thềm lục địa và khu kinh tế đặc quyền. Tình hình phát triển còn làm phức tạp hóa vấn đề, sự xoay chuyển của thời gian sẽ làm cho chúng ta càng thêm bất lợi, nếu cứ tiếp tục kéo dài sự khoan dung của chúng ta thì kẻ khác sẽ cho rằng chúng ta đã chấp nhận, bằng lòng với việc đó. Vì thế, biện pháp có hiệu quả là phải dùng lực lượng quân sự chiếm đoạt lại Nam Sa, và phải đưa việc này vào chương trình nghị sự.

Chúng ta phải thấy một thực tế rằng, mức độ xâm phạm của các nước có liên quan đối với lợi ích của nước ta là khác nhau, do điều kiện môi trường và địa vị quốc tế khác nhau nên sẽ có những phản ứng khác nhau đối với hoạt động quân sự của nước ta, vì vậy mà chúng ta cần phải có những cách đối xử khác nhau, giải quyết tốt những mâu thuẫn chủ yếu, thúc đẩy giải quyết những mâu thuẫn thứ yếu. Không còn nghi ngờ gì nữa, mục tiêu tấn công chủ yếu của chúng ta phải là Việt Nam.

Chúng ta có đầy đủ lý do để tấn công Việt Nam, Việt Nam cũng có đầy đủ điều kiện để trở thành vật tế của trận chiến thu hồi Nam Sa :

1. Việt Nam xâm chiếm nhiều đảo nhất, có nguy hại lớn nhất, hơn nữa có thái độ kiêu ngạo nhất, ảnh hưởng xấu nhất. Trước tiên ta thu hồi lại những đảo mà Việt Nam chiếm đóng là có thể thu hồi lại hầu hết các đảo bị chiếm, khống chế được toàn bộ. Lấy gương xua đuổi thành công quân Việt Nam để răn đe các nước khác buộc chúng phải tự mình rút lui.

2. Trước đây, Việt Nam đã nhất nhất thừa nhận Tây Sa và Nam Sa thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Những bài phát biểu của các quan chức, bản đồ quân sự, tài liệu địa lý đều là những bằng chứng xác thực, cho đến sau khi thống nhất đất nước thì Việt Nam có những thái độ bất thường, có yêu cầu về lãnh thổ lãnh hải đối với Tây Sa và Nam Sa. Việt Nam ngấm ngầm thọc lưng Trung Quốc, tiền hậu bất nhất, đã làm mất đi cái đạo nghĩa cơ bản, khiến quân đội của chúng ta phải ra tay, với lý do đó để lấy lại những vùng biển đảo đã mất.

3. Việt Nam có lực lượng quân sự lớn nhất Đông Nam Á. Hơn nữa lại đang tăng cường phát triển lực lượng hải quân, không quân để đối đầu với ta. Quân đội của ta có thể phát động cuộc chiến Nam Sa, cho dù quân đội Việt Nam đã có chuẩn bị. Với chiến thắng trong cuộc chiến này, hoàn toàn có thể làm cho các nước khác thua chạy, không đánh mà lui. Đây là cách để loại trừ Việt Nam, làm cho Việt Nam ngày càng lụn bại.

4. Hai nước Trung – Vi ệt xích mích đã lâu, đã từng nảy sinh tranh chấp lãnh thổ và lãnh hải, lần này lại xảy ra xung đột quân sự. Đây là điều mà thế giới đã dự đoán và đã sớm nghe quen tai với việc này, chắc chắn phản ứng sẽ nhẹ nhàng hơn. Trái lại, nếu tấn công vào các nước như Philipin thì phản ứng quốc tế nhất định sẽ rất mạnh mẽ.

5. Các nước khác tuy cùng trong khối ASEAN nhưng chế độ xã hội và ý thức hệ khác với Việt Nam, các nước khác lại ủng hộ Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, thời gian đó đã sinh ra những khúc mắc. Là liên minh ASEAN, khi chúng ta phát động chiến tranh thu hồi lại Nam Sa ắt sẽ gặp phải sự phản đối của ASEAN, nhưng hậu quả của cuộc tấn công Việt Nam sẽ tương đối nhỏ, vì Việt Nam đã từng có ý đồ thiết lập bá chủ khu vực, việc này đã làm cho các nước láng giềng có tinh thần cảnh giác, việc làm suy yếu lực lượng quân sự của Việt Nam cũng là điều tốt cho các nước ASEAN.

6. Tình hình quốc tế gần đây có lợi cho việc giải quyết vấn đề Nam Sa. Quan hệ Trung – M ỹ ; Trung – Nga đang ở thời kỳ tốt nhất, không phải vì thế mà dẫn đến sự đối đầu về quân sự giữa các nước lớn. Quân đội Mỹ đang sa lầy vào chiến trường Afganistan, Iraq và vẫn phải chuẩn bị ứng phó với chiến tranh có thể xảy ra với Iran, chưa rảnh tay để quan tâm tới chiến sự Nam Sa. Hơn nữa tranh chấp đảo giữa Nhật Bản và Hàn Quốc, tranh chấp giữa Campuchia và Thái lan đều sẽ làm phân tán sự chú ý của cộng đồng quốc tế.

7. Quần đảo Nam Sa là một vị trí chiến lược không thể thiếu của Trung Quốc trên trận tuyến kéo dài từ Trung Đông đến Viễn Đông, tuy eo biển Malacca là con đường yết hầu nhưng quần đảo Nam Sa không phải là không có vị trí chiến lược. Có được Nam Sa sẽ uy hiếp được Malacca, yểm trợ các đường ống dẫn dầu, Nam Sa là một trong những vùng hiểm yếu, Trung Quốc quyết không ngần ngại chiến đấu để thu hồi Nam Sa.

8. Lấy chiến tranh để luyện tập quân đội, lấy việc thực hiện chiến tranh để kiểm nghiệm và nâng cao năng lực chiến đấu của quân ta, tình hình phát triển của hai bờ Đài Loan – Hải Nam có thể đảm bảo để hai bên bờ sẽ không xảy ra chiến tranh trong tương lai gần, giải quyết triệt để vấn đề Nam Hải, trong khi thực hiện chiến tranh trên biển phải khảo sát những thiếu sót của hải quân, không quân của Trung Quốc để kịp thời nhận diện những khiếm khuyết, cải thiện, nâng cấp, nhằm phát triển càng nhanh càng tốt lực lượng hải quân không quân của ta, để chứng tỏ rằng quân đội ta là lực lượng quân đội theo mô hình mới, có kinh nghiệm chiến đấu hiện đại, chuẩn bị sẵn sàng cho chiến sự Đài Loan – Hải Nam hoặc để đối phó với những thách thức khác có thể phát sinh. Lực lượng hải quân, không quân của Việt Nam không thể xem là quá mạnh cũng không thể xem là quá yếu, chúng phù hợp với việc luyện tập quân đội của ta.

9. Việc thiết lập hợp tác quân đội với Đài Loan có thể còn nhiều khó khăn, sự bất đồng giữa hai bờ Đài Loan – Hải Nam có thể tồn tại, nhưng việc thu hồi Nam Sa thì hai bên lại có chung một lập trường. Mặc dù không thể mời quân đội Đài Loan cùng tham chiến, nhưng trước và sau trận chiến đều cùng nhau tiến hành các hoạt động như : cung cấp nguyên vật liệu, thiết bị bảo trì, nhân viên xử lý, máy bay, tàu chiến do nhu cầu cần thiết hạ cánh hoặc cập bến trong chiến tranh, chắc chắn rằng sự phối hợp hai quân đội sẽ góp phần vào đoàn kết, thống nhất quốc gia.

10. Việt Nam là bọn tham lam, kiêu ngạo, vô lễ, tuyệt đối không thể thông qua đàm phán để chiếm lại quần đảo Nam Sa, không chiến đấu thì không thể thu hồi lại biên cương quốc thổ. Như vậy, cuộc chiến Nam Sa là không thể tránh khỏi, đánh muộn không bằng đánh sớm, bị động ứng phó không bằng chủ động tấn công.




Vẫn còn rất nhiều lý do nhưng không tiện để nêu ra cụ thể từng lý do được.

Mặc dù nói chúng ta đánh Việt Nam như đánh bạc nhưng việc thu hồi Nam Sa quả thực không phải chuyện nhỏ. Hải quân và không quân Việt Nam cũng đang dần hiện đại hóa cho nên ta quyết không đánh giá thấp đối phương, bắt buộc phải làm tốt công tác chuẩn bị, không đánh thì thôi, đã đánh là phải thắng nhanh. Trong khi bàn việc lấy lại Nam Sa vấn đề không phải là xét xem có thể thành công hay không mà phải xét xem thắng lợi có triệt để hay không, những tổn thất, rủi ro có phải là nhỏ nhất hay không và kết quả cuối cùng có phải là tốt đẹp nhất không… Vì thế cần phải xác định 4 mục tiêu rõ ràng. Đó phải là, xuất một đường quyền đẹp mắt về chính trị, quân sự, kinh tế, ngoại giao.

Trên lĩnh vực quân sự, đáng tiếc rằng Việt Nam đã làm những việc gây phản ứng mãnh liệt như xâm chiếm nhiều đảo mới, giam giữ ngư dân và tàu đánh cá Trung Quốc. Ta tuyên bố rằng lãnh thổ lãnh hải nước ta không dễ dàng xâm chiếm, bắt buộc Việt Nam trả lại những đảo đã xâm chiếm, nhanh chóng hoàn thành việc triển khai quân sự tại Nam Hải. Nếu quân đội Việt Nam không chịu thì Trung Quốc sẽ tiến hành tấn công xua đuổi, kẻ nào dám phản kháng ta kiên quyết diệt trừ, nếu tăng viện trợ máy bay tàu chiến cho Việt Nam thì sẽ bắn hạ, bắn chìm hết. Quân đội Việt Nam đã trang bị một số lượng nhất định máy bay, tàu chiến và tên lửa tiên tiến do Nga sản xuất. Quân đội của ta sẽ huy động tiềm lực hải quân, không quân để phong tỏa những căn cứ hải quân, không quân của chúng. Quân đoàn pháo binh thứ hai cần làm tốt việc che giấu những cứ điểm chiến lược hiểm yếu, không quân và chiến hạm cần làm tốt công tác dự báo; cung cấp nhiên liệu cho kế hoạch tấn công lâu dài ở căn cứ phía Nam. Lực lượng trên mặt đất phải luôn luôn sẵn sàng ứng phó với các cuộc tấn công quấy nhiễu của quân đội Việt Nam ở khu vực biên giới bất kỳ lúc nào; phải thực hiện phá hủy các căn cứ hải quân không quân ở miền Bắc. Tóm lại, ta sẽ lấy việc tấn công Việt Nam như là cuộc diễn tập để giải phóng Đài Loan, một khi tình hình đã lan rộng thì sẽ triệt để phá hủy lực lượng hải quân, không quân Việt Nam.

Trên lĩnh vực chính trị, vạch trần việc các nước như Việt Nam xâm chiếm lãnh thổ, lãnh hải nước ta, nhắc lại rằng nước ta muốn duy trì phương châm hòa bình, nhưng chúng ta không thể hòa bình với những kẻ xâm hại đất nước ta. Cho dù xảy ra rồi thì chúng ta không mong nhìn thấy xung đột quân sự. Trung Quốc hy vọng rằng các bên liên quan nên ngồi lại tiến hành đàm phán hòa bình để nhanh chóng kết thúc chiến tranh. Nếu các nước như Việt Nam chịu khuất phục trước sức ép quân sự to lớn của nước ta thì nước ta sẽ không sử dụng biện pháp vũ lực nữa, sẽ mở rộng tiếng nói quốc tế của nước ta.

Trên lĩnh vực ngoại giao, một khi chiến sự xảy ra, cộng đồng thế giới chắc chắn sẽ đưa ra bốn chữ “phê phán, phản đối”. Chúng ta cần nhanh chóng tranh thủ sự thông cảm của Mỹ, Nga, Liên minh Châu Âu, nhiệm vụ quan trọng nhất của hoạt động ngoại giao là nắm được mục tiêu của các nước ASEAN, cố gắng bình tĩnh trước sự phẫn nộ và hoảng hốt của họ, khiến họ tin tưởng rằng Trung Quốc vô cùng coi trọng quan hệ với ASEAN, tuyệt đối không làm tổn hại đến lợi ích của các quốc gia ASEAN ngoại trừ Việt Nam, Trung Quốc sẽ làm cho mức độ phản ứng của họ giảm xuống mức tối thiểu.

Trên lĩnh vực kinh tế, để chung sống hòa bình cần thực hiên chiến lược “Dùng đất đai đổi lấy hòa bình”. Để hòa bình phát triển thì cần thực hiện chiến lược “Dùng tiền bạc đổi lấy đất đai”. Đối với quần đảo Nam Sa thì lại phải thực hiện phương châm “chủ quyền thuộc về tôi, cùng nhau phát triển, thỏa hiệp hòa bình, chia sẻ lợi ích” thiết lập một số khu vực cùng phát triển ở giáp giới các nước ASEAN gần quần đảo Nam Sa. Lấy nước ta làm chủ, lần lượt cùng hợp tác phát triển với Philipin, Malaysia, Bruney... giúp các đối tác cùng có lợi. Mục đích của các nước này muốn chiếm đảo là vì muốn đạt được lợi nhuận dầu mỏ, giúp cho họ kiếm được tiền mà họ muốn, làm cho nó dễ dàng đồng ý chủ quyền Trung Quốc. Nếu Việt Nam đồng ý với chính sách này thì có thể cũng nhận được một phần nào đó.

Với ý đồ lấy phương thức hòa bình để giải quyết tranh chấp Nam Sa thì kết quả cuối cùng Nam Sa quần đảo ắt bị chia cắt. Tất cả những đảo bị chiếm giữ là do ban đầu lực lượng quân đội của nước ta không đủ, khi có đủ năng lực thì không cần phải do dự mà không quyết định, việc sử dụng vũ lực chắc chắn sẽ dẫn đến có sự phản đối. Cùng năm đó, Anh ra sức tranh đoạt đảo Falklands cũng đã bị lên án chỉ trích nhiều, nhưng khi đảo Falklands đã nằm trong tay nước Anh, ai đã có thể làm gì họ. Nếu Việt Nam nguyện làm đầu têu thì phải đánh cho chúng không kịp trở tay.

Hãy giết chết bọn giặc Việt Nam để làm vật tế cờ cho trận chiến Nam Sa.

Gs. Vũ Cao Đàm dịch theo nguyên bản tiếng Tàu trên điện báo “Trung quốc Binh khí Đại toàn”


Ghi là bài mến chuộng Đánh đấu ghi nhớ Gởi bài này qua điện thư Lần đọc: 124Lời bình (0)
Ghi danh để nhận phản hồi bài này Viết lời bình
Bạn phải đăng nhập để viết lời bình. Nếu bạn chưa có trương mục, xin bạn ghi danh.

Thứ Hai, 13 tháng 6, 2011

Mỹ tính gì ở Biển Ðông?

Submitted by Lê Quốc Tuấn on Sun, 06/12/2011 - 06:14

Ngô Nhân Dụng

Một vị độc giả Nhật báo Người Việt viết thư nêu ý kiến rằng nước Mỹ sẽ chẳng đời nào để tâm đến những tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc; lý do là vì Mỹ đã “nhường Việt Nam cho Trung Cộng” từ khi ông Nixon đi Tầu năm 1972 rồi. Vị độc giả nêu thêm một bằng cớ: Năm 1974 quân Trung Cộng tấn công chiếm quần đảo Hoàng Sa; trong khi Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa bị tàn sát thì Hạm Ðội Thứ Bẩy của Mỹ đứng ngoài không can thiệp mặc dù lúc đó nước Mỹ vẫn là đồng minh. Không những thế, khi tầu Việt Nam bị đánh chìm các sĩ quan đã điện xin chiến hạm Mỹ đến vớt các thủy thủ lênh đênh trên mặt biển, họ hoàn toàn bất động.

Ai cũng phải tức giận trước thái độ làm ngơ vô tình của Hạm Ðội Thứ Bẩy của Mỹ khi không cho tầu đi cứu vớt các chiến sĩ Hải Quân Việt Nam. Không biết họ có lý do kỹ thuật nào để từ chối hay không; nhưng thái độ đó không thể nào tha thứ được.

Nhưng về mặt chính trị thì chúng ta hiểu tại sao chính phủ Mỹ quyết định đứng ngoài không can thiệp vào vụ Hoàng Sa năm 1974. Về mặt ngoại giao cũng như trên mặt chiến lược, nước Mỹ không thấy lý do nào đủ mạnh để can thiệp vào vụ Hoàng Sa.

Lúc đó chính phủ Nixon đã quyết định rút khỏi Việt Nam rồi. Năm 1968, trong khi đang tranh cử tổng thống, ông Richard Nixon đã cho cố vấn Henri Kissinger đến gặp riêng đại sứ Nga tại Washington, yêu cầu chính phủ Nga đừng làm gì ảnh hưởng tới cuộc bầu cử năm đó. Ông Kissinger nói với Ðại Sứ Dobrynin rằng ông Nixon chắc chắn sẽ rút quân Mỹ khỏi Việt Nam. Và ông nhấn mạnh: Sau đó chế độ chính trị ở miền Nam Việt Nam ra sao, Mỹ cũng không quan tâm, “dù đó là một chế độ cộng sản.” Ðại Sứ Anatoliy F. Dobrynin đã nhắc đến những lời Kissinger cam kết như vậy 2 lần trong cuốn hồi ký của ông ta in năm 1995; ông kể đủ chuyện về 24 năm làm đại sứ, qua sáu đời tổng thống Mỹ từ 1962 đến 1986 (ông mới qua đời năm 2010).

Năm 1974, sau khi Kissinger đã ký hiệp định Paris để rút quân, chính phủ Mỹ coi những tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Cộng không dính líu đến họ. Vào năm 1974, chính phủ Mỹ có thể đã nhìn trước thấy trước sau miền Nam sẽ bị cộng sản chiếm. Họ không thể vì bênh vực một quốc gia sắp rơi hoàn toàn vào tay một chính quyền cộng sản mà đi gây thêm rắc rối với Trung Quốc, một nước mà họ đang ve vãn để cùng hợp tác chống Nga Xô!

Từ thời gian đó cho tới gần đây, nước Mỹ vẫn giữ thái độ đứng ngoài mọi tranh chấp giữa hai nước cộng sản Việt Nam và Trung Quốc. Vùng Biển Ðông là địa bàn tranh chấp giữa hai nước cộng sản đó, nước Mỹ không dính vào, trừ khi có chuyện nào liên hệ tới quyền lợi của các nước Ðông Nam Á và các nước đồng minh của Mỹ như Ðài Loan, Nhật Bản hoặc Nam Hàn. Ngay cả sau khi chính phủ Mỹ đã mở bang giao với cộng sản Việt Nam, các vị tổng thống Mỹ như Clinton, Bush, đã đến thăm Việt Nam và giúp Việt Nam vào tổ chức Thương Mại Thế Giới, chính phủ Mỹ luôn công khai đứng ngoài trước các tranh chấp giữa Bắc Kinh và Hà Nội.

Nhưng trong tuần qua, có những dấu hiệu cho thấy chính sách của Mỹ đang thay đổi, qua các hành động và lời tuyên bố của ông bộ trưởng quốc phòng Mỹ. Ông Robert Gates đã nhân cuộc họp mặt ở Singapore về các vấn đề an ninh khu vực để gặp riêng bộ trưởng quốc phòng của chính quyền Cộng Sản Việt Nam. Hành động này có thể chỉ được coi là một cử chỉ xã giao bình thường nếu không có những lời tuyên bố của ông Gates, rõ ràng nhắm vào Trung Quốc.

Ông Gates nói thẳng đến vùng Biển Ðông (thường gọi là Nam Hải của Trung Quốc). Ông nhấn mạnh rằng Biển Ðông là một vùng đang căng thẳng. Nước Mỹ tỏ ra không phải chỉ quan tâm đến phía Ðông Bắc Á Châu, nơi Bắc Hàn đang gây hấn, mà vẫn ngó về phía Nam. Nhưng ông Gates nói rõ: “Biển Ðông không phải chỉ là mối lo của các nước chung quanh,” mà còn đáng quan tâm đối với “các nước có quyền lợi kinh tế liên can” đến vùng này. Không nói ai cũng hiểu: Nước Mỹ nằm trong các quốc gia có quyền lợi kinh tế trong vùng này. Nước Mỹ phải có mặt trong vùng Biển Ðông để bảo vệ các quyền lợi đó.

Ông Gates nhắc lại chính sách của Mỹ là “ổn định, bảo đảm quyền tự do đi lại và quyền phát triển kinh tế của các nước trong vùng Biển Ðông không bị ngăn cản.” Ðó chỉ là những nguyên tắc chung chung, không đủ để khiến cho Trung Quốc coi là có thái độ khiêu khích họ. Hai điều ai cũng có thể nói và ai cũng đồng ý: Cần ổn định và tự do sử dụng đường biển nối liền vùng Ðông và Nam Á Châu với Âu Châu và thế giới dầu lửa Á Rập.

Nhưng có một điều mới mẻ: Ðây là lần đầu tiên một vị bộ trưởng quốc phòng Mỹ nhấn mạnh thêm đến “quyền phát triển kinh tế không bị ngăn cản” của các quốc gia trong vùng Biển Ðông. Và ông ta nói trong một hội nghị về an ninh trong vùng.

Tại sao nhắc đến quyền lợi kinh tế? Vì, cũng trong câu chuyện ngày Thứ Bẩy vừa qua, ông Robert Gates nhắc đến chính sách Mỹ là phản đối tất cả mọi hăm dọa đối với các công ty năng lượng dầu khí của Mỹ hay của bất cứ nước nào khác, đang hoạt động trong khu vực này. Ðiều này rõ ràng không thể nào hiểu lầm được: Ông Gates ám chỉ việc Trung Cộng ngăn cấm các công ty Mỹ dò tìm dầu khí ở trong vùng biển mà Việt Nam coi là thuộc hải phận của mình.

Năm 2007, Bắc Kinh đã làm áp lực đối với công ty British Petrolium Anh Quốc, buộc họ ngưng hợp đồng khai thác dầu khí với Việt Nam. Năm 2008, công ty Mỹ Exxon Mobil cũng phải rút lui không tìm mỏ dầu ở thềm lục địa Việt Nam nữa. Chính quyền Cộng Sản Việt Nam hoàn toàn bó tay và kín miệng trước các hành động áp bức đó. Các công ty dầu khí quốc tế thì phải tự lo quyền lợi kinh tế của chính họ: Nếu không nghe lệnh Bắc Kinh, họ sẽ mất các hợp đồng với Trung Quốc, là một thị trường nhiều triển vọng tốt hơn gấp bội. Nhưng chính phủ Mỹ không thể làm ngơ, vì họ chịu trách nhiệm với Quốc Hội Mỹ, nơi các công ty dầu lửa không ngừng vận động hành lang. Năm ngoái, nhân viên Bộ Ngoại Giao Mỹ đã bị các đại biểu Quốc Hội chất vấn về hiện tượng Trung Cộng ngăn cản các công ty Mỹ khi khai thác trong vùng Biển Ðông của Việt Nam.

Bây giờ, chính một vị bộ trưởng quốc phòng Mỹ đã đề cập tới vấn đề này, tại một hội nghị quốc tế về vấn đề an ninh trong vùng Ðông Nam Á. Cho nên, chúng ta có thể thấy một bước chuyển biến mới trong chính sách ngoại giao của chính phủ Mỹ. Họ xác định quyền lợi kinh tế của nước Mỹ trong vùng biển mà trước đây họ coi như các tranh chấp ở đó hoàn toàn là vấn đề của các nước chung quanh, nước Mỹ đứng xa không can thiệp. Ông Robert Gates xác định: Nước Mỹ có những quyền lợi kinh tế trong vùng Biển Ðông. Và người đại diện chính phủ Mỹ nói thẳng điều này với đại diện của chính phủ Bắc Kinh. Thử nhớ lại, năm 1974 chính phủ Nixon bỏ rơi các chiến sĩ Hải Quân Việt Nam cho quân Trung Cộng tàn sát, 7 tháng trước khi ông Nixon từ chức. Ba mươi sáu năm sau, một chính phủ Mỹ khác xác định họ sẽ bảo vệ quyền lợi của các công ty dầu khí Mỹ trong vùng Biển Ðông, không cho Trung Cộng ngăn cản. Ðây là một bước rẽ mới. và cũng là một cơ hội mà bất cứ chính quyền Việt Nam nào cũng nên bắt lấy, nếu họ thực sự lo cho quyền lợi của nước Việt Nam chứ không quá hèn nhát chỉ lắng nghe theo những ý kiến từ Bắc Kinh.

Ðể tạo thêm sức nặng cho những lời nói trên đây, ông Robert Gates còn nói thêm rằng chính phủ Mỹ khẳng định lại các cam kết lâu dài của họ tại Châu Á. Hơn nữa, họ tiếp tục gia tăng và mở rộng các liên minh cũng như các quan hệ trong khu vực này. Nhắc lại: gia tăng và mở rộng các liên minh ở Á Châu. Bài nói chuyện của ông Gates còn nhấn mạnh rằng chính sách an ninh của chính phủ Mỹ đang “mở rộng về mặt địa lý,” cứng rắn hơn về lập trường, và bền chắc hơn về chính trị (một câu nói khá mơ hồ cho mọi người tự tìm cách diễn giải).

Những lời tuyên bố của ông bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ không chỉ nhắm riêng vào mối xung đột giữa Trung Cộng với Việt Nam, mà còn nhắn nhủ chung cho các nước Ðông Nam Á khác. Từ nửa thế kỷ nay, nước Mỹ vẫn đánh lá bài “mối đe dọa của Trung Cộng” đối với các nước trong vùng này. Ðến nay, lá bài đó vẫn còn có giá trị trong việc khích động các chính phủ và người dân Á Châu. Họ vẫn thấy phải có lá dù che chở của nước Mỹ. Nếu không, các nước từ Nhật Bản, Nam Hàn, đến Indonesia, Phi Luật Tân sẽ phải tốn rất nhiều tiền để vũ trang, có nước sẽ làm bom nguyên tử!

Các nước Ðông và Nam Á đã được hưởng một thời gian kéo dài một thế hệ, từ 1955 đến 1985, khi Trung Cộng và Việt Cộng bị cầm chân trong cuộc chiến Việt Nam và chiến tranh giữa các nước cộng sản Việt, Hoa và Campuchia. Trong thời gian đó các chế độ cộng sản không thể thúc đẩy mạnh các phong trào nổi loạn ở các nước trong vùng Ðông Nam Á. Chính nhờ 30 năm đó mà các quốc gia, từ Mã Lai, Tân Gia Ba, Phi Luật Tân, vân vân, có thời gian để phát triển kinh tế; nối gót Ðài Loan, Nam Hàn, và Hồng Kông. Một khi kinh tế đã phồn thịnh cho người dân đủ sống thì họ được bình yên vì chủ nghĩa cộng sản hết hấp dẫn.

Thêm một thế hệ nữa đã qua, đến năm 2010 này, ông Robert Gates nhắc lại sự có mặt của nước Mỹ trong vùng Biển Ðông. Trong lúc đó, mối đe dọa của chính sách bành trướng của Trung Cộng còn lộ liễu hơn, mặc dù đã chuyển từ chính sách gây bạo loạn cách mạng vô sản sang chủ trương liên kết kinh tế trong hòa bình. Nhưng đối với các nước Ðông Nam Á, đây là những lời cam kết mới của chính phủ Mỹ, chứng tỏ họ sẵn sàng giúp các nước vùng Biển Ðông đứng vững trước áp lực của Trung Cộng. Tất cả mọi người Việt Nam yêu nước phải nhìn thấy đây là một cơ hội phải bắt lấy. Nước Việt Nam không bao giờ nên liên kết với một cường quốc ở xa để khiêu khích hoặc gây hấn với nước láng giềng to lớn phương Bắc. Nhưng Việt Nam phải lợi dụng ngay bất cứ cường quốc nào, khi thấy họ có quyền lợi giống như mình vì phải cùng đối phó với chính sách bành trướng bá quyền của Trung Quốc.

Nguồn: Diễn Đàn Thế Kỷ

HUY ĐỨC: CHẢY NƯỚC MẮT KHI THẤY DÂN MÌNH ĐƠN ĐỘC!

Huy Đức

Người dân ở Hà Nội và Sài Gòn đã lại xuống đường. Mặc dù mục tiêu của những cuộc tuần hành sáng 12-6-2011 vẫn là Trung Quốc, chính quyền đã cứng rắn hơn. Có lẽ, họ đã quên mất, mỗi khi đất nước có hiểm họa xâm lăng thì mục tiêu của dân chúng là những kẻ đang rập rình ngoài bờ cõi. Người dân vẫn còn nhớ, đất đai của tiền nhân thường hay bị mất mỗi khi “ở trong tường vách, da thịt tàn nhau”.

Hơn 300 năm trước, các Chúa Nguyễn đã đưa người đến Hoàng Sa và Trường Sa. Năm 1816, Gia Long chính thức thiết lập chủ quyền Việt Nam đối với cả hai quần đảo. Đại Nam Nhất Thống Toàn Đồ, bản vẽ năm 1838 của Nhà Nguyễn đã thể hiện hai quần đảo này với tên gọi là Hoàng Sa và Vạn Lý Trường Sa. Năm 1920, Chính quyền Pháp, với tư cách là nhà nước bảo hộ ở Đông Dương đã ra tuyên bố khẳng định chủ quyền và từ đó người Pháp hiện diện ở đây liên tục. Tháng 11-1946, khi người Pháp bắt đầu chiến tranh trở lại với Việt Minh, chỉ có thể đưa quân kiểm soát cụm phía Tây Hoàng Sa, Tưởng Giới Thạch đã cho đổ bộ lên đảo Phú Lâm thuộc Hoàng Sa và tháng 12-1946, đổ bộ lên Itu Aba, thuộc Trường Sa. Sau khi bị Mao đuổi khỏi lục địa Trung Hoa, năm 1950, quân Tưởng rút khỏi hai hòn đảo mà họ giữ gần 4 năm trước đó.

Năm 1954, theo Hiệp định Geneve, Hoàng Sa ở phía Nam Vĩ tuyến 17 sẽ thuộc về chính quyền miền Nam Việt Nam

.
Nhưng, tháng 4-1956, khi lực lượng Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa ra tiếp quản, hai đảo lớn nhất đã bị “Quân giải phóng Trung Quốc” chiếm mất. Chính quyền Việt Nam Cộng hòa trên thực tế, cai quản liên tục bốn đảo chính: Pattle (Hoàng Sa); Robert (Cam Tuyền); Duncan (Quang Hòa Đông) và Drummond (Duy Mộng). Riêng đảo Pattle, Việt Nam còn có một đài khí tượng thuộc hệ thống quốc tế. Từ năm 1956, Việt Nam Cộng hòa, về mặt pháp lý, vẫn khẳng định chủ quyền trên phần bị Bắc Kinh chiếm đóng.

Tháng 4-1972, khi miền Bắc dồn lực trong một chiến dịch thảm khốc ở Quảng Trị. Người Mỹ cần Bắc Kinh làm ngơ để họ dội bom ra vĩ tuyến 20. Ngày 4-4-1972, Kissinger đã phái Winston Lord tới New York gặp Hoàng Hoa, đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc, để “trao một bức điện bằng lời”, nhắn Trung Quốc: “Hải quân Mỹ sẽ được lệnh ở lại tại khoảng cách 12 dặm”. Người Trung Quốc hiểu, nếu họ đánh Hoàng Sa, người Mỹ sẽ án binh bất động. Từ ngày 16-1-1974, Trung Quốc bắt đầu cho tàu ép sát Hoàng Sa. Theo Phó đề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại: “Các chiến hạm thuộc Đệ Thất Hạm Đội của Hoa Kỳ ở rất gần các vị trí chiến hạm Việt Nam”. Nhưng, Hải quân Việt Nam Cộng Hòa đã phải đơn độc chống lại Trung Quốc xâm lăng. Theo tướng Thoại: “Hạm Đội Bảy của Mỹ đã không làm gì kể cứu vớt các đồng minh lâm nạn”. Kể từ ngày 19-1-1974, phần còn lại của Hoàng Sa Việt Nam bắt đầu bị Bắc Kinh chiếm đóng.


Tướng Giáp nhận được tin mất Hoàng Sa khi ông đang điều trị bệnh sỏi mật ở Liên Xô. Năm 1975,sau “chiến thắng BuônMa Thuột” , Tướng Giáp kiến nghị Bộ Chính trị “tiến hành giải phóng các đảo và quần đảo” mà miền Nam đang chiếm giữ. Ngày 2-4-1975, Tướng Giáp trực tiếp chỉ thị cho Tướng Lê Trọng Tấn lúc bấy giờ đang ở Đà Nẵng: “Tổ chức tiến công giải phóng các đảo, đặc biệt là quần đảo Trường Sa”. Trước đó, ngày 30-3, Quân ủy cũng điện cho Võ Chí Công và Chu Huy Mân yêu cầu thực hiện. Chiều 4-4-1975, Quân ủy điện tiếp cho Quân khu V: “Kịp thời đánh chiếm các hòn đảo vùng Nam Hải, đặc biệt là các đảo Nam Sa. Việc này phải chuẩn bị gấp và bí mật, chỉ để cán bộ có trách nhiệm biết”. Ngày 9-4-1975, Cục Quân báo có tin quân đội Sài Gòn rút khỏi các đảo, Quân ủy gửi điện “tối khẩn” cho Võ Chí Công, Chu Huy Mân và Phó Tư lệnh Hải quân Hoàng Hữu Thái: “Các anh cho kiểm tra và hành động kịp thời… Nếu để chậm, có thể quân nước ngoài chiếm trước, vì hiện này một số nước ngoài đang có ý đồ xâm chiếm”. Từ ngày 14-4-1975 đến ngày 28-4-1975, Quân Đội Nhân dân Việt Nam đã tiếp quản tất cả những hòn đảo do quân đội Sài Gòn chiếm giữ.

Cho dù, theo lệnh ngày 13-4-1975 của Tướng Giáp, Quân đội miền Bắc đã không đụng vào các hòn đảo do Trung Quốc khi ấy đang chiếm giữ. Nhưng, ngày 5-5-1975, khi Đài Tiếng nói Việt Nam công bố, “Hải quân Việt Nam đã giải phóng quần đảo Trường Sa”, một phóng viên Tân Hoa Xã tên là Ling Dequan đang thường trú tại Hà Nội đã thấy “đắng chát ở trong miệng”. Ling Dequan, sau đó, nói Nayan Chanda: “Tin Việt Nam chiếm các hòn đảo đến như một cú shock vì trước đó họ đã công nhận chủ quyền của Trung Quốc trên những hòn đảo ấy”. Mân Lực, tác giả cuốn sách “Mười năm chiến tranh Trung-Việt”, cũng gọi hành động tiếp quản Trường Sa của Hải Quân Việt Nam là “ngang nhiên chiếm đóng 4 đảo trong quần đảo Nam Sa của Trung Quốc”. Vì theo Mân Lực: “Từ năm 1958, Thủ tướng Việt Nam Phạm Văn Đồng đã thông báo cho Thủ tướng Chu Ân Lai, rõ ràng xác nhận hai quần đảo Tây Sa và Nam Sa thuộc lãnh thổ Trung Quốc. Nhưng hiện nay họ tiền hậu bất nhất ngang nhiên tuyên truyền đây là lãnh thổ của họ, sửa đổi bản đồ vẽ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vào bản đồ Việt Nam”.



Ngày 4-9-1958, Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai tuyên bố: “Hải phận 12 hải lý kể từ đất liền là của Hoa Lục”. Ngày 14-9-1958, Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi Chu Ân Lai công hàm mà đời sau có thể đọc được toàn văn trên báo Nhân Dân số ra ngày 22-9-1958: “Thưa đồng chí Tổng lý/ Chúng tôi xin trân trọng báo tin để đồng chí Tổng lý rõ: Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4-9-1958 của Chính phủ nước cộng hòa nhân dân Trung Hoa quyết định về hải phận của Trung Quốc. Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tôn trọng quyết định ấy và sẽ chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc trong mọi quan hệ với nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa trên mặt bể. Chúng tôi xin gửi đồng chí Tổng lý lời chào trân trọng”.

Cho dù, theo Mân Lực, Tuyên bố của Chu Ân Lai “có đính kèm bản đồ về đường ranh giới lãnh hải rất rõ ràng (trong đó bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa)”. Cho dù, theo ông Trần Việt Phương, người có 25 năm làm thư ký riêng cho Phạm Văn Đồng: “Lúc bấy giờ quan hệ Việt-Trung đang rất tốt. Về phía Việt Nam, đang có quan niệm ngây thơ về chủ nghĩa quốc tế vô sản; quan niệm ngây thơ từ người cao nhất của Ta chứ không phải ở cấp độ vừa. Về phía Trung Quốc hiểu ra sự ngây thơ đó và đã có ý đồ không tốt. Tuy nhiên, dân tộc Việt Nam có trong máu hàng nghìn năm kinh nghiệm với Trung Quốc để, cho dù có sự ‘ngây thơ quốc tế vô sản’ cũng không đến mức có thể dẫn tới sự nhầm lẫn hoàn toàn”. “Công hàm 1958” là tuyên bố của một đồng minh, được đưa ra khi Mỹ đưa Hạm đội 7 hoạt động trên eo biển Đài Loan và đe dọa chủ quyền của “đồng minh” Trung Quốc. Cho dù, “Công hàm 1958” tuyên bố những gì thì nó cũng hoàn toàn không có giá trị công nhận Hoàng Sa là của Bắc Kinh. Từ năm 1954 đến trước ngày 30-4-1975, theo Hiệp định Geneve được ký bởi các bên trong đó có Hà Nội và Bắc Kinh, thì Hoàng Sa và Trường Sa – ở thời điểm 1958 – không phải là phần thuộc về miền Bắc mà đang là lãnh thổ hợp pháp của Việt Nam Cộng hòa, một quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc.

Sở dĩ những nhà văn, nhà báo như Ling Dequan, Mân Lực, bị shock khi nghe tin Việt Nam lấy lại Trường Sa, theo nhà nghiên cứu Dương Danh Di, với chính sách bưng bít thông tin, người dân Trung Quốc không hề biết Hoàng Sa, Trường Sa là lãnh thổ mà Việt Nam đã có chủ quyền liên tục hàng trăm năm, là phần lãnh thổ mà Chính quyền của họ mới “dùng vũ lực để cưỡng đoạt” trong thế kỷ 20 như những tên xâm lược.



Báo chí chính thống của Việt Nam, từ năm 1958, chưa bao giờ nhắc lại “Công hàm” của Phạm Văn Đồng, chưa giải thích “nội hàm” của tuyên bố ấy. Chính quyền, đã tới lúc nên tuyên bố về giới hạn pháp lý của Công hàm này, nên thừa nhận bản hiệp định (Geneve) mà mình đã đặt bút ký vào theo đó, Hoàng Sa và Trường Sa từ trước 30-4-1975 là phần lãnh thổ thuộc về Chính quyền Sài Gòn, nên dẫu Hà Nội có đưa ra tuyên bố gì thì cũng phải bị coi là “vô giá trị”. Đây không còn là chuyện “ăn-thua” với người anh em miền Nam mà là “mất-còn” với ngoại xâm. Đây cũng là lúc mà người dân tạm gác các bức xúc thường nhật để tập trung vào mối đe dọa đến từ phương Bắc.

Kinh nghiệm từ “Trận tử chiến Hoàng Sa” năm 1974, mọi hành động trên biển đông là để giữ đảo chứ không phải để chứng minh lòng dũng cảm. Nhưng, trước cùng một sự kiện, Hải quân và thường dân đôi khi vẫn có những sứ mệnh khác nhau. Người dân không có trách nhiệm phải cân nhắc mối tương quan sức mạnh giữa hai quốc gia. Người dân có khát vọng chứng minh: Một dân tộc nhỏ hơn không có nghĩa là cam lòng sợ hãi.

Những thanh niên, trí thức, thường dân hôm nay, 12-6-2011, biết chính quyền đang phải chịu những sức ép nào và những sức ép ấy giờ đây lại dồn lên vai họ. Nhưng, hàng ngàn người dân vẫn phải xuống đường. Họ không chỉ đòi lại đoạn cáp thứ hai bị chính quyền hải tặc Trung Quốc cắt trong vòng chỉ hơn một tuần. Họ muốn nói với người phương Bắc, cho dù lịch sử có trải thêm mấy nghìn năm, cho dù bị lừa phỉnh bởi “tình láng giềng, đồng chí”, người Việt Nam vẫn hiểu Trung Quốc là ai và bảo vệ chủ quyền là ý chí không có gì lay chuyển được.



Không phủ nhận những lý do dẫn đến nỗi sợ mơ hồ trong những ngày này. Nhưng, cũng trong những ngày này, chính quyền có cơ hội không hề mơ hồ để đứng bên cạnh nhân dân, đoàn kết mọi người Việt Nam, không chỉ để cho mục tiêu chống ngoại xâm mà còn có thể cho mục tiêu “ổn định”.

Chảy nước mắt khi cảm thấy dân mình đơn độc.

Theo blog Facebook của Huy Đức
Nguồn: Phạm Viết Đào-Blog.

Được đăng bởi Nguyễn Xuân Diện vào lúc 19:01
Gửi email bài đăng này BlogThis! Chia sẻ lên Twitter Chia sẻ lên Facebook Chia sẻ lên Google Buzz
19 nhận xét:

Liên nói...

Anh Huy Đức và Anh Diện ơi! Tôi có học mà không thể hiểu nổi những chuyện đời lắt léo trên đất nước ta. Không thể nói được gì ngoài chữ BUỒN
19:29 Ngày 12 tháng 6 năm 2011
bui cong tu nói...

mot bai viet sau sac . nhieu thong tin /nen gui bai nay cho bo chinh tri nghien cuu /
19:33 Ngày 12 tháng 6 năm 2011
nguyen xuan nói...

buồn quá, nhìn người dân SG bị công an bắt.
19:47 Ngày 12 tháng 6 năm 2011
http://nguyenxuansaigon.blogspot.com/ nói...

buồn quá, nhìn người dân SG bị công an bắt.
19:48 Ngày 12 tháng 6 năm 2011
FeeA2Z nói...

Đau và Buồn...
Chúng ta sẽ để lại gì cho con cháu??? Hoàng Sa đã mất? Trường Sa? hay Bô-xít Tây Nguyên? hay rừng phòng hộ đầu nguồn???
Con cháu chúng ta sẽ nghĩ gì khi cha ông chúng không còn gì để lại cho chúng???
Đau, đau lắm...
Việt Nam ơi...
20:02 Ngày 12 tháng 6 năm 2011
Nặc danh nói...

lâu ko thấy anh Huy Đức, độc giả Lạng Sơn nhớ anh lắm đó.Nhất là sau bài "Biên giới tháng 2".Chúc anh "Bình an vô sự".
21:03 Ngày 12 tháng 6 năm 2011
Nguyễn Thông nói...

Bác Diện ơi, gửi bài cho bác theo địa chỉ nào? Kính bác.
Nguyễn Thông

Thứ Sáu, 10 tháng 6, 2011

Việt Nam trên bàn cờ chính trị thế giới

“Cá lớn nuốt cá bé”, câu tục ngữ từ đời xưa để lại chắc chắn sẽ mãi mãi không bao giờ lỗi thời cả về nghĩa đen và nghĩa bóng. Con cá lớn phải ăn con cá bé, và con cá bé phải làm mồi nuôi sống con cá lớn. Dây chuyền quy luật tự nhiên đó giúp cân bằng sinh thái theo vòng xoay chuyển vần của tự nhiên, tạo thành chu kỳ khép kín cho sự sống của muôn loài…

Đối với mỗi quốc gia trên thế giới, từ thời Cổ Đại đến thời Trung Cổ và gần hơn nữa là thời Cận Đại, họ đều lấy sức mạnh quân sự để khẳng định uy quyền của mình trong khu vực, châu lục, và đôi khi vượt ra xa hơn – Đến bên kia bờ đại dương. Nước lớn (và mạnh), thường hay xâm lược nước nhỏ, chèn ép nước nhỏ cũng là lẽ thường muôn thủa, như câu chuyện con cá lớn ăn con cá bé hơn là vậy. Không nói xa xôi, nước Việt xưa và đế quốc Phù Nam (Thái Lan cũ) cũng đã một thời tranh giành nhau xâu xé các nước nhỏ như Chiêm Thành, Cam Bốt. Lịch sử Việt Nam thì viết là “Cha Ông ta mang gươm đi mở cõi” cho có vẻ nhẹ nhàng bớt chuyện này. Giống như mang cày, mang cuốc đi… khai hoang vậy thôi!

Sau Thế Chiến 2, trật tự trên thế giới được phân chia rành mạch thành hai phe. Phe Xã Hội Chủ Nghĩa, đứng đầu là Liên Xô, còn phe Tư Bản Chủ Nghĩa đứng đầu là Hoa Kỳ và các đồng minh. Trật tự tạm thời đó ngày nay đã bị thay đổi…

Với những kiến tạo địa chất phức tạp, nhiều Đứt Gãy, nhiều đồi núi, nhiều vùng đất đỏ Ba Zan cho nên Việt Nam là một nước hứa hẹn có tiềm năng khoáng sản rất lớn. Việt Nam còn có đường bờ biển dài hàng ngàn km, rất thuận lợi cho việc khai thác thủy sản và giao thương buôn bán nhờ có nhiều các cảng biển. Mặt khác, về địa thế chiến lược quân sự thì Việt Nam là lá chắn trên Biển Đông cho Ba Nước Đông Dương và một phần lãnh thổ của Trung Quốc. Nó cũng là địa bàn bàn đạp lý tưởng cho việc tập kết quân sự từ mặt Thái Bình Dương có thể tấn công vào sâu trong lục địa Châu Á.

Chính vì Việt Nam có địa thế quan trọng về chiến lược quân sự và tài nguyên giàu có, cho nên ngay từ trước khi Thế Chiến 2 Kết thúc. Người Nga và cả Người Mỹ đã có những bước đi chiến lược, nhằm biến Việt Nam thành đồng minh đắc lực cho kế hoạch toàn cầu lâu dài của họ. Đối với các “đồng chí” Nga và sau này là Trung Quốc thì Việt Nam (đứng đầu là Hồ Chí Minh) có điều kiện gần gũi hơn, vì họ cùng có tư tưởng Cộng Sản. Phe Xã Hội Chủ Nghĩa thì mong Việt Nam thành một “tiền đồn của XHCN”, và họ có cơ sở thuận lợi, khi lãnh tụ của cách mạng tại Việt Nam lúc bấy giờ là Hồ Chí Minh từng được học tập và đào tạo nhiều năm bí mật tại Trung Quốc và Nga.

Cho đến tận ngày nay, không mấy người Việt Nam biết rằng Hoa Kỳ đã “để mắt” tới Việt Nam từ trước năm 1945. Tuy Hoa Kỳ rất bận rộn với Chiến Tranh Thế Giới Lần 2, nhưng họ vẫn kịp nhận ra sự quan trọng của Việt Nam trên bàn cờ chính trị, và quân sự của thế giới. Ngày 12/11/1944 trung úy Shaw, một nhân viên tình báo của OSS (tiền thân của CIA ngày nay) lái một chiếc máy bay loại nhỏ từ địa phận Trung Quốc đến vùng trời Cao Bằng (khu căn cứ địa của Việt Minh). Lấy lý do là phi cơ bị trục trặc kỹ thuật nên viên sỹ quan tình báo này đã hạ cánh xuống căn cứ của Việt Minh. Ngay lập tức, con người dũng cảm này đã bị bắt làm tù binh. Qủa nhiên, từ vị thế của một tù binh, trung úy Shaw đã trở thành thượng khách của Hồ Chí Minh, sau khi tiết lộ danh tính và “khai” rằng mình là người Mỹ và có “quan hệ quen biết thân cận” với chính phủ Mỹ.

Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp (lúc ấy chưa có quân hàm) đã nắm bắt lấy cơ hội quý báu này. Liền gửi thư cho chính phủ và quân đội Mỹ bày tỏ mong muốn của Việt Minh muốn “làm bạn” với Người Mỹ đồng thời xin giúp đỡ về tài chính và kỹ thuật quân sự. Hồ Chí Minh đã cử người tin cẩn bảo vệ “viên phi công đi lạc” này sang tận bên kia biên giới Việt – Trung.

Ngày 20/03/1945 tư lệnh quân Mỹ tại Trung Quốc là tướng Wedemeyer đã thừa lệnh chính phủ Hoa Kỳ, phát động một chiến dịch tình báo quân sự lớn tại Đông Dương, lấy tên là QUAIL. Ông đã ban hành lệnh cung cấp vũ khí và khí tài quân sự cho tất cả các tổ chức chống quân Nhật trên toàn cõi Đông Dương. Tất nhiên là “người bạn” Việt Minh đã giành được quyền ưu tiên số một. Không những thế, cơ quan tình báo Mỹ OSS còn cử một nhóm chuyên gia quân sự do viên sỹ quan đứng đầu OSS tại Đông Dương tên là Archimedes Patti, trực tiếp đến căn cứ Tân Trào của Việt Minh để huấn luyện và đào tạo một khóa nhân viên kỹ thuật điện báo cho Việt Minh. Đồng thời chỉ dẫn Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp chiến thuật đánh du kích, cũng như cách tổ chức quân đội. Sau hơn ba tháng lưu lại Tân Trào, nhóm tình báo Mỹ cải trang là người Pháp và người Hoa này đã rút đi, để lại nhiều khí tài quân báo cho Việt Minh.

Như vậy, Hồ Chí Minh và Việt Minh đã tự nhiên được “Trời cho” một món quà vô giá từ người Mỹ. Nhưng quan trọng nhất, và có tính quyết định lịch sử cho Cách Mạng Tháng Tám của Việt Minh thành công. Chính là nhờ có tin tức thông qua liên lạc điện đài do tình báo Hoa Kỳ cung cấp thời điểm quân Đức thất thủ hoàn toàn. Và đặc biệt là ngày giờ quân Nhật đầu hàng Đồng Minh sau khi bị ném bom nguyên tử tại Hirosima và Nagasaki, để quân Việt Minh kịp thời báo tin cho lực lượng của họ tại Hà Nội cướp lấy chính quyền mà quân đội Nhật đã bỏ trống.

Việc người Mỹ giúp Việt Minh giành chính quyền đã là một sai lầm lớn không thể sửa chữa. Tình báo Mỹ, cụ thể là OSS đã “trao trứng cho Ác” một cách vô tư mà không biết rằng, Hồ Chí Minh là người của Quốc Tế Vô Sản 3. Hồ Chí Minh sẽ đi theo CNCS chứ không thể đồng hóa bằng CNTB của Mỹ và Phương Tây. Người Mỹ đã chậm chân (và chủ quan) trong việc dưới cương vị làm nhiệm vụ quốc tế (thực chất là phân chia tầm ảnh hưởng với Người Nga trên bản đồ chính trị thế giới) tại Việt Nam. Vì sự chậm trễ do chủ quan tin tưởng vào Hồ Chí Minh, Người Mỹ đã phải tiêu tốn hàng trăm ngàn tỉ USD vào cuộc chiến Việt Nam, hàng trăm ngàn công dân Mỹ đã bị chết, bị thương trong cuộc chiến Nam – Bắc Việt Nam. Thực chất, đó là cuộc đối đầu giữa hai phe, XHCN và TBCN mà người dân Việt Nam và người dân Mỹ đã chịu nhiều mất mát về nhân mạng, của cải và tinh thần. Trong khi đó hậu thuẫn đắc lực cho CSVN đưa nhân dân Việt Nam ra làm vật hiến thân, làm lá chắn cho CNCS lại là Liên Xô và Trung Quốc chứ không phải ai khác!…

Thay vì đem quân đổ bộ vào Việt Nam ngay lập tức, bất chấp người đồng minh Pháp già yếu và bạc nhược, thì Người Mỹ lại quá tin vào Việt Minh, quá tin vào “người học trò” của tình báo Mỹ OSS là Hồ Chí Minh. Hậu quả thảm khốc là nhân dân Việt Nam đã phải “giơ đầu chịu báng” bằng hai cuộc chiến tranh đẫm máu kinh hoàng!

Hiện nay Việt Nam vẫn là một nước nhỏ, người ta sẽ nói: Thì vẫn là nước nhỏ, làm sao nó “lớn” lên được? Có cách đấy! Đó là cần có nhiều đồng minh “ruột”. Vậy Việt Nam tìm đồng minh ở đâu?

Nếu Việt Nam chọn đồng minh là Trung Quốc?

Việt Nam là một chú “cá” bé đã nhiều lần bị con “cá” Mập Trắng Trung Quốc tấn công, mà bài học nóng “anh hai” CSTQ dạy cho Việt Nam tháng 02/1979 vẫn còn nguyên giá trị và dấu tích đau thương. Nhưng đó không phải là tất cả! Vì một lý do nào đó hai nước láng giềng xung đột vũ trang cũng là chuyện thường thấy. Quan trọng nhất là hiện nay Trung Quốc quá dư thừa dân số (khoảng 1 tỉ 300 triệu), chưa kể đến lực lượng Hoa Kiều khoảng vài trăm triệu rải ra khắp các nước trên thế giới. Cái gì quá nhiều thì không quý! Kể cả bạc vàng châu báu và con người cũng không là ngoại lệ. Vậy thì Trung Quốc chỉ cần đất đai và tài nguyên mà thôi. Như vậy chúng ta có thể đoán ra số phận của dân tộc Việt Nam sẽ ra sao, nếu Việt Nam hoàn toàn bị khống chế trong bàn tay của “đồng minh” Trung Quốc?

Nếu Việt Nam chọn đồng minh là Mỹ?

CSVN thời trước năm 1975 tuyên truyền rằng Mỹ là quân cướp nước. Nhiều người tin (tôi cũng tin)! Nhưng ngày nay chúng ta hãy kiểm chứng xem sự thật như thế nào? Sau năm 1945, người Mỹ đổ quân ra đồn trú làm nhiệm vụ quốc tế tại rất nhiều quốc gia là đồng minh của họ. Có thể kể ra như Nhật Bản, Nam Hàn vv…, cho đến nay chưa thấy người Mỹ cướp nước của ai, dù chỉ là vài thước đất, hay vài cm lãnh hải. Chỉ thấy các nước đó có tự do dân chủ văn minh, và đều là những nước giàu có hùng mạnh. Không nói đâu xa, năm 1975 so sánh hai miền Nam và Bắc Việt Nam với nhau cũng đã thấy một trời và một vực rồi. Thì ra quân “cướp” này có vẻ cũng đáng yêu đấy chứ! Nếu một mình tôi có giá trị như là một quốc gia, thì tôi cũng tự giác cho người Mỹ “ăn cướp”, “cai trị” giống như Nhật Bản, Hàn Quốc ngay lập tức, còn cái “độc nập” và “tự ro” theo kiểu cộng sản thì thôi, cũng phải xin kiếu… cả nón!

Thế mà “mười sáu chữ vàng” của “người anh” Trung Quốc, với đủ những mỹ từ tốt đẹp, không hề có từ nào là từ “ăn cướp”, thì lại làm mất đi hàng trăm km2 lãnh thổ của Việt Nam, mất đi hàng chục ngàn km2 lãnh hải, hàng trăm hòn đảo lớn bé, nổi, chìm tại Hoàng Sa và Trường Sa! Là anh, muốn cho đàn em phục mình thì phải gương mẫu, quảng đại, hào phóng. Nhưng rõ ràng Trung Quốc (do ĐCS nắm quyền) không có những đức tính ấy. Vì vậy, những kẻ nào trong TƯĐCVN nuôi ý định núp bóng “người anh” hẹp hòi kia, hãy coi chừng, kẻo hối thì không bao giờ còn kịp nữa!!!

Tuy vậy, nhưng hãy tin rằng: Người Mỹ không dám bỏ rơi Việt Nam trên bàn cờ chính trị thế giới!

Thứ nhất, duyên nợ của nhân dân Việt Nam và nhân dân Mỹ vẫn còn. Những hứa hẹn chiến lược về kinh tế sẽ đem lại những mối lợi không nhỏ nhờ công nghệ Khai Khoáng, Hóa Dầu, Du Lịch vv… vẫn có sức hút mạnh các nhà đầu tư Mỹ tại Việt Nam.

Thứ hai và là điều quan trọng nhất, đó là vị trí chiến lược của Việt Nam trong cuộc “so găng” giữa Mỹ với chính Trung Quốc nếu khả năng này xảy ra. Hiện nay Nga đã là NATO + 1, dù bề ngoài họ (Nga, Mỹ) có vẻ “gân guốc” với nhau. Nhưng dù sao thì điều đó cũng rất có lợi cho các nhà sản xuất vũ khí (Nga và Mỹ) hốt bạc nhờ vũ khí bán đắt hàng mà thôi. Vậy thì mối đe dọa đối với vị trí siêu cường số 1 của người Mỹ không có ai khác ngoài Trung Quốc!

Ngày 12/06/2009 đại tướng Carrol Howic Chandler, tư lệnh không quân Mỹ khu vực Thái Bình Dương bất ngờ thăm Việt Nam. Sự kiện tiếp theo đó là tàu chiến của hải quân Mỹ xuất hiện để tìm và khai quật hài cốt http://archive.danchimviet.com/articles/1199/1/Vit-Nam-cho-tu-Hi-quan-M-vao-tim-kim-nhan-o-ti-bin-ong/Page1.html binh sỹ Mỹ trên biển. Hai động thái này có vẻ như vô tình nhưng nó lại diễn ra đúng lúc tình hình trên Biển Đông căng thẳng bởi lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc, trên vùng biển mà họ cho rằng thuộc quyền kiểm soát của họ. Tại sao lại là một vị đại tướng tư lệnh không quân Mỹ thăm Việt Nam, mà không phải một binh chủng nào khác?

Trong chiến tranh hiện đại thì không quân là một lực lượng phản ứng nhanh, có thể đánh đòn phủ đầu chớp nhoáng. Máy bay phản lực còn là phương tiện thông dụng chuyên chở và tấn công bằng bom (nhất là Bom Nguyên Tử). Không quân Mỹ cũng là lực lượng hùng mạnh nhất thế giới. Chỉ riêng Pháo Đài Bay B52 (mỗi chiếc trị giá khoảng 800 triệu USD) nước Mỹ đã có hàng ngàn chiếc bị liệt vào danh sách “quá hạn sử dụng” và đem vứt bỏ tại các nghĩa địa B52 như ở căn cứ không quân Davis Monthan, thành phố Tucson, bang Arizona. Những chiếc máy bay đó vẫn có thể bay tốt, nhưng Người Mỹ đã vứt bỏ vì dư thừa quá nhiều và nó được cho là đã lỗi thời với quân đội Mỹ.

Một trong những thành công lớn nhưng vẫn còn trong vòng bí mật đó là Người Mỹ (và cả Người Anh) đã chế tạo thành công loại máy bay hình dạng đĩa mà nhiều người quen gọi là Đĩa Bay từ cuối thập niên 50 của thế kỷ trước. Loại Đĩa Bay này chính là một phát minh quan trọng của các nhà khoa học thời Đức Quốc Xã mà Người Mỹ đã đoạt được phát minh này, như một chiến lợi phẩm trong Thế Chiến 2. Những hiện tượng UFO xuất hiện trên bầu trời Nước Anh và Nước Mỹ từ năm 1957 đến nay, được cho là của Người Ngoài Hành Tinh và những câu chuyện về những vụ nổ UFO kỳ bí, sau này người ta điều tra ra được nhờ phương pháp Đồng Vị Phóng Xạ phân tích mảnh vỡ UFO mới biết được là nó do con người chế tạo nên. Nếu loại máy bay Đĩa Bay này được trang bị vũ khí hạt nhân, thì việc vô hiệu hóa hệ thống radar của đối phương và tấn công hủy diệt đối phương trong chớp nhoáng không còn là vấn đề.

Sự xuất hiện của tư lệnh không quân khu vực Châu Á Thái Bình Dương tại Việt Nam là một lời “nhắc nhở” sức mạnh của không quân Mỹ đối với Trung Quốc!

Có thể thấy rõ mối quan ngại của Người Mỹ đối với sự lớn mạnh của Trung Quốc, đặc biệt là khi Trung Quốc phóng thành công tàu vũ trụ Thần Châu. Tuy nhiên, người Mỹ hay lo xa, trên thực tế Trung Quốc rất yếu về không quân, hải quân. Họ chỉ mạnh pháo binh và bộ binh (chiến thuật Biển Người) mà thôi.

Việt Nam hãy thân Mỹ, hãy biến người Mỹ thành đồng minh thân cận của mình. Giống như những chú cá nhỏ khôn ngoan nép mình dưới bụng chú cá Nhà Táng khổng lồ, vừa dễ bắt mồi vừa được an toàn cho bản thân, mà mình thì chẳng mất gì. Tuy nhiên, một yêu cầu đơn giản đặt ra là, ĐCSVN cần phải chấp nhận dân chủ kiểu Mỹ, xóa bỏ độc quyền chính trị. Như vậy vừa tháo bỏ được xiềng xích oan khiên mà nhân dân Việt Nam phải chịu đựng nhiều năm qua, vừa tạo cơ hội phát triển lành mạnh cho đất nước. Nếu hợp tác toàn diện với Mỹ và thực hiện dân chủ đa nguyên đa đảng, có thể ĐCSVN sẽ phải rời khỏi vị trí lãnh đạo đất nước. Nhưng cái lợi cho đất nước, cho nhân dân thì đã nhìn thấy quá rõ, qua những tấm gương thân Mỹ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan v.v…

Vừa rồi đại sứ Mỹ tại Việt Nam ông Michael Michalak đã tuyên bố về vấn đề tự do tôn giáo là, Việt Nam chưa đến mức phải đưa vào danh sách CPI. Đó là sách lược của Người Mỹ. Việc đưa Việt Nam trở lại danh sách CPI không khó vì đã có đủ bằng chứng. Nhưng điều cần làm ngay là không để ĐCSVN tuột khỏi tay Người Mỹ và hoàn toàn chạy theo quan thầy là ĐCSTQ mới là điều mà Người Mỹ cần quan tâm hàng đầu.

Người Việt Nam cũng đừng ảo tưởng về một nước Mỹ sẽ chiến đấu một cách vô điều kiện, mà không có gì gắn với những quyền lợi hoặc là vị thế của mình. Và đó cũng là điều bất công đối với họ! Người Mỹ quan tâm đến Việt Nam, chính là quan tâm đến quyền lợi của nước Mỹ. Đó cũng là điều mà các cử tri Mỹ mong muốn các vị tổng thống của họ phải làm tốt!

Vị trí quan trọng của Việt Nam trên bàn cờ chính trị thế giới vẫn đang là cơ hội còn bỏ ngỏ.

Bài do tác giả gửi tới.

THEO DÒNG SỰ KIỆN:

Trên đường đi đến “thiên đàng …” Tản mạn của một người theo Cộng sản (Kết)
Trên đường đi đến “thiên đàng …” Tản mạn của một người theo Cộng sản [1]
Ngủ say trên trang báo Việt Nam: Từ PMU18 đến Bùi Văn Thanh
Trên bàn cờ môi sinh: Thông minh máy móc và bất lực con người
Trên những nẻo đường hội nhập (Kết)
Trên những nẻo đường hội nhập (I)