Trang

Chủ Nhật, 22 tháng 5, 2011

giọng điệu của luỡi gổ CSVN

Làm thất bại Chiến lược “Diễn biến hòa bình” 
Quốc hội của Đảng và cũng là của dân
QĐND - Chủ Nhật, 22/05/2011, 22:3 (GMT+7)

QĐND - Dường như đã trở thành một quy luật, cứ mỗi khi Đảng, Nhà nước ta có những đợt sinh hoạt chính trị, thì ngay lập tức các thế lực thù địch trong và ngoài nước lại tập trung xuyên tạc, vu cáo Đảng, Nhà nước ta trên các phương tiện truyền thông, nhất là trên mạng internet.
Gần đây nhất, trong dịp cử tri cả nước đi bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016, thì các thế lực thù địch lại tung lên mạng, phát trên đài xuyên tạc thể thức bầu cử, vu cáo vai trò lãnh đạo của Đảng ta đối với Quốc hội. Họ đặt câu hỏi đầy ẩn ý: “Quốc hội của Đảng hay của dân?”… và cho rằng, chỉ có dân chủ của các nước phương Tây mới là dân chủ, nhân quyền thực sự (!)
Về mặt khoa học, khái niệm dân chủ, nhân quyền, là khái niệm chung, nó chỉ tồn tại trong các văn kiện của Liên hợp quốc, còn giá trị thực của khái niệm đó luôn luôn gắn liền với “nội luật hóa các công ước quốc tế” của từng nước, nhằm phù hợp, thích ứng với mô hình cụ thể ở mỗi quốc gia, dân tộc. Sự khác biệt của các mô hình dân chủ, nhân quyền giữa các quốc gia dân tộc trên thế giới là tất yếu, nó bắt nguồn từ các yếu tố lịch sử, truyền thống và văn hóa. Điều này đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận trong văn kiện: “Tuyên bố Viên và Chương trình hành động” tại Hội nghị nhân quyền quốc tế năm 1993, ở Viên (Áo).
Họp Quốc hội. Ảnh minh họa/internet.
Hiện nay, hơn 190 quốc gia trên thế giới đang tồn tại, với nhiều chế độ chính trị - thể chế quốc gia khác nhau, nhưng không có quốc gia nào tự nhận mình là phi dân chủ, cũng như không ai được phép gán cho những quốc gia đó là độc tài, hay quân phiệt. Ở mỗi quốc gia, việc lựa chọn hệ tư tưởng nào-chủ nghĩa tư bản hay chủ nghĩa xã hội; thể chế chính trị nào-đa đảng hay một đảng lãnh đạo, cầm quyền; tam quyền phân lập hay phân công phối hợp; mô hình kinh tế nào-chủ nghĩa tự do hay kinh tế thị trường xã hội, đều thuộc thẩm quyền của mỗi quốc gia-dân tộc mà không ai có quyền can thiệp, kể cả Liên hợp quốc.
Về lịch sử, trong khi nhiều nước, ngay từ sau các cuộc Cách mạng dân chủ tư sản, như ở Anh năm 1689; Mỹ năm 1776; Pháp năm 1789… người dân đã ít nhiều được hưởng chế độ dân chủ, các quyền công dân và quyền con người, thì hàng trăm năm sau ở các thuộc địa (trong đó có nước ta) người dân vẫn sống trong chế độ thực dân - phong kiến mà thực chất vẫn là chế độ nô lệ hiện đại, chẳng có “mẫu quốc nào” chia sẻ giá trị dân chủ, nhân quyền với các dân tộc thuộc địa.
Thực chất dân chủ và nhân quyền ở nước ta là do nhân dân ta đổ máu đấu tranh mới giành được từ khi nhân dân ta, được sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh tiến hành cuộc Cách mạng Tháng Tám, năm 1945.
Sự thật là trong suốt chiều dài lịch sử cách mạng ngót một thế kỷ qua (từ năm 1930 đến nay), Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn hướng đến mục tiêu độc lập cho dân tộc, tự do và hạnh phúc cho nhân dân.
Vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam có cơ sở lịch sử, chính trị và pháp lý quang minh chính đại, được nhân dân tôn trọng, tin cậy trao cho. Vai trò đó được Quốc hội, cơ quan quyền lực cao nhất ghi nhận trong Hiến pháp - Bộ luật gốc của Quốc gia. Quy định đó cũng hoàn toàn phù hợp với Hiến chương của Liên hợp quốc cũng như các công ước quốc tế về quyền con người. Điều 1 “Công ước quốc tế về các quyền dân sự chính trị”, năm 1966 quy định: “Tất cả các dân tộc đều có quyền tự quyết. Xuất phát từ quyền đó, các dân tộc có quyền quyết định thể chế chính trị… của mình”. Điều đó có nghĩa là, các dân tộc có toàn quyền quyết định chế độ xã hội, hệ tư tưởng, hệ thống chính trị, Hiến pháp và pháp luật, trong đó có vai trò của đảng cầm quyền.
Về mối quan hệ giữa Đảng với Quốc hội, đặc trưng thể chế lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam là ở sự lãnh đạo toàn diện, thông qua đường lối chính sách, thông qua tổ chức Đảng và vai trò của cán bộ, đảng viên. Đặc trưng này không phải là sự áp đặt của Đảng mà được hình thành trong lịch sử, được nhân dân tôn trọng. Sự lãnh đạo của Đảng trong suốt 12 nhiệm kỳ Quốc hội qua chỉ nhằm đạt đến mục tiêu “Quốc hội ta thật sự đại biểu cho lợi ích của nhân dân” như lời Bác Hồ dạy. Và trong thực tế, Quốc hội nước ta ngày càng làm tròn trọng trách là cơ quan quyền lực Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Các kỳ họp Quốc hội đã ngày càng được đổi mới theo hướng dân chủ cởi mở, nhất là các phiên chất vấn thành viên Chính phủ. Nhiều chương trình, dự án kinh tế xã hội do Chính phủ đề xuất, sau khi thảo luận đã được Quốc hội thận trọng cân nhắc, điều chỉnh, thậm chí dừng lại để nghiên cứu thêm... Còn trong các kỳ bầu cử, thực hiện sự lãnh đạo của Đảng, thông qua Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tỷ lệ đại biểu thuộc dân tộc thiểu số; tỷ lệ đại biểu nữ; tỷ lệ đại biểu là người ngoài Đảng luôn luôn được coi trọng. Ví dụ như nhiệm kỳ khóa XI, đại biểu là đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 17,2%; nhiệm kỳ khóa XII, chiếm 17,6%, trong khi tỷ lệ 53 dân tộc thiểu số nước ta chỉ chiếm 13% dân số Việt Nam. Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa XII là: 25,8%, còn ở Thái Lan cũng thời điểm đó: 11,7%, Ma-lai-xi-a: 23,7%, In-đô-nê-xi-a: 11,6%, Xin-ga-po: 24,8%, Lào: 25,2%, Cam-pu-chia: 19,5%...
Những dẫn chứng trên là cơ sở để bác bỏ những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch và khẳng định rằng, Quốc hội nước ta là Quốc hội của Đảng và đồng thời cũng là Quốc hội của dân. Quốc hội của Đảng, nhưng không phải theo nghĩa sở hữu trong kinh tế, mà đây là trách nhiệm sứ mệnh lịch sử trao cho, là tình cảm của Đảng với nhân dân, với đất nước, với dân tộc. Chính vì thế, muốn Quốc hội thực sự là của dân thì phải bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng.
Tuy nhiên, để mãi mãi làm tròn sứ mệnh vẻ vang của mình, để xứng đáng là Đảng cầm quyền, xứng đáng với sự tin cậy của nhân dân thì Đảng ta phải luôn luôn không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng của tổ chức đảng, của từng đảng viên theo tư tưởng Hồ Chí Minh: “Đảng là đạo đức, là văn minh”; đồng thời tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo, chống bao biện, “lấn sân” làm thay. Hiện nay ở nơi này, nơi khác, địa phương này, địa phương khác, nhất là ở cấp cơ sở không phải không còn hiện tượng Đảng làm thay chính quyền, thay hội đồng nhân dân, những hiện tượng đó phải kiên quyết được khắc phục.
NGỌC THƯ
--------------------------------
Lời bình của Ba Sàm:
Lại một lối nói lạ, có thể cần phải mổ xẻ nghiêm khắc: Quốc hội của Đảng và cũng là của dân (QĐND). Nói như vậy thì Quốc hôi trước hết là của đảng, sau đó mới là của nhân dân? Tác giả Ngọc  Thư này cùng Ban biên tập báo Quân đội ND hãy đọc lại Điều 83, Hiến pháp 1992 để tự coi lại mình có quá trớn hay không: Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam …“,  không một chữ nào trong điều này nói rằng Quốc hội là “của đảng”. Chớ lẫn lộn và quá đà, từ chỗ “lãnh đạo” rồi biến thành thứ  sở hữu. Từ chỗ muốn “bác bỏ những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch” mà thành ra chính mình lại “xuyên tạc” theo một chiều hướng khác hay sao? Ngay như Điều 4, dù có nói đảng là “đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc” thì cũng hoàn toàn không thể hiện đảng là chủ sở hữu của cơ quan quyền lực cao nhất này.
Hay xem thêm, đã nói bậy như vậy, mà lại còn lý sự vòng vo con kiến: “Quốc hội của Đảng, nhưng không phải theo nghĩa sở hữu trong kinh tế, mà đây là trách nhiệm sứ mệnh lịch sử trao cho, là tình cảm của Đảng với nhân dân, với đất nước, với dân tộc. Chính vì thế, muốn Quốc hội thực sự là của dân thì phải bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng.”. 

Nguyễn Xuân Diện:

i đọc nhiều bài thể loại này trên các báo Nhân Dân, QDND và CAND, tôi thấy nếu cứ duy trì cách viết và các tác giả như vậy thì khó mà "làm thất bại chiến lược "Diễn biến hòa bình". Xin mượn lời GS Ngô Bảo Châu rằng: "'Có cố tình làm mất thể diện quốc gia (và Đảng nữa - NXD), chắc cũng khó mà làm hơn mấy ông bà này"!



13 nhận xét:


Nặc danh nói...
Càng thấy Ngô Bảo Châu nói chí lí quá.
Nặc danh nói...
"Không có quốc gia nào tự nhận mình là phi dân chủ, cũng như không ai được phép gán cho những quốc gia đó là độc tài hay quân phiệt" Vế trước là đúng.Vế sau không đúng.Việt nam từng gọi bao nhiêu nước, bao nhiêu chính quyền là độc tài:Nam Triều Tiên thời Lý Thừa Vãn,Pắc Chung Hy,Chun đo Hoan;Chi Lê thời Pinochê ...Thế giới gọi chính quyền của Đức quốc xã,Quân phiệt Nhật,Phát xít Ý.Hiện nay,nhiều nước người ta cũng nói Miến điện,Bắc Triều Tiên...
Nặc danh nói...
Đọc xong bài rồi thì mới thấy lời bình của anh Ba Sàm và anh NXD là thật chí lý. Đúng là thế kỷ thứ 21 rồi mà vẫn giữ cách lý luận buồn cười , không những không thuyết phục mà còn phản cảm và phản tác dụng quá đi. Thông tin bây giờ đâu thiếu và người dân giờ đâu còn ít học như thời thực Pháp thuộc đâu mà lý luận như thế nè trời ! Đúng là nên tạo đều kiện cho mấy ông bà này làm công tác khác sẽ tốt hơn là công tác báo chí truyền thông. Đọc điểm nào cũng thấy cũng có vấn đề. Không kể đa số toàn là vòng vo ( lời anh Ba sàm), thôi thì gần giờ làm không còn thời gian tôi chỉ xin trích một đoạn ít "vòng hơn" hơn nhưng sai be bét : Báo (đời) viết "Thực chất dân chủ và nhân quyền ở nước ta là do nhân dân ta đổ máu đấu tranh mới giành được từ khi nhân dân ta, được sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh tiến hành cuộc Cách mạng Tháng Tám, năm 1945. " Thật chất chúng ta đổ máu xương cả mấy thế hệ trước nhất là vì "Độc Lập của dân tộc, sự trường tồn của quê hương , giống nòi" ... vì mọi người nghĩ rằng có độc lập thì "ắc sẽ có" dân chủ và nhân quyền cho nhân dân như chưa phải là "điều kiện đủ". Chính vì thế mà Hồ chủ tịch đã từng nói đại ý như sau "có độc lập mà không có tự do, dân chủ (cho người dân - Người viết nói thêm) thì chẳng có ích gì. Trong ý này của Bác thì có thể thấy rằng không phải là sau cách mạng tháng 8 là có dân có ngay dân chủ dân quyền !!! như cái báo (đời) trên đã viết Do vậy mà dân chủ dân quyền là cái mà chúng ta CÒN cần phấn đấu và tranh đấu để có được và đến ngày này THỰC TẾ cho thấy nó vẫn là vấn đề nan giải của quê hương! ... Và một trong những thể hiện của nó là một Quốc Hội thật sự của dân và làm đúng chức năng là cơ quan quyền lực cao nhất mà không bị một cơ quan quyền lực hay đảng phái nào đứng trên nó. Đó chính là điều mà các trí thức hiện này họ bức xúc với mong muốn mang tiếng nói xây dựng đến với quê hương, dân tộc như mong mỏi của vị Cha Già chứ không phải là diễn biến gì cả !.
Hồ Tôn nói...
Cho tới nay, tôi không thấy một nhà "nhà lý luận" nào của các báo ND, QĐND, CAND, thậm chí của các viện, ban, ngành của Đảng, Chính phủ viết được một bài báo nào cho ra hồn để chống lại những luận điệu ngày một tinh vi, sắc sảo của các thế lực thù địch. Tại sao Đảng, Chính phủ đã đầu tư những kinh phí lớn như vậy cho những đề tài khoa học, cho sự hoạt động của các cơ quan tuyên truyền, nghiên cứu, lý luận về CNXH và CN Mác - Lê... mà hiệu quả còn rất kém? Cứ đưa ra luận điểm nào là bị bẻ, đưa ra luận chứng, luận cứ nào là bị nghi ngờ? Chẳng nhẽ cứ chịu mãi vậy sao?
Nặc danh nói...
Ngọc Thư thuộc bài ghê. 10 điểm, về chỗ ! Mục đích của bầu cử là chọn ra những người "thật sự là đại biểu cho lợi ích của nhân dân".Kết quả của việc lựa chọn sẽ phản ánh tính chất dân chủ chứ không phải ở tỷ lệ các thành phần: dân tộc thiểu số, phụ nữ.v.v... Càng không thể lấy các tiêu chí đó để so sánh với singapo, Lào, Campuchia...Cũng có thể thông cảm với Ngọc Thư, vì bạn chỉ là cộng tác viên - thợ viết không chuyên.
QuangPhong nói...
Thưa các Nhà Báo trên các Báo của Đảng ta. Các thế lực thù địch nói thế nào là việc của họ.Nhưng tình trạng các Nhà Báo của Đảng ta như Qúy Thanh, Ngọc Thư ... mà viết như thế này thì chết mất thôi!Càng ngày lại đưa cho cán bộ và nhân dân ta dân chúng ta một thứ lý luận và khái niệm "mớ bòong boong" này thì "hiểu được chết liền". Báo chí của Đảng ta đã gọi bao nhiêu Chính quyền là độc tài,là quân phiệt,là gia đình trị...,thế thì :"...cũng không ai được phép gán cho những QG đó là độc tài hay quân phiệt..." được hiểu ra sao đây hỡi Ngọc Thư.Rồi khái niệm "... Quốc hội của Đảng hay của dân..." như BaSam chỉ mới nêu vài câu đã thấy nhột rồi... Ông Bà xưa nói: "Biết thì thưa thốt,Không biết thì dựa cột mà nghe" . Chớ nói và trích dẫn lung tung, nhận xét bừa để các thế lực...lợi dụng. Là một công dân của CH XHCN VN , tôi thấy còn "chối" huống hồ "các thế lực thù địch". Nhưng đó là Nhà Báo,còn Ban biên tập đi đâu cả nhỉ? Hay là trình độ lý luận cũng rứa rứa thôi nên nhìn không thấy.
Nặc danh nói...
Ngọc Thư ăn lương của Đảng, tức tiền của dân, mà viết dỡ quá. Phản tuyên truyền\. Ngọc Thư, You're fired!
G nói...
Không tiêu hóa nổi bài viết này! Người viết đã "đánh tráo khái niệm". Đảng ngày nay đã không còn như đảng ngày xưa nữa. Đang viên của đảng ngày xưa là những người chấp nhận hy sinh, gian khổ để giải phóng dân tộc. Đảng viên của đảng hiện nay thì đang ngược lại với đảng viên của đảng ngày xưa, chỉ là những người với vị trí, vài trò "lãnh đạo" của mình tìm mọi cách để làm giàu cho bản thân và gia đình. Chính vì vậy, diễn biến không phải từ bên ngoài mà từ bên trong đảng. Tên gọi của đảng không thay đổi, mục tiêu của đảng không thay đổi nhưng con người trong đảng đã, đang thay đổi, mồm họ nói vì mục tiêu đó nhưng họ hành động khác. Chính điều đó đã làm thay đổi Đảng, Đảng chỉ có cái "vỏ" nhưng ruột đã đang thay đổi, "diễn biến là từ đó.
Nặc danh nói...
Cái này đời thường cũng hay găọ mà: Cán bộ và nhân dân Thủ đô quyết tâm giữ gìn Hà Nội là thành phố xanh sạch đẹp. Nghe qua tưởng là bình thường, nhưng nhìn kĩ lại hóa ra là có 2 giai cấp, một là cán bộ (đảng viên), hai là nhân dân. Chính vì có sự phân biệt như thế nên có những vấn đề nhân dân quyết tâm nhưng cán bộ không quyết tâm thì đành chịu, không thể làm được, ô hô!
Nặc danh nói...
Thỉnh thoảng muốn mua tờ Nhân Dân, QĐND, tạp chí Cộng sản mà khó kiếm quá - không thấy" báo ơ" bán. Còn báo ND, QĐND điện tử chẳng biết có nhiều người truy cập không, tôi đoán không nhiều vì nếu có thì mấy cơ quan này đã BÁO CÁO THÀNH TÍCH rùm beng rồi chứ lại không?
Thảo Dân nói...
Nói đi thì phải nói lại, với một góc nhìn khác, tôi thấy Đảng ta đúng là đỉnh cao trí tuệ thật, đặc biệt là việc sáng tạo ra các khái niệm mà khó có quốc gia nào sánh kịp. Này nhé: "âm mưu diễn biến hòa bình", "các thế lực thù địch", "kinh tế thị trường định hướng XHCN", "đấy đai là sở hữu toàn dân do nhà nước đại diện chủ sở hữu"... Tôi nghĩ là còn rất rất nhiều nữa, bác nào biết thì sưu tầm giúp với.
Anh 3 Sài gòn nói...
Nhà báo Ngọc Thư chịu khó đi học thêm về kỹ năng viết và phải tìm hiểu thêm phương pháp luận Mác lê nin nếu 2 lĩnh vực này có tiến bộ thì mới nên chấp bút còn không sẽ bị Đảng và Nhân dân nguyền rủa đó. Nhà báo đã viết sai quan điểm của Đảng cộng sản VN rồi. Chúc nhà báo sức khỏe để tiếp tục con đường học vấn; học, học nữa học mãi.
Hương nói...
Sự dẻo mỏ của một con vẹt.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét