Trang

Thứ Sáu, 29 tháng 4, 2011

Địa lý Hoàng sa


Đối Thoại          Website: Doi-Thoai.com         Email: toasoandoithoai@yahoo.com

Điạ Lý Biển Đông Với Hoàng Sa và Trường Sa


Vũ Hữu San

Ngoài việc dùng biện pháp bạo lực để chiếm một số đảo vào năm 1988, Trung cộng có một loạt hành vi qui mô trong một kế hoạch để xác nhận chủ quyền trên vùng Trường-Sa: vào năm 1983, quốc gia này vẽ lại bản đồ nới rộng ranh giới Đông Hải mà chúng đặt tên là Nam Hải.

Điạ Lý Biển Đông Với Hoàng Sa và Trường Sa

MỤC THỨ

I - Thay lời tựa

II - Địa-lý Biển Đông với Hoàng-Sa và Trường-Sa

1 - Biển Đông Của Báu Nước Ta.
1.1 - Khái-quát biển đảo Việt-Nam.
1.2 - Của báu của một nước.
1.3 - Biển Đông, sự sống còn của Việt-Nam.
1.4 - Tài-liệu địa-dư, những yếu-tố chính-xác.
1 4.1 - Sự chính-xác trong tài-liệu địa-lý.
1.4.2 - Yếu-tố chính-xác dùng trong Luật Biển.

2 - Biển Đông Xưa, Mai và Nay.
2.1 - Khai-sinh của Biển Đông
2.2 - Biển Đông quá-khứ, cái nôi văn-hóa, trung-tâm phát nguyên hàng-hải.
2.3 - Biển Đông và Ấn-Độ-Dương.
2.4 - Biền Đông tương-lai, lãnh-hải thành lãnh-thổ.
2.5 - Biển Đông, ngã tư thế-giới.
2.6 - Biển Đông, hành-lang chiến-lược bận rộn của Thế-giới.
2.7 - Với eo Kra, Biển Đông sẽ càng thêm bận rộn.
2.8 - Công-trình xây cất, sinh-hoạt biển & bờ.
2.8.1 - Công-trình mồ hôi, nước mắt.
2.8.2 - Hệ-thống hải-đăng Việt-Nam.
2.8.3 - Hệ-thống cảng biển Việt-Nam.
2.8.4 - Sinh-hoạt ngư-nghiệp.
2.8.5 - Công nghệ đóng tàu, một điểm loé sáng.

3 - Hải-sinh-vật Biển-Đông.
3.1 - Chim chóc.
3.1.1 - Biển Đông, vùng bay của di-điểu.
3.1.2 - Hải-âu, Bạn thân-thiết của người đi biển.
3.1.3 - Chim trên các đảo Hoàng-Sa và Trường-Sa.
3.2 - Rùa và sinh-vật trên đảo ngoài Biển Đông.
3.3 - Hải-sinh-vật ngoài biển.
3.4 - Biển Đông và môi-trường Sinh-vật-học Việt-Nam.
3.4.1 - Vùng môi-sinh Á-đông.
3.4.2 - Đường Wallace – Huxley.
3.5 - Trữ-lượng hải-sản Biển Đông.
3.6 - Bảo-vệ môi-trường biển.
3.7 - Hải-sinh-vật cần bảo-vệ.

4 - Khí-tượng Biển Đông.
4.1 - Tình-trạng khí-tượng tổng-quát.
4.2 - Mùa gió.
4.3 - Thủy-triều.
4.4 - Vùng nước xoáy.
4.5 - Nước biển, Nồng-độ muối.
4.6 - Hải-lưu.
4.7 - Nước, gió và nạn dầu loang.

5 - Thiên-tai và Ô-nhiễm Biển Đông.
5.1 - Bão-tố.
5.2 - Những hiện-tượng thiên-nhiên khác.
5.2.1 - Sóng thần.
5.2.2 - Vòi rồng.
5.2.3 - Thủy-triều đỏ và Thủy-triều đen.

6 - Biển Đông, những sự kỳ-diệu thiên-nhiên.
6.1 - Sự kỳ-diệu về từ-tính.
6.2 - Sự kỳ-diệu về “địa-hình.
6.3 - Biển Đông, bà mẹ thiên-nhiên chống ô-nhiễm.
6.3.1 - Nước sạch-sẽ.
6.3.2 - Gió trong lành.

7 - Đảo và duyên-hải Việt-Nam.
7.1 - Tổng-quát về hải-đảo ven bờ Việt-Nam.
7.2 - Tổng-quát về Hoàng-Sa và Trường-Sa.
7.3 - Sự quan-trọng của hải-đảo.
7.4 - Quan-điểm khác nhau về quân-sự.
7.5 - Các đảo lớn Việt-Nam.

8 - Biển và đảo theo Luật Biển quốc-tế.
8.1 - Quan-niệm cũ mới về lãnh-hải.
8.2 - Luật Biển LHQ., một ý-thức mới về trật-tự trên biển.
8.3 - Lãnh-thổ, lãnh-hải và hải-phận về kinh-tế.
8.4 - Thềm lục-địa và Hải-phận Đặc-Quyền Kinh-Tế EEZ.
8.5 - Đường căn-bản duyên-hải và nội-hải.
8.6 - Thềm lục-địa kéo dài.
8.7 - Diện-tích thềm lục-địa Việt-Nam.
8.8 - Các nước lớn và luật biển.
8.8.1 - Hoa-kỳ.
8.8.2 - Trung-Cộng.

9 - Luật Biển LHQ. và Biển Đông.
9.1 - Việt-Nam và Luật Biển.
9.2 - Trường-hợp các đảo Hoàng-Sa và Trường-Sa.
9.3 - Những đường ranh Biển Đông.
9.3.1 - Đường ranh biển với Kampuchea.
9.3.2 - Đường ranh biển với Thái-lan.
9.3.3 - Đường ranh biển với Indonesia.
9.3.4 - Đường ranh biển nào ở Trường-Sa?
9.4 - Những hình vẽ hải-phận theo giả-thuyết.
9.4.1 - Bản-đồ tổng-quát Biền Đông.
9.4.2 - Hải-phận kinh-tế EEZ của Việt-Nam.
9.4.3 - Hải-phận kinh-tế EEZ của Trung-Cộng.
9.4.4 - Hải-phận EEZ của các nước Việt-Nam, Trung-Cộng, Đài-Loan, Phi-luật-tân, Mã-lai-á & Brunei.
9.4.5 - Hải-phận EEZ của Việt-Nam nếu Việt-Nam kiểm-soát đảo Tri-tôn.

10 - Đặc tính chung của các đảo Hoàng-Sa và Trường-Sa.
10.1 - Cấu tạo địa-chất.
10.2 - Đất-đai san-hô.
10.3 - Kích-thước và tuổi-tác các đảo.
10.3.1 - Kích-thước của đảo san-hô.
10.3.2 - Tuổi đảo: thật già và thật trẻ.
10.4 - Hoàng-Sa và Trường-Sa thuộc Việt-Nam về phương-diện vị-trí.
10.5 - Hoàng-Sa và Trường-Sa thuộc Việt-Nam về phương-diện địa-hình đáy biển.
10.6 - Hoàng-Sa và Trường-Sa thuộc Viêt-Nam về phương-diện địa-chất, sinh-vật-học.
10.6.1 - Địa-chất.
10.6.2 - Thực-Sinh.
10.6.3 - Sinh Hóa.

11 - Thảo mộc Hoàng-Sa và Trường-Sa.
11.1 - Tồng-quát về thảo-mộc các đảo ngoài Biền Đông.
11 2 - Tài liệu của Giáo-sư Henry Fontaine.
11 3 - Tài liệu của Giáo-sư Phạm-Hoàng-Hộ.
11.4 - Tài liệu của Giáo-sư Sơn-Hồng-Đức.
11.5 - Báo-cáo của Kỹ-sư Trịnh-tuấn-Anh.

12 - Tài-nguyên.
12.1 - Phosphate.
12.2 - Ngư-nghiệp.
12.3 - Hải-sản Phụ.
12.3.1 - Ốc biển.
12.3.2 - Đỉa biển.
12.3.3 - Ruộng muối.
12.4 - Trữ-lượng dầu khí Biển Đông.
12.5 - Dầu khí trong hải-phận do Việt-Nam kiểm-soát.
12.6 - Những tài-nguyên Biển Đông trong tương-lai.

13 - Các đảo thuộc quần-đảo Hoàng-Sa.
13.1 - Tên quần-đảo: Bãi Cát Vàng.
13.2 - Chiều cao các đảo.
13.3 - Các Bãi Ngầm Macclesfield và Scarborough.
13.4 - Nhóm Trăng Khuyết.
13.4.1 - Đảo Hoàng-Sa.
13.4.2 - Đảo Hữu-nhật.
13.4.3 - Đảo Duy-mộng.
13.4.4 - Đảo Quang-ảnh.
13.4.5 - Đảo Quang-hòa.
13.4.6 - Đảo Bạch-quỷ.
13.4.7 - Đảo Tri-tôn.
13.4.8 - Các bãi ngầm.
13.5 - Nhóm đảo An-Yết.
13.5.1 - Đảo Phú-Lâm.
13.5.2 - Đảo Linh-côn.
13.5.3 - Các bãi ngầm chính.

14 - Các đảo thuộc quần-đảo Trường-Sa.
14.1 - Địa-danh và Địa-giới Quận Trường-Sa.
14.2 - Số lượng đảo.
14.3 - Vùng Việt-Hoa tranh-chấp.
14.3.1 - Địa-danh lịch-sử.
14.3.2 - Đảo Trường-Sa.
14.4 - Vùng Việt và 5, 6 nước tranh-chấp.
14.5 - Vùng Việt-Hoa-Phi tranh-chấp.
14.5.1 - Khu Nam.
14.5.2 - Khu Trung.
14.5.3 - Khu Bắc.
14.5.4 - Khu Đông.

15 - Kiến-thức về Biển Đông và các cuộc khảo-sát vùng Hoàng-Sa, Trường-Sa.
15.1 - Kiến-thức Biển Đông từ những ngày xa xưa.
15.2 - Thời Lê-Nguyễn.
15.3 - Thời Pháp-thuộc.
15.4 - Thời Việt-Nam Cộng-hòa.
15.4.1 - Các cuộc khảo-sát Biển Đông.
15.4.2 - Hình-ảnh phòng thủ Trường-Sa.
15.5 - Trung-Cộng lợi-dụng khảo-cứu để xâm-lược.
15.6 - Chuyện anh-hùng-ca.
15.7 - Chuyện khảo-cứu tức cười!

16 - Tổ chức ra biển.
17 - Kết-luận.

Tọa-độ địa-lý các đảo Hoàng-Sa.
Tọa-độ địa-lý các đảo Trường-Sa.
Sách báo tham-khảo.
Bảng liệt-kê Hình-ảnh.

III- Lời Bạt
Cụ Nguyễn Khắc-Kham (Dư-Phủ) và Giáo-Sư Hà Mai-Phương.

IV- Phụ-bản tiếng Anh.





THAY LỜI TỰA

Hiện nay có tới năm quốc gia trong vùng đang xâu xé, tranh giành chiếm đóng một số đảo thuộc quần đảo Trường-Sa của Việt Nam và đòi hỏi chủ quyền toàn phần hay một phần của quần đảo này. Đó là Trung cộng, Đài loan, Phi luật tân, Mã Lai Á và Brunei.
Quần đảo Hoàng-Sa của Việt Nam đã bị Trung cộng thôn tính nốt phần phía Tây của quần đảo này là Nguyệt Thiềm bằng quân sự vào tháng 1 năm 1974.
Ngoài việc dùng biện pháp bạo lực để chiếm một số đảo vào năm 1988, Trung cộng có một loạt hành vi qui mô trong một kế hoạch để xác nhận chủ quyền trên vùng Trường-Sa: vào năm 1983, quốc gia này vẽ lại bản đồ nới rộng ranh giới Đông Hải mà chúng đặt tên là Nam Hải. Với bản đồ mới này, toàn vùng Biển Đông thuộc chủ quyền của Trung cộng: phía đông vùng này giáp bờ biển Phi luật tân, phía tây giáp bờ biển Việt Nam và phía nam giáp Mã Lai Á. Đến tháng 2 năm 1992, chúng ban hành một đạo luật nói rằng những tàu quân sự và tàu khoa học (ám chỉ các tàu khoan, dò tìm dầu hoả) đi qua vùng biển này phải xin phép chúng. Nếu không, chúng sẽ đánh chìm. Rồi đến tháng 5 năm đó, chúng nhượng cho một công ty dầu của Mỹ là Crestone tìm dò dầu hoả trong khu vực rộng 25,000 cây số vuông nằm về phía tây quần đảo Trường-Sa, rất gần Cù lao Phú-Quý của ta. Cũng vào năm này, chúng cho tàu trawler với 2 tầu quân sự hộ tống chở một Mốc, đến đánh dấu chủ quyền trên đảo Đá Lạc. Chúng chiếm cả thảy 8 đảo của Việt nam. Tháng 6 năm 2006, chúng phổ biến một bảo đồ mới, vẽ lại ranh giới vùng Biển Đông. Với Bản đồ này, ranh giới được vẽ lại tiến sát bờ bể Việt nam: cách huyện Tư Nghỉa, Quảng Ngãi (phía dưới vĩ tuyến 15) khoảng 70 hải lý, và cách Cam Ranh khoảng 45 hải lý. Chúng không để ý đến luật biển 1982 qui định thềm lục-địa của quốc gia hải cận và vùng đặc-quyền kinh-tế là 200 hải lý.
Để yểm trợ cho công tác xác nhận chủ quyền này, vào năm 1994 chúng cho một số học giả Hoa lục sang Đài Loan họp với học giả địa phương thiết lập một cơ quan hỗn hợp Quốc Cộng Trung Hoa tuyên bố rằng toàn vùng biển kể trên thuộc Trung Hoa. Cơ quan hỗn hợp này có nhiệm vụ sưu tầm, nghiên cứu, phổ biến tài liệu ngõ hầu chứng minh chủ quyền của Trung Hoa trên toàn vùng Đông Hải. Ngoài việc sử dụng trí thức vào công việc trên, Trung cộng từ nhiều năm nay đã chuẩn bị biện pháp quân sự để bảo vệ “phần lãnh hải ấy”. Vì hai vùng quần đảo Hoàng-Sa và Trường-Sa ở quá xa lãnh thổ của Trung Quốc, Trung cộng đã và đang tăng cường Hạm Đội Biển Xanh với mưu đồ khống chế vùng này. Ba biện pháp được áp dụng:
a) đặt mua một hàng không Mẫu Hạm của Ukraine trên đó có thể chứa được 18 phi cơ SU-27 và đồng thời cải biến một tàu hàng khổng lồ thành một hàng không Mẫu Hạm khác (việc mua hàng không mẫu hạm Tbilisi, 60, 000 tấn hay Varyag, 67,000 tấn của Ukraine trị giá 2 tỹ MK từ 1992 cà cải biến tầu hàng này được hoãn lại);
b) mua kỹ thuật tiếp tế nhiên liệu trên không của Iran để nới rộng tầm xa của các chiến đấu cơ;
c) xây dựng trên quần đảo Hoàng-Sa một căn cứ hải quân với một phi trường cho phi cơ cất cánh liền có thể lên xuống; chúng xây cả hồ nước ngọt và hiện nay có cả ngàn quân ra trấn đóng trên căn cứ ấy.
Sức mạnh hải quân Trung cộng cũng được tăng cường với 24 máy bay SU-27 mới mua của Nga-Sô. Loại máy bay này tương đương với F.15 tối tân nhất của Mỹ. Chúng đang tăng cường cả tàu ngầm cho hạm đội ấy. Chúng đã cho xây một căn cứ trên một vùng đá ngầm mà Phi Luật Tân trước đó cũng đã nhận có chủ quyền. Khi Phi Luật Tân phản đối, chúng đã phủ nhận, rồi lại nhìn nhận đấy là nơi cho ngư dân Trung cộng tá túc khi hành nghề. Phi Luật Tân đã cho phá hủy căn cứ ấy, dù hai bên bắt đầu thương thuyết tại Bắc Kinh để giải quyết tranh chấp.
Không ai có thể chối cãi được hai vùng quần đảo Hoàng-Sa và Trường-Sa là của Việt Nam. Không một ai có quyền lợi dụng sự suy yếu và ươn hèn hiện hữu của của Đảng Cộng Sản đang nắm quyền tại Việt Nam, để xâu xé và ngang nhiên chiếm đóng lãnh thổ hay lãnh hải của Việt Nam.
Đối với ngoại bang, hai vùng quần đảo Hoàng-Sa và Trường-Sa về phương diện Địa Lý, Lịch Sử, Pháp Chế cũng như về Hành Xử Chủ Quyền đều thuộc về Việt Nam.
Hồi cuối tháng 7 năm 1994, trước lời công bố trắng trợn của một thiểu số học giả Trung cộng với sự đồng loã của một thiểu số học giả Đài Loan đòi hỏi chủ quyền trên các vùng quần đảo này, trí thức Việt Nam tại Hoa Kỳ, họp tại Đại học Stanford, California có ra một Tuyên cáo xác nhận chủ quyền của Việt Nam trên hai vùng quần đảo Hoàng-Sa và Trường-Sa ở Biển Đông.
Hưởng ứng tuyên cáo đó, học giả Vũ Hữu San đã sưu tầm, nghiên cứu về đia lý để chứng minh chủ quyền của Việt Nam trên các vùng quần đảo này. Công trình nghiên cứu ấy đã hoàn tất và được ấn hành dưới nhan đề ĐỊA LÝ BIỂN ĐÔNG VỚI HOÀNG-SA VÀ TRƯỜNG SA.
Đây là một công trình nghiên cứu hết sức công phu với nhiều khám phá mới lạ. Soạn giả đã tỏ ra có những kiến thức vững chải và thông hiểu về hải dương học, địa chất học, sinh vật học, thảo mộc học, văn minh học, nối kết các dữ kiện hiện có trên hải đảo với đất liền của Việt Nam để chứng minh tài tình các vùng quần đảo này là đất nối dài của Việt Nam. Ngoài ra, là một Sĩ quan cao cấp của Hải quân Việt Nam Cộng Hoà và đã từng hành quân nhiều lần tại vùng quần đảo này và tận mắt quan sát các hải đảo ấy, soạn giả đã mô tả các đảo một cách đầy đủ chi tiết từ hình dạng, kích thước, thảo mộc, địa chất, tài nguyên,… đến cả các vị trí chính xác từng đảo so với các đảo khác, với bờ biển Việt Nam và với bờ biển của mỗi quốc gia đòi hỏi chủ quyền như Trung cộng, Đài Loan, Phi luật tân, Mã Lai Á, Brunei. Soạn giả cũng không quên nói tới luật quốc tế về biển cả có liên hệ tới hai vùng quần đảo Hoàng-Sa và Trường-Sa. Ngay cả vấn đề lịch sử chủ quyền của Việt Nam trên các quần đảo này cũng được soạn giả đề cập tới.
Các dữ kiện được trình bày trong công trình nghiên cứu chứng minh rõ ràng rằng Việt Nam có chủ quyền trên vùng biển này.
Về tài liệu tham chiếu, soạn giả Vũ Hữu San đã viện dẫn rất nhiều tài liệu do những học giả có uy tín viết về vấn đề này. Cuối cùng, cuốn ĐỊA LÝ BIỂN ĐÔNG VỚI HOÀNG-SA VÀ TRƯỜNG SA có tới hai trăm bản đồ và hình ảnh giúp cho người đọc nhìn thấy ngay được vấn đề.
Uỷ Ban Bảo Vệ Sự Vẹn Toàn Lãnh Thổ Việt Nam, một tổ chức thoát thai từ nhóm tri thức Việt Nam tại Hoa Kỳ hân hạnh giới thiệu cuốn sách có giá trị này của học giả Vũ Hữu San với bạn đọc và mong muốn mỗi gia đình Việt Nam có một cuốn làm tài liệu khi cần phải nói cho mọi người biết rõ về vấn đề này và cũng nên có một cuốn gửi biểu thư viện công cộng tại địa phương nơi độc giả cư ngụ. Việc này sẽ giúp cho những ai muốn nghiên cứu vấn đề chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông, họ sẽ có ngay những tài liệu cần thiết.
Cuốn Địa Lý Biển Đông Với Hoàng-Sa và Trường-Sa được in lại lần thứ III vào năm 2007 này với những bổ túc cho đầy đủ hơn là để tưởng nhớ và ghi ơn cố GS Nguyễn Khắc Kham, một trí thức hàng đầu của dân tộc Việt đã sản xuất ra nhiều thế hệ trí thức trong ba phần tư thế kỷ qua và những môn sinh ấy của Giáo sư đã đóng góp vào việc xây dựng, cũng cố và phát huy nền văn hóa dân tộc vừa mới thoát khỏi nền đô hộ của thực dân Pháp.

Đại học Stanford ngày 10 tháng 5 năm 2007
Uỷ Ban Bảo Vệ Sự Vẹn Toàn Lãnh Thổ Việt Nam
Đại-Diện: GS Nguyễn Văn Canh.



1- BIỂN ĐÔNG CỦA BÁU NƯỚC TA
Nước Việt-Nam nằm cạnh Biển Đông. Lãnh-thổ và hải-phận Biển Đông là tài-sản tiền-nhân để lại cho dân-tộc ta.

1.1- KHÁI-QUÁT BIỂN ĐẢO VIỆT-NAM
Tài-liệu chính-thức từ giới-chức cầm-quyền Việt-Nam viết như sau:
Nước ta giáp với Biển Đông ở hai phía Đông và Nam. Vùng biển Việt Nam là một phần Biển Đông.
- Bờ biển dài 3,260km, từ Quảng Ninh đến Kiên Giang. Như vậy cứ l00 km2 thì có l km bờ biển (trung bình của thế giới là 600km2 đất liền/1km bờ biển).
- Biển có vùng nội thủy, lãnh hải, vùng đặc-quyền kinh-tế và thềm lục-địa với diện tích trên 1 triệu km2 (gấp 3 diện tích đất liền, 330,000km2).
- Trong đó có 2 quần đảo Hoàng-Sa, Trường-Sa và 2,577 đảo lớn, nhỏ, gần và xa bờ, hợp thành phòng tuyến bảo vệ, kiểm soát và làm chủ vùng biển.
- Có vị trí chiến lược quan trọng: nối liền Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương, châu Á với châu Âu, châu Úc với Trung Đông. Giao lưu quốc tế thuận lợi, phát triển ngành biển.
- Có khí hậu biển là vùng nhiệt đới tạo điều kiện cho sinh vật biển phát triển, tồn tại tốt.
- Có tài nguyên sinh vật và khoáng sản phong phú, đa dạng, quý hiếm.
- 26 tỉnh, thành phố ven biển chiếm 42% diện-tích và 45% số dân cả nước. Khoảng 15.5 triệu người sống ở đới bờ, 16 vạn người ở đảo.
* Vùng biển và hải đảo nước ta có vị trí chiến lược hết sức to lớn, có ảnh hưởng trực tiếp đến sự nghiệp bảo vệ nền độc lập dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội, có liên quan trực tiếp đến sự phồn vinh của đất nước, đến văn minh và hạnh phúc của nhân dân.

1.2- CỦA BÁU CỦA MỘT NƯỚC
"Của báu của một nước, không gì quý bằng đất đai: nhân-dân và của cải đều do đấy mà sinh ra". Đó là câu sử-gia Phan-Huy-Chú dùng mở đầu cho "Quyển 1 - Địa-dư-Chí". Toàn tập sách có nhiều quyển, được hoàn-thành năm 1820 mang tên là "Lịch-Triều Hiến-chương Loại-chí". Ngày nay, danh-từ được nói một cách tổng-quát là "đất đai" như vậy cần kể thêm cả vùng trời và nhất là vùng biển bao la rộng lớn vây quanh nữa.
Hoàng-Sa mất, Trường-Sa đang bị xâm-lăng.
Năm 1974, quần-đảo Hoàng-Sa lọt hoàn-toàn vào tay Trung-Cộng.
Năm 1988, tức là sau đó 14 năm, nhiều vùng của Trường-Sa đã bị ngoại-lai xua quân xâm-lấn trắng trợn, đánh chìm tàu Việt-Nam, chiếm cứ hàng loạt hải-đảo của ta.
Năm 1994, Trung-Cộng ngang ngược ngăn-chặn cả việc khai-thác dầu khí ngay trên thềm lục-địa Việt-Nam, chèn ép phái-đoàn Việt-Nam cũng như các nước vùng Đông-Nam-Á (ĐNÁ) khác vào những thỏa-ước song-phương có lợi cho chúng.
Sang thiên-niên-kỷ mới 2000, Trung-Cộng thành-công khi áp-lực được CHXHCN Việt-Nam chấp-nhận một đường biên-giới mới trong Vịnh Bắc-Việt, thiệt-hại cho nước ta. “Hiệp định giữa nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa về phần định lãnh hải, vùng đặc-quyền kinh-tế và thềm lục-địa của hai nước trong Vịnh Bắc Bộ" đã được Quốc hội nước CNXHCN Việt Nam khóa XI, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 15-6-2004.
Từ 2005, Việt-Nam và Phi-Luật-Tân đã bị buộc phải hợp tác để Trung-Cộng được ngang-nhiên thám-sát tài-nguyên một vùng rộng lớn 143,000 km2, sâu xuống tận cùng khu-vực cực nam của hải-phận ta.
Năm nay 2007, Trung-Cộng vẫn tuyên-bố 80% Biển Đông hình Lưỡi Rồng (U shape hay 9 gạch) là của họ.
Nguy-cơ Việt-Nam mất thêm đảo và hải-phận Biển Đông cũng còn nguyên đó!


Hình 1. Biển Đông với Hoàng-Sa, Trường-Sa và một số địa-danh quan-trọng.

Vì nước nào có địa-phận nước ấy, người dân có bổn-phận giữ gìn lãnh-thổ cho được nguyên vẹn. Bờ cõi nước ta xưa nay bao gồm hai quần-đảo Hoàng-Sa và Trường-Sa. Chính-quyền nào của Việt-Nam cũng phải dồn nỗ-lực cho công-tác bảo-vệ di-sản của tiền-nhân. Ngoài việc phòng-thủ những đảo còn lại, quốc-sách cần bao gồm các kế-hoạch tái-lập chủ-quyền quốc-gia trên các đảo đã mất. Phần chính kế-hoạch này được bảo-mật nhưng phần chuẩn-bị cho kế-hoạch như huấn-luyện, điều-hành, tiếp-vận, tâm-lý-chiến, tình-báo, vận-động ngoại-giao v.v... phải phổ-biến đến mọi lực-lượng quân-sự, dân-sự, các cơ-sở ngoại-giao, hành-chánh... liên-hệ để tất cả sẵn sàng phối-hợp thi-hành ngay khi có biến-cố hay khi có cơ-hội thuận-tiện.
Dù sao chăng nữa, đi trước tất cả những kế-sách đó, mọi người Việt-Nam chúng ta cần được "trang-bị" ngay những kiến-thức địa-dư căn-bản về hai quần-đảo trên. Ý-nghĩ sắp-xếp công việc ưu-tiên như vậy cũng là ý của người xưa. Sử-gia Phan-huy-Chú đã quyết-định ấn-hành chương "Dư-địa-chí" trước 9 chương khác là Nhân-vật-chí, Quan-chức-chí, Lễ-nghi-chí, Khoa-mục-chí, Quốc-dụng-chí, Hình-luật-chí, Binh-chế-chí, Văn-tịch-chí và Bang-giao-chí. Ông viết một câu xác-đáng như sau: "...Vậy trước hết phải khảo-cứu những điều cốt yếu về bờ cõi lúc chia lúc hợp, núi sông chỗ hiểm, chỗ bằng, làm ra Dư-địa-chí chép lên đầu".
Cùng trong nhận-thức như vậy, nhiều học-giả Việt-Nam trước đây đã từng nói là "chính-quyền nên đem ngay vấn-đề Hoàng-Sa Trường-Sa vào trong chương-trình giáo-dục học-đường, hành-chánh và quân-sự" Điều đề-nghị hợp-lý này đã được đưa ra từ hơn 20 năm về trước, xem ra chính-quyền lúc đó và cả chính-quyền ngày nay nữa cũng không mấy lưu-tâm.
Người Việt-Nam không muốn bị ngoại-bang bắt nạt, xâm-lấn. Dân ta chỉ tiến-bộ và nước ta chỉ phú-cường với một nền giáo-dục khai-phóng. Có lẽ vì thiếu tài-liệu để đọc, không mấy người dân trong nước nắm vững được những diễn-biến quân-sự ngoài Hoàng-Sa Trường-Sa. Tình-trạng còn mất, hiểm-nguy ngoài Biển Đông nếu bị bưng bít, chỉ có hại cho tiền-đồ Tổ-Quốc mà thôi.
Khi viết sách này, không những chúng tôi đã đi ra ngoài khuôn-khổ giáo-khoa mà còn muốn lạm-bàn thêm nhiều chuyện diễn-biến cận-đại. Lại nhằm lúc không-khí chiến-tranh còn vất-vưởng, đe doạ bao trùm Biển-Đông, nên dù bài viết mang nhan-đề "Địa-lý Biển Đông với Hoàng-Sa và Trường-Sa nhưng nhân cơ-hội, chúng tôi đã ghi thêm vào vài nét "chấm-phá" về địa-lý quân-sự. Sách viết cũng không nhằm việc tranh-cãi chủ-quyền lãnh-thổ trên trường quốc-tế nhưng vì sự tranh-chấp lãnh-hải hiện đang trong hồi quyết-liệt, chúng tôi cũng ước-lượng một số đường ranh giới về hải-phận theo với luật-pháp quốc-tế hiện-hành.
Trong vài trường-hợp ý-kiến chúng tôi đi hơi quá xa. Có thể những quan-niệm riêng rẽ của cá-nhân như vậy sẽ không được dùng khi mang ra tranh-tụng trên bàn thương-thảo quốc-tế. Tuy vậy các bản-đồ về ranh-giới hải-phận không phải hoàn-toàn giả-tưởng, ít nhiều chi-tiết sẽ là những mấu chốt suy-luận trợ giúp cho việc giải-đáp một số câu hỏi rắc rối về pháp-lý sau này.

1.2 – BIỂN ĐÔNG, SỰ SỐNG CÒN VIỆT-NAM
Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển, PGS. TS Ngô Doãn Vịnh cho rằng chúng ta phải “xây dựng chiến lược kinh tế biển cho đất nước, không thể nói khác, không thể chậm trễ hơn!” Trong bài viết bài “Chiến lược phát triển, Nhìn từ góc độ lý luận và thực tiễn” đề ngày 16/7/2004, nhiều câu rất xác-đáng như sau:
Việt Nam có hơn 3200km bờ biển, nước ta là một quốc gia ven biển, chịu tác động mạnh mẽ, trực tiếp từ các chiến lược khai thác biển của các nước trên thế giới và nhất là của các nước trong khu vực. Trong thế kỷ 21 người ta cho là thế kỷ của Biển. Các dân tộc đua nhau ra biển, giành giật lợi ích từ biển. Các quốc gia có biển đều xây dựng chiến lược khai thác biển cho mình. Các chiến lược gia cho rằng nếu nền kinh tế thế giới tăng trưởng với mức 6%/năm, dân số tăng khoảng 2%/năm và với trình độ công nghệ như hiện nay thì chỉ khoảng 20 năm nữa trên đất liền các nguồn tài nguyên sẽ bị cạn kiệt; với trình độ công nghệ như hiện thời thì không thể giải quyết được vấn đề đói nghèo, ô nhiễm môi trường, thất nghiệp… Vì thế nhân loại sẽ phải chuyển sang bốn hướng công nghệ mũi nhọn và một trong số đó là công nghệ đại dương. Trong bối cảnh đó ai ra biển trước người đó đỡ thiệt thòi hơn và có thể thu được lợi nhiều hơn từ biển. Đối với Việt Nam, trong khi công tác điều tra cơ bản về biển và ven bờ còn nhiều hạn chế, hiểu biết của chúng ta về các nước trong lĩnh vực khai thác biển cũng chưa thật nhiều, tiềm lực kinh tế cũng như khoa học công nghệ về biển chưa có gì đáng kể, thậm chí có thể nói là yếu mà chúng ta phải xây dựng chiến lược kinh tế biển cho đất nước, không thể nói khác, không thể chậm trễ hơn! vậy thì chúng ta phải làm sao đây? và làm như thế nào?
Theo các tác-giả cuốn sách “Việt Nam - môi trường và cuộc sống” cũng như hội-viên của “Hội Bảo Vệ Thiên Nhiên và Môi Trường Việt Nam”, Biển Đông liên-hệ đến sự sống còn của dân ta. Các nguồn tài nguyên và môi trường biển và vùng bờ của đất nước có tầm quan trọng trực tiếp đối với hàng chục triệu người dân nông thôn, đặc biệt đối với hơn 17 triệu dân sống ở các huyện ven biển và các đảo ven bờ. Cho nên, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực bảo vệ và quản lý vùng bờ theo hướng hiệu quả và bền vững, với quan điểm là "nguồn lợi biển và tài nguyên bờ phải được sử dụng dài lâu, vừa thoả mãn được nhu cầu kinh tế trước mắt trong sức chống chịu của các hệ sinh thái, vừa duy trì được nguồn tài nguyên cho các thế hệ mai sau.
Cuốn sách kết-luận: “Thế kỷ XX con người đi lên trời và vẫn tiếp tục thám hiểm vũ trụ, còn thế kỷ XXI con người sẽ đi ra biển. Thế kỷ XXI là kỷ nguyên của biển và đại dương, biển sẽ là cứu tinh của cả thế giới. Vì biển là nơi dự trữ cuối cùng của loài người về lương thực, thực phẩm, nhiên nguyên liệu.”
…Nhận diện "Việt Nam biển" cũng chính là bắt đầu một cách nhìn mới và đầy đủ về chân dung kinh tế Việt Nam. Đó là một Việt Nam mang sóng biển Đông hòa vào bể lớn của thương trường quốc tế theo cách tiếp cận phát triển bền vững.
Người Tàu quan-niệm Biển Đông là “không-gian sinh-tồn” của dân-tộc họ, nên quyết-liệt giành giựt. Với chúng ta, sự quan-trọng “sinh tử tồn vong”, liên-hệ sống & chết giữa Biển Đông và dải đất hẹp Việt-Nam còn phải đặt cao hơn thế nữa mới đúng!

1.3 – TÀI-LIỆU ĐỊA-DƯ, NHỮNG YẾU-TỐ CHÍNH-XÁC
Tài-liệu địa-lý cũng như các tài-liệu khoa-học khác, cần chính-xác.

1.3.1 – SỰ CHÍNH-XÁC TRONG TÀI-LIỆU ĐỊA-LÝ
Những tài-liệu về địa-lý kể cả hoạt-động quân-sự dùng nơi bài viết này đã được chúng tôi lấy từ các thư-viện công-cộng vùng Bắc California, ai muốn đọc đều được. Dù sao chúng tôi cũng rất tự-chế mà không bàn đến các yếu-tố chiến-lược, chiến-thuật nếu xét rằng các yếu-tố này có thể nguy-hại đến an-ninh lãnh-thổ, nhân-mạng Việt-Nam...
Cho dù đã cố gắng sưu-tầm tài-liệu, chúng tôi không tránh khỏi khuyết-điểm và nhầm lẫn khi trình-bày những kiến-thức tương-đối mới lạ này, xin quý-vị lượng-thứ. Và... nhân-tiện đây cũng xin kêu gọi tất cả người Việt chúng ta cùng giúp nhau cẩn-trọng trong vài vấn-đề như sau:
- Địa-danh. Về phương-diện này, học-giả Võ-Long-Tê đã đặt vấn-đề từ hai thập-niên trước đây. Những địa-danh như Tây-Sa, Nam-Sa, Vĩnh-Lạc v.v... của Trung-Hoa nên được sử-dụng một cách thận-trọng khi đề-cập đến chủ-quyền Việt-Nam. Như lời ao-ước của ông Võ-long-Tê, chúng tôi cũng đã thấy các địa-danh trong Biển Đông nên gọi theo các "đặc-danh thuần Việt". Được biết Tiến sĩ Địa mạo, chuyên sâu: Địa mạo biển Nguyễn-Hoàn đã chủ trì đề tài "Địa danh hai quần đảo Hoàng-Sa và Trường-Sa" thuộc chương trình Biển Đông - Hải đảo, mã số BĐ - HĐ - 01, các năm 1997-1999.
Nếu giới hữu-quyền Việt-Nam lại tôn-trọng Luật Biển quốc-tế và các quy-ước quốc-tế khác mà vẽ được các bản-đồ hải-phận, xác-định được đảo ra Đảo, đá ra Đá, bãi nông, bãi ngầm v.v... thì thật là ích quốc lợi dân lắm vậy!
Những bản-đồ hay hải-đồ Biển Đông đầy đủ địa-danh Việt-Nam như vậy, đi kèm với những chi-tiết cần-thiết cũng làm chúng ta hãnh-diện với người nước ngoài và nhiều ít đóng góp thêm tài-liệu pháp-lý trong sự tuyên-bố chủ-quyền của dân ta trên biển.
Qua các tài-liệu trước đây, vì chúng tôi nhận ra những con số sai-lạc nên đã tự-ý dùng các hải-đồ khả-dụng ngày nay để ước-lượng cùng sửa chữa lại cho gần với thực-tế hơn. Tuy vậy, vài con số mà chúng tôi đưa ra trong tài-liệu này chỉ là những ước-lượng (một cách phỏng-định) do cá-nhân chúng tôi đơn-độc làm lấy nên có thể còn lầm-lẫn. Mong rằng các cơ-quan thẩm-quyền về đo đạc đưa ra những con số chính-xác làm tiêu-chuẩn sau này. Chỉ bằng cách công-bố những dữ-kiện, yếu-tố thật đúng đắn; những tập tài-liệu của chúng ta mới tạo được uy-tín cho Việt-Nam trên bàn tranh cãi quốc-tế.
Đơn-cử sau đây là những "con số" điển-hình mà chúng tôi đã ước-lượng, có thể cũng chưa hẳn chính-xác:
- Khoảng cách gần nhất từ quần-đảo Hoàng-Sa và đất liền Việt-Nam:
a- Đến Cù-lao Ré 123 hải-lý (hl.).
b- Đến đất liền Quảng-Ngãi 135 hải-lý.
Các tài-liệu Việt-ngữ đều cho những khoảng cách này xa hơn nhiều. Thường khoảng cách quần-đảo / đất liền hay được tính từ Hoàng-Sa tới Đà-Nẵng: là trên 200 hải-lý.
- Chiều dài bờ biển Việt-Nam thường được ghi là 2,500km, hay có khi giản-tiện là 2 ngàn cây-số. Những độ dài này quá ngắn so với sự thực. Chính-quyền hiện nay công-bố là Việt Nam có 3,260km bờ biển từ Móng Cái đến Hà Tiên, đôi khi ghi thêm phụ chú: trải qua 13 vĩ độ, từ 8o23' bắc đến 21o39' bắc.
Chúng tôi ước-lượng lại bằng cách dùng các hải-đồ tỷ-lệ lớn và lấy thước đo kéo dài vòng theo duyên-hải và thấy con số đạt được lớn hơn. Luật-gia Mark J. Valencia của East-West Center, Honolulu, khi tham-khảo tài-liệu, đã đưa ra một con số “đáng kinh-ngạc”: 2,828 hải-lý tức 5,237km đường ven biển.
- Vị-trí biển Trường-Sa thường lúc xưa chỉ kể tới vĩ-độ 8o00' Bắc (N, Nord), chúng tôi đề-nghị ghi theo một số các tài-liệu quốc-tế cho rộng xuống phía Nam ít nhất 240 hải-lý nữa, tới vĩ-độ 4o00' Bắc. Trung-Cộng đã vẽ bản-đồ với vùng biển mà họ tự cho là có chủ-quyền xuống đến vĩ độ 3o20' Bắc. Tin tức năm 1993 cũng loan-tin họ thăm-dò dầu-hoả trên bãi cạn James Shoal (vĩ-độ 3o58' Bắc, kinh-độ 112o15' Đông).
- Diện-tích và chiều cao của các đảo. Sự sai biệt có lẽ quá lớn ở những trị-số này. Các đảo thuộc Hoàng-Sa/Trường-Sa thường được ghi diện-tích tới nhiều cây số vuông. Sự thực, các đảo ngoài khơi Biển Đông rất nhỏ và riêng ở vùng Trường-Sa không có đảo nào lớn tới nửa cây số vuông. Về cao-độ, các đảo cũng hay được ghi quá cao như đảo Nam-Yết tới 20m (hay 61ft) chẳng hạn.
Tuy Nam-Yết đúng là một trong những đảo cao nhất quần đảo Trường-Sa nhưng đỉnh của đảo cũng chỉ vượt lên khỏi mặt biển chừng 5m mà thôi! Có thể một vài cây nhàu, cây bàng biển vươn lên trên mặt đảo khoảng 5, 7 thước nữa, nhưng thật ra không thể làm cao-độ của đảo tăng lên nhiều quá đến như vậy. Tàu bè phải tới thật gần mới nhận ra được những hòn đảo ngoài Biển Đông.
- Tổng-số các đảo. Tổng-số các đảo (island), đụn (dune), cồn (cay), đá (rock), bãi cạn, bãi ngầm (bank, shoal, reef)... thuộc Hoàng-Sa, nếu không đúng hệt như sách cổ Việt-Nam đã ghi là 130 thì cũng phải kể đến con số hàng trăm. Không thể vì lý-do không liệt-kê được hết các địa-danh mà người ta ghi một số lượng quá nhỏ. Chẳng hạn như nói "Tây-Sa 7 đảo, 9 đảo", kiểu như danh-từ "Thất-châu", "Cửu-châu" của Tàu dùng để gọi quần-đảo Hoàng-Sa trước đây. Trường-hợp ở quần-đảo Trường-Sa, số lượng đơn-vị đất đá như vậy còn lớn hơn nhiều. Những tài-liệu địa-chất viết: "quần-đảo Trường-Sa gồm có 9 đảo" đã đưa ra một con số quá khiêm-tốn.
Chúng tôi xin nghiêng về sự ước-lượng "một cách tỉ-mỉ" với những con số lớn lao hợp-lý hơn, thay cho các số nhỏ bé vẫn dùng trong các tài-liệu địa-lý Việt-ngữ, Hoa-ngữ xưa nay.
Đơn-vị đất (land masses) đã được một số học-giả như Michael Bennett sử-dụng. Con số ước-lượng có tới 500 "đất" cho hai quần-đảo Hoàng-Sa và Trường-Sa. Trong số đó, khoảng 100 đơn-vị đã được đặt tên.

1.3.2- YẾU-TỐ CHÍNH-XÁC DÙNG TRONG LUẬT BIỂN.
Tổng-số đảo hay đá, diện-tích và chiều cao của đảo hay đá cũng như chu-vi đảo, diện-tích lãnh-thổ, chiều dài bờ biển, tỷ-lệ bờ biển/ đất liền v.v... là những con số dùng để tính-toán trong việc quy-định các loại hải-phận theo Luật Biển LHQ. ngày nay.
Trong tương-lai cận kề, mọi quốc-gia dù chống đối hay đồng-ý việc thi-hành Luật Biển Liên-Hiệp-Quốc (Liên hợp-quốc – LHQ.) cũng đều sẽ chịu ảnh-hưởng chi-phối trực-tiếp hay gián-tiếp của những điều-luật này. Trong các sách viết về Luật Biển, thường là rất dầy, có những điều khoản ấn-định ranh giới hải-phận dựa trên vị-trí và tình-trạng các đảo, cồn, đụn, đá...; nghĩa là những đơn-vị đất đá "land masse" phù-hợp theo một số điều-kiện quy-định.
Số lượng nhiều ít "land masses" là một chuyện, quốc-gia chủ-quyền sẽ phải xác-định những đơn-vị nào đủ điều-kiện như một "hòn đảo" và "hòn đá", nghĩa là "thường-trực nổi lên mặt biển (permanently above sea level) ngay cả khi thủy-triều dâng lên tối đa. Đảo được kể theo pháp-lý như đất liền, kể cả hải-phận kinh-tế 200hl.
Đá chỉ có lãnh-hải 12hl. mà thôi. Đá giống đảo là nổi lên mặt biển thường-trực nhưng nhỏ bé và cằn cỗi, con người không thể sinh sống được. Điều-kiện này rất khó xác-định nên đã gây ra nhiều tranh-luận.
Tổng-số đảo hay đá, vị-trí, diện-tích và chiều cao của đảo hay đá cũng như chu-vi đảo, diện-tích lãnh-thổ, chiều dài bờ biển, tỷ-lệ đất/biển v.v... là những con số ảnh-hưởng nhiều ít dùng để tính-toán và quy-định hải-phận theo Luật Biển LHQ. ngày nay.
Tại vùng quần-đảo Trường-Sa, các "đơn-vị đất" được ước-lượng trong khoảng từ 300 đến 400. Dựa vào những tài-liệu địa-lý hiện-hữu, Viện Nghiên-Cứu Đông-Tây ở Hawaii cho rằng chỉ có 33 đơn-vị thường-trực nổi lên mặt biển, gồm có 26 đảo và 7 đá.
Bản-đồ Hoàng-Sa Trường-Sa với địa-danh cùng một số chi-tiết khác nữa xin được trình-bày trong những phần sau.

DANH-SÁCH CÁC ĐẢO VÀ ĐÁ TRƯỜNG-SA
thường-trực cao hơn mặt biển
Tên ghi trên hải đồ Tên Việt-ngữ Tọa độ Quốc-gia cđ Độ cao
TÊN ĐẢO (26)
ALICIA ANNIE REEF Đá Suối Ngọc 09 25 N 115 25 E C- 1.2m
AMBOYNA CAY ISL Đảo An Bang 07 51 N 112 55 E VN cđ C- 2m
COMMODORE REEF Đá Công Đo 08 20 N 115 25 E Phi cđ (Rizal) C- .3m
FLAT ISLAND Đảo Bình Nguyên 10 48 N 115 50 E Phi cđ (Patag) I-
GAVEN REEF Đá Ga Ven 10 12 N 114 14 E TC cđ (Nam Xun Jia) D- 2m
GRIERSON REEF Đá Grierson 09 53 N 114 35 E VN cđ (cạnhSh-Tôn Đ) C-
IRVING REEF Đảo Cá Nhám 10 55 N 114 56 E C-
ITU ABA ISLAND Đảo Ba Bình 10 23 N 114 21 E Đài-Loan cđ I- 4.8m
LANKIAM CAY Đảo “Lankiam” 10 43 N 114 31 E Phi cđ (Panata) C-
LEN DAO (Lansdown Reef) Đảo Len 09 46 N 114 22 E VN cđ D-
LOAITA CAY (Losita Nan) Đá Loại Ta 10 41 N 114 25 E (cạnh đ. Loại-ta) C-
LOAITA ISLAND Đảo Loại Ta 10 41 N 114 25 E Phi cđ (Kota) I- 2m
MARIVELES REEF Đá Kỳ Vân 07 59 N 113 50 E Malesia cđ C- 1.5m
NAMYIT ISLAND Đảo Nam Yết 10 11 N 114 22 E VN cđ I- 5m
NANSHAN ISLAND Đảo Vĩnh Viễn 10 43 N 115 49 E Phi cđ (Lawak) I- 2.5m
NORTH EAST CAY Đảo Song Tử Đông 11 27 N 114 21 E Phi cđ (Parola) C- 3m
PEARSON REEF NE Hòn Síp (Hòn Sáp?) 08 58 N 113 40 E VN cđ C- 2m
PEARSON REEF SW Hòn Sáp (Hòn Síp?) 08 55 N 113 35 E VN cđ C- 1m
SAND CAY Đảo Sơn Ca 10 23 N 114 28 E VN cđ C- 3m
SANDY CAY Đảo “Sandy” 11 03 N 114 13 E C-
SIN COWE ISLAND Đảo Sinh Tồn 09 51 N 114 22 E VN cđ I- 2.5m
SOUTHWEST CAY Đảo Song Tử Tây 11 26 N 114 19 E VN cđ C-
SPRATLY ISLAND Đảo Trường-Sa 08 38 N 111 55 E VN cđ I- 2.5m
THI-TU ISLAND Đảo Thị Tứ 11 03 N 114 17 E Phi cđ (Pagasa) I-
WEST REEF-Thuộc LondonRfs Đá Tây 08 51 N 112 12 E VN cđ C- .6m
WEST YORK ISLAND Đảo Bến Lộc 11 05 N 115 01 E Phi cđ (Licas) I-
TÊN ĐÁ (7)
BARQUE CANADA SHOAL Bãi Thuyền Chài 03 12 N 113 19 E VN cđ R- 4.5m
DISCOVERY GREAT REEF Đá Lớn 10 01 N 113 51 E VN cđ R-
EAST REEF-Thuộc LondonRfs Đá Đông 08 49 N 112 33 E VN cđ R- .6m
FIERY CROSS REEF Đá Chữ Thập 09 38 N 112 57 E TC cđ (Yung Shu Jiao) R-
LOUISA REEF Đá Louisa 06 00 N 113 16 E R- 1.0m
ROYAL CHARLOTTE REEF Đá Sắc Lốt 07 00 N 113 35 E R- .6m
SWALLOW REEF Đá Hoa Lau 07 22 N 113 49 E Malaysia cđ R- 1.5m

*Chữ viết tắt; cđ=chiếm đóng (có quân trú-phòng), VN=Việt-Nam, TC-Trung-Cộng.
*Đảo được tính chủ-quyền hải-phận và vùng kinh-tế EEZ (200 hl). Đá chỉ tính lãnh-hải 12 hl.
*Tài-liệu lấy trong Ocean Yearbook 10, 1993 liệt-kê thành 3 loại: (9) Island, (15) Cay, (2) Dune, (7) Rock; viết tắt là I, C, D, R
Hình 2. Bảng liệt-kê các đảo và đá thuộc quần-đảo Trường-Sa.

2 – BIỂN ĐÔNG XƯA, MAI VÀ NAY.
Biển Đông đã thay hình đổi dạng nhiều lần trong quá-khứ.

2.1 - KHAI-SINH CỦA BIỂN ÐÔNG
Theo các nhà địa-chất, lúc xưa trái đất chỉ lớn bằng 4/5 thể-tích mà ta thấy ngày nay. Các lục-địa dính chùm vào với nhau thành khối đại lục-địa Pangea. Cách nay 340 triệu năm, ở khu-vực phía Ðông gần xích-đạo (sau này thành vùng Ðông-Nam-Á) xuất-hiện một cái hồ chứa nước hình tam-giác đều mỗi cạnh chừng vài trăm cây số.
Vào khoảng 240 triệu năm trước, khi Pangea bắt đầu bành-trướng, các lục-địa tách rời nhau và trái đất lớn dần. Kích-thước “hồ nước” tam-giác đủ lớn và đủ sâu để làm cho lớp vỏ trái đất dưới đáy của nó mỏng dần và giãn nở theo với đà bành-trướng của các lục-địa. Nhiều yếu-tố thiên-nhiên phối-hợp với nhau, làm thay đổi cấu-trúc địa-chất của lớp vỏ trái đất chỗ đó, vỏ đại-dương thành hình: “Hồ nước” đã trở thành Biển Ðông.
Lúc mới thành-hình, biển này nằm ở phía Bắc khu đất hình chữ “S nằm ngang”, sau này thành ra lãnh-thổ của nước Việt-Nam ta.
Theo Bản-đồ Thành-Hệ Kiến-Trúc-Việt-Nam , chúng ta hình-dung sự diễn-tiến hình-thành của Biển Ðông như sau:
- Cách nay 240 triệu năm, từ hình tam-giác đều, hồ nước biến hình-thành một lá cờ đuôi nheo dài hàng ngàn cây-số. Phía cán cờ nối thẳng từ Đài-Loan tới Hoàng-Sa. Cạnh đuôi nheo chạy rất gần bờ biển Miền Trung Việt-Nam kéo dài tới khu Cù-lao Thu (ngoài khơi Phan Rang, Phan Thiết ngày nay…
- Khoảng 220 triệu năm đến 80 triệu năm trước, hình-dạng cờ đuôi nheo biến-dạng thật nhanh. Biển Ðông đã kéo dài khoảng ba ngàn cây-số, xuống tận ngoài khơi Singapore. Trong khi đó biển Malacca cũng hiện-hữu song song và độc-lập với Biển Đông, chạy từ Bangkok đến Singapore ngày nay.
- Vịnh Thái-Lan, trong đó có Vịnh Phú-Quốc nhỏ bé của Việt-Nam như vậy đã hình-thành từ lâu, trước vịnh Bắc-Việt. Không giống Biển Đông, lớp vỏ trái đất dưới đáy biển Malacca không giãn mỏng và vùng biển này tiếp-tục nông cạn. Nhiều lần trong quá-khứ vào những thời Băng Đá, Vịnh Thái-Lan trở thành một cái đồng-bằng trũng rộng lớn, bao trùm bởi các cánh rừng nhiệt-đới um-tùm.

Hình 3. Biển Đông lúc mới thành hình.

- Cách nay 37 triệu năm, Biển Ðông bành-trướng khá mạnh. Diện-tích vào khoảng chừng 70% diện-tích hiện-thời. Sau đó mấy chục ngàn năm, Biển Ðông đã thu-hút luôn cả Biển Malacca để nhập vào một Biển lớn. Vẫn chưa thấy xuất-hiện hình-dạng của Vịnh Bắc-Việt vì đáy biển ở đó chưa giãn mỏng và nước chưa tràn vào.
- Ngày khai-sinh của Vịnh Bắc-Việt được Viện Ðịa-Chất và Khoáng-Sản (thuộc Cục Ðịa-Chất Việt-Nam) ước-lượng chỉ vào khoảng 11 triệu năm trước đây. Khi đáy biển bị giãn mỏng, chìm xuống, Vịnh thành hình. Thường thì Vịnh ngập nước, nhưng đôi khi cũng khô cạn, tuỳ theo với mực nước thấp của Thái-Bình-Dương trong thời-đại Băng Đá.
- Hiện thời cả Biển Ðông và Vịnh Bắc-Việt xem ra vẫn còn đang tiếp-tục bành-trướng.

Hình 4. Hình-ảnh Biển Đông 220 triệu năm trước.


Hình 5. Hình-ảnh Biển Đông 140 triệu năm trước.

Tiểu lục-địa Ấn-Ðộ, rồi tiểu lục-địa Úc-Ðại-Lợi sau khi tách ra, trôi về hướng Ðông-Bắc. Khi tiểu lục-địa Ấn-Ðộ đụng vào lục-địa Á-Âu tạo ra dãy núi “trẻ” Hi-Mã-Lạp-Sơn, nó cũng làm vùng đất Việt-Nam xoay chuyển dần sang hướng Bắc-Nam (chữ S đứng thẳng). Biển lúc này chuyển từ từ sang phía Ðông của Việt-Nam.
2.2 – BIỂN ĐÔNG QUÁ-KHỨ, CÁI NÔI VĂN-HÓA, TRUNG-TÂM PHÁT-NGUYÊN HÀNG-HẢI.

Ngày nay nhìn vào bản-đồ Đông-Nam-Á, chúng ta thấy Biển Đông là một vùng biển gần như nội-địa, diện-tích bằng 4 phần 5 của Địa-trung-Hải. Trong quá-khứ cách nay vài chục ngàn năm cho tới vài trăm ngàn năm là thời-gian mà khoa-học có nhiều dữ-kiện tương-đối chính-xác, hình-dạng Biển Đông hoàn-toàn khác hẳn và thông thường nó nhỏ bé hơn bây giờ khá nhiều. Một số nhà nghiên-cứu cho rằng sự thay đổi về địa-lý Biển Đông không những chỉ làm thay đổi môi-trường sinh-sống của sinh, thực-vật trên đất, dưới biển trong vùng mà còn tạo-dựng lên cả một cuộc biến-đổi lớn làm phát-sinh những nền văn-minh quan-trọng về nông-ngư-nghiệp cùng hàng-hải có thể gọi là tiền-tiến vào bậc nhất của nhân-loại.
Đã có nhiều nhà khoa-học cố gắng giải-thích sự hình-thành nền văn-hóa hàng-hải của dân Việt nói riêng và của dân Đông-Nam-Á nói chung. Những sắc-thái đặc-thù này khác-biệt hẳn với sắc-thái văn-hóa hoàn-toàn lục-địa của Trung-Hoa. Một số lý-thuyết được tóm tắt như sau:
Trong lịch-sử trái đất, mực nước biển đã dâng lên hạ xuống nhiều lần, sự sai-biệt có tới 150m. Cách nay chừng 18,000 năm, diện-tích Biển Đông chỉ bằng phân nửa hiện nay. Khi băng đá hai cực địa-cầu tan rã thì nước biển dâng lên nhanh. Dân-cư vùng duyên-hải vốn sống bằng cách thu-lượm tôm cá, sò ốc phải dồn về những vùng cao hơn. Cho đến khoảng 4,000 năm trước Tây-lịch (TTL), hàng trăm ngàn dặm vuông lục-địa đã bị ngập dưới Biển Đông. Vì diện-tích đất đai bị suy-giảm nên mật-độ dân-số gia-tăng. Nhiều sự tiếp-xúc, trao đổi, va chạm giữa những giống người khác nhau đã xảy ra. Lúc xưa dân-cư sống rải rác khắp nơi trong vùng đất thấp rộng lớn Sunda, nay cùng gặp nhau trong một môi-trường sinh-hoạt mới vùng đồi núi. Tiến-bộ khởi-sự từ đó.
- Chester Norman cho rằng nền Văn-minh Hòa-Bình được tạo-dựng trong thời-gian thềm lục-địa Sunda bị ngập nước. Khi đó vịnh Bắc-phần và vịnh Thái-Lan mà lúc trước là hai vùng đồng-bằng trũng, nay cũng thành-hình.
Từ nhiều ngàn năm trước, người dân thuộc nền văn-hóa Hoà-Bình ở miền Tây Biển Đông chỉ sống bằng cách săn-bắn, hái-lượm và trồng trọt ruộng khô trong những vùng thung-lũng. Bỗng nhiên mật-độ dân-cư tăng lên nhanh, con người phải có phương-pháp mới để sản-xuất thêm thực-phẩm. Loài trâu, loài heo được gia-súc-hóa.
Người ta di-chuyển từ thung-lũng xuống khai-phá đồng-bằng. Yếu-tố quan-trọng nhất của đà phát-triển là sự ra đời của các giống cây cho hạt. Những loại ngũ-cốc thuần-hóa sau này thích-hợp cho ruộng nước. Khoảng 5,500 năm trước, cây lúa đã được trồng trọt.


Hình 6. Hình-thể Biển Đông cuối thời Băng-giá, Hoàng-Sa Trường-Sa dính liền vào đất Việt-Nam. Khi nước dâng cao, dân-cư từ vùng Sunda chạy lên các vùng cao. (The Southeast Asian World, Keith Buchanan, New York, 1967, trang 45)

Lý-thuyết Norman cho rằng một số lớn dân Đông-Nam-Á khởi-sự trước hết bằng cuộc sống ở duyên-hải, sau này hội-nhập với dân-cư vùng cao-nguyên nhưng rồi trở về lại vùng đồng-bằng gần biển, sau nữa phát-triển về hàng-hải.
- Buckminster Fuller, một nhà Toán-học và Ðịa-Lý, tác giả nhiều tấm bản-đồ “đồng-nhất tỷ-lệ” Dymaxion World Maps, tin rằng có thể tìm ra nguồn-gốc các nền văn-minh vì sự liên-hệ đồng-thuận giữa trình-độ văn-hóa, di-dân và mật-độ nhân-số. Ông khảo-sát địa-lý thế-giới và đưa ra giả-thuyết là vùng duyên-hải Ðông và Nam-Á với dân-số đậm đặc đã khởi-nguyên những nền văn-minh đầu-tiên của nhân-loại.

Hình 7. Thuyết Buckminster Fuller về Hải-lộ phân-tán dân-cư. Khi nước biển dâng cao, từ Biển Đông di-dân đi ra khắp nơi theo các giai-đoạn phát-minh thuyền bè, buồm, xiếm.

- Wilheim G. Solheim cho rằng 6,000 năm trước, dân Đông-Nam-Á đã mạo-hiểm ra khơi vì nhu-cầu di-chuyển. Gió bão và hải-lưu của Biển Đông và Thái-bình-Dương đã cuốn trôi một số người tới Nhật-Bản, trong khi các nhóm khác bị quét sang Phi-luật-Tân (Philippines), Nam-Dương (Indonesia) và Melanesia. Tiếp theo, những toán dân-chúng di-chuyển tới các đảo ngoài khơi Thái-bình-Dương và sang Madagascar.
Bàn rộng hơn thế nữa, cũng theo Solheim, Biển Đông của Đông-Nam-Á thời cổ còn là nơi phát-sinh những đường hàng-hải giao-tiếp với các nơi ở dọc biển Á-châu, Âu-châu, Phi-châu, Đại-dương-châu và cả Mỹ-châu. Solheim lý-luận rằng chỉ có sự kiện Đông-Nam-Á giữ vai-trò trung-tâm phân-tán như trục một cái bánh xe tỏa nan-hoa ra khắp nơi mới giải-thích được hiện-tượng lịch-sử là tại sao các chủng-tộc khác-biệt của loài người sống xa cách nhau trên khắp thế-giới lại có nhiều sự tương-đồng về sinh-hoạt văn-hóa như vậy!
Cùng nhận-định như Solheim nhưng đi trước ông tới 40 năm, nhà ngữ-học Pháp Paul Rivet đã làm nhiều cuộc nghiên-cứu và kết-luận rằng: "Từ vùng Đông-Nam Á-châu, một thứ ngôn-ngữ đã được truyền-bá đi bằng đường hàng-hải đến Nhật-Bản, Tasmania, Địa-trung-hải, Phi-châu và Mỹ-châu".


Hình 8. Quan-niệm truyền-bá ngôn-ngữ ĐNÁ đi khắp thế-giới theo đường hàng-hải, khởi-sự từ Biển Đông (Paul Rivet, 1929).

Địa-đàng Phương Đông, rồi Heo và đường biển từ Việt Nam
Người Anh mở nhiều cuộc nghiên-cứu, khám khá những sự kiện rất mới về Biển Đông.
- Trong cuốn sách “Eden in the East: The Drowned Continent of Southeast Asia East” Bác-Sĩ Stephen Oppenheimer, đã dựa trên những kiến-thức cập nhật mới đây của các ngành khoa-học như di truyền học, nhân chủng học, thần thoại, văn học dân gian, ngôn ngữ học, hải dương học, khảo cổ học... mà kết-luận nhiều gốc rễ văn-minh nhân-loại đã khởi-sự từ khu vực quanh Biển Đông. Theo Ông Nguyễn Văn Tuấn, có người còn cho rằng đây là một quyển sách quan trọng vào bậc nhất trong ngành Đông-Nam-Á học!
Tác-giả Oppenheimer đã viết trong cuốn sách “Ðịa-đàng Phương Đông” trên: "Lý thuyết mà tôi trình bày trong cuốn sách này lần đầu tiên, đặt Đông-Nam-Á vào trung tâm của các nguồn gốc văn hóa và văn minh. Tôi cho rằng nhiều người đã phải di tản khỏi vùng duyên hải của họ ở phương Đông vì lụt lội. Những người tỵ nạn này từ đó vun đắp những nền văn minh vĩ đại ở phương Tây."
- Rồi mới đây nhất theo tin Luân Ðôn 3/21/2007, các nhà khoa học thuộc Ðại học Durham và Oxford của Anh quốc, khi nghiên cứu DNA của heo rừng và heo nhà ở vùng nam Thái Bình Dương, đã nêu giả thuyết mới về nguồn gốc cư dân các đảo ở vùng này là từ Việt-Nam. Trong bài báo của Hàn Lâm Viện Khoa Học số mới nhất, nhóm nhà khoa học trên, đứng đầu là tiến sĩ Keith Dobney thuộc khoa khảo cổ Ðại học Durham cho biết việc nghiên cứu các loại gene ít bị biến đổi trên 781 con heo ngày nay và gene heo sống từ thời xa xưa lấy được từ các viện bảo tàng. Do có mối liên quan gene rõ ràng giữa heo hiện nay ở Việt Nam và heo ở các đảo Sumatra, Java, New Guinea, New Oceania cùng nhiều đảo nam Thái Bình Dương, nên họ cho rằng phần lớn các cư dân sống trên các đảo này có nguồn gốc từ Việt Nam. Tiến sĩ Greger Larson, nhà nghiên cứu chính của nhóm, nhận xét heo phải được người di cư chuyên chở đến đó. Theo ông, tổ tiên của các cư dân trên các hòn đảo xa xôi đã rời Việt Nam cách đây vào khoảng 3,600 năm, và họ đã đi qua nhiều hòn đảo trước khi đến các đảo nam Thái Bình Dương.

- William Meacham khi nghiên-cứu bản-đồ địa-hình đáy biển, cho biết lúc xưa bờ Biển Đông tương-đối bằng phẳng. Khoảng 14,000 năm trước đây, bè tre đã xuất-hiện. Rồi nước biển cứ cao dần. Khi mực nước biển gần đạt đến mức-độ như hiện nay, chừng 25m, bờ biển đã lùi sâu vào lục-địa, gặp đúng chỗ địa-thế lởm chởm, lồi lõm. Nhiều nhóm người sống trên các hải-đảo. Sự liên lạc, di-chuyển bằng thuyền bè trở nên càng ngày càng cần-thiết hơn. Các trở ngại, khó khăn trên biển đã thúc-đẩy con người phải phát-minh ra những cánh buồm, những bánh lái, những loại thuyền nhiều thân và những cơ-phận điều-khiển khác để việc hải-hành được an-toàn hơn, tránh bị thổi ra ngoài khơi.
Meacham tin rằng 6,000 - 4,000 năm trước Tây-lịch, những nền văn-minh vùng châu-thổ sông Hồng bắt đầu nảy nở. Đồ gốm đã được nặn trên bàn xoay ở Đậu-Dương. Khoa khảo-cổ cũng tìm thấy dây câu, lưới bắt cá và thuyền độc-mộc. Nhiều dân-cư sống bằng ngư-nghiệp. (4,000 năm TTL.).


Hình 9. Bờ biển lúc xưa phẳng-phiu, nay lởm chởm lồi lõm.
- Carl Sauer duyệt-xét những biến-chuyển về địa-lý Biển Đông trong thời-khoảng mười mấy ngàn năm trước đây, đưa ra kết-luận về tinh-thần tiến-bộ của cư-dân người Việt (Yueh) thời cổ như sau: "Mực nước Biển Đông dâng cao làm tăng thêm nhịp bồi-đắp phù-sa lên những khu thung-lũng duyên-hà trong khi các vùng đất thấp tiếp-tục bị lụt. Dân-cư khi xưa sống rải rác thì lúc này thu lại thành các vùng cư-trú dọc theo nguồn nước... Một thế-giới mới đã thành-hình, sự thay đổi môi-trường vật-lý địa-dư đã trở thành cơ-hội thuận-tiện tối đa cho những dân thích phiêu-lưu và mong tiến-bộ... Người dân bỏ sự nhàn rỗi và nhờ trí-óc tò-mò để tìm thử-nghiệm, một cộng-đồng như vậy chỉ cần một thời-gian ngắn để chuyển-tiếp từ ngư-nghiệp sang thẳng nông-nghiệp.
Cùng với Meacham, Sauer ý-thức tầm quan-trọng của ngư-nghiệp và hàng-hải trong tiến-trình văn-minh Đông-Á thời cổ. Khác biệt hẳn với các nơi khác trên thế giới, Biển Đông và vùng đất chung-quanh có tới hai vụ gió mùa trong một năm, nên hoàn-cảnh rất thuận-lợi cho sự phát-triển các ngành nông-nghiệp, ngư-nghiệp và hàng-hải.
Vì Biển Đông có hai vụ gió mùa nên việc hải-hành viễn-duyên khi đi cũng như khi về rất tiện-lợi. Hàng-hải phát-triển kéo theo sự bành-trướng thương-mại. Sự trao đổi hàng-hóa nâng cao kỹ-thuật chế-tạo phẩm-vật.
- Charles F. Keyes viết trong sách "The Golden Peninsula" rằng Việt-Nam là nơi phát-khởi nền văn-minh Hoà-Bình trải rộng khắp Đông-Nam-Á. Keyes đã xác-định hai điểm sau:
* Quá-trình văn-hóa thời tiền-sử của toàn vùng Đông-Nam-Á thường được chia ra làm những giai-đoạn mà chỉ-danh từng giai-đoạn lấy từ địa-danh các vị-trí khảo-cổ tiêu-biểu nhất như Hòa-Bình, Bắc-Sơn, Đông-Sơn; tất cả đều nằm trong Bắc-phần Việt-Nam (trang 182).
* Thời-đại Đồ Đồng xuất hiện vào khoảng 3,000 đến 2,500 năm TTL. ở Đông-Nam-Á, nghĩa là khởi-sự sớm hơn Trung-Hoa và Ấn-Độ. Biểu-tượng chính của nền văn-minh này là những Trống Đồng tìm thấy ở nhiều nơi xa xăm như Sulawesi thuộc Nam-Dương quần-đảo. Những trống đồng như vậy đều được đúc tại vùng đất Đông-Sơn nhỏ hẹp của Việt-Nam, từ đó trống được phân-phối đi khắp Đông-Nam-Á theo đường hải-thương.


Hình 10. Trống Đồng ghi-dấu khắp nơi ở Đông-Nam-Á (Trống Đông-Sơn, Viện Khảo Cổ Học, Hà Nội 1987, trang 131). Lưu-ý vị-trí Đông-Sơn với Hoàng-Sa và Trường-Sa. (trong hai vòng tròn).

2.3 - BIỂN ĐÔNG THUỘC ẤN-ÐỘDƯƠNG?
Vào thời Thượng-cổ sang thời Trung-cổ, không có một vùng biển nào của Á-Ðông nổi tiếng trong giới thượng-lưu cũng như thương-mại Âu-Châu bằng Vịnh Bắc-Việt. Người giàu có hãnh-diện mỗi khi mua được những món hàng quý-giá mang về từ Ðông-phương.
Một thế-kỷ sau Tây-lịch, học-giả uy-thế Ptolemy vẽ bản-đồ thế-giới, ghi-nhận những địa-danh của "bán-đảo Vàng" Mã-lai/Đông-Dương, Biển Đông với Vịnh Bắc-Việt tận cùng về phía Đông của Ấn-Ðộ, Ông chú-giải chi-tiết và vẽ hải-đồ hàng-hải giao-thương với một Hải-cảng thuộc Giao-Chỉ, được ghi rõ rệt là Cattigara (hoặc Cattigara, Kattigara, hay Katigara) tọa-độ 177 độ Đông kinh-tuyến, 8 độ 30' Nam vĩ-tuyến.
Một chuyện hạn-hữu mang tính-chất lịch-sử đã xảy ra. Ðó là chuyện những bản-đồ Ptolemy được các học-giả Ả-Rập sử-dụng và nỗ-lực phổ-biến khắp nơi suốt thời-gian hơn 1,200 năm. Người ta tin-tưởng vào công-trình của Ptolemy đến độ một số sai-lầm trong tác-phẩm của Ông còn tồn-tại cho đến cuối thế-kỷ thứ 18. Trong những sai lầm đó, quan-trọng nhất là những yếu-tố địa-lý căn-bản của Vịnh Bắc-Việt bị nhiều nhà hàng-hải và cả một sổ nhà địa-lý lừng danh lập lại một cách lệch lạc đến 1,700 năm sau.


Hình 11. Biển Đông với hải-cảng chính Cattigara vẽ theo bản-đồ Ptolemy. "Ancient History Atlas" Michael Grant, Cartograph by Arthur Bank, Mcmillan Publishing Co., Inc., New York, 1971: 75.

Theo Ptolemy, Vịnh Biển Lớn (Signus Magnus - chỉ Vịnh Bắc-Việt hay rất có thể là cả Biển Đông) là một phần của biển Ấn-Ðộ. Hải-cảng chính của Vịnh này là Cattigara nằm bên bờ phía Ðông của Ấn-Ðộ-Dương cạnh hai con sông lớn. Tài-liệu của Trường Viễn-Ðông Bác-Cổ phỏng-định vị-trí hải-cảng Cattigara nằm trong khu-vực Quảng-Yên, Hồng-Gai.


Hình 12. Họa-đồ Pháp phân-giải sự nhầm-lẫn về vị-trí và hình-thể Vịnh Bắc-Việt của các bản-đồ cổ Ptolemy.

2.4 – BIỂN ĐÔNG TƯƠNG-LAI, LÃNH-HẢI THÀNH LÃNH-THỔ
Xem xét qua các lý-thuyết như vậy, những nhận xét sau đây đáng được nêu ra:
- Biển Đông và Việt-Nam không những chỉ có liên-hệ trong thời hữu-sử mà sự liên-hệ mật-thiết còn phải kể từ thuở xa xưa hơn vào thời tiền-sử.
- Nước Biển Đông khi lên khi xuống, tuy đôi lúc làm giông-bão cuồng-loạn thổi trôi người vật, nhà cửa ra biển nhưng luôn luôn là cái nôi hiền dịu, thai-nghén và ấp-ủ văn-minh nông-nghiệp và hàng-hải của dân Việt.

Hình 13. Mực nước biển lên xuống trong quá-khứ. Nếu không có gì thay đổi, nước Biển Đông sắp bắt đầu khô cạn trở lại.

- Nước Biển Đông đã lên đến mức tối-đa. Khoảng chừng ngàn năm trở lại đây, nhiều nơi tại vùng châu-thổ sông Hồng-Hà và Cửu-Long-giang từng bị ngập nước. Đôi khi mực nước biển có thể đã dâng cao hơn hiện thời.
Trong một vài thế-kỷ tới, mực nước có thể tăng giảm, nhưng có tăng lên cũng một vài thước là cùng. Các vùng đất thấp đông dân-cư đáng lo ngại bị ngập lụt nhiều nhất là khu châu-thổ các cửa sông Mae Nam và thủ-đô Vọng-Các của Thái-Lan. Sau đó, nước sẽ phải rút xuống.
Trong vòng dăm ba ngàn năm tới, cả vịnh Bắc-Việt và Thái-Lan sẽ trở thành khô-cạn, người Việt chúng ta không còn có dịp theo mẹ lên núi nữa mà lại khởi-sự theo cha tiếp-tục tiến xuống Biển Đông.
- Thềm lục-địa chúng ta bảo-vệ hôm nay sẽ là lãnh-thổ để lại cho con cháu chúng ta sau này. Thời-gian tuy có thể nói là xa, nhưng cũng cần tiên-liệu bây giờ.
- Trong vòng dăm ba ngàn năm tới, khi nước rút xuống 20m, eo biển Malacca trở thành khô cạn. Biển Đông thực sự biến thành một cái biển nội-địa. Sự phồn-thịnh của các thương-cảng tại Tân-gia-Ba và Mã-lai-Á chìm vào quá-khứ. Nước biển sẽ không còn thoát ra Ấn-độ-Dương. Biển Đông chỉ còn thông được với Thái-bình-Dương qua eo biển Đài-Loan và có lẽ mấy rãnh nhỏ xuyên qua ngả Phi-luật-Tân mà thôi.
Tại vịnh Thái-Lan, hải-cảng Vọng-Các lùi dần vào đất liền, trở nên một giang-cảng. Khmer giống như Ai-Lao sẽ biến thành một quốc-gia nội-địa. Thái-Lan chỉ còn khu phía Tây thông ra được biển Andaman và Ấn-độ-Dương. Các hải-cảng Hải-phòng, Sài-Gòn mất dần tầm-mức quan-trọng. Tuy vậy nhờ nằm cạnh vùng biển sâu, Cam Ranh và các cảng miền Trung-Việt sẽ còn tiếp-tục hoạt-động và phát-triển mạnh. Tất cả khu-vực nội-địa rộng lớn từ Vân-Nam và Thái-Lan sang Ai-Lao, qua Khmer, tới Việt-Nam chỉ còn trông cậy vào sự thông-thương ra biển qua các cửa ngõ này mà thôi.


Hình 14. Hình-thể Biển Đông nếu nước rút xuống chừng 70m, lãnh-thổ sẽ rộng ra, nhiều hải-cảng ngày nay biến mất. (trích bản-đồ của National Geographic March 197).

Chỉ cần mực nước biển rút xuống 50, 60m; vịnh Bắc-Việt thành khô cạn, vịnh Thái-Lan thâu lại như một cái hồ nội-địa, và diện-tích lãnh-thổ Việt-Nam tăng lên gấp hai lần. Phần đất mới do thiên-nhiên sắp ban-phát này rất phẳng-phiu, không núi non rừng rậm. Với sự cần-cù nhẫn-nại cố-hữu của dân ta, hầu hết đất nước Việt-Nam với vùng đồng-bằng bao la sẽ phì-nhiêu xanh tốt kéo dài suốt dọc từ Bắc xuống Nam qua nhiều ngàn cây số.
Tuy vậy, khi diện-tích đất đai gia-tăng, dân-số toàn-thể nhân-loại cũng gia-tăng. Trong lúc diện-tích mặt biển suy-giảm, số lượng hải-sản cũng suy-giảm theo; nhiều đổi thay về môi-trường sinh-sống sẽ xảy ra và nhịp-độ tranh-chấp lãnh-thổ cùng hải-phận cũng tăng theo cùng với mực nước rút... Những luật-lệ đặt ra hôm nay không còn phù-hợp trong lúc đó. Vì thềm lục-địa thoai-thoải của mình, người Việt-Nam cũng nên tiên-liệu những gì xem ra lợi-ích hay tệ- hại cho các thế-hệ mai sau.
Sức người không tát cạn Biển Đông nhưng thuận vợ thuận chồng hòa anh em, thương đồng-bào, dân Việt hy-vọng vẫn trường-tồn và ngự-trị Biển Đông. Nếu khoa khảo-cổ đúng, tiền-nhân Việt ta đã tiền-tiến trong nhiều lãnh-vực, từng vẫy vùng trên mặt biển mênh mông thì hậu-nhân Việt sẽ vẫn tiếp-tục vững chắc tiến bước trên con đường đó cho dù Biển Đông có ngày khô-cạn.

2.5 – BIỂN ĐÔNG, NGÃ TƯ THẾ-GIỚI
Biển Đông hay Đông-Hải là một bán-nội-hải (semi-enclosed sea) nằm về phía Đông của Việt-Nam. Cũng có người gọi là Nam-Hải với ý-nghĩa rằng "biển của người (Việt) Nam. Vì biển này cũng ở phía Nam của Trung-Hoa nên bản-đồ quốc-tế thường ghi là South China Sea. Nói khác đi, danh-từ Anh-ngữ này (Biển Nam Nước Trung-Hoa) còn gợi ý cho những nhà hàng-hải hiểu rằng vị-trí nước Tàu nằm ở phía Bắc của "Biển Đông" này.

Table 1. Dimensions of Southeast Asian Seas
Area Perimeter Length
Water Body (nmi2) (nmi) (nmi)
South China Sea 959,160 5,901 1,901
Gulf of Thailand 85,521 1,241 339
Gulf of Tonkin 46,961 1,050 268
TOTAL 1,091,642
Hình 15. Một vài con số về kích-thước của Biển Đông. Theo tài-liệu này, bờ biển Việt-Nam chiếm tới 35% chu-vi Biển Đông.
Biển Đông được bao quanh tới 90% bởi biển các nước Việt-Nam, Kampuchea, Thái-Lan, Malaysia, Singapore, Indonesia, Brunei, Philippines, Taiwan và Trung-Hoa; trong đó phần bờ biển dài nhất là của Việt-Nam (2,828 hải-lý). Chỉ có 10% chu-vi của biển này (perimeter = 8192 nautical miles) thông-thương được ra các biển Thái-bình-Dương và Ấn-độ-Dương.
Theo tài-liệu của văn-phòng International Hydrographic Bureau, diện-tích Biển Đông vào khoảng 1,091,642 hải-lý vuông, bao gồm cả hai vịnh biển khá lớn là vịnh Bắc-Việt (46,961 hải-lý vuông) và vịnh Thái-Lan (85,521 hải-lý vuông). Chiều dài nhất theo chiều Bắc-Nam, tới 1,901 hải-lý.
Không có một vùng biển nào trên thế-giới với diện-tích tương-đương mà lại có tầm-mức quan-trọng về phương-diện giao-thông như Biển Đông. Muốn từ Thái-bình-Dương sang Ấn-độ-Dương, tàu thuyền phải chạy qua đây. Biển Đông nằm ngay trên ngã tư đường hàng-hải, từ phía Bắc (Trung-Hoa, Đài-Loan, Đại-Hàn, Nhật-Bản) xuống Nam (Mã-Lai, Nam-Dương, Úc-Châu) và từ Tây (Âu-Châu, Phi-Châu, Trung-Đông, Ấn-Độ) sang Đông (Nam-Dương, Phi-luật-Tân, Đại-dương-Châu, Mỹ-châu).
Thời xưa cũng như ngày nay, bao quanh Biển Đông là nhiều thương-cảng quốc-tế quan-trọng. Trước khi Trung-Hoa phát-triển hàng-hải vào thế-kỷ thứ 5, hải-cảng sầm-uất nhất của Biển Đông nằm trong vịnh Bắc-Việt vùng Hòn-gay Hải-phòng mà các nhà hàng-hải quốc-tế thường gọi là Cattigara (phiên-âm của các tên thời cổ như Kẻ Chợ- Kesho hay Cửa Gay).


Hình 16. Biển Đông mở ra Ấn-Độ-Dương với hải cảng chính Kattigara (thuộc Giao-Chỉ) theo bản-đồ Ptolemy.

Hơn một thế-kỷ sau Tây-lịch, Ptolemy tuy không vẽ hoàn-toàn bản-đồ thế-giới, nhưng sách của ông có ghi chép về sinh-hoạt của "bán-đảo Vàng" Mã-lai/Đông-Dương và Biển Đông. Hải-cảng tận cùng về phía Đông có đường hàng-hải giao-thương là thuộc Giao-Chỉ, được ghi rõ rệt là Kattigara (tọa-độ 177o Đông kinh-tuyến, 8o30' Nam vĩ-tuyến với kinh-tuyến gốc qua quần-đảo Canary).
Ngay trong thời-kỳ bị Tàu đô-hộ, người Việt vẫn tiếp-tục nắm giữ độc-quyền đường biển vùng Hoa-Nam và Biển Đông như đã từng nắm giữ từ hàng ngàn năm trước đó. Hàng-hóa xuất nhập Đông-Á đều qua cửa khẩu Giao-chỉ, bên chính-quốc Trung-Hoa lúc đó không có một hải-cảng nào quan-trọng. Các đoàn thương-nhân và ngoại-giao phương Tây sang Á-Đông đều ngừng lại bến cuối cùng là "Cattigara" ở xứ ta.
Ngày nay, Trung-Cộng thường tuyên-bố người Tàu là giống dân đầu tiên khám-phá Biển Đông, khám-phá Hoàng-Sa. Sự kiện này chỉ có những người nào thiếu kém hiểu-biết mới tin-tưởng mà thôi. Trước khi người Tàu lập-quốc (chỉ chừng 3 thiên-kỷ trước Tây-lịch) thì nhiều ngàn năm đó, thổ-dân vùng Đông-Nam-Á đã đi đi, lại lại thường-xuyên trên Biển Đông, di-chuyển qua Đài-Loan, Nhật-Bản và đi ra cả các đảo ngoài Thái-bình-Dương.
Đường biển thời cổ nhộn-nhịp đến độ các dân-tộc cả một vùng rộng lớn có nhiều sinh-hoạt, kiến-thức, văn-hóa tương-tự. Qua đường hàng-hải, ngôn-ngữ các dân-tộc ảnh-hưởng lẫn nhau. Ngày nay bao quanh Biển Đông, người ta thấy các ngôn-ngữ hỗn-hợp giữa hai họ Nam-Á và Nam-Đảo mà nhà ngữ-học Wilhelm Schmidt đề-nghị góp chung lại và gọi là các tiếng Nam-phương (Austric).


Hình 17. Địa-bàn các ngôn-ngữ Nam-đảo hay Mã-lai Đa-đảo.

Trường-hợp tiếng Việt-Nam là một thí-dụ về sự pha trộn đó. Ngôn-ngữ ta được một số học-giả xếp vào gia-đình Việt-Mường, tức một chi của tiểu-họ Môn-Khmer, một số khác xếp vào chi Nam-Thái. Dù Môn-Khmer hay Nam-Thái, Việt- ngữ đứng về vị-trí địa-dư, thuộc họ Nam-Á. Tuy vậy lại có rất nhiều bằng-chứng hiển-nhiên về sự liên-hệ chặt chẽ giữa tiếng Việt và các thứ tiếng Nam-Đảo. Địa bàn các tiếng Nam-Đảo này trải dài hơn nửa vòng trái đất, từ đảo Madagascar, gần Phi-châu đến đảo Easter, gần Nam-Mỹ.
Đặc-điểm của họ ngôn-ngữ này là sự phân-tán tiếng nói nhờ vào đường biển mà trung-tâm khởi đi từ khu-vực chung quanh Biển Đông, khác hẳn các họ ngôn-ngữ khác truyền đi bằng đường bộ.
Trong khi nước Trung-Hoa thành-hình ở bình-nguyên sông Hoàng-Hà và còn xa lạ với biển, dân Việt đã sinh sống tại vùng duyên-hải phía Đông và Đông-Nam châu Á. Đặc-biệt dân-cư nền văn-minh Hòa-Bình (Bắc-Việt) rất giỏi hàng-hải, đã mang văn-minh đi reo rắc khắp vùng Biển Đông, xuống tận Nam-Dương và các quần-đảo phía Nam.


Hình 18. Ảnh-hưởng văn-hóa hàng-hải của người Việt (Yueh) thời cổ ở Đông-Á. Đường biển đi Nhật-Bản, buộc họ đi ngang Đài-Loan và đường đi Nam-Dương buộc họ qua Hoàng-Sa Trường-Sa. (Theo tài-liệu: A History of China, Wolfram Eberhard, 1977: 6-7).

Sử Tàu cũng ghi chép những chi-tiết xa gần liên-hệ đến những đường hàng-hải như vậy. Còn riêng người Tàu, họ chỉ mới bành-trướng xuống Hoa-Nam vài thế-kỷ trước Tây-lịch mà thôi.
Hiện nay, nhờ nằm trong vùng địa-thế đặc-biệt phát-triển hàng-hải như vậy, các quốc-gia láng giềng với ta như Mã-Lai, Tân-Gia-Ba đang trở nên những nước giàu có nhất nhì thế-giới. Việt-Nam tuy chậm hơn họ nhưng vẫn có cơ-hội tiến lên.
Nếu lấy giữa Biển Đông làm trung-tâm nhìn ra thế-giới:
- Trong vòng bán-kính 1500 hải-lý, ta thấy các thành-phố hải-cảng quan-trọng như Bangkok, Rangoon, Calcutta, Singapore, Djakarta, Manila, Taipei, Hongkong, Shanghai, Nagasaki.
- Trong vòng bán-kính 2500 hải-lý, ta thấy các thành-phố hải-cảng Madras, Colombo, Bombay, Bali, Darwin, Guam, Tokyo, Yokohama, Seoul, Beijing...
Nhìn kỹ vòng tròn 2500 hải-lý này, ta thấy nó bao trùm hầu hết lãnh-thổ các nước lớn có dân-cư vào hàng đông nhất trên thế-giới như Trung-Hoa, Ấn-Độ, Nam-Dương, Nhật-Bản. Sự cận kề của Biển Đông với gần nửa phần nhân-loại trong vòng tròn tương-đối hẹp 2500 hải-lý là ưu-điểm hàng đầu mà người ta không thể tìm thấy ở bất cứ một vùng biển nào khác trên thế-giới.


Hình 19. Vị-trí Biển Đông và thế-giới. Vòng tròn có tâm ở Biển Đông và bán kính 2500 hải-lý bao trùm gần nửa phần nhân-loại.

Trong các thế-kỷ vừa qua, những hải-cảng Việt-Nam như Cam-Ranh, Sài-Gòn, Hải-Phòng..., vì hoạt-động suy-giảm nên thường được xếp vào hạng những hải-cảng kém quan-trọng; đứng sau các cảng San Francisco, New York, Yokohama, Hongkong, Sidney, Singapore... Bước sang thế-kỷ tới, khi những vùng hậu-cảng nước ta giàu có thêm, kỹ-nghệ phát-triển và tầm khai-thác tài-nguyên của Biển Đông đạt đến đúng mức, thứ hạng quan-trọng của Cam-Ranh cũng như của các cảng Việt-Nam khác sẽ thay đổi hẳn.

2.6 – BIỂN ĐÔNG, HÀNH-LANG CHIẾN-LƯỢC
BẬN RỘN CỦA THẾ-GIỚI

Biển Đông là một trong những tuyến đường biển quan trọng nhất thế giới. Dưới góc độ giá trị kinh tế và chiến lược, eo biển Ma-lắc-ca cửa phía Nam của Biển Đông là một trong những tuyến vận tải biển quan trọng nhất trên thế giới, sánh ngang với kênh đào Su-ez hoặc kênh đào Pa-na-ma.
Báo Hà Nội Mới viết: Biển Đông là hành lang tàu thủy chính giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, nối liền các quốc-gia Trung-Đông và Nam-Á với vùng Đông-Á. Hải-lộ này cũng nối ba nước đông dân nhất thế giới là Ấn Độ, In-đô-nê-xi-a và Trung Quốc, và vì vậy được xem là điểm điều tiết giao thông quan trọng nhất ở châu Á.
Hải-lộ quốc-tế Biển Đông nằm kẹt giữa hai quần-đảo Hoàng-Sa và Trường-Sa của Việt-Nam. Đây là một khu vực có ý nghĩa chiến lược trên hai mặt: ngoài các giá trị to lớn về nguồn tài nguyên thiên nhiên, các quần đảo này còn sở hữu một trong những hành lang biển quốc tế quan trọng nhất thế giới, nơi thông thương của ¼ nền thương mại thế giới.
Ví dụ, năm 1988, Biển Đông chiếm tám phần trăm tổng số lượng đánh bắt hải-sản của thế giới, một con số chắc chắn còn tăng lên. Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đã dự đoán rằng Biển Đông chứa lượng cá và các nguồn dầu mỏ, khí gas tự nhiên có giá trị lên đến một nghìn tỷ đô la.
Vùng Biển Đông cũng là một trong những vùng có mật độ hàng hải đông đúc nhất trên thế giới. Trong những năm 1980, ít nhất có hai trăm bảy mươi tàu đi qua quần đảo Trường-Sa mỗi ngày, và hiện tại hơn một nửa tàu chở dầu siêu cấp của thế giới chạy qua vùng biển này hàng năm. Lượng tàu chở dầu chạy qua Biển Đông lớn gấp ba lần lượng chạy qua Kênh Suez và năm lần lớn hơn Kênh Panama; hai mươi phần trăm dầu thô thế giới được chuyên chở qua Biển Đông.


Hình 20.


Hình 21.

Hình 22.
3 hình trên vẽ về hải-trình và thống-kê lưu-lượng dầu thô, hàng-hoá ngang qua Biển Đông trích ra từ trang web U.S. Pacific Command:
http://www.pacom.mil/about/mvp-statements.shtml

Bộ Năng Lượng Hoa-Kỳ và Bộ Tư-Lệnh Thái-Bình-Dương của Quân-Lực Mỹ đã phổ-biển tài-liệu và hình-ảnh nói rất rõ-ràng về tầm quan-trọng của hành-lang chiến-lược này.

2.7 – VỚI EO KRA, BIỂN ĐÔNG VN SẼ CÀNG THÊM BẬN RỘN
Các hải-lộ nối hai đại-dương Thái-Bình và Ấn-Độ đều phải đi vòng xuống phía Nam qua các eo biển Mã-Lai-Á và Nam-Dương. Các tàu thuyền nếu đi xuyên qua được eo Kra tại miền Nam Thái-Lan thì hải-trình sẽ ngắn lại được 2, 3 ngày.
Kế-hoạch đào một con kinh dài 12 km đủ sâu để tàu thuyền qua lại dễ-dàng đã được hoạch-định từ thời quốc-Vương Narai của xứ Thái Ayudhya vào năm 1677. Dù vậy cho đến nay, vì tình-hình an-toàn cho xứ sở phải cân nhắc, Thái-Lan vẫn do-dự, chưa dám cho khởi công đào sới. Các nước như Trung-Hoa, Nhật-Bản, Mã-Lai-Á, Đức, Pháp đã ngỏ ý tài-trợ hay đầu tư.
Trong tình-thế hiện nay, Trung-Hoa chắc-chắn phải coi vụ kinh-đào Kra rất quan-trọng cho chiến-lược cũng như quốc sách của họ. Người Trung-Hoa, vốn là chuyên-viên tài giỏi trong các công-trình trị thủy, khai kinh, đắp đập; chắc chắn họ đầy đủ khả-năng để thực-hiện dự án này.


Hình 23. Hải-lộ Kra sẽ cắt ngắn nhiều ngày đi biển qua lại giữa hai đại-dương Ấn-Độ và Thái-Bình. Phú-Quốc, Cà Mau, Côn Đảo, Cù lao Thu nằm sát bên hải-lộ quốc-tế này.

Kinh-đào Kra trước sau gì cũng sẽ phải thành hình. Hải-lộ quốc-tế này ảnh-hưởng rất lớn đến Việt-Nam trong tương-lai. Riêng Việt-Nam lại có chuyện quá khứ liên-hệ với eo đất này, (hay eo biển ngày mai?) từ những ngày trước công-nguyên. Sách Geography của Ptolemy ghi chép về những chuyến hải-hành trên Biển Đông đến "bán-đảo Vàng" Mã-lai/Đông-Dương. Hiếm hoi, ông cung-cấp cả tên một vị Thuyền-Trưởng nữa là Alexander.
Theo Đại-tá (Colonel) G. E. Gerini, Vịnh Biển Lớn trên bản-đồ cổ (Magnus Sinus) khởi-sự từ Cape Ti-won (Mũi Kỳ Vân, Bà Rịa ngày nay) kéo dài tới Pak-hoi (Bắc-Hải, Trung-Hoa ngày nay), thời ấy có hai địa-phương tranh-chấp nhau là Giao-Chỉ và Champa. Ông Gerini chỉ danh rõ những địa-danh thương-cảng cũ trong sách Ptolemy với tên các cảng-thị mới dọc bờ Biển Đông của Việt-Nam ngày nay.



Hình 24. Bản-đồ này lược-duyệt lại chuyến đi của Thuyền-Trưởng Alexander đến Bán đảo Vàng, đồng thời giúp ta hiểu tạo sao hải-đồ thời đó vẽ Biển Đông là “Vịnh Lớn” có Katigara mở về hướng Tây.

Gerini giống như Anthony Christie, cùng cho rằng Thuyền Trưởng Alexander có lẽ vượt qua eo đất Kra bằng đường bộ, rồi đáp thuyền khác tiếp-tục thẳng hướng Đông qua Katigara (vùng “Kẻ Thị Gay/Hồng Gay ngày nay). Nguyên-văn Christie viết như sau: “... sea-captain Alexander had made a voyage to Cattigara, a port which probably lay rather to the east of Saigon, and Ptolemy drew on his report for his Geography (Pl. 35). It is possible that Alexander took the land route across the Isthmus of Kra and did not sail around the Malay Peninsula...”

2.8 – CÔNG-TRÌNH XÂY CẤT, SINH-HOẠT BIỂN & BỜ
Một số công-trình xây cất đã được thực-hiện ngoài biển cũng như dọc bờ biển liên-hệ đến phòng-thủ và hàng-hải được đề-cập tới dưới đây:

2.8.1 – CÔNG-TRÌNH MỒ HÔI, NƯỚC MẮT
Những năm đầu khi người lính thủy ra đảo “chìm” Trường-Sa, nhà ở chỉ là cái thùng sắt lênh đênh trên mặt biển, còn gọi là "Bông tông", được neo đậu bằng dây chằng. Sau đó đến thế hệ “nhà cao cẳng" - tức là nhà sàn đậu trên những chiếc cọc bê tông. Rồi đến nhà kiểu "lò vôi" được xây dựng bằng "bê tông mặn". Nhưng ngày nay thì mọi chuyện đã khác. Nhà được xây kiên cố, có hệ thống bể chứa nước ngọt dùng quanh năm, có bồn trồng rau quả.


Hình 25. Vòng hoa tưởng-niệm những chiến-sĩ đã hy-sinh trong nhiệm-vụ gìn-giữ Biển Đông, kể cả những quân-nhân chết khi Nhà Giàn bị bão đánh xập.


Hình 26. Đảo chìm được xây-dựng thành đảo nổi.
Cho đến thập-niên 1990, nhiều hải-đăng được dựng lên giữa biển khơi giúp cho tàu thuyền hải-hành qua lại được an-toàn. Xếp hạng theo hệ thống bảo đảm an toàn hàng hải quốc tế, nhà đèn trên các đảo An Bang, Đá Tây, Đá Lát, Tiên Nữ là nhà cấp 2, riêng nhà đèn trên đảo Song Tử Tây là nhà cấp 1.


Hình 27. Có cả cầu tàu ngư-cảng lớn tại Trường-Sa.


Hình 28. Trường-Sa đi từ những những rạn san-hô, do sức người biến đổi thành nguồn sinh-lực quốc-gia. Những hải-đăng đồ sộ vươn lên giữa biển khơi.

Ðảo xa cũng nên kể Bạch-Long-Vĩ. Đảo này nằm gần trung-tâm vịnh Bắc-Việt, cách đất liền nước ta khoảng 110km, cách đảo Hải-Nam (Trung Hoa) khoảng 130km, cách đảo Cát Bà khoảng 95km và cách thành-phố Hải-Phòng khoảng 13km về phía Ðông Nam.
Ðảo Bạch-Long-Vĩ có chiều dài 4.5km, chiều ngang nơi rộng nhất là 1.6km, diện-tích 250ha (2.5km). Đảo trong chương-trình tái định-cư phát-triển rất mạnh, nay có chừng 1,000 dân-cư. Điểm cao nhất của đảo là 62m. Biên-độ thủy-triều trong vùng biển này tăng đến mức tối-đa 3.76m.
Ðây là một khu bảo-tồn biển. Tổng diện-tích là 550ha, trong đó diện-tích đảo nổi là 250ha và diện-tích mặt biển là 300ha, ấn-định vào năm 1995. Sau đó, Ngân-hàng Phát-triển Châu Á (Asian Development Bank, ADB 1999) đề-nghị tăng diện-tích lên 90,000 ha, trong đó diện-tích đảo nổi là 250ha và diện-tích mặt biển là 89,750ha.
Ðảo Bạch-Long-Vĩ là một trong những vị-trí chiến-lược quan-trọng nhất của Miền Bắc-Việt-Nam. Ðảo đứng đơn-độc, trong phạm-vi bán kính rộng tới 75km không còn một hòn đảo nào khác. Ðảo có hải-đăng, được trang-bị radar viễn-thám, là nơi cặp bến sửa chữa cho các thuyền đánh cá xa bờ. Kể từ ngày 13/8/1999. một trạm viễn-thông qua vệ-tinh (VSAT) đã được thiết-lập để giúp cho việc thông-tin liên-lạc với Hải-Phòng được dễ-dàng hơn.
Cuối năm 2003, công nghệ lọc nước biển thành nước ngọt được thực-hiện tại đảo. Kết-quả đầu tiên tốt đẹp trên Bạch-Long-Vĩ sẽ tiếp-tục trên các hải-đảo Việt-Nam khác. Sân bay cho phi-cơ nhỏ như Cessna và Trực-thăng lớn sẽ thực-hiện.

Hình 29. Bến cảng cá và Cầu tàu Bạch-Long-Vĩ được xây cất.

2.8.2 – HỆ-THỐNG HẢI-ĐĂNG VIỆT-NAM
Kể về những công-trình xây cất khó-khăn nhọc-nhằn, người ta không thể quên việc xây cất đèn biển, hay hải-đăng.
Việt Nam hiện có tới 79 ngọn đèn biển, trải dài từ Móng Cái đến Hà Tiên và trên các hải-đảo ngoài Biển Đông. Không kể một số ít đèn biển ở gần các thành phố lớn như Hòn Dấu (Hải Phòng), Tiên Sa (Đà Nẵng), hoặc ở gần cửa sông tấp nập thuyền bè vào ra, hầu hết các ngọn đèn biển đều nằm ở vị trí heo hút, xa xôi và cao tít như tổ chim đại bàng trên các vách đá, mõm núi cheo leo xa cách bóng người. Các toà nhà đều rất kiên-cố, được xây dựng để có thể chịu được những cơn bão có sức gió trên cấp 12.
Phần lớn các ngọn đèn biển thường được xây dựng ở độ cao thuận tiện, đạt yêu cầu về tầm nhìn địa lý và tầm hiệu lực ánh sáng từ 10-25 hải-lý (hl. = 1.852km). Hằng năm phí thu được từ các tàu bè qua các luồng biển trên hải phận Việt Nam lên tới 284 tỉ đồng.
Theo Hiệp Hội Đại Lý và Môi Giới Hàng Hải, trong hệ-thống đèn hiệu hải-hành đó có đến 18 đèn biển ở các hải đảo như Nam Du, Thổ Chu, Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) Hòn Khoai, Hòn Chuối (tỉnh Cà mau), Bãi Cạnh (Côn Đảo), Phú Quý (Bình Thuận), Hòn hải, Trường-Sa (tỉnh Khánh Hòa), 9 đèn biển ở các đảo Trường-Sa và các báo hiệu ở vùng dầu khí nơi xa đơn vị và thời tiết khắc nghiệt.

Hình 30. Hải đăng Hòn Dáu.
Hình 31. Hải đăng Vũng Tàu (trái).

Nhà đèn trong quần đảo Trường-Sa được đặt ở những đầu chỏm của biển, nơi những doi đất xa xôi, cam go nhất - nơi mà các tàu đánh cá xa bờ, tàu vận tải... thường gặp hiểm nguy như mắc cạn hay đắm tàu. Ngọn hải đăng Tiên Nữ đứng ở vùng cực Đông của hải-phận. Ngọn đèn mới này đẹp nhất Trường-Sa, xây dựng năm 2000, nơi nhận ánh sáng mặt trời lên đầu tiên của Việt Nam trong ngày.


Hình 32. Hải đăng Ba Lạt (Thái Bình).
Hình 33. Hải đăng Đá Tây (quần đảo Trường-Sa).

2.8.3 – HỆ-THỐNG CẢNG BIỂN VIỆT-NAM
Từ trước đến giờ, nước ta chỉ có 2 cảng lớn cỡ quốc-tế là Hải-phòng và Sài-gòn. Ðể phát-triển kinh-tế, Việt-Nam đang cải-tiến và xây-cất thêm nhiều cảng biển trong vòng 10 năm tới. Từ Bắc vào Nam, ta có thể kể các cảng: Cái Lân (Quảng-Ninh) Cửa Lò (Nghệ An) Ðà Nẵng, Qui Nhơn, Dung Quát (Quảng Ngãi)...
Ngày nay, cảng nước ta xây-dựng khắp nơi. Hệ-thống cảng biển bao gồm phần lớn là các cảng cá, phân bố trên địa-bàn của 111 huyện, thành-phố hoặc thị xã - thị trấn ven biển. Các cảng lớn như Hải-Phòng, Đà Nẵng, Vũng Tàu... có nhiều chức năng nhưng cũng có cảng cá phụ thuộc.
Vào thời điểm năm 2010, Việt Nam dự-trù sử-dụng 114 cảng biển được chia thành 8 nhóm, phân bố dọc theo bờ biển từ Móng-Cái đến Kiên Giang. Mỗi nhóm cảng là một hệ thống cảng nhỏ, có sự hỗ trợ liên-hoàn với nhau.
Hiện đã có 74 cảng biển nước ta được kiểm tra và cấp chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn Bộ Luật quốc tế về An ninh Tàu và Bến cảng (ISPS Code). Việt Nam cũng có 1,200 sĩ quan an ninh cảng biển được đào tạo và cấp giấy chứng nhận quốc tế về an ninh tàu biển, 203 tàu biển được phê duyệt kế hoạch an ninh.
Cảng quốc tế Cái Mép - Thị Vải được dự kiến là cảng biển lớn nhất Việt Nam trong giai đoạn 2010 - 2020. Cảng sẽ được khởi công vào năm 2006, hoàn thành đưa vào sử dụng cuối năm 2009. Cảng Cái Mép - Thị Vải sẽ có công suất 1,1 triệu TEU cho hàng container và 1,1 triệu tấn hàng tổng hợp vào năm 2010, từng bước giúp di dời cảng Sài Gòn ra khỏi nội đô, giảm lượng xe tải giao thông trong thành phố.
Tiến sĩ Chu Quang Thứ, Quyền Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam có nhận-xét: hệ thống cảng biển Việt Nam đang thừa các cảng nhỏ mà không có (dù chỉ một) cảng biển có tầm vóc quốc tế. Còn cảng địa phương như Hải Hậu (Nam Định), Diêm Điền (Thái Bình)... lúc có tàu vào thì cần, lúc không có tàu là thừa.


Hình 34. Hệ-thống Cảng Biển Việt-Nam.
Nhìn xa về tương-lai, các cảng biển lớn nhất Việt-Nam sẽ phải xây-dựng ở miền Trung vì khu-vực này có nhiều vịnh tốt, kín gió lại không bị phù-sa bồi lấp. Ưu-thế hơn tất cả các cảng khác là chúng nằm sát hải-lộ giao-thương. Trong khi các cảng của Vịnh Bắc-Việt như Hải Phòng cách hải-lộ đó 18 giờ hải-hành hay lâu hơn nữa, các cảng miền Trung chỉ cách đó vài ba tiếng đồng-hồ. Ðặc-biệt Vịnh Cam Ranh (1 giờ tàu biển là tới) được xếp vào loại một trong ba hải cảng có điều-kiện tự nhiên tốt nhất thế giới, với diện tích vùng vịnh kín tới 60km2 và độ sâu trung bình 18-20m nước, xung quanh có núi bao bọc làm cho vùng biển luôn lặng gió. Ngay gần đó là Văn Phong ưu-điểm cũng không kém. Tiến sĩ Chu Quang Thứ từng phát-biểu rằng: Các tài liệu hàng hải quốc tế tuy không nói cụ thể, nhưng Việt Nam có Văn Phong (Khánh Hoà) may ra mới có thể nói là cảng biển hàng trăm năm.

2.8.4 – SINH-HOẠT NGƯ-NGHIỆP
Tuy bãi đánh cá diện-tích nhỏ ở khắp nơi, nhưng tính ra chỉ có 12 bãi cá chính tại các khu-vực ven bờ và 3 bãi cá trên các gò nổi ngoài khơi là có giá-trị hơn cả.


Hình 35. Các bãi cá chính của Biển Đông.
Các bãi cá chính thường có kích-thước lớn và tương-đối ổn-định trong đó đáng chú ý là các bãi ở Bạch-Long-Vĩ, bãi giữa vịnh Bắc-Bộ, ở Hòn Gió, Thuận An, Cù Lao Thu có thể khai-thác 15-20 nghìn tấn năm. Các bãi cá gò nổi vùng khơi chỉ cho sản-lượng khoảng 2-3 ngàn tấn năm. Ở Đông Nam Bộ và Nam Bộ, các bãi cá ở vùng nước xa bờ sâu trên dưới 50m có năng suất ổn-định hơn là ở vùng biển phía bắc. Một số loài cá có giá-trị kinh-tế cao thường tập trung ở đấy, thí-dụ như cá Nục (Carangidae), cá Hồng (Lutianidae), cá Mối (Synodidae), cá Chỉ Vàng (Selaroides leptolepis), cá Thu Ngừ (Seombridae), cá Mú (Serranidae) v.v...


Hình 36. Bản-đồ ghi-nhận mật-độ hải-sản vùng biển Việt-Nam
Hải-Sinh-Vật có mật-độ cao nhất tại vùng ngoài khơi Vũng-Tàu, Nghệ-An, Thừa-Thiên, Cà Mau.
Những lần nghiên-cứu gần đây, đặc-biệt là cuộc khảo-sát bằng siêu-âm vào tháng 4 và tháng 5-1999 cho những con số ước-lượng đầu tiên về hải-sản một cách cụ-thể. Chuyên-viên của Trung-Tâm Phát-triển Nghề Cá Ðông-Nam-Á (SEAFDEC) dùng một con tàu nghiên-cứu chạy với vận-tốc đều-đặn là 10 gút (hải-lý/giờ) qua lại thành những luống trên biển. Trong khi tàu chạy, người ta cho máy trắc-lượng ghi nhận mật-độ của các hải-sinh-vật bằng cách đo hồi-ba của siêu-âm phát ra. Nguyên-tắc này giống như của sonar hay decca, chỉ khác là chùm sóng phát ra quét rộng lớn. Sonar hay decca cần hội-tụ chùm sóng vì mục đích là phát-hiện và theo dõi tàu địch.
Kết-quả được Rosidi Ali, Nguyễn Lam Anh, Vũ Duyên Hải, Shunji Fujiwara, Kunimune Shiomi và Nadzri Seman lập thành một báo-cáo khá dài với những điểm chính sau đây:
- Quan-sát tổng-quát vào khoảng 27.6% diện-tích thăm-dò đạt tới mật-độ hải-sản khá cao, vượt 20 tấn/km2 (tối-đa 113 tấn/km2, tối thiểu 0.1 tấn/km2)
- Trong khu-vực biển Việt-Nam được thăm dò, tổng-số hải-sản ước-lượng vào khoảng 9.26 triệu tấn với mật-độ trung-bình 15.93 tấn/km2.
- Sự phỏng-định được dựa trên giả-thuyết là loài cá thu Decapterus maruadsi được coi như hải sản chính bao-phủ khắp vùng. Cá thu này được tính làm căn-bản, có chiều dài 15.4 cm và nặng 63g.
Trong việc Tuyên Truyền Biển Đảo, kế-hoạch 35 /KH/MTTƯ ngày 25 tháng 9 năm 2003 của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ghi nhận rằng: Nước ta có bờ biển dài 3.260km, ven biển có 22 vịnh, có 112 cửa sông lớn nhỏ. Tuyến biển có 28 tỉnh, thành phố gồm: 109 huyện, thị xã với 511 xã, phường (trong đó có 11 huyện đảo, 49 xã đảo) với khoảng 20 triệu người sống ở ven bờ và 17 vạn người sống ở các đảo (ngư dân làm nghề biển có khoảng 370,000 người). Có trên 90,000 chiếc tàu thuyền các loại hoạt động trên biển, trong đó chủ yếu là tàu thuyền hoạt động nghề cá, khoảng trên 80,000 chiếc.
Như vậy nghề cá có lớn mạnh, đội ngũ lao động đang được nâng cao trình độ tay nghề về ứng dụng khoa học, công nghệ, trang bị cho các đội tàu xa bờ.
Thế nhưng vì thấy xa trông rộng, Bộ Thủy sản đã kêu gọi việc khai thác ngư-nghiệp phải hợp lý, giữ bền vững cho các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Việc bảo vệ môi trường biển đã trở thành mục tiêu chiến lược lâu dài trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội của nước ta.
Bộ cũng ra Thông tư số 03/2006/TT-BTS ngày 12 tháng 4 năm 2006, trong đó đoạn e) viết những sự hạn-chế như sau:
e) Sở Thủy sản các tỉnh, thành phố ven biển tổ chức chỉ đạo thực hiện tốt kế hoạch khai thác hải sản hàng năm của địa phương; phấn đấu trong cả nước đến năm 2010, số lượng tàu cá giữ ở mức 50,000 chiếc, trong đó tàu có công suất máy lớn hơn 75CV không quá 6,000 chiếc, tàu có công suất máy từ 46-75 CV không quá 14,000 chiếc, tàu có công suất máy từ 21-45 CV không quá 20,000 chiếc; duy trì sản lượng khai thác trong cả nước giữ ở mức 1.5-1.8 triệu tấn, trong đó Vịnh Bắc Bộ khoảng 0,27 triệu tấn, vùng biển miền Trung khoảng 0,37 triệu tấn, vùng Biển Đông Nam Bộ khoảng 0,71 triệu tấn, vùng biển Tây Nam Bộ khoảng 0,2 triệu tấn, vùng giữa Biển Đông và hợp tác khai thác vùng biển quốc tế khoảng 0,25 triệu tấn.

2.8.4 – CÔNG NGHỆ ĐÓNG TÀU, MỘT ĐIỂM LOÉ SÁNG
Trong giai đoạn 1991 tới nay, số lượng tàu thuyền máy được đóng tăng nhanh, thuyền thủ công giảm dần: Năm 1991, tàu thuyền máy có 44,347 chiếc, chiếm 59.6%; thuyền thủ công 30,284 chiếc, chiếm 40.4%; đến năm 2003 tổng số thuyền máy là 83,123 chiếc, tổng công suất đã đạt tới 3,497,457 CV, gấp 5 lần so với năm 1991. Số tàu thuyền có công suất cao tăng khá nhanh, năm 1997, thời điểm bắt đầu triển khai chương trình vay vốn tín dụng đầu tư đóng tàu đánh bắt xa bờ, cả nước có khoảng 5,000 tàu đánh cá xa bờ, đến năm 2000 đã có 5,896 chiếc, năm 2003 có 6,258 chiếc.
Còn ngành công nghệ nặng đóng tàu lớn, nhờ cơ-duyên hãn-hữu, đã nổi lên như một điểm sáng chói. Gần đây, ngành công nghiệp đóng tàu đang có xu hướng chuyển dịch từ các nước châu Âu sang châu Á, đây là cơ hội rất lớn cho ngành công nghiệp tàu thủy và hàng hải nước ta phát triển. Từ chỗ chỉ đóng được tàu vài ngàn tấn dùng nội địa, nay Việt Nam đã đóng được tàu container, tàu hàng 11,500–12,500 tấn, các loại tàu hút bùn với khoang chứa 15,000 m3, tàu dầu lớn, tàu chở hóa khí lỏng.
Ông Andre Haspels, đại sứ Hà Lan nhận xét: “Việt Nam có những thuận lợi rất lớn để phát triển ngành công nghiệp đóng tàu. Đó là vị trí địa lý thuận lợi cho giao lưu hàng hoá, lực lượng lao động cần cù sáng tạo, đồng thời Việt Nam nằm ở khu vực có tốc độ tăng trưởng cao. Hiện nay, đã có nhiều công ty, chủ tàu ở châu Âu đang hướng tới Việt Nam để đặt hàng…”
Ngành đóng tàu Việt Nam đang phát triển một kế hoạch đầy tham vọng với mức đầu tư lên đến 3 tỉ đô la.
Theo Đài Tiếng Nói Việt Nam phát đi ngày Chủ nhật, 12/03/2006: Năm 2005 đánh dấu sự phát triển vượt bậc của ngành công nghiệp tàu thủy Việt Nam trên các lĩnh vực: Đóng mới, sửa chữa tàu thủy, vận tải, xây dựng, thương mại - dịch vụ. Hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vianshin) đạt mức tăng trưởng cao, giá trị tổng sản lượng đạt trên 11,000 tỷ đồng, tăng 47% so với năm 2004. Về mặt sản phẩm, Vinashin đang tiến hành đóng mới tàu 53,000 tấn, tàu 34,000 tấn xuất khẩu cho Anh, tàu 8.700 tấn xuất khẩu cho Nhật Bản, hoàn thành và bàn giao 1 tàu hàng 15,000 tấn, 3 tàu 12.500 tấn cho Vinalines, bàn giao 1 tàu 1,016 TEU cho Công ty vận tải Biển Đông, khởi công đóng mới tàu 22,000 tấn… Các cơ sở đóng tàu phía Nam như: công ty công nghiệp tàu thủy Sài Gòn đã đóng mới được tàu hàng 6,500 DWT, công ty đóng tàu và công nghiệp hàng hải Sài Gòn đóng mới sà lan 15,000 DWT…


Hình 37. Một chiếc tàu lớn sắp hoàn-thành.

Ngành công nghiệp tàu thủy thực-sự là niềm hãnh-diện Việt Nam, nước ta được xếp hạng thứ 11 trong các quốc-gia có công-nghệ này. Các con “tàu vĩ-đại” 100,000 tấn có thể sẽ nằm trong danh-sách sản-xuất không lâu. Thế nhưng nói về kỹ-thuật cao trong nghề thì Việt-Nam chưa tự-túc được. Mong rằng những “con tàu thành-trì bảo-vệ tổ-quốc” căn-bản, nhỏ bé nhất như hộ-tống-hạm 800 tấn hay nhỉnh hơn chút nữa là khu-trục-hạm 4,000 tấn cũng nhất-định phải là con đẻ 100% từ hải-xưởng Việt-Nam.
Hiện tại, trung tâm đóng tàu của thế giới đang ở Đông Á với ba nước Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc chiếm đến 85% tổng sản lượng, EU chỉ có 11%, các nước còn lại chiếm hơn 4%. Tuy nhiên, xét về giá trị, EU lại là khu vực chiếm một tỷ lệ doanh thu lớn nhất (gần 30%) do họ tập trung vào những loại tàu cao cấp như: tàu chở khí lỏng và tàu chở khách.
Bên cạnh những nước kỹ-nghệ khổng-lồ trên, Việt-Nam chỉ là thứ “bé con” học nghề, may được chia phần trăm nhỏ bé, nếu có cạnh-tranh thì sẽ bị thiếu hơi. Ngành đóng tàu Việt Nam có năng lực nhỏ bé, trình độ lạc hậu, đầu tư phân tán và manh mún, không có lợi thế so sánh, trong khi ngành này ngày càng đòi hỏi kỹ thuật cao và trở nên thâm dụng vốn.
Hai Ông Huỳnh Thế Du - Vũ Thành Tự Anh (TBKTSG), sau khi nghiên-cứu đã đề nghị: Nhà nước có thể xem xét mở rộng thêm cơ hội và phương thức đầu tư cho các đối tác nước ngoài, nhất là Hàn Quốc và Nhật Bản. Trên cơ sở đó thúc đẩy sự chuyển giao công nghệ và phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ hạ nguồn. Có như vậy, may ra mới có thể xây dựng được một ngành đóng tàu mạnh có khả năng cạnh tranh cao trong tương lai.

3 – HẢI-SINH-VẬT BIỂN-ĐÔNG.
Động-vật chính ngoài Biển Đông là các loài chim, rùa, tôm cá.

3.1 – CHIM CHÓC.
3.1.1 - Biển Đông, Vùng bay của Di-điểu
Việt-Nam nằm trên bờ phía Ðông của bán-đảo Ðông-Dương. Động vật nước ta được xếp vào phạm vi “động vật viễn đông”. Bản-đồ ghi nhận Bán-đảo Ðông-Dương và Biển Ðông nằm ở khu trung-ương những đường bay thường-xuyên của các giống chim di-cư, gọi theo một tên quen thuộc của giới điểu-học là Đường Bay Á-Ðông / Úc-Ðại-Lợi “East Asian – Australasian Flyway”.
Có nhiều loại di-điểu nhận nước ta làm nơi tạm-trú trong cuộc đời nay đây mai đó của chúng. Nhiều loài chim từ Tây-Bá Lợi Á bay xuống cũng như Úc-Châu bay lên, ghé qua và tạm ngừng nghỉ một vài tuần hay năm ba tháng tại đây.
Người ta biết rằng động-vật di-chuyển để kiếm thực-phẩm. Khi mùa thay đổi, thường là vào mùa Ðông, đồ ăn khan-hiếm ở vùng vĩ-độ cao, thú-vật và chim-chóc đều đi tìm thực-phẩm. Giống chim nhờ bay nhanh, hợp thành đoàn cùng di-chuyển về phía xích-đạo có nắng ấm để kiếm ăn.
Ngỗng và Vịt trời bay rất xa ở cao-độ tới 29,000 feet, tức là cao hơn cả núi Everest. Bộ lông chúng giữ nhiệt rất tốt, ta dùng may áo ấm. Trước khi bay hay trong khi bay bị đói, mệt phải nghỉ lại, các loài di-điểu cần ăn thật nhiều để có sức thực-hiện cuộc hành-trình. Có con tăng trọng-lượng thân-thể lên tới gấp rưỡi.
Trong hơn 200 loài chim tham gia vào đường bay này có nhiều chim biển, chim nước. Đặc-biệt một số chim quý gồm 15 loài di-điểu đang bị đe doạ tuyệt-chủng trên thế giới cũng tìm thấy ở Việt-Nam. Những loài tiêu-biểu thuộc họ vịt trời, cò, én… có tên khoa-học kèm Anh-Ngữ như sau:
Gaviidae Loons Vịt
Podicipedidae Grebes Cộc trắng
Phalacrocoracidae Cormorants Còng Cọng
Pelecanidae Pelicans Chằng bè
Ardeidae Herons, Egrets and Bitterns Diệc
Ciconiidae Storks Hạc
Threskiornithidae Ibises and Spoonbills Cò Thìa
Phoenicopteridae Flamingos Hồng-hạc
Anatidae Swans, Geese and Ducks Ngỗng
Gruidae Cranes Sếu
Laridae Gulls, Terns and Skimmer Hải-âu
Rallidae Rails, Gallinules and Coots Cuốc
Charadriidae Plovers Óc cau
Heliornithidae Finfoots Chân bơi
Scolopacidae Sandpipers Rẽ
Dromadidae Crab Plover Choi choi
Jacanidae Jacanas Gà lôi nước
Recurvirostridae Stilts and Avocet Phân họ Cà kheo
Glareolidae Pratincoles (Họ Dô nách)
Haematopodidae Oystercatchers Chim ăn sò, ốc


Hình 38. Ðường bay của di-điểu “East Asian – Australasian Flyway”.

Những loài chim sinh sống trên các bãi biển cũng có thể là các loài chim di-điểu tham-dự vào đường bay East Asian – Australasian Flyway. Ðó là những con chim ăn cua, ốc, dã-tràng, sò hến...
Chim di cư là một trong những yếu tố khiến dịch cúm gia cầm lây lan trên toàn cầu. Virus như H5N1 được mang từ châu lục này sang châu lục khác. Tuy vậy theo với “luật tiến-hoá” để sinh tồn, các loài chim hoang dã, kể cả chim di-cư đều có một số khả-năng miễn nhiễm với bệnh tật. Khi một con bị bệnh, cả đàn sẽ tách ra để tránh lây nhiễm. Chúng tiếp-tục tồn-tại sau hàng chục triệu năm trên trái đất này.
Vì sinh-hoạt của chim-chóc khác nhau, có con sống trong lục-địa, con ngoài đại-dương, con trên bãi biển, gần hay xa khơi ngoài biển. Người ta quan-sát và ghi vào tài-liệu hình vẽ như sau đây:


Hình 39. Một số loài chim của biển.

3.1.2 - Hải-Âu, bạn thân-thiết của người đi biển
Đối với người đi biển, hải-âu là loài chim mà họ thường gặp nhất khi hải-hành.
Các đảo là những nơi ẩn-trú của các loài chim biển, nhất là chim hải-âu. Chim bay ra biển kiếm ăn rồi trở về đảo, chúng đẻ ngay trên đất, không cần làm tổ. Trứng của chúng to hơn trứng gà, vỏ mỏng mầu trắng điểm nhiều đốm đen. Hải-âu trên Biển Đông (họ Laridea) không lớn lắm, ít con nào sải cánh (wing-span) tới 80cm. Người Việt chúng ta thường gọi chung các chim biển đủ mọi loại là "hải-âu". Thật ra, theo khoa-học, hải-âu có nhiều loại khác nhau.
Những chim Biển Đông không phải cùng họ với loài hải-âu to lớn Albatros (họ Diomedeidae). Vì chúng có đôi phần tương-cận, nên nhân-tiện đây chúng tôi xin kể vài tính-chất của loài hải-âu Albatros như sau:
- Là loài chim có cánh sải ra rất dài. Wandering Albatros đo được 12 feet (3.65 m) từ đầu cánh này tới đầu cánh kia. Chúng là loài chim lớn nhất khi bay. Dạng bay lượn của chim rất nhẹ nhàng đẹp mắt, chim bay xa nhiều ngàn hải-lý và sống lâu hơn hầu hết các loài chim khác. Một hải-âu được đánh dấu năm 1860, đã sống qua nhiều thập-niên cho đến khi bị ngẫu-nhiên giết chết vào năm 1894 tại đảo Faero Island (bắc Tô-cách-Lan).


Hình 40. Bề sải cánh của Hải-Âu Albatros, so sánh với người cao 6ft và chim hummingbird loại nhỏ.

- Nhờ cánh dài và hẹp bề ngang, chim rất giỏi liệng qua liệng lại nhưng vì đập cánh một cách khó khăn nên albatros thích sinh sống trong những vùng biển có gió mạnh.
- Là loài chim di-cư sinh sống trên đại-dương vùng Nam-bán-cầu, bay theo gió mùa vòng quanh thế-giới. Chim Albatros không có nhiều lắm ở Bắc-bán-cầu và người Âu-châu chỉ mới biết loài hải-âu này vào những thế-kỷ gần đây khi họ khởi sự giương buồm về Nam, đi thám-hiểm.
- Là bạn thân-thiết của người đi biển, hải-âu đôi khi liệng cánh bay theo tàu nhiều ngày liên-tiếp. Thủy-thủ kiêng-cữ việc giết hải-âu, tác-phẩm văn-học nổi-tiếng nhất đã bi-hùng-hóa niềm mê-tín này là "The Rime of the Ancient Mariner" của thi-hào Anh-cát-Lợi, ông Samuel Taylor Coleridge (1772-1834).


3.1.3 – Chim trên các đảo Hoàng-Sa và Trường-Sa
Về các loại chim trên các đảo ngoài Biển Đông, chúng được chia làm ba họ: Laridés, Stéganopodés và Zosterops. Theo Jean de Lacour và Jabouillé, người Việt-Nam thường gọi chim thuộc họ Zosterops là "Chim Sâu Nghệ". Hai ông thấy chúng trên đảo Phú-Lâm.

Hình 41. Một loài chim thuộc họ Zosterops.
Chim Laridea sinh sống suốt đời ngoài biển, chúng chỉ dành một phần nhỏ cuộc đời trên hải-đảo. Theo sự tiến-hóa chân chim biến-đổi, có màng để bơi lặn trong nước. Đường thực-quản của chim có cơ-phận đặc-biệt để loại bớt chất muối hiện-hữu quá nhiều trong nước biển. Chim rất nhanh nhẹn ngoài biển cả, trên không lẫn dưới nước; nhưng di-chuyển chậm chạp trên bờ. Chúng không biết leo cây, thường đậu trên bãi, đẻ trứng trên cát và không làm tổ. Đời các hải-âu khá dài, chúng có thể sống tới 36 tuổi hay lâu hơn nữa.


Hình 42. Chim hải-âu thuộc họ Laridés.

Chim biển có thức ăn thường ngày là hải-sản nên phân chứa nhiều acid phosphoric. Chất này tác-dụng lên chất vôi là biến-chất của xác thân san-hô sau khi chết, tạo thành phosphate, song-hành với sự bay hơi của khí CO2. Chất phosphate này là một thứ phân-bón giúp cây cối có cơ-hội phát-triển nhanh chóng.

3.2 - RÙA VÀ SINH-VẬT TRÊN ĐẢO NGOÀI BIỂN ĐÔNG.
Bên cạnh chim biển, động-vật đáng kể đến là rùa biển.
Rùa biển sinh sản trong vùng nhiệt-đới. Rùa đẻ trứng vùi trong cát. Trứng rùa cần nhiệt-độ cao mới nở được. Đối với người Trung-Hoa thời cổ sống nơi vùng ôn-đới thì những con rùa to lớn xuất-xứ từ vùng Biển Đông xem ra rất lạ lùng với họ. Sử Tàu ghi-nhận chứng-cớ đó.
“Câu truyện "cống rùa thần" được chép trong sách Cương-Mục Tiền-Biên của Kim-Lý-Tường và sách Thông-Chí của Trịnh-Tiều, theo đó đời vua Đường-Nghiêu bên Tàu (2357-2258 tr T.C.), họ Việt-Thường có đến chầu và cống con rùa thần, sống tới cả ngàn năm, lưng có mang chữ viết ghi việc từ khi trời đất mới mở mang. Vua Nghiêu sai người chép lại gọi là lịch rùa".
Một loại rùa biển có giá-trị thương-mại đáng kể là đồi-mồi. Nhiều sản-phẩm rất mỹ-thuật làm bằng mai đồi-mồi bán được giá cao trong cả hai thị-trường quốc-nội và quốc-ngoại. Khi để lớn hết cỡ, mỗi con có thể cho tới 3.6 kg đồi-mồi.
Người dân duyên-hải, kể cả ngoại-nhân xâm-nhập bất hợp-pháp, đã khai-thác bừa bãi khiến cho giống đồi mồi đang suy-giảm rõ rệt và có cơ tuyệt-chủng.


Hình 43. Mai đồi-mồi rất đẹp, có giá-trị thương-mại.

Rùa biển khác với rùa sống trên cạn ở vài điểm như 4 chân biến thành vây để bơi. Rùa biển bơi lẹ làng và vì sự tiến-hóa, vây dài thêm không còn thu gọn lại được trong mai như rùa đất. Rùa biển có thể lớn tối-đa tới 6 feet (1.85m), sống lâu hàng trăm năm. Đồi-mồi nhỏ hơn, mai rộng chừng 80cm gồm nhiều miếng vẩy xếp như mái ngói. Vẩy đồi-mồi có vân mầu nâu óng ánh rất đẹp, dùng làm quạt, gương, lược, bìa sách... thật đẹp mắt. Đồi-mồi sống nhiều trong vịnh Thái-Lan, nhất là vùng Phú-Quốc.
Rùa biển nằm trong danh-sách các loài sinh-vật cần được bảo-tồn của tổ-chức Liên-Hiệp-Quốc.


Hình 44. Vít cũng như các loại rùa biển khác đẻ trứng trên bãi cát. Đẻ trứng xong, con rùa này đang trở ra biển.

Ngoài đồi mồi còn một loài rùa biển mà người ta gọi là con Vít. Ban đêm vít từ biển bò lên bãi đẻ trứng. Trứng vít lớn như trứng vịt, có thể ăn được. Muốn bắt Vít hay lấy trứng, người ta cứ đi theo những vết chân của nó như hai vệt bánh xe tăng kéo dài trên cát. Vít bị lật ngửa thường không tự lật lại được. Thịt vít cũng ăn được, lại có thể sẻ ra làm khô. Chúng đẻ trứng vùi dưới cát. Nhờ cát nóng, trứng nở ra vít con chạy tứ tán ra biển. Trên đường chạy ra biển như vậy, vô-số vít sơ-sanh bị chim ăn thịt nhưng vẫn còn nhiều con sống sót nhảy được xuống nước.
Cũng có chuột trên các đảo, loại to bằng chuột cống. Người đi biển cho biết ở đảo nào cũng có muỗi.
Theo các nhà Địa-chất-học như Linh-mục La Fontaine mà nhiều tài-liệu của ông được tra-cứu và trích-dẫn trong sách này, thì thú-vật sống trên các đảo của Biển Đông đều là các loài đã gặp trên đất liền. Ông R. Bournet (1937) đã tìm thấy rắn mối Emoia Atrocostatum tại Hoàng-Sa, loài này sống ở khắp nơi từ bán-đảo Mã-Lai qua Phi-luật-Tân và Đại-dương-Châu.

3.3- HẢI-SINH-VẬT NGOÀI BIỂN
Một số lớn các thủy-tộc thông-thường mà ta thấy ở bờ biển Việt-Nam cũng sinh-sống ngoài biển Hoàng-Sa và Trường-Sa như cá thu, cá nhám, cá hồng, cá mú, lươn bể, cá đuối, cá mực, đồn đột, tôm cua, sò ốc...
Thống-kê về những hải-sinh-vật Biển Đông cho đến nay vẫn còn thiếu sót. Các chuyên-viên tiếp-tục phát hiện nhiều loài cá mới.
Theo công bố của Viện Nghiên cứu hải sản (NCHS), Bộ Thủy sản, nguyên vùng quần đảo Trường-Sa, các nhà nghiên cứu đã tìm được tới 414 loài cá, trong đó hơn 35% là loài mới phát hiện lần đầu ở vùng biển Việt Nam.
Đặc biệt lần đầu tiên, Việt Nam đã phát hiện họ cá bống biển sâu (Microdesmidae) gồm có 2 giống và loài mới. Theo Viện NCHS, khu hệ sinh vật trong vùng biển quần đảo Trường-Sa rất phong phú và có tính đa dạng rất cao: 223 loài thực vật phù du đã được phát hiện, trong đó có 2 giống và 43 loài mới ở biển Việt Nam; tìm thấy 223 loài động vật phù du, trong đó phát hiện 8 giống và 19 loài mới.
Biển Đông có nhiều loại cá đáng kể là những mối lợi lớn về kinh-tế. Chúng tôi sẽ trình bày về các loài cá của ngư-nghiệp trong phần tài-nguyên hải-sản ở những trang sau. Ở đây chúng tôi xin đề-cập trước vài điều về những hải-sinh-vật lớn như cá voi, cá heo.
- Chúng ta thường hay gọi cá voi, cá kình, cá heo nhưng trong sinh-vật-học, chúng không phải loài "Cá" mà được xếp hạng cùng với con người trong loài "có vú” (hữu-nhũ, mammalia) máu nóng, thở bằng phổi, đẻ con nhỏ (không đẻ ra trứng). Cá voi thực-sự (true whale) không có răng cứng mà chỉ có những màng lưới bằng sụn mềm xếp kín như cái lược. Chúng sống bằng các phiêu-sinh-vật (plankton) là những sinh-vật nhỏ li-ti sống trôi nổi trong nước.
- Viện Nghiên-cứu Đông-Tây tại Hawaii cho biết ở Đông-Nam-Á có tới 11 loài cá voi được xếp thứ-tự nhìn thấy sinh-sống nhiều ít như sau: Bryde's whale, Sperm whale, Sei whale, Fin whale, Blue whale, Minke whale, Goosebeaked whale, Humpback whale, Beaked whale, Black right whale, Pygmy sperm whale.
- Riêng ở khu trung-ương của Biển Đông, những cá voi mà người ta thường thấy nhất là loại cá voi có vi (fin whale), tên khoa-học là Balaenoptera Physalus. Cá voi này có thể dài tới 70 hay 80ft, mầu xám trên lưng trắng ở bụng, mang thai trong 10 tháng. Cá voi lưng gù (humpback) Megaptera Novaeangliae là loại cá voi thường thấy sau loại trên. Cá này dài đến 50ft, tương đối ngắn nhưng to ngang.
- Người Việt lúc xưa cũng săn giết cá voi như mọi giống dân Á-Đông khác. Dân duyên-hải nước ta chỉ mới thờ cá voi và ngưng giết cá voi cách nay không lâu thời Nam-tiến, khi tiếp-xúc nhiều với người Chiêm-Thành.


Hình 45. Cá voi lưng gù, một loài có thể sắp bị tuyệt-chủng.

Những loài cá lớn nhất như cá voi xanh (dài tới 100ft) chỉ thỉnh-thoảng mới xuất-hiện ở vùng biển phía Nam gần Nam-Dương. Hàng năm, một vài con bị săn và bị bắn chết khi chúng di-chuyển từng đàn theo mùa. Một loài cá voi khác cũng xuất hiện quanh vùng đáy biển nông Sunda như Sperm whale (Physeter catadon), Sei whale (Balaenoptera borealis).
- Ngoài cá voi, Biển Đông cũng là nơi sinh sống của loại cá heo (Delphinadae). Trong sinh-vật-học, người ta cho rằng cá voi và cá heo có nhiều điểm tương-tự; trừ ra cá heo có hàm răng, chúng sinh sống bằng các loại cá và cá mực. Cá heo vùng biển nước ta có vài điểm hơi khác biệt nên thường được gọi là cá heo South China Sea hay cá heo Malacca Dolphin. Chúng đi từng bày, thân dài trong khoảng từ 1.5m tới 2m, bơi rất nhanh và thích đùa giỡn khi chạy qua chạy lại trước mũi tàu những khi đẹp trời.


Hình 46. Cá heo của Biển Đông cũng cần được bảo-vệ…

Ở Việt-Nam không thấy người ta nuôi dậy cá heo nhưng ở Thái-Lan, Mã-lai-Á và vịnh Bengal, cá heo rất hữu-ích vì giúp ngư-dân lùa cá vào lưới.

3.4 - BIỂN ĐÔNG VÀ MÔI-TRƯỜNG SINH-VẬT-HỌC VIỆT-NAM
Như đã trình-bày ở trên về môi-trường thực-vật, Biển Đông hoàn-toàn có tính-chất Việt-Nam. Những cuộc khảo-cứu về phương-diện sinh-vật-học lại còn cho biết thêm rằng Biển Đông cũng có môi-trường sinh-sống gần với Việt-Nam hơn là gần Trung-Hoa hay Phi-Luật-Tân.

3.4.1 – VÙNG MÔI-SINH Á-ĐÔNG.
Theo khoa Sinh-vật Địa-lý-học, thế-giới được chia làm 6 vùng môi-sinh (biogeographical zones); Bắc-Mỹ, Nam-Mỹ, Bắc Á Âu, Phi-Châu, Đông-Phương và Úc-châu.


Hình 47. Sáu vùng môi-sinh trong khoa Sinh-vật Địa-lý-học. Biển Đông và Việt-Nam cùng nằm trong vùng Oriental Region.

Khu-vực phía nam dẫy núi Hi-mã-lạp-Sơn bao gồm Ấn-Độ và Đông-Nam-Á được đặt tên là Vùng Đông-Phương (Oriental Region). Vùng này không lớn lắm nhưng là khu-vực mà môi-trường sinh-vật phong-phú nhất trên trái đất, trong đó có Việt-Nam cũng như Biển Đông.
Trong khi đó, hầu hết lãnh thổ Trung-Hoa nằm trong khu-vực mà khoa sinh-vật-học gọi là Palearctic. Vùng này tuy rộng lớn nhất, bao-trùm hết cả Bắc-Á, toàn-thể Âu-châu và Tây-Bắc Phi-châu nhưng lại ít có những loài sinh-vật đặc-thù.
Căn-cứ theo giới-tuyến Himalaya - Đông-Nam-Á, Biển Đông không có nhiều liên-hệ về sinh-vật với Trung-Hoa.

3.4.2 – ĐƯỜNG WALLACE – HUXLEY.
Môi-sinh Biển Đông cũng xa lạ với Phi-luật-Tân, miền đông Nam-Dương và Úc-Châu. Ranh-giới chia cắt môi-sinh này thường được gọi là đường Wallace-Huxley.


Hình 48. Về môi-sinh, Biển Đông thuộc về Việt-Nam: Đường Wallace/Huxley cắt Phi-luật-Tân ra khỏi Biển Đông.

Nước Việt-Nam nằm trong khu-vực mà các nhà sinh-vật gọi là Wallacea, đặt theo tên của Alfred Russel Wallace. Wallacea là vùng đất sinh-sống của các động-vật Á-đông. Không những Trung-Hoa nằm ngoài vùng môi-sinh Á-đông như đã nói ở trên, Phi-luật-Tân cũng không ở trong vùng này.
Nhà thiên-nhiên-học người Anh này nhận ra rằng ở đảo Bali có tới 94% loài bò-sát và 87% loài chim nguồn gốc Á-Đông, nhưng ở Lombok là đảo kế cận hướng đông của Bali, thì các tỷ-lệ trên sụt giảm xuống còn 85% và 72.5%. Nhiều loài hữu-nhũ từ Á-Đông sang sinh-sống ở Java, chúng tới được Bali nhưng không thấy tồn-tại xa hơn về hướng Đông như Lombok, Celebe.
Tiếp theo Wallace, một nhà sinh-vật-học người Anh nữa là Huxley nghiên-cứu thêm và thấy rằng tình-trạng sinh-vật ở Phi-luật-Tân (trừ đảo Palawan) cũng giống như ở Lombok và Celebe, nghĩa là khác-biệt với Việt-Nam. Bên bờ phía Tây của đường này sinh-vật mang đậm những nét Á-Đông đáng kể (overwhelmingly Oriental fauna). Càng đi xa về phía Đông của đường Wallace-Huxley, ảnh hưởng môi-trường sinh-vật Úc-châu (Australian fauna) càng nhiều hơn; cho tới đường Weber thì bách-phân sinh-vật Á-đông chỉ còn lại là 50%.
Tóm lại, các lý-lẽ trên chứng-minh rõ ràng Biển Đông thuộc Việt-Nam về phương-diện Sinh-vật Địa-lý-học.

3.5 - TRỮ-LƯỢNG HẢI-SẢN BIỂN ĐÔNG
Biển Việt Nam có trên 2,000 loài cá, trong đó khoảng 130 loài cá có giá trị kinh tế. Theo những đánh giá mới nhất, là 4.2 triệu tấn, trong đó sản lượng cho phép khai thác là 1,7 triệu tấn/năm, bao gồm 850 nghìn cá đáy, 700 nghìn tấn cá nổi nhỏ, 120 nghìn tấn cá nổi đại dương. Sau cá có tôm, mực, cua được coi là có giá trị kinh tế cao.
Toàn ngành thủy sản có khoảng nửa triệu lao động đánh bắt hải sản, trong đó hoạt động gần bờ chiếm tới khoảng 70%. Trong khi ngành được ghi nhận trả lương cho người lao động cao nhất tại Việt-Nam là sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước, với mức thu nhập bình quân của người lao động là 4 triệu đồng/người/tháng. Người lao động có mức thu nhập thấp nhất là ngành thủy sản, với mức thu nhập bình quân 819,000 đồng/người/tháng.
Ngành thủy sản đang tích cực đào tạo nâng cao trình độ tay nghề cho đội ngũ lao động nghề cá để họ tiến kịp với sự phát triển về ứng dụng khoa học, công nghệ, trang bị của đội tàu xa bờ.
Tuy vậy sự thu-hoạch thủy-sản ngoài thiên-nhiên có giới-hạn. Người Việt sẽ phải nuôi trồng thêm tôm cá trong các trại tôm, trại cá.
Từ năm 1990 trở lại đây với tôm nuôi cho xuất khẩu là mũi đột phá quan trọng. Năm 1991, diện tích nuôi trồng thủy sản mới đạt 520,000ha, sản lượng đạt 335,910 tấn, đến năm 1996 diện tích nuôi trồng thủy sản là 585,000ha, sản lượng nuôi trồng đạt 411,000 tấn, năm 2000, diện tích nuôi là 652,000ha, sản lượng đạt 723,110 tấn, năm 2003 sản lượng nuôi trồng đã đạt hơn 1 triệu tấn. Nuôi trồng thủy sản đang từng bước trở thành một trong những ngành sản xuất hàng hoá chủ lực.
Hiện nay ngành nuôi trồng hải sản nước mặn tuy có phát triển kém hơn ngành nuôi trồng thủy sản nước ngọt và nước lợ, nhưng xin nhớ rằng môi-trường nước mặn ngoài biển rộng lớn bao la hơn nội-địa rất nhiều, còn chờ được khai thác quy-mô.


Hình 49. Thống-kê cho biết mức-độ nuôi trồng thủy-sản gia-tăng đáng kể tại Việt-Nam.

3.6 – BẢO-VỆ MÔI-TRƯỜNG BIỂN
Con người càng ngày càng chiếm đóng thêm nhiều hải-đảo. Những nơi xưa kia chim chóc, rùa vít... thường làm tổ một cách tự-do thì nay không còn nữa. Chẳng những người đã chiếm đất của vật, con người lại còn tàn-sát các sinh-vật khác không tiếc tay. Trên Biển Đông số lượng sinh-vật đang suy-giảm nhiều, đặc-biệt là những loài rùa biển, như vít, đồi mồi, như cá voi, cá heo... Nếu không được bảo-tồn, chúng có thể bị tuyệt-chủng. Những cơ-quan bảo-vệ thiên-nhiên đã kêu gọi các quốc-gia duyên-hải lưu-tâm tham-gia những chương-trình của họ.
Theo đà tiến-bộ chung của nhân-loại, các nước Đông-Nam-Á cũng bắt đầu khởi-sự những chương-trình bảo-vệ môi-sinh quan-trọng từ hơn một thập-niên qua. Dẫn đầu những công-tác ngoài Biển Đông là Nam-Dương. Nhờ nền kinh-tế phát-triển mạnh, tiền bạc dồi dào, các chính-phủ Mã-lai-Á và Tân-gia-Ba cũng đang hăng-hái tham-gia và đã chi-phí những khoản tiền lớn về chống ô-nhiễm, bảo-vệ môi-sinh.
Mới đây, Bộ Thủy Sản đã xây dựng quy hoạch tổng thể hệ thống các khu bảo tồn biển Việt Nam đến năm 2010, dự kiến trình Chính phủ vào cuối năm nay. Bản quy hoạch đề xuất 15 khu bảo tồn biển dọc theo chiều dài đất nước, với mục tiêu khoảng 2% diện tích vůng biển nước ta được bảo tồn vào năm 2010.
Hệ thống các khu bảo tồn này được phân làm 3 loại theo tiêu chí của IUCN, gồm: Vườn quốc gia (biển), Khu bảo tồn loài và nơi cư trú, và Khu dự trữ tài nguyên thủy sinh vật. Tồn tại song song với hệ thống này là các khu bảo tồn được phân loại theo những hệ thống khác như Khu bảo tồn đất ngập nước (điểm RAMSAR, Xuân Thủy), Khu dự trữ sinh quyển (Cát Tiên)...



Hình 50. Các khu bảo tồn biển Việt Nam.





Hình 51. Các khu bảo tồn biển Việt Nam (tiếp theo).
Danh sách các điểm được đề xuất thành khu bảo tồn biển:
- Đảo Trần,
- Đảo Cô Tô (Quảng Ninh)
- Đảo Cát Bà,
- Bạch Long Vĩ (Hải Phòng)
- Hòn Mê (Thanh Hoá)
- Đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị)
- Sơn Trà - Hải Vân (Thừa Thiên Huế)
- Cù Lao Chàm (Quảng Nam)
- Đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi)
- Hòn Mun,
- Nam Yết (Khánh Hoà)
- Hòn Cau,
- Đảo Phú Quý (Bình Thuận)
- Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu)
- Phú Quốc (Kiên Giang)
Vì thiếu ngân-khoản, sự thành lập các “khu bảo tồn biển” rất chậm-trễ. Với sự trợ giúp của Chính phủ Đan Mạch, khu bảo tồn biển đầu tiên của Việt Nam được xây dựng tại Hòn Mun (Khánh Hòa) vào năm 2000. Bốn năm sau, khu bảo tồn thứ hai trong mạng lưới khu bảo tồn biển Việt Nam chỉ vừa mới được thiết lập tại vùng biển Cù lao Chàm (tỉnh Quảng Nam).

3.7 – HẢI SINH-VẬT CẦN BẢO-VỆ
Những hải-sinh-vật như rùa biển, cá heo, cá voi... được ghi trong danh-sách những sinh-vật cần bảo-vệ. Cơ-quan International Whaling Commission (IWC) thuộc Liên-Hiệp-Quốc, đặc-trách việc này đã thông-báo nguy-cơ tuyệt-chủng của các loài cá voi, cấm săn-bắn cá voi lưng gù (Humpback whale, Megaptera novaeangliae) vào năm 1966, cá voi xanh (Blue Whale, Balaenoptera musculus) năm 1967 và cá voi có vi (Fin whale, Balaenoptera physalus) vào năm 1975.

Hình 52. Cá voi xanh, dài tới 100ft, là loài động-vật lớn nhất của địa-cầu. Một số di-chuyển theo mùa trong vùng biển ĐNÁ. Số lượng đang suy-giảm rõ rệt.

Trong khi đẩy mạnh sản-lượng ngư-nghiệp, hầu hết các quốc-gia duyên-hải đã có kế-hoạch khuyến-cáo những ngư-dân tránh sát-hại các loài hải-vật nào cần-thiết được bảo-tồn để chúng tiếp-tục sinh-sản.
Trường-hợp Việt-Nam, ý-thức về việc bảo-vệ môi-sinh rất thấp, đặc-biệt về môi-sinh ngoài biển có lẽ còn xa lạ với phần đông dân ta. Chính-quyền nào cũng cần lưu-tâm đến công-tác này, sự giáo-dục phải khởi-sự ngay từ học-đường ra đến đại-chúng.
Trong số lượng lớn quân-nhân trú-phòng trên các hải-đảo, không chắc có bao nhiêu cá-nhân ý-thức đến môi-trường sinh-sống chung quanh. Một khi nước biển bị ô-nhiễm, ánh-sáng không còn chiếu xuống được sâu, nước biển đục ngầu thì san-hô chết và sự tồn-tại của hải-đảo lệ-thuộc vào đó. Người quân-nhân cũng như thường-dân phải ý-thức được sự sinh-tồn của con người liên-hệ ra sao với san-hô, với biển, với hải-sinh-vật... Đời sống vốn là sự cộng-sinh giữa muôn loài, sẽ thay đổi theo chiều-hướng tốt đẹp hơn.


Hình 53. Số lượng Bò Biển đang suy-giảm rõ rệt, gần tuyệt-chủng.

4 – KHÍ-TƯỢNG BIỂN ĐÔNG
Khí-tượng Biển Đông khác với khí-tượng trong lục-địa.
4.1- TÌNH-TRẠNG KHÍ-TƯỢNG TỔNG-QUÁT
Nói chung Hoàng-Sa Trường-Sa nhờ nằm giữa Biển Đông nên khí-hậu điều-hòa, không lạnh quá về mùa Đông, không nóng quá về mùa hè nếu so với những vùng đất cùng vĩ-độ trong lục-địa. Không-khí Biển Đông ít bị ô-nhiễm. Bầu trời thường trong trẻo, tuy đôi khi u-ám và có mưa lớn trong giông bão nhưng thời-gian này tương-đối qua đi khá nhanh. Mưa ngoài biển qua nhanh, ở Hoàng-Sa không có mùa nào ảm-đạm kéo dài như kiểu mưa dầm gió bấc ở Bắc-phần hay mù-mịt như trong mùa mưa ở Huế. Buổi sáng cũng ít khi có sương mù.
- Nhiệt-độ. Nhiệt-độ ở Hoàng-Sa không chênh lệch lắm giữa mùa Hạ (28-29 độ bách-phân) và mùa Đông (24-25 độ). Tuy xa cách Hoàng-Sa tới 6, 7 độ vĩ-tuyến, gần hơn về phía Xích-đạo nhưng Trường-Sa cũng chỉ nóng hơn Hoàng-Sa chừng vài độ. Có thể nói hai quần-đảo Hoàng-Sa Trường-Sa không có mùa lạnh, khí-hậu dịu mát nhờ ảnh-hưởng đại-dương.
- Vũ-lượng. Ở Hoàng-Sa mưa trung-bình trong năm lối 1,170mm, tuy được kể là mưa nhiều nhưng không quá đáng như ở Huế (3,000mm). Mưa nhiều nhất trong tháng 10 (17 ngày/228mm). Trường-Sa là vùng rộng lớn gấp 10 lần hơn Hoàng-Sa, hiện không đủ dữ-kiện nhưng chúng ta có thể ước-đoán rằng vũ-lượng tổng-quát thấp hơn Hoàng-Sa một chút.
- Ẩm-độ. Không-khí Biển Đông tương-đối ẩm-thấp hơn những vùng biển khác trên thế-giới. Ở cả Hoàng-Sa lẫn Trường-Sa, ẩm-độ đều cao, ít khi nào bách-phân ẩm-độ xuống dưới 80%. Trung-bình vào tháng 6, ẩm-độ ở Hoàng-Sa suýt soát 85%.

Những sự kiện khí hậu ở Hoàng-Sa
Tháng Giêng Hai Ba Tư Năm Sáu Bảy Tám Chín Mười M.Một M.Hai
TB Nhiệt
TB Ẩm Độ
TB Vũ Lượng
Số Ngày Mưa
23,5
82,1
21
8
24
83,7
17
5
26,2
83,8
21
3
27,7
83,5
60
5
29,2
83,9
73
8
29,1
84,8
128
8
28,9
84,2
93
7
28,7
83,7
141
9
28,1
84,4
197
15
27,1
83,8
228
17
25,8
83,7
143
14
24,4
81,5
47
13
(Trích Khí Hậu V.N. – Nha Giám Đốc Khí Tượng 1964)

Hình 54. Nhiệt-độ, ẩm-độ, vũ-lượng ở Hoàng-Sa.

4.2 – MÙA GIÓ
Có hai mùa gió Đông-Bắc và Tây-Nam rất rõ rệt:
* Mùa gió Đông-Bắc thổi mạnh trên Biển Đông, từ tháng 11 đến tháng 1, gió 20-25 gút, biển động mạnh, tới cấp 4 cấp 5. Người đi biển hay dân đánh cá rất khổ cực. Vịnh Thái-Lan trong mùa này tương-đối êm-dịu.
* Mùa gió Tây-Nam thổi trong những tháng 3, 4, 5. Gió mùa này thường yếu hơn gió mùa Đông-Bắc và biển cũng ít động. Trong mùa gió Tây-Nam, biển Hoàng-Sa khá êm dịu trong khi Trường-Sa và vịnh Thái-Lan bị ảnh-hưởng sóng gió nhiều hơn.

4.3 – THỦY-TRIỀU
Thủy-triều là một hiện-tượng nước biển lên xuống, nguyên-do vì hấp-lực của các tinh-tú mà chính-yếu là mặt trăng và mặt trời. Hiện-tượng này tuy phức-tạp nhưng lại đi theo chu-kỳ. Sau nhiều nghiên-cứu, chiêm-nghiệm; ngày nay người ta có thể tiên-đoán khá chính-xác cao-độ thủy-triều tại bất cứ một hải cảng trong bất cứ một thời-điểm nào
Hoàng-Sa và Trường-Sa nằm ngoài khơi Việt-Nam nhưng thủy-triều lên xuống tại đây lại không theo đúng nhịp điệu, chu-kỳ hay biên-độ của những con nước lớn và nước ròng ở các bến quy-chiếu chính của Việt-Nam là Đồ-Sơn và Vũng-Tàu.


Hình 55. Một đường biểu-diễn cao-độ tiêu-biểu cho thủy-triều loại hỗn-hợp.

Nói chung, biên-độ thủy-triều không lớn lắm, khoảng 4-5ft (1.2m-1.5m). Chu-kỳ thủy-triều Hoàng-Sa thuộc loại hỗn-hợp giữa bán-nhật và toàn-nhật; với đặc-tính toàn-nhật vượt trội hơn (chiefly diurnal). Thông-thường, mỗi ngày một con nước lớn, một con nước ròng, chuyển qua hai con nước một ít ngày, rồi trở lại một con.
Người đi biển thường dùng những Bảng Thủy-triều (Tide Table) để tính-toán thời-gian và cao-độ mực nước lên xuống.


Hình 56. Tài-liệu trích trong "Bảng thủy-triều". Thủy-triều các cảng Việt-Nam có bến quy-chiếu tại Manila, Phi-luật-Tân.

Sự tiên-đoán thủy-triều ngày nay khá chính-xác, Tide Table trợ giúp rất đắc-lực cho những nhà hải-hành khi đi qua các vùng nước cạn, đưa tàu chui dưới những cây cầu thấp, ra vô hải-cảng, tính toán giờ giấc vận-chuyển v.v...
Bảng Thủy-triều do Bộ Thương-mại Hoa-Kỳ biên-soạn, chỉ-dẫn việc dùng bến quy-chiếu ở Manila, Phi-luật-Tân cho thủy-triều Hoàng-Sa và các bến vùng Đà-Nẵng, cộng trừ thêm những sai-biệt đã được cơ-sở Thủy-Đạo tính toán sẵn. Chúng tôi xin trích-dẫn một vài dòng trong sách trên làm tài-liệu.
Trong khi đó ở Vũng-Tàu, Kê Gà, Côn-Sơn, Hòn Khoai, Vịnh Phú-Quốc, Sài-Gòn; thủy-triều là loại bán-nhật (semi-diurnal) với con nước dâng lên hạ xuống mỗi ngày hai lần. Bến quy-chiếu tại Mũi Vũng-Tàu.
Đồ-Sơn là một bến quy-chiếu khác trong bảng Tide Table dùng tính toán thủy-triều các bến dọc theo Vịnh Bắc-Việt, trải dài từ đảo Cái Bầu, Hải-Phòng, Hòn Me đến cửa Nhật-Lệ và ra ngoài xa đến đảo Bạch-long-Vĩ. Thủy-triều này là loại toàn-nhật (diurnal).


Hình 57. Bản-đồ nhiệt-độ nước biển, biên-độ thủy-triều, năng-lực sóng Biển Đông.

Theo Giáo-Sư Lê-Bá-Thảo, Thủy-triều trong Biển Đông rất phức tạp với sự biểu hiện đồng thời của 4 loại khác nhau trên những đoạn bờ biển khác nhau. Trên bờ biển Việt Nam, chế độ nhật triều, quan sát thấy rõ nhất ở đoàn từ Hòn Gai về đến Đồ Sơn, càng lên phía bắc càng giảm tính thuần nhất cũng như càng xuống phía nam. Từ nam Đồ Sơn đến nam Thanh Hóa, nếu nhật triều còn chiếm 2/3 số ngày trong tháng thì ở ven biển Nghệ Tĩnh, số ngày đó chỉ còn chiếm già nữa tháng, và như vậy là đã xuất hiện nhật triều không đều.
Đoạn Quảng Bình - Quảng Trị đã thấy có chế độ bán nhật triều không đều nhưng ở bờ biển Thừa Thiên lại thấy có bán nhật triều đều và là đoạn duy nhất ở Việt Nam có chế độ ấy.
Tính chất bán nhật triều lại chuyển dần sang nhật triều không đều từ bờ biển Quảng Nam xuống đến bắc Nam Bộ. Từ đó trở đi đến mũi Cà Mau, chế-độ bán nhật triều lại trở nên rõ rệt nhưng ở vịnh Thái Lan thì đã có nhật triều không đều và đều.
Như có thể thấy, chế-độ thủy-triều trên suốt chiều dài của bờ biển Việt Nam luôn thay đổi và người ta chỉ có thể cắt nghĩa điều đó bằng ảnh hưởng của các điều kiện địa phương, trong đó các dao động nước khu vực và các dao động của sóng triều tạo nên những hiện tượng cộng hưởng phức tạp.
Sóng và thủy-triều là hai yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến dải đất ven biển: các cửa sông hình phễu, các hiện tượng xói lở bờ và bồi tụ, các lạch triều và bãi triều, các quần xã thực vật ngập mặn v.v... nói lên điều đó.

4.4 – VÙNG NƯỚC XOÁY
Nước thủy-triều di-chuyển lên xuống theo đường thẳng đứng, Nước cũng di-chuyển ngang, tạo nên những dòng nước chảy qua chảy lại trên biển. Vì nhiều yếu-tố ngoại-lai như địa-thế bờ đất, hải-đảo, đáy biển, luồng gió ảnh-hưởng đến, những dòng nước thủy-triều có thể chạy ngược lại với nhau trong một vùng nào đó làm nước xoáy tròn.
Hiện-tượng nước xoáy này làm những khối lượng nước bị cuốn xuống đáy biển theo vòng trôn ốc như tại khu-vực ngoài khơi những ghềnh đá Na-Uy. Trong những trường-hợp đặc-biệt, vùng nước xoáy mạnh đến nỗi có thể hút cả ghe thuyền, đáng sợ nhất là ở khu-vực nằm giữa hai vùng biển Phi-luật-Tân và Nhật-Bản.
Tại Biển Đông, biên-độ thủy-triều thường nhỏ nên những dòng nước gây nên bởi thủy-triều không mạnh lắm. Dân đánh cá thường biết rõ những vùng nước xoáy gần bờ để lái ghe thuyền nhỏ bé của họ tránh ra xa. Ngoài biển khơi, tuy nước có xoáy ở vài nơi nhưng không gây nguy-hại hiểm-nghèo cho các tàu thuyền đi biển lớn hơn mức trung-bình.


Hình 58. Cách giải-thích hiện-tượng những con nước xoáy. Hình vẽ có hơi phóng-đại cơ-nguy trên Biển Đông.

4.5 – NƯỚC BIỂN, NỒNG-ĐỘ MUỐI
Nước biển các vùng Hoàng-Sa và Trường-Sa lúc nào cũng ấm-áp. Nhiệt-độ cả năm thường cao hơn 20 độ bách-phân. Nước biển chứa nhiều oxy, rất trong vì không bị ô-nhiễm và cũng vì xa các cửa sông nước đục. Độ mặn của muối dưới mức trung-bình, thường không cao quá 35 phần ngàn (%o). Bầu trời Hoàng-Sa và Trường-Sa thường quang đãng ít mây, mặt trời nhiệt-đới quanh năm chiếu ánh-sáng thật sâu xuống dưới nước. Những điều-kiện này tạo môi-trường lý-tưởng cho san-hô sinh-tồn và phát-triển ở độ sâu hàng trăm thước.

4.6 – HẢI-LƯU
Hải-lưu là dòng nước chảy ở giữa biển mà nguyên-nhân chính phát-sinh là gió, sau đó là sự khác-biệt về tỷ-trọng, nhiệt-độ nước biển, sự quay của trái đất, thủy-triều...
Hải-lưu trong Biển Đông không chảy thường-trực cố-định suốt năm một chiều như các đại-hải-lưu của Thái-bình-Dương. Gió mùa địa-phương tạo nên những dòng hải-lưu chuyển-vận nước theo chiều gió thổi, khi gió mùa đổi ngược chiều thì hải-lưu chảy ngược lại.
- Trong mùa gió Đông-Bắc, hải-lưu Biển Đông chảy ngược theo chiều kim đồng-hồ. Dòng nước biển chảy mạnh từ Đài-Loan ngang qua Hoàng-Sa vận-tốc chừng 1 gút. Khi xuống ngang bờ biển Trung-phần, vận-tốc dòng nước tăng thêm, có khi tối-đa tới 3, 4 gút trên mặt nước. Các nhân-viên khí-tượng Việt-Nam ở Hoàng-Sa (sau vụ Nhật đảo-chính Pháp tháng 3/1945) và quân-nhân Hải-Quân Việt-Nam Cộng-Hoà (sau khi Trung-Cộng tấn-chiếm đảo tháng 1/1974) đã nhờ nhờ dòng nước này thả bè trôi về được tới Quy-Nhơn và ngoài khơi Cù-lao Ré để được cứu vớt. — phía Tây vùng Trường-Sa, nước chảy ngược lại như một đối-lưu hướng về phía Đông-Bắc. Vận-tốc đối-lưu thường thấp. Vùng gần Palawan nước chảy theo chiều Tây-Nam.
- Trong mùa gió Tây-Nam, hải-lưu chảy theo chiều kim đồng-hồ, từ phía Mã-Lai đi dọc bờ biển Trung-phần ra Hoàng-Sa với vận-tốc chừng .5 gút. Đối-lưu từ phía Đông của quần-đảo Hoàng-Sa chảy về Trường-Sa rất yếu.
- Hải-lưu Biển Đông không hoàn-toàn là một vòng kín. Trong những khi gió mùa thổi mạnh, những khối lượng nước biển lớn lao được đẩy ra ngoài qua các eo biển. Vào mùa gió Đông-Bắc, nước Biển Đông thoát ra Ấn-độ-Dương. Vào mùa gió Tây-Nam, nước biển thoát ra Thái-bình-Dương.
Theo tài-liệu trong sách Regional Oceanography , tác-giả Matthias Tomczak & J. Stuart Godfrey thì dòng nước chảy qua chảy lại như một máy điều hòa làm nồng-độ muối ở Hoàng-Sa và Trường-Sa trong suốt năm giữ nguyên trong mức độ 33.5 và 33 phần ngàn. Chiều nước chảy của các hải-lưu Biển Đông được trình-bày như trong hai hình dưới đây.
Như vậy quanh năm, hải-lưu vùng Hoàng-Sa và Trường-Sa thay đổi chiều hai lần. Dòng nước vùng Trường-Sa không mạnh như dòng nước vùng Hoàng-Sa.
Sau trận hải-chiến năm 1988 khi chiến-hạm bị chìm, các thủy-thủ Việt-Nam Cộng-sản sống sót trên các bè nổi không trôi đi đâu xa. Vì nước chỉ chảy chừng 1/4 đến 1/2 gút, sự cấp-cứu đã được thi-hành trong "khu-vực cánh quạt" sát gần nơi hải-chiến.


Sea surface salinity in the South China Sea. (a) During the southwest monsoon (August), (b) during the northeast monsoon (February). Arrows indicate the inferred direction of flow. After Wyrtki (1961).
Hình 59. Hải-lưu và nồng-độ muối Biển Đông.

Sự vận-hành của hải-lưu liên-hệ đến những thay đổi về thời-tiết, khí-tượng trong vùng, gây ảnh-hưởng đến môi-trường sinh-sống của người và sinh-vật dưới biển cũng như trên bờ.

4.7 - NƯỚC, GIÓ VÀ NẠN DẦU LOANG
Khi dàn khoan hoạt-động, các tàu chuyên chở dầu đi lại nhiều hơn và những ống dẫn dầu khí vào bờ khởi-sự; đây cũng là lúc người ta nghĩ đến những tai-nạn dầu loang và sự hiểu-biết về hải-lưu càng cần-thiết hơn. Các kế-hoạch phòng-tai bao gồm nhiều giả-thuyết kèm các biện-pháp ứng-phó. Nước trôi ra sao cùng gió thổi thế nào cần được tính-toán sẵn sàng.
Các phỏng-định sau đây đặt ra với giả-thuyết vài triệu gallons dầu thô, vì tai-nạn hay lầm-lỗi kỹ-thuật lúc khai-thác hay chuyên-chở, bị thất-thoát ra ngoài biển.
Chừng 24% số dầu đó sẽ bay hơi hay tan-biến sau 2 ngày, 42% sau 5 ngày, 45% sau 8 ngày. Bách-phân tiêu-tán này đạt đến tối-đa là 48% qua 14 ngày. Sau đó thời-tiết không còn ảnh-hưởng bao nhiêu và số dầu còn lại sẽ nằm vật vờ trôi nổi trên mặt biển. Phải qua rất nhiều thời-gian để dầu loang tự nó phân-hóa qua những phản-ứng thoái-hóa sinh-học (Biological Degradation), oxide hóa quang-năng (photo-oxidation) mà từ từ tan-biến. Khi dầu thoát ra, vì nhẹ nên nổi và nước gió làm dầu trôi đi trên mặt biển.
Phần nặng hay chất cặn bã của dầu thường không độc-hại bằng phần lỏng của nó. Chim chóc, cua cá, cây cối... tiếp-xúc với dầu hay nằm trong lớp dầu bao-phủ sẽ bị chết hại rất nhiều. Nếu không được làm sạch sẽ đúng cách, tình-trạng môi-sinh trong vùng bị dầu loang chỉ trở lại bình-thường sau nhiều năm hay nhiều chục năm.

Hình 60. Các giả-thuyết dầu loang ngoài khơi Biển Đông trong hai mùa gió Đông-Bắc và Tây-Nam.

Chúng ta hãy xem vài giả-thuyết dầu loang dọc duyên-hải Việt-Nam theo tài-liệu của sách Atlas for Marine Policy in East Asian Seas:
- Dầu loang ngoài khơi Vũng-Tàu (9o40' N, 108o00' E). Nếu tai-nạn dầu loang xảy ra vào ngày 1 tháng 7 khi mùa gió Tây-Nam đang thổi mạnh, dầu loang sẽ trôi theo hướng Đông-Bắc một khoảng 600km (372hl) sau 29 ngày. Chỉ trong vòng 14 ngày, dầu loang sẽ tràn tới vùng Cam-Ranh.
Nếu tai-nạn trên xảy ra vào ngày 1 tháng 12, trong mùa gió Đông-Bắc; dầu loang sẽ trôi theo hướng Tây-Nam một khoảng 400km (248hl) sau thời-gian 14-17 ngày.
- Dầu loang ngoài khơi Tây-Nam Hải-Nam (23o0' N, 109o0' E.) Bờ biển Hải-Nam sẽ bị ô-nhiễm nếu dầu thất-thoát trong mùa gió Tây-Nam vào những tháng 5, 6, 7 và 8.
Nếu tai-nạn trên xảy ra vào lúc giao mùa hay giữa mùa gió Đông-Bắc, dầu loang sẽ trôi về phía bờ biển Việt-Nam: tháng 8, vào Bắc-phần và các tháng 9, 10, 11, 12, 1, 2, 3 vào vùng Bắc Trung-phần.
Trong tương-lai nếu Trung-Cộng khởi sự đào dầu tại Hoàng-Sa, cơ-nguy bờ biển Trung-phần Việt-Nam bị nạn dầu loang tràn ngập rất trầm-trọng, nhất là về mùa gió Đông-Bắc. Hải-lưu vùng này mạnh, đôi khi vượt 30hl. một ngày. Dầu loang có thể tràn đến khu Cù-Lao Ré, Quảng-Ngãi trong vòng 10 ngày và đến Quy-Nhơn chừng 2 tuần-lễ.


Hình 61. Nếu dầu loang từ Hoàng-Sa hay ngoài khơi Hải-Nam, bờ biển Việt-Nam có cơ nguy bị ô-nhiễm nhiều hơn phía Trung-Hoa.


5 – THIÊN-TAI TRÊN BIỂN ĐÔNG
Thiên-tai Biển Đông xếp thành nhiều loại:

5. 1 – BÃO-TỐ
Bão-tố có mùa. Bão Biển Đông là bão nhiệt-đới, thường xảy ra những lúc giao mùa, nhất là từ tháng 6 đến tháng 8. Gió mạnh đến 90 gút. Bão giảm đi từ tháng 9 nhưng cũng vẫn còn đến tháng 1. Tuy vậy, vào giữa mùa gió Đông-Bắc, bão làm biển trở nên động dữ dội hơn và kéo dài trong nhiều ngày.


Hình 62. Bão và các thiên-tai động đất, sóng thần vùng Biển Đông.
Người Pháp gọi tên đảo Trường-Sa là Đảo Bão-Tố (Ile de la Tempête), nhưng biển Trường-Sa cũng như toàn thể Biển Đông không phải là nơi phát-sinh những trận bão lớn vùng nhiệt-đới. Những trận Đại-phong hay Typhoon thường khởi-sự từ phía Đông của Phi-luật-Tân, di-chuyển theo hướng Tây-Bắc về phía Bắc Việt-Nam, Hồng-Kông, Đài-Loan Nhật-Bản. Không tới 1% giông bão phát sinh từ Biển Đông tiến về Hoa-Nam và cũng không tới 1% giông bão phát-sinh ngoài khơi Brunei thổi về Vịnh Thái-Lan. Có tới chừng 1 phần 3 các trận đại-phong đi từ Thái-bình-Dương thổi về, qua Trường-Sa và Hoàng-Sa, tiến vào bờ biển Trung-Việt và vịnh Bắc-phần.
Sau khi thành-lập, bão thường di-chuyển hướng Tây, nhưng rồi chuyển lên hướng Đông-Bắc, nên Nam-phần không mấy khi bị bão lớn tàn-phá.
Khi bão phát xuất từ đảo Lữ Tống đi ngang Hoàng-Sa thì binh-sĩ đóng trên đảo thấy các triệu chứng như sau: Trời oi, khí áp xuống nhanh. Trên bầu trời xuất hiện những mây cao bay nhanh như bó lông (cirrus panachés). Vài giờ sau bầu trời bị che phủ bởi một lớp mây rất mỏng (cirro status), mặt trời chung quanh có quầng, rồi dần dần bầu trời trắng nhạt. Sau đó đến lượt những mây thấp có hình vẩy cá (cirro cumulus). Rồi đến một lớp mây đen, dày cao lối 3,000m (altostatus), tất cả trở nên đen, u ám; mưa bắt đầu rơi, gió thổi, khí áp xuống nhanh. Trần mây thấp dần xuống (100m hay 50m), mây bay nhanh, gió thổi mạnh từng cơn, bão đã tới...
Cường-độ gió bão có thể lối 50 gút đến 90 gút.
Khi sấm sét đã xuất hiện thì có thể coi như cơn bão đã qua...


Hình 63. Số lượng trung-bình các trận bão xảy ra trong những tháng của một năm.

Hai quần-đảo Hoàng-Sa và Trường-Sa bao gồm các đảo nhỏ bé trơ trụi, không phải là chỗ neo tránh bão lý-tưởng. Mỗi khi các đài khí-tượng thông-báo có bão (typhoon) là các tàu thuyền thường vội vã di-tản khỏi vùng.


Hình 64. Khi bão di chuyển với vận tốc v, vận tốc gió xoáy là v1: tại vùng bán-nguyệt an-toàn, sức gió nhẹ hơn (v1-v) phía bán-nguyệt kia khá nhiều (vận-tốc gió v1+v).

Trường-hợp không kịp, phải cố chạy về phía Nam, làm sao nằm được trong "bán-nguyệt an-toàn" của bão. Trong thế-chiến II, Hạm-đội Hoa-Kỳ một lần đã bị thiệt-hại nặng vì bão như vậy ở ngoài biển Phi-luật-Tân chỉ vì phải tiếp-tục hành-quân, không kịp lẫn trốn.


Hình 65. Ðường đi tiêu-chuẩn của các trận bão trong những tháng 7, 8, 9, 10. Mùa mưa bão ở các tỉnh miền Bắc thường đến sớm hơn các tỉnh miền Trung khoảng 1 đến 2 tháng.
Hai lần Trung-Cộng hành-quân lớn, chiếm trọn Hoàng-Sa (19 tháng 1 năm 1974) và nuốt gọn 7 đảo Trường-Sa (14 tháng 3 năm 1988), chúng đều khởi-sự ồ-ạt chuyển quân xuống Biển Đông trong mùa biển ít bão-tố.


Hình 66. Thang sức gió bão Beaufort hay đơn giản là cấp gió là thang đo kinh nghiệm về sức gió, chủ yếu dựa trên trạng thái của mặt biển hay các trạng thái sóng. Cũng cần lưu ý rằng độ cao của sóng tính trong điều kiện tìm thấy ở các biển vắng.

Qua các tài-liệu lịch-sử, người ta đọc được nhiều lần thiên-tai khủng-khiếp gây thiệt hại sinh-mạng và tài-sản cho nước ta. Vì người dân đói khổ nên quốc-gia loạn lạc. Tai-nạn ngoài Biển Đông mang đến chết chóc, mất tích, tản-lạc cho ngư-phủ như:
* Vào đầu thế-kỷ 18, bão thổi thuyền bè của đội Hoàng-Sa ra biển sang Hải-Nam. Hai nhân-viên được người Tàu cứu và được trả về sau đó.
* Vào thời Nam-Bắc phân-tranh, khi hai hạm-đội chuẩn-bị tác-chiến thì bão thổi tới. Chiến-thuyền đôi bên rời nhau để chạy trốn nhưng không kịp. Một số bị chìm, một số bị thổi ra biển. Có chiếc trôi ra Hoàng-Sa, có chiếc giạt tới Hải-Nam.

Thiên-tai về bão-tố đẩy thuyền ra Hoàng-Sa cũng là một yếu-tố để chứng-minh dân địa-phương như người Việt chúng ta đã đến Hoàng-Sa Trường-Sa, do vô-tình hay cố-ý từ nhiều ngàn năm xưa. Người Việt cũng như các người Đông-Nam-Á khác đã khám-phá các đảo ngoài Biển Đông ngay từ khi phát-minh ghe thuyền, không chờ đợi đến khi người Trung-Hoa hàng ngàn vạn dặm xa-xăm đến đây để ghi công “khám-phá” hão!

5.2 – NHỮNG HIỆN-TƯỢNG THIÊN-NHIÊN KHÁC
Ngoài bão-táp là thiên-tai khủng-khiếp nhất, các vùng đất Đông-Nam-Á nằm ngoài đại-dương còn trải qua một số các thiên-tai khác như, động đất, núi lửa, đất trùi, sóng thần, lụt lội v.v...

5.2.1 – SÓNG THẦN
Ngoài khơi Việt-Nam, tuy có một số chấn-động địa-chất ngầm dưới biển xảy ra ngay trong thế-kỷ thứ XX nhưng đã không gây nên một thiệt-hại nào. Vùng Hoàng-Sa và Cù-lao Thu ghi-nhận ít nhất 6 lần địa-chấn. May mắn không có cơn sóng thần nào tàn-phá duyên-hải nước ta.
Sóng Thần (Tsunamis) gây nên bởi những trận động đất dưới lòng biển sâu. Sóng thần không do gió phát-sinh và vì chúng có độ dài sóng rất lớn nên mắt thường của chúng ta không thể nhận ra được khi sóng thần còn ở ngoài biển rộng. Chấn-động của cơn địa-chấn truyền đi trong lòng biển với vận-tốc nhanh tới 400-500 gút. Trên mặt biển, đó là những làn sóng chỉ cao đến vài ba bộ Anh, nhưng chiều dài lên tới trên 100 hải-lý. Tuy thủy-thủ hải-hành trong khu-vực động đất không nhìn thấy sóng nhưng thường cảm thấy tàu thuyền của họ bị đập mạnh một hay hai cái theo chiều thẳng đứng giống như bị mắc cạn rồi thôi.
Khi tiến đến gần bờ, vì vận-tốc sóng vẫn cao trong khi đáy biển trở thành nông cạn, sóng bất thần bị chận lại nên trong khoảnh-khắc, biên-độ vụt gia-tăng ghê gớm. Những đợt sóng khi đó có thể cao tới 50-100 feet, di-chuyển rất nhanh, tàn-phá tất cả những gì trên đường đi của chúng, vào sâu trong nội-địa nhiều cây-số.
Hai nước Phi-luật-Tân và Nam-Dương chịu đựng liên-tiếp nhiều tai-ương về động đất. Sóng thần đã cuốn trôi nhiều làng mạc, quét sạch nhà cửa, ghe thuyền, con người và súc-vật ra biển. Các đảo phía cực đông của Trường-Sa, nằm gần với rãnh sâu Palawan có thể chịu những tai-họa thảm-khốc nếu sóng thần xảy ra.
Bờ biển Việt-Nam chạy lài lài ra khơi, nước ta may mắn không tiếp giáp với một bất cứ một rãnh sâu nào của đại-dương (trench) nên thoát tai-nạn những cơn sóng thần.
Việt-Nam và Biển Đông còn may mắn hơn nữa vì nằm ngoài Vòng Lửa Thái-bình-Dương (Cercle de Feu) là khu-vực không từng bị nạn động đất nào tàn-phá trầm trọng. Nói về sự bền vững của nền lục-địa xứ ta, Giáo-sư Phạm-Hoàng-Hộ viết rằng "Việt Nam nằm trên khối Indosinias của vỏ Trái đất bền vững từ mấy trăm triệu năm nay" (Cây cỏ Việt-Nam, 1993).


Hình 67. Hình-ảnh cơn sóng thần tiến vào bờ biển.

Theo rất nhiều tài liệu nghiên cứu của các nhà địa chấn và các nhà hải dương học trong nước và quốc tế, sóng thần ít xảy ra và không quá nguy hiểm ở vùng biển Việt Nam.
Tuy nhiên, theo “Trang thông tin trực tuyến của The Vietnamese Geosciences Group” ngày 10/12/2005 00:40, nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra, tại phía tây Philippines (tức rìa phía đông Biển Đông), từng xảy ra động đất mạnh với đầy đủ các điều kiện để gây ra sóng thần như năng lượng đủ lớn (M > 8), độ sâu chấn tiêu nhỏ (h < 30 km) và có cơ chế trượt thuận. Đồng thời tại đây thực tế cũng đã xảy ra sóng thần.
Trang www.vngg.net cho biết thêm: Mặt khác, các số liệu GPS đo dịch chuyển tuyệt đối ở Việt Nam và Thái Lan cho thấy chuyển dịch của Đông Dương về phía đông có vận tốc 3±0,2 cm/năm. Chuyển dịch của Philippines về phía tây không dưới 8 cm/năm. Như vậy, tốc độ chuyển dịch tương đối giữa hai mảng không dưới 10 cm/năm. Tốc độ này lớn hơn so với tốc độ của mảng Ấn Độ hút chìm dưới mảng Burma. Vì thế, nếu động đất có khả năng gây sóng thần xảy ra tại ranh giới giữa mảng Philippines và mảng châu Á, nguy cơ sóng thần đối với vùng bờ biển Việt Nam sẽ rất cao.

5.2.2 – VÒI RỒNG
Người đi biển và dân duyên hải thường thấy các cột nước bị cuốn hút lên trời mà họ gọi là rồng hút nước.
Rồng Hút Nước hay Vòi Rồng là một hiện-tượng sáo trộn của không-khí ngoài biển, chẳng hạn như sự đụng-chạm giữa hàn-diện và nhiệt-diện khi hai luồng không-khí nóng lạnh gặp nhau.



Hình 68.Hình-ảnh Rồng hút nước.

Tương-tự như bão nhưng Vòi Rồng xảy ra trong một phạm-vi nhỏ hẹp hơn với những đặc-điểm hơi khác-biệt như sau:
- Vòi Rồng là một cơn lốc có hình-dáng như chiếc phễu, cột nước từ mặt biển bị gió cuốn xoáy cao dần lên bầu trời đầy mây đen cumulus.
- Nước của Vòi Rồng có thể là nước mặn bị hút từ biển lên hay có thể là nước ngọt do hơi nước đọng lại thành mưa.
- Gió thổi của giông bão ở Bắc-bán-cầu xoáy theo chiều kim đồng-hồ và nghịch lại ở Nam-bán cầu. Chiều gió trong hiện-tượng Vòi Rồng không theo quy-luật đó, gió có thể thổi theo cùng chiều hay ngược chiều với kim đồng-hồ tuỳ theo với chiều gió lúc thành-lập.
- Vòi Rồng thường có đường kính từ vài bộ đến nhiều trăm bộ Anh, chiều cao từ vài trăm đến nhiều trăm bộ Anh. Vòi Rồng ít khi kéo dài tới hơn một tiếng đồng-hồ.
- Sức mạnh của Vòi Rồng thay đổi, nhẹ thì như một con trốt cuốn bụi, mạnh thì có thể đánh chìm thuyền nhỏ, làm hư-hại tàu thuyền hạng trung. Dù mạnh nhất, Vòi Rồng cũng không ảnh-hưởng mấy cho các tàu viễn-duyên, cho dù tàu có đi lọt ngay vào trung-tâm của nó.
- Thủy-thủ các tàu thuyền đi ngang Vòi Rồng cho biết có khi thấy sâu bọ hay tôm cá rơi rớt trong mưa.

5.2.3 - Thủy-triều đỏ và Thủy-triều đen.
Thủy-triều đỏ và thủy-triều đen không phải là hiện-tượng nước biển lên xuống do hấp-lực của các vì tinh-tú.
"Thủy-triều đỏ" được biết từ nhiều ngàn năm trước. Sách sử ghi lại một cách rùng-rợn là “âm-binh của Thần Biển”: Nước biển từ màu xanh dần-dần bị nhuộm đỏ hồng như màu máu. Đêm đêm, những ngọn sóng lớn bừng lên trên mặt đại dương. Những con rắn màu lửa khổng lồ, xô đuổi nhau vào bờ... Thổ dân sống ven bờ Bắc Mỹ khi phát hiện được hiện tượng này đã đoán chắc một tai họa đang đến với họ trong cuộc sống chài lưới: cá biển sẽ chết trắng trên mặt nước; trai, ốc, sò hến… sẽ “sinh độc” không thể ăn được như trước đó. Cả bộ-lạc sống bằng nghề cá không bị ngộ độc, rồi cũng sẽ chết đói hầu hết... Thiên-tai khủng khiếp!
Ngày nay, người ta biết "Thủy-triều đỏ" do sự "nở hoa" của tảo. Đó là cách gọi để chỉ hiện tượng bùng nổ về số lượng của tảo biển. Sự "nở hoa" của tảo có khi làm nước biển màu đỏ, có khi màu xanh, màu xám hoặc như màu cám gạo... Hiện tượng "nở hoa" thường đồng hành với sự giảm thiểu nhanh chóng hàm lượng ô-xy trong nước, và đó chính là nguyên nhân làm chết nhiều loài sinh vật biển trong tự nhiên và nuôi trồng. Cũng có những loài tảo không "nở hoa" nhưng sản sinh độc tố; cá và các loài hai mảnh vỏ ăn tảo sẽ tích lũy độc tố trong cơ thể.
Tảo gây thủy-triều đỏ thường thuộc các giống Goniaulax, Gynodinium, Perdinium… ngành “tảo hai rãnh” Dinophyta.


Hình 69. - Tảo Hai rãnh (Dinophyta).

Cách đây mấy năm "Thủy-triều đỏ" xảy ra ở Bình Thuận và vài vùng biển khác. Theo tiến sĩ Nguyễn Ngọc Lâm, cán bộ Viện Hải dương học Nha Trang, mầm mống của tảo sẵn có trong nước biển nên có thể "nở hoa" bất cứ ở đâu khi gặp điều kiện thuận lợi, chẳng hạn như nhiệt độ tăng, việc trao đổi nước kém, hoặc điều kiện dinh dưỡng trong môi trường tăng, hay ô nhiễm môi trường biển... ở ven biển nước ta có khoảng 70 loài tảo có thể gây hại như vậy.
Ông Lâm cho rằng chúng ta có thể hạn chế thiệt hại do "thủy-triều đỏ" gây ra, với điều kiện phải đầu tư thích đáng cho các nghiên cứu cơ bản. Đối tượng nghiên cứu ở đây không chỉ là tảo gây hại, mà phải điều tra cả những yếu tố tác động đến môi trường biển như tính chất vật lý, hóa học, nhiệt độ, dòng chảy, nguồn nước thải ra biển, đặc điểm kinh tế - xã hội...
Còn Thủy-triều đen là một sự ô nhiễm biển cả, do dầu tràn ra biển.
Diễn-tiến tác-hại dầu tràn trên môi-sinh theo các bài viết: Oil Spills, Greenpeace USA, National Geographic như sau:
- Với dây truyền thức ăn: Dầu làm nhiễm độc phiêu-sinh-vật plankton. Cá nhỏ ăn phiêu-sinh-vật, cá lớn ăn cá nhỏ. Hải-cẩu, cá voi, cá heo, chim và người ăn cá. Tất cả trúng độc.
- Với các loài hải-sinh-vật có vú: Dầu dính vào bộ lông các loài có vú, làm mất đặc-tính cách nhiệt. Khi thân-nhiệt bị mất, con thú chết. Cá voi và cá heo ngạt thở, bị chết khi dầu làm nghẹt đường khí-quản. Dầu làm gan và thận của rái cá và hải-cẩu trúng độc, chúng thường chết. Hơi từ dầu bốc hơi cũng gây nạn ngộp thở.
- Với các loài chim. Chim ngộ độc vì cố rỉa lông khi bộ lông của chúng dính dầu. Thường chúng chết sau vài giờ. Khi bộ lông đã bị dính dầu, thân chim không giữ thân-nhiệt. Chỉ cần chừng 1 inch trên thân chim hở ra trong vùng khí-hậu lạnh là chim chết. Nếu dính nhiều dầu, vì quá nặng, chim không bay được và cũng có thể không bơi nổi mà bị chìm. Cho đến một giọt dầu nhỏ cũng có thể làm chim không còn đẻ trứng được.
- Với cá. Dầu làm cá trúng độc rất nhanh khi dầu được hút qua mang cá hay khi cá ăn phải thức ăn dính dầu. Dầu phá-hủy trứng cá hay nhẹ hơn, làm thành cá "quái-thai".
- Trên bãi biển. Khi dầu tràn vào bờ biển, nếu không được làm sạch sẽ, dầu sẽ thấm vào đất và cả vùng bờ "chết" và không còn là nơi sinh sống của bất cứ loài vật nào.
Khi dầu tràn trôi vào bờ, nhiều bãi biển bị ô-nhiễm và không có khách du-lịch nào lai vãng. Dầu tác-hại cơ-thể con người cũng như tác-hại mọi sinh-vật khác, nặng thì gây tử-vong, cần phải điều-trị ngay.
Khoảng 200 triệu tấn dầu được vận chuyển hàng năm qua các vùng biển ngoài khơi Việt Nam từ Trung Đông tới Nhật Bản và Triều Tiên. Các hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí ngoài khơi Việt Nam đang tăng lên hàng năm.
Biển Đông đã trở thành một trong các địa điểm thăm dò và khai thác dầu khí nhộn nhịp nhất thế-giới. Các vùng có các hoạt động dầu khí là vùng biển vịnh Bắc-Việt, vịnh Thái Lan và Quần đảo Trường-Sa. Các hoạt động giao-thương kèm theo việc khai thác và vận chuyển dầu gây ra tình trạng ô nhiễm dầu nghiêm trọng. Các tầu trở dầu làm thoát ra biển tới 0,7% tải trọng của chúng trong quá trình vận chuyển thông thường. Sóng biển và gió đều có chiều hướng đưa lượng dầu thoát ra tấp vào bờ biển Việt Nam.
Theo thống kê của cục Môi trường, bộ Khoa học và Môi trường, từ năm 1987-2006 đã xảy ra hơn 90 vụ tràn dầu tại các vùng sông và biển nước ta. Nghiêm trọng hơn cả, dầu tràn ngoài biển, sau khi phá-hoại môi-trường biển, bãi biển, dầu đã theo nước trôi sâu vào các dòng kênh rạch nơi tập trung đông đảo dân cư...
Trong những tháng dầu năm 2007, tại-nạn dầu loang tệ-hại nhất trong vùng Đông-Nam-Á dã đến với Việt-Nam. Tất cả biển miền Trung và miền Nam đều thấy váng dầu, nhiều bãi biển danh tiếng bị ô-nhiễm. Giới am-hiểu vấn-đề cho biết rất có thể dầu đã tràn ra từ các giàn khoan của Trung-Cộng. Khả-năng chống nạn này của Việt-Nam cho dù cố-gắng, nhưng đã bị vượt quá xa tầm tay.


Hình 70. - Diễn tập xử lý sự cố tràn dầu một vùng nhỏ tại vịnh Hạ Long. www.nea.gov.vn/onhiem.htm

Khi bình-luận việc này, Ông Vũ Quang Việt viết rằng: Quyết định của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn-Tấn-Dũng cho thấy Việt Nam hình như rất lúng túng chưa biết mình phải làm gì vì chỉ nói đến điều tra quốc tế một cách quá chung chung... Tuy nhiên con đường để giải quyết chính có thể là trên cơ sở Công ước về Luật Biển Liên Hợp Quốc (Convention on the Law of the Sea) mà cả Việt Nam và Trung Quốc đều đã ký kết. Do khả năng rất giới hạn về kỹ thuật để theo dõi, kiểm tra một diện biển rất rộng, khả năng phân tích hạn chế của nhà nước Việt Nam cũng như tính quốc tế của vấn đề, việc sử dụng tới sự giúp đỡ tìm nguyên nhân, xác định thiệt hại và làm trọng tài để giải quyết đền bù các thiệt hại do một bên gây ra chính là cơ quan Liên Hợp Quốc, thông qua International Seabed Authority - Hội đồng quyền lực quốc tế về đáy biển. .
Trước đó, Bà Đỗ Tuyết Khanh cũng dã nói đến “Quyền tự chủ quốc gia và chuẩn quốc tế trong kinh tế” khi đề cập đến những tai-nạn gây thiệt-hại rất lớn liên-hệ quốc-tế loại này.

6 – BIỂN ĐÔNG, NHỮNG SỰ KỲ-DIỆU THIÊN-NHIÊN.
Ngoài những hiện-tượng thiên-nhiên xảy ra như đã nói ở trên, Biển Đông còn ghi-nhận một số sự kiện đáng gọi là kỳ-diệu trong một vài sự sự kiện khác .

6.1 – SỰ KỲ-DIỆU VỀ TỪ-TÍNH.
Người đi biển phải thường-trực lo lắng nhất trong việc định-hướng và xác-định vị-trí con tàu. Trước khi la-bàn điện trở thành dụng-cụ căn-bản của chiến-hạm và thương-thuyền, kim chỉ nam và la-bàn từ đã là những người bạn trung-thành nhất của các nhà hàng-hải. Ngày nay trên những du-thuyền chạy buồm người ta vẫn cho thiết-trí la-bàn từ và trên những tàu lớn, một chiếc la-bàn từ, sau khi được điều-chỉnh cẩn-thận, luôn luôn là dụng-cụ được thuyền-trưởng tin cậy nhất, dùng để kiểm-soát những "phản-trắc bất-thường" của la-bàn điện.


Hình 71. Hải-đồ ghi-nhận độ từ-sai không đáng kể trong vùng Hoàng-Sa.

Khi người Việt bắt đầu dùng la-bàn trong khoa địa-lý và hải-hành, tiền-nhân chúng ta hẳn đã rất ngạc-nhiên là hướng của kim chỉ nam lại hoàn-toàn phù-hợp với hướng Bắc-Nam địa-dư.
Thiên-nhiên đã tạo nên một vài vùng biển đặc-biệt trên thế-giới mà ở đó không có độ lệch từ-tính như Biển Ả-Rập và Biển Đông. Một trong nhiều nguyên-nhân tạo nên nền văn-minh hàng-hải ở Đông-Nam-Á có lẽ cũng vì sự nhiệm-mầu đó. Trong lúc la-bàn từ sai trệch 30, 40 độ tại nhiều nơi khác trên thế-giới, kim định-hướng của nó lại chỉ ngay đúng phương Bắc địa-dư khi con tàu tiến vào vùng Biển Đông.
Theo những tài-liệu về khoa thế-giới địa-từ, ngoài độ từ sai bằng Zéro, Biển Đông còn có những đặc-điểm từ-tính khác như sau:
- Biển Đông nằm trong vùng mà độ sai lệch từ không thay đổi (hay thay đổi rất nhỏ). Hãy tưởng tượng đến sự rắc rối gây cho các nhà hàng-hải khi kim la-bàn từ sai-lệch tới 30, 40 độ mà lại còn biến-thiên thường-niên hàng chục phút nữa: họ sẽ phải cộng trừ, thêm hay bớt (Đông hay Tây) vào những trị-số được cho biết trước đây trong tài-liệu.
- Biển Đông lại đặc-biệt hơn vì nằm trong vùng "xích-đạo từ". Tương-tự như trong vùng nhiệt-đới địa-dư, các la-bàn điện hoạt-động trong điều-kiện tốt nhất; các dụng-cụ trắc-định từ-tính cũng không cần điều-chỉnh nhiều những khi hoạt-động tại nơi có "vĩ-độ từ" thấp hay gần đường xích-đạo từ. Trường-hợp tàu thuyền chạy lên Bắc-cực hay đi xuống Nam-cực, la-bàn điện dần dần trở nên vô-hiệu và thành vô-dụng tại hai cực địa-dư. La-bàn từ cũng vậy, sẽ trở nên vô-hiệu ở hai cực địa-từ.


Hình 72. Biển Đông không có độ sai từ và vị-trí vùng Cà-Mâu Trường-Sa nằm trên xích-đạo từ.

Từ khi vòng từ-trường Van Allen bao quanh trái đất được khám-phá, khoa Địa-từ-trường tiếp-tục được nghiên-cứu học hỏi. Từ-trường ảnh-hưởng rất nhiều tới sinh-hoạt mọi loài và cả đến sinh-mạng trên trái đất. Một ngày nào đó, có thể trong vài chục ngàn năm sắp tới, hai cực Nam-Bắc địa-từ sẽ đổi ngược lại thành Bắc-Nam. Biển Đông với vị-trí đặc-biệt cũng là nơi cần-thiết phải có sự quan-trắc các hiện-tượng địa-từ-trường.
Người Tàu nhận rằng họ sáng-chế Kim Chỉ-Nam nhưng không hề biết những đặc-tính về từ-trường của Biển Đông. Sách cổ Trung-Hoa ghi rằng vùng đất mẹ đẻ của từ-thạch ở Miền Nam, họ kính-ngưỡng cầu-khẩn thần núi Linh-Sơn vùng Đại Lãnh (Varella), họ sợ Hoàng-Sa hút sắt làm tàu thuyền của họ mắc cạn ở Biển Đông.

6.2- SỰ KỲ-DIỆU VỀ “ĐỊA-HÌNH”
Mặt biển bao phủ trái đất tưởng như bằng-phẳng và đồng đều cao-độ nhưng sự thật không phải như vậy.
Địa-cầu không đúng là một trái cầu tròn đều mà có dạng gần với khối Ellipsoid. Địa cầu cũng hơi phình ra ở phía trên xích đạo, có một vẻ nào đó giống như trái lê. Mặt trái đất lại có chỗ lục-địa, có chỗ bao bởi đại-dương, nơi cao như núi Everest (gần 9km) nơi sâu như Marianas Trench (chừng 11km) nên dẫn-lực-trường (gravitational field) không đều đặn, đường giây quả rọi thường không thẳng góc với mặt biển.


Hình 73. Hình vẽ giải-thích vài sự sai lệch trong hai phương-thức địa-hình Geoid và Ellipsoid đối với bề cao mặt biển.

Trong những công-tác đo đạc địa-hình, tính toán vị-trí tàu thuyền bằng thiên-văn điện-tử và mới đây nhất khi các vệ-tinh NAVSAT (Navigation Satellite System), GPS (Global Positioning System) bắt đầu hoạt-động, người ta thấy những sự sai lệch như vậy khá lớn. Mặt "trái cầu" mới dùng làm tiêu-chuẩn, sau khi điều-chỉnh dẫn-lực, được gọi là Geoid.
Phương-pháp hải-hành điện-tử vệ-tinh ngày nay rất tiến-bộ. Trong vài năm nay, những tấm bản-đồ thế-giới ghi các sai-biệt (Contour Map of Geoidal Height hay Contour Plot of Mean Sea Level Deviations) cần dùng để điều-chỉnh độ cao mặt biển và những tài-liệu chỉ-dẫn cần-thiết liên-hệ về hải-hành đã được trang-bị cho tất cả tàu thuyền đi biển.
Vùng Biển Đông, và đặc-biệt khu-vực gần duyên-hải Việt-Nam không có độ sai này trong khi vùng biển phía Nam của Ấn-Độ, các nhà hàng-hải phải trừ đi 99m và nếu tàu đi vào vùng Đông-Bắc của New Guinea, họ lại phải cộng thêm 79m mới đúng.


Hình 74.Bản-đồ ghi cao-độ mặt biển trung-bình. Chi-tiết vùng Biển Đông (không có độ sai) được phóng lớn.

Nói một cách khác đi, mặt nước Biển Đông là mặt biển có độ cao tiêu-chuẩn trong hệ-thống Geoid, trong khi mặt nước biển Ấn-Độ cao quá 99m và biển New Guinea lại thấp tới 79m. Khi làm toán về cao-độ trên mặt biển, người ta phải lần lượt trừ đi 99m và cộng thêm 79m tùy trường-hợp.

6.3 – BIỂN ĐÔNG, BÀ MẸ THIÊN-NHIÊN CHỐNG Ô-NHIỄM
Bước sang thế-kỷ 21, nạn ô-nhiễm sẽ trở nên rất nguy-hại cho môi-trường sinh-sống của thế-giới. Các nơi đông dân-cư, nhiều kỹ-nghệ, lắm cơ-giới mà lại nằm trong những vùng thung-lũng như Mexico City hay Los Angeles chắc chắn bị ô-nhiễm nặng nề nhất. Về địa-thế, Việt-Nam nằm dưới chân núi cao, đất hướng ra phía biển nên may mắn hơn rất nhiều quốc-gia khác. Biển Đông giúp dân ta có nơi thông-thoáng.
Trong tương-lai khi các nước duyên-hải tiến lên thời-đại kỹ-nghệ, Biển Đông cũng sẽ bị ảnh-hưởng ô-nhiễm, nước sẽ không còn trong sạch, không-khí lẫn hơi độc và bầu trời rồi cũng u-ám. Nếu dân Đông-Nam-Á không bảo nhau cùng thi-hành chung những biện-pháp ngăn-ngừa đối-phó, thì tình-trạng sinh sống sẽ rất tồi-tệ.
Tuy vậy khi nhìn tổng-quát, người ta thấy Biển Đông sẽ hoạt-động như một cái máy chống ô-nhiễm thần-diệu giúp con người sống mạnh khoẻ hơn. Xin xét một cách giản-dị trên hai môi-trường là nước và gió:

6.3.1 – NƯỚC SẠCH-SẼ
Nhờ tiếp-giáp với hai khu-vực đại-đương rộng lớn xa các nơi kỹ-nghệ phát-triển tột cùng là Bắc-Mỹ và Âu-Châu, nước biển Thái-bình-Dương và Ấn-Độ-Dương vốn tinh-khiết sẽ giúp Biển Đông rửa sạch ô-nhiễm. Các đại-hải-lưu trên hai đại-dương luân-chuyển quanh năm là máy lọc mẹ trợ giúp máy lọc con là Biển Đông. Thiên-nhiên đặc-biệt là bà mẹ tốt, quét dọn sạch sẽ cái nhà Việt-Nam, làm xứ ta đẹp hơn các xứ khác trên phương-diện này.


Hình 75. Nước Biển Đông ô-nhiễm sẽ theo các hải-lưu của Thái-bình-Dương và Ấn-độ-Dương chảy đi nơi khác.

- Các hải-lưu Biển Đông về mùa Đông mang nước sạch từ Thái-bình-Dương chảy vào, đẩy một số nước ô-nhiễm qua Ấn-độ-Dương. Vận-tốc nguồn nước này rất mạnh, đặc-biệt làm cho nước biển khu-vực Trung-phần Việt-Nam rất sạch sẽ.
- Vào mùa hè khi dòng nước chảy ngược lại, nước sạch từ Ấn-Độ-Dương lại chảy vào đẩy một số nước cũ ra phía Nhật-Bản.

6.3.2- GIÓ TRONG LÀNH.
Khí-hậu vùng biển từ lâu đã được biết là tốt hơn khí hậu đất liền, không khí ngoài biển có tác-dụng rất tốt cho cơ-thể của sinh-vật.
Không-khí chuyển-động tạo thành gió. Sự di-chuyển của gió cũng có tác-dụng làm trong sạch không-khí tương-tự như hải-lưu làm trong sạch nước biển. Trên Biển Đông, gió mùa Đông-Bắc và Tây-Nam luân-phiên thổi qua thổi lại quanh năm, khối không-khí mới thay-thế khối không-khí cũ. Lâu lâu một trận giông bão, đại-phong xảy ra cuốn trôi hết mọi vẩn đục tác-hại còn sót lại trong không khí ra vùng bắc Thái-bình-Dương.


Hình 76. Bản-đồ ghi nhận những đường di-chuyển tiêu-biểu của đại-phong. Không-khí ô-nhiễm của Biển Đông sẽ thổi hết về Nhật-Bản và Bắc-Mỹ.

Thường thường giông bão gây nhiều tai-ương khủng khiếp, nhưng giông bão cũng tiếp-cứu cho các lá phổi mọi loài sinh-vật Việt-Nam được hít thở tự-do hơn. Sau giông bão, khí trời lại trở nên trong trẻo như xưa!
Biển Đông hiền-hòa, từ lâu đời trong quá-khứ và mãi mãi trong tương-lai, được chúng ta gọi là Biển Mẹ mà!
Xin lạm-bàn một chút nữa. Nếu tình-trạng trái đất suy-đồi quá, lượng ô-nhiễm tăng thêm quá nhiều, gió mùa và đại-phong sẽ đẩy không-khí dơ bẩn từ ĐNÁ sang qua phía Nhật-Bản "lãnh" và sau cùng, Bắc-Mỹ cũng sẽ có không-khí dơ bẩn hơn nhiều nữa!

7 – ĐẢO và DUYÊN-HẢI VIỆT-NAM

7.1 - TỔNG-QUÁT VỀ HẢI-ĐẢO VEN BỜ VIỆT-NAM
Theo tài-liệu thống-kê chính-thức của Việt-Nam, vùng biển nước ta có trên 4000 hòn đảo lớn nhỏ trong đó:
+ Vùng biển Đông Bắc có trên 3,000 đảo.
+ Bắc Trung Bộ trên 40 đảo.
+ Còn lại ở vùng biển Nam Trung Bộ, vùng biển Tây Nam và hai quần đảo Hoàng-Sa và Trường-Sa.
- Căn cứ vào vị trí chiến lược và các điều kiện địa lý kinh tế, dân cư, thường người ta chia các đảo, quần đảo thành các nhóm:
+ Hệ thống đảo tiền tiêu có vị trí quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
+ Các đảo lớn có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội. Theo thống-kê mấy năm vừa qua, cả nước có 6 đảo lớn với số dân định-cư vượt quá 10 ngàn người. Đó là các đảo Cái Bầu (trên 20,000 người), Cát Bà (trên 15,000 người và Cát Hải (trên 13,000 người), Các đảo còn lại, lớn nhất là Phú Quốc (trên 50,000 người), Phú Quý (khoảng 18,000 người) và Lý Sơn (trên 16,000 người). Chỉ có 3 đảo có diện-tích trên 100 km2 và 24 đảo trên 10 km2.
+ Các đảo ven bờ gần có điều kiện phát triển nghề cá, du lịch và cũng là căn cứ đề bảo vệ trật tự, an ninh trên vùng biển và bờ biển nước ta. Đó là các đảo thuộc huyện đảo Cát Bà, huyện đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), huyện đảo Phú Quý (Bình Thuận), huyện đảo Côn Sơn (Bà Rịa-Vũng Tàu), huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang)...

7.2 - TỔNG-QUÁT VỀ HOÀNG-SA và TRƯỜNG-SA
Hai quần đảo Hoàng-Sa và Trường-Sa nằm gần như giữa Biển Đông, có vị trí chiến lược về an ninh quốc phòng, là khu vực có nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào phục vụ phát triển kinh tế đất nước.
Quần đảo Hoàng-Sa gồm trên 30 đảo, đá, cồn san hô và bãi cạn, nằm ở khu vực biển giữa vĩ độ 15o45' B - 17o15' B và kinh độ 111o Đ - 113o Đ trên vùng biển rộng khoảng 16,000km2, cách đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi - Việt Nam) khoảng 120 hải-lý, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 140 hải-lý. Diện tích toàn bộ phần đất nổi của quần đảo khoảng 10km2 và đảo Phú Lâm là đảo lớn nhất (khoảng 1.5km2).
Quần đảo Trường-Sa nằm về phía Đông Nam của Biển Đông, gồm trên 100 đảo, đá, bãi cạn, cồn san hô và bãi ngầm, ở khu vực biển trong vĩ độ 6o50' B - 12o00' B và kinh độ 111o30' Đ - 117o20' Đ trên vùng biển rộng khoảng 180,000 km2, cách Cam Ranh (Việt Nam) khoảng 248 hải-lý, được chia thành tám cụm đảo (Song Tử, Thị Tứ, Loại Ta, Nam Yết, Sinh Tồn, Trường-Sa, Thám Hiểm và Bình Nguyên). Diện tích toàn bộ phần đất nổi của quần đảo khoảng 10 km2, đảo Ba Bình là đảo lớn nhất, đảo Song Tử Tây là đảo cao nhất (khoảng 4 - 6 m).


7.3 – SỰ QUAN-TRỌNG CỦA HẢI-ĐẢO
Trong khi tài nguyên trên đất liền dần dần sút giảm, dân số vẫn gia tăng nhanh chóng; loài người đang kéo nhau đổ xô ra khai-thác biển cả.
Trong Đặc-san Sử Địa số 29 năm 1975, Giáo-sư Sơn Hồng Đức đã viết: Nếu thế-kỷ XIX là kỷ-nguyên của việc chiếm-cứ và khai-thác các lục-địa, thì hậu-bán thế-kỷ thứ XX là lúc mà tài-nguyên thiên-nhiên trên các đất nổi đã cạn nguồn. Các nhà địa-lý kinh-tế thế-giới bắt đầu chú-ý đến vùng "đất ngầm", nghĩa là thềm lục-địa hay đáy đại-dương. Nhất là sau hội-nghị Caracas về "Luật Bể" 1974 thì khuynh-hướng chung cho rằng quan-niệm lãnh-hải của thế-kỷ XIX nay đã lỗi thời".
Ông Sơn cũng nói đến tầm quan-trọng của hải-đảo như sau: "Cha Ông chúng ta, với lòng can-đảm vô-biên, chí mạo-hiểm vô-cùng đã để lại cho con cháu ngày nay một dãy giang-sơn gấm vóc gồm lãnh-thổ lục-địa và những quần-đảo trong Biển Đông và vịnh Thái-Lan. Quan-niệm sai-lầm thường cho rằng đây chỉ là những bãi cát bão-táp không giá-trị sản xuất nên chúng ta đã "thiếu tích-cực" trong vấn đề định-cư hoặc chiếm-đóng.
Các đảo tiền tiêu, như tên gọi đứng đầu trong hệ thống quốc-phòng ngoài biển. Trên các đảo có thể lập những căn cứ kiểm soát vùng biển, vùng trời nước ta, kiểm tra hoạt động của tàu, thuyền, bảo đảm an ninh quốc phòng, xây dựng kinh tế, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước ta. Đó là các đảo, quần đảo như: Hoàng-Sa, Trường-Sa, Chàng Tây, Thổ Chu, Phú Quốc, Côn Đảo, Phú Quý, Lý Sơn, Cồn Cỏ, Cô Tô, Bạch Long Vĩ... Với kỹ-thuật hiện có, Việt-Nam đầy-đủ khả-năng biến cải hệ-thống hải-đảo thành nhiều “Hàng-Không Mẫu-Mẫu-Hạm” cố-định, rất khó bị đánh chìm.

7.4 - QUAN-ĐIỂM KHÁC NHAU VỀ QUÂN-SỰ
Một tướng lãnh Hoa-Kỳ cho rằng Hoàng-Sa và Trường-Sa không quan-trọng gì với Mỹ. Năm 1970, trong một cuộc họp báo tại Guam lúc mãn nhiệm-kỳ làm Tư-lệnh các lực-lượng Hải-Quân Hoa-Kỳ tại Việt-Nam, Đô-đốc Zumwalt mà sau đó làm Tư-Lệnh Hải-Quân Hoa-Kỳ đã cho rằng: "Người Mỹ đang thực-thi chiến-lược tiền-đồn trên biển, song song với việc phát-triển hạm-đội tàu nổi nhưng Trường-Sa và Hoàng-Sa không đáp-ứng nhu-cầu hành-quân trên biển bằng một hàng-không mẫu-hạm, nhất là về lưu-động-tính. Hai quần-đảo Hoàng-Sa và Trường-Sa chỉ là đài Radar cố-định, chi-phí hoạt-động rất tốn kém..."
Phân-tích lời Đô-Đốc Zumwalt chúng ta thấy các điểm sau:
- Sự kiện "Hải-quân Hoa-Kỳ bá-chủ ngũ đại-dương" là điều hiển-nhiên. Quyền-lực trên biển xưa nay vốn đặt căn-bản trên sức mạnh. Hoàng-Sa Trường-Sa quá nhỏ bé, thật không đáng kể với sự mênh mông của cả Thế-giới. Với sự hùng-mạnh của Hoa-Kỳ hiện tại, quốc-gia nào có làm chủ được những đảo nhỏ bé đó cũng không đủ sức cản trở hoạt-động trên biển của Hải-Quân Hoa-Kỳ.
- Quan-điểm của Ông đưa ra trong tình-trạng Hoa-Kỳ đang theo đuổi chính-sách hòa-hoãn với Trung-Cộng. Từ hồi đó đến nay, Hải-quân Mỹ vẫn gia-tăng lưu-động-tính nhưng lại bớt hiện-diện tại Đông-Nam-Á. Đồng-ý với giới bình-luận-gia thời-cuộc thời đó, chúng tôi cũng nghĩ rằng chiếc đèn xanh đã bật để Trung-Cộng tiến tới việc xâm-chiếm Hoàng-Sa năm 1974.
- Một khi hai quần-đảo Hoàng-Sa và Trường-Sa đó không quan-hệ gì với quyền-lợi Hoa-Kỳ thì ông Zumwalt muốn so sánh thế nào cũng được. Nếu vị-trí của ông là chổ của một con dân Việt-Nam đang đứng trước móng vuốt của một kẻ xâm-lăng, vừa tàn-độc vừa quỷ-quyệt lại ưa sắt máu như Trung-Cộng thì hẳn ông đã nói khác đi.
Tuy cũng là người gốc Âu Mỹ nhưng lời phát-biểu của ký-giả Robert Thompson trong tạp-chí Kinh-Tế Viễn-Đông lại khác. Ông cho rằng chủ-quyền trên các đảo ngoài khơi Biển Đông rất quan-trọng, nhưng muốn làm chủ thì phải có lực-lượng bảo-vệ mới được. Robert Thompson tỏ vẻ thông-cảm nỗi khó khăn của những nước nhược-tiểu như Việt-Nam chúng ta nhiều hơn là vị Tư-lệnh Hải-quân Hoa-Kỳ. Ông đã viết một câu chí-lý: "căn-cứ vào quyền-lực trên biển của Đô-Đốc Mahan, thì Quốc-gia nào có Hải-Quân mạnh mẽ sẽ có quyền-lực trên biển và chủ-quyền trên hải-đảo. Nhưng hải-quân và không-quân là hai món xa-xỉ-phẩm, các nước nghèo muốn có nó chỉ khổ thêm mà thôi!"
Chỉ quốc-gia giàu sang mới có hải-quân hùng-mạnh. Chỉ với hải-quân hùng-mạnh quốc-gia mới có quyền-lực trên biển và chủ-quyền hải-đảo. Nước Việt-Nam chúng ta rõ rệt là đã nghèo từ lâu, mà nay vẫn còn cứ nghèo, chính-quyền phải làm thế nào cho nước mạnh dân giàu thì hiện-trạng bi-đát này mới thay đổi!
Lúc chiến-tranh đất nước ta bị chia cắt Bắc-Nam, người dân Việt ước muốn sự thống-nhất và mong đòi lại Hoàng-Sa. Ông Hoàng-xuân-Hãn viết rằng: "...Khi nước Việt-Nam còn chia đôi thì khó lòng điều-đình để Hoàng-Sa trả lại đất ta, tuy rằng nhiều chứng xưa nay trong ngoài bảo rằng đó là đất Việt" (Đúng 30 năm trước, Sử Địa số 27, 28, 1974, trang 215). Nay nước đã thống-nhất rồi, tình-trạng bảo-vệ chủ-quyền ngoài biển xem ra vẫn khó-khăn!
Chúng tôi sẽ trình-bày giá-trị kinh-tế của Hoàng-Sa/Trường-Sa trong một đoạn dưới đây. Giá-trị đó vốn đã không nhỏ! Mà trên cả giá-trị kinh-tế, giá-trị chiến-lược còn đáng kể hơn nhiều; nó vô cùng quan-trọng. Thật không ngoa nếu có người cho rằng Hoàng-Sa/ Trường-Sa là yếu-tố sinh-tử, tồn-vong của nước Việt-Nam.


Hình 77. Viễn-ảnh mới đe dọa nước ta từ Biển Đông: Trung-Cộng với Phi-cơ chiến-lược và Phi-đạn tầm xa có khả-năng tấn công tới Sài-Gòn, Hải-quân không-chiến và Tiềm-thủy-đĩnh nguyên-tử đe doạ suốt từ Mống-Cáy đến vịnh Phú-Quốc. Hải-Nam, Hoàng-Sa cùng Trường-Sa là căn-cứ xuất-phát và yểm-trợ các loại chiến-hạm.
Sự an-nguy của sườn phía Đông nước ta nằm trong việc kiểm-soát chủ-quyền trên các hải-đảo dọc Biển Đông. Từ Hải-Nam, Trung-Hoa dễ dàng kiểm-soát việc ra vào vịnh Bắc-Việt. Sau khi chiếm Hoàng-Sa, người Tàu đã mở rộng tầm kiểm-soát xuống một nửa duyên-hải nước ta. Nếu họ lại chiếm cả Trường-Sa thì Trung-Hoa có khả-năng khống-chế hầu hết vùng duyên-hải phía Đông nước ta. Khi nào cả hải-phận và không-phận bị khóa chặt như vậy, tương-lai Việt-Nam rất mịt mờ.
Trong tất cả những nước đang tranh-chấp tại Biển Đông, Việt-Nam là quốc-gia bị lọt vào thế bí, đường cùng nhất. Hai nước Trung-Hoa một trắng một đỏ, trong tư-thế những nước ở ngoài nhảy vào trắng trợn xâm-lăng không nói làm gì, các nước khác như Phi, Mã, Nam-Dương... nếu chiếm thêm được đảo thì lợi thêm rất nhiều, trường hợp cả Biển Đông có bị Tàu nuốt trọn, họ cũng không thiệt nhiều lắm và hiển-nhiên không vì Hoàng-Sa Trường-Sa mà họ bị ngoại-nhân khống-chế. Địa-thế cho phép họ tiếp-tục mở được đường biển ra phía ngoài Thái-bình-Dương và Ấn-độ-Dương.
Đến cùng kỳ lý, Việt-Nam bị thiệt-thòi nhất: mất ít đảo thiệt-hại ít, mất nhiều đảo thiệt-hại nhiều, mất tất cả Biển Đông thì toàn-quốc bị khống-chế. Nguy-cơ hiểm-hoạ lớn như chưa từng xảy ra trong suốt dòng lịch-sử, số mệnh dân-tộc như chỉ mành treo chuông, quốc-gia như đứng bên bờ vực thẳm!
Thời-gian rất cấp-bách. Suốt mấy ngàn năm qua, chúng ta thường chỉ phải lo gìn giữ biên-thùy mặt Bắc. Nay thì ngoài mặt Bắc, cả cái sườn rộng lớn của chúng ta về phía Đông, với nhiều ngàn cây số duyên-hải đang bị đe doạ. Hai cái gọng kìm, một từ phương Bắc bóp xuống, một từ phương Đông siết vào, hẳn nhiên tàn-bạo lắm!
Ta hãy làm một cuộc so sánh để ý-thức được tầm quan-trọng về việc phòng-thủ hải-biên: Cho dù bị phong-toả hết biên-giới lục-địa phía Bắc và phía Tây, không được trao đổi hàng-hóa với Ai-lao và với cả Khmer, quốc-gia ta vẫn không thể bị bóp nghẹt về kinh-tế. Nhưng nếu bị phong-tỏa bờ biển thì chẳng những không còn ngoại-thương mà ngay cả chuyển-vận đường biển Bắc-Nam để điều-hòa nhu-yếu phẩm trong nước cũng hết... Vậy có khác chi trong "cơ-thể Việt-Nam, máu huyết lúc chảy, lúc không.
Thà rằng chúng ta sống tiết-kiệm để tăng-cường hải-quân với đầy đủ khả-năng hải-chiến và không-chiến ngoài khơi còn hơn chờ đợi đến một ngày nào đó, cả nước chịu chết ngạt hay chết đói một cách nhục nhã vì bị bao vây.
Không bao lâu nữa, Trung-Hoa sẽ đủ khả-năng thực-hiện cái gọng kìm như vậy. Ngay khi họ sở-hữu được các đội oanh-tạc-cơ chiến-lược, mua nổi hàng-không mẫu-hạm, trang-bị đầy-đủ một hạm-đội viễn-duyên; bàn tay xâm-lược của họ sẽ đủ dài và kẻ thù truyền-kiếp của chúng ta sẽ lừng lững trở lại, áp-đặt những cái ách nặng nề lên đầu lên cổ đồng-bào chúng ta.

7.5 – CÁC ĐẢO LỚN VIỆT-NAM
Vài điểm đáng nói về các đảo ven bờ của nước ta được tóm gọn như sau:
- Đảo lớn nhất là Phú-Quốc trong vịnh Thái-Lan rộng 568km2, gần tương-đương với cả quốc-gia Singapore (Land Area 622.6km2), đầy đủ điều kiện để phát-triển vượt bực, rồi ra sẽ vượt mặt một số tỉnh thị trong đất liền.
Năm nay 2006, Phú-Quốc khởi công xây dựng sân bay quốc tế tại xã Dương Tơ thuộc huyện Phú Quốc rộng 800ha, công suất 2,5 triệu lượt khách/năm, vốn đầu tư 2.500 tỷ đồng. Năm 2008 sân bay sẽ đủ sức cho loại máy bay Airbus A320, A321 và Boeing 767 cất và hạ cánh.
- Đảo lớn thứ nhì là Cát Bà trong vịnh Bắc-Việt rộng 277km2. Cát Bà nằm giữa một Quần đảo mang cùng tên. Cát Bà có rừng mưa nhiệt đới trên đảo đá vôi, rừng ngập mặn, các rặng san hô, thảm rong - cỏ biển, hệ thống hang động, tùng áng, là nơi hội tụ đầy đủ các giá trị bảo tồn đa dạng sinh học, bảo đảm các yêu cầu của khu dự trữ sinh quyển thế giới theo quy định của Unesco. Việt Nam hiện có 4 khu dự trữ sinh quyển thế giới như vậy là: Cần Giờ, Cát Tiên, Châu-thổ Sông Hồng và quần đảo Cát Bà.
So với các đảo lớn như vậy, các đảo nhỏ nhất chỉ như những hòn đá nằm giữa biển khơi. Số lượng đảo nhỏ rất nhiều, nếu kể cho đủ các đá ngầm, may hiện, mai mất: có thể nói... vô tận
- Đảo có núi cao nhất là Phú-Quốc với núi Chùa cao 603 m. Một số đảo chỉ nhô lên khi nước thủy-triều xuống và bị nước bao-phủ khi thủy-triều dâng lên cao. Có những bờ bãi nông cạn mấp mé mặt biển rất khó nhận biết và nguy-hiểm cho việc hải-hành.
- Hòn Tro bỗng nổi lên rồi chợt biến mất.
Năm 1923, tại phía nam vùng Cù-lao Thu hay đảo Phú-Quý (Phan-Rí) 22 hải-lý, đảo Hòn Tro và một hòn đảo thấp nhỏ hơn đột nhiên trồi lên khỏi mặt biển. Hòn Tro cao tới 30 thước tây, hòn kia chừng 3,4 tấc. Trong vòng vài ba tháng sau, cả hai biến mất. Sở dĩ người ta gọi tên Hòn Tro vì đảo được tạo-lập bởi tro bụi và dung-nham của một núi lửa ngầm phun lên. Sau đó đảo bị sóng gió soi mòn và dòng nước cuốn trôi không còn lại dấu tích.


Hình 78. Dấu-tích Hòn Tro trên hải-đồ quốc-tế.

Trong các hải-đồ ngày nay, những người đi biển thường đọc được các lời kêu gọi cảnh-giác tương-tự như "cần thận-trọng khi hải-hành vì nhiều xáo-trộn địa-chấn" trong vùng. Tại hai vị-trí (10o10 phút Bắc Vĩ-tuyến, 109o00’ Đông Kinh-tuyến) và (10o08’ phút Bắc Vĩ-tuyến, 109o01’ Đông Kinh-tuyến), hải-đồ số 3148 của Sở Thủy-đạo Hoa-Kỳ đã ghi chú hai câu: "núi lửa hoạt-động 97 ft- 1923" và "núi lửa hoạt-động 1 ft- 1923".
- Quần-đảo Hạ-Long có rất nhiều hòn đảo to nhỏ đủ cỡ, nổi tiếng là một kỳ-quan thế-giới vì vẻ đẹp thiên-nhiên. Diện-tích vùng biển chỉ vào khoảng 3,000km2, tức nhỏ hẹp hơn Trường-Sa và Hoàng-Sa rất nhiều, nhưng đáng kể là chi chít rất nhiều đảo. Bộ Kinh-Tế CHXHVN (đề-tài KT-03-12, Hà-Nội, 1995) đưa ra tổng số các đảo Hạ-Long là 2,321 đảo trong riêng khu-vực Quảng-Ninh/Hải-Phòng…
Trên địa-cầu ít nơi nào mà địa-hình lại hiểm-trở như vậy. Các đảo Hạ-Long vì cấu-tạo bằng đá vôi, nên dễ bị nước gió xâm-thực, tạo nên những hình-thù kỳ-dị. Vùng biển này có nhiều vịnh nhỏ, nhiều vũng. Cao-độ của đảo và thâm-độ của biển đột-biến bất-thường, có nơi sườn núi dựng đứng, có nơi bãi cát phẳng phiu, hang động thâm sâu, ghềng đá lên xuống; đất đá nhuộm đủ mầu sắc của cây cỏ núi non biển trời. Mặt nước chỗ lặng như gương, chỗ sóng bạc đầu cồn nổi lên trắng xoá...


Hình 79. Một hình vẽ cảnh vịnh Hạ-Long vào cuối thế-kỷ 19 với hạm-đội của Đô-Đốc Courbet đang bỏ neo.

- Biển Đảo Việt-Nam cung-cấp nhiều sản-phẩm quý mà ít ai ngờ tới.
* Yến, bào-ngư, vi-cá, hải-sâm là những thực-phẩm đắt giá nhất đến từ các đảo vùng Đà-Nẵng, Nha-Trang, Bạch-long-Vĩ, Phú-quốc. Ngọc trai nổi tiếng của Đảo Cô-tô. Gỗ quý mọc trên các đảo lớn khắp nơi vùng vịnh Bắc-Việt. Nước mắm, hồ tiêu, cá tôm, đồi mồi, sò huyết, ốc quý ...muôn đời vẫn là những nguồn phẩm-vật không thể thiếu được trong đời sống dân Việt-Nam ta.
* Đầu thế-kỷ này chúng ta đã phát-hiện và bắt đầu khai-thác một kho tàng quý-giá của các hải-đảo là phốt-phát. Công việc đang mang đến lợi-nhuận to lớn thì bị ngưng trệ vì nạn xâm-lăng của Trung-Cộng.
* Phần tài-nguyên quan-trọng hơn hết tuy vậy, lại nằm dưới đáy biển. Dù số lượng dầu mỏ và khí đốt chưa được đánh giá đầy đủ, nhưng một số cơ-quan quốc-tế về dầu lửa đã quả-quyết rằng một khi khai-thác đầy đủ, tiền bạc thu về được có thể tương-đương với một nửa tổng-số sản-lượng quốc-gia trong tình-trạng thu-nhập yếu kém như hiện nay.
Tài-nguyên phong-phú này gây thèm muốn cho các nước láng giềng. Kẻ đang nhòm ngó kỹ lưỡng nhất chắc chắn sẽ biến thành kể thù đáng sợ nhất: Trung-Cộng.




8 – BIỂN VÀ ĐẢO THEO LUẬT BIỂN QUỐC-TẾ
Những đoạn sau đây bàn về ranh-giới hải-phận trên Biển Đông theo với Luật Biển hiện-hành.

8.1 – QUAN-NIỆM CŨ MỚI VỀ LÃNH-HẢI
Lý-lẽ "lãnh-hải rộng 3 hải-lý vì tầm súng đại-bác" của các thế-kỷ trước đây đang đi dần vào quên lãng. Thời ấy, ngoài vùng biển chủ-quyền nhỏ hẹp đó trở ra khơi, quốc-gia duyên-hải khỏi lo lắng phần trách-nhiệm.
Vào cuối thế-kỷ XX có nhiều điều đổi thay khác lạ về việc hành-sử chủ-quyền trên biển. Vì nhu-cầu sinh-tồn đòi-hỏi nhiều quốc-gia duyên-hải đã ban-hành những luật mới về hải-phận theo ý riêng nước họ.
Nhận thấy khu-vực 3 hải-lý quả thực là vùng biển quá chật hẹp, nhiều nước đã tuyên-cáo những biên-giới lãnh-hải rộng lớn khác thường. Có 12 quốc-gia nhận chủ-quyền lãnh-hải tới 200hl. ngoài khơi, tính đến ngày 1 tháng 2 năm 1992.

8.2 – LUẬT BIỂN LHQ., MỘT Ý-THỨC MỚI VỀ TRẬT-TỰ TRÊN BIỂN
Đặc-biệt vì ý-thức được sự cần-thiết phải có một nền trật-tự chung trên đại-dương cho nhân-loại, nhiều quốc-gia đã đồng-ý cùng nhau đưa ra một dự-án quản-trị biển cả toàn-cầu. Sau 15 năm cố gắng làm việc của nhiều cơ-quan quốc-tế, gặp nhiều khó khăn về thương-thuyết, dự-thảo Luật Biển của Liên-Hiệp-Quốc sau ba lần đại-hội, được ra đời vào năm 1982.
Trong niềm hy-vọng những tốt đẹp trên biển cả sẽ đến với nhân-loại, các luật-gia John R. Stevenson và Bernard H. Oxman đã thở phào nhẹ nhõm khi viết rằng: "Tất cả những cố-gắng trước đây trong suốt cả thế-kỷ để đưa toàn-thể thế-giới ngồi lại với nhau trong một sự đồng-ý vững-chắc về biển cả đã tan vỡ. Thoả-ước Liên-Hiệp-Quốc về Luật Biển là điều cận-kề nhất mà loài người chúng ta có thể tiến đến với nhau. Mục-tiêu đó nay đang ở trong tầm tay".
Thoả-ước "United Nations Convention on the Law of Sea", viết tắt là UNCLOS hay LOS Convention, công-bố ngày 10/12/1982 tại Montego Bay, Jamaica đã được 159 quốc-gia ký-nhận (signatures) và như tiên-liệu, đã có đủ 60 quốc-gia duyệt-y (ratification). Kể từ ngày 16-11-1994, thỏa-ước UNCLOS trở thành luật và được mang ra thi-hành.
Nội-dung của thoả-ước rất lý-tưởng như cho rằng "Biển cả là tài-sản chung của Nhân-Loại". Sự thi-hành Luật Biển lại dựa hoàn-toàn trên tinh-thần thiện-chí của mọi quốc-gia trên thế-giới. Có nhiều điều-luật cần-thiết còn thiếu sót. Một số điều chưa được trình-bày rõ ràng hay không phù-hợp với thực-tế sẽ dần dần được các cơ-quan luật-pháp nghiên-cứu, đề-nghị điền-khuyết hay tu-chỉnh như đã từng được làm từ mấy chục năm qua...
Các nước Đông-Nam-Á quanh vùng Biển Đông đều là hội-viên LHQ., đã cùng ký-kết thi-hành Luật Biển. Trừ ra nước Tàu từ xưa vẫn ngoan-cố, nay vẫn chưa chấp-nhận nghiêm-chỉnh việc thi-hành. Để cho tình-trạng thêm phần căng thẳng, Trung-Cộng ban-hành Luật Lãnh-hải 1992 riêng cho họ. Luật này ngăn chặn việc thi-hành Luật Biển LHQ. về chủ-quyền hải-phận của những quốc-gia duyên-hải bằng cách tuyên-cáo một cách trâng tráo: Biển Đông là nội-hải hay lãnh-hải Trung-Hoa.
Tuy vậy, đa-số giới luật-gia tin-tưởng rằng nhờ số lượng "đa-số áp-đảo" các quốc-gia ký-nhận, rồi ra Luật Biển sẽ được toàn-thể cộng-đồng nhân-loại tôn-trọng và thi-hành hầu mang lại hòa-bình trên biển.
Sự mong ước này xem ra có vẻ là một hoài-vọng quá đáng chăng?!

8.3 – LÃNH-THỔ, LÃNH-HẢI VÀ HẢI-PHẬN VỀ KINH-TẾ

Học địa-lý, chúng ta biết rằng diện-tích lãnh-thổ nước Việt-Nam đo được 329,600km2. Ngoài lãnh-thổ đó, một khu-vực trên biển từ bờ trở ra khơi 12 hải-lý (hl) đã được nhận là lãnh-hải (territorial waters). Chủ-quyền quốc-gia trên phần nội-hải và lãnh-hải gần giống như chủ-quyền trên lãnh-thổ. Vào năm 1964, chính-quyền cộng-sản Việt-Nam tuyên-bố lãnh-hải 12hl.
Ngày nay, chúng ta cần biết thêm về một vùng hải-phận rộng lớn hơn nữa ở ngoài biển thuộc chủ-quyền khai-thác của dân Việt-Nam ta: Khu-vực Biển Kinh-tế Độc-quyền 200 hải-lý mà danh-từ Luật Biển gọi là Exclusive Economic Zone- EEZ.
Tuyên-cáo những hải-phận như sau:
- 12 hl. lãnh-hải
- 12 hl. vùng cận-hải phía ngoài lãnh-hải
- 200 hl. vùng biển kinh-tế tính từ ngoài đường cơ-sở lãnh-hải (200NM from territorial waters base line).
Theo Luật-sư Mark J. Valencia, Việt-Nam là quốc-gia có đường duyên-hải khá dài (5,237 cây số), tỷ-lệ bờ biển/diện-tích lãnh-thổ hơn 1 phần trăm. Trong khi đó, Trung-Cộng có rất ít bờ biển, tỷ-lệ chỉ đạt tới 1.5 phần ngàn mà thôi
Theo Luật-sư này ước-lượng vùng EEZ của Việt-Nam rộng 210,600 dặm vuông (square nautical-mile). Diện-tích này tính ra 722,338km2, tức rộng hơn hai lần đất liền, (225% so với lãnh-thổ).


Hình 80. Theo bảng liệt-kê này, Việt-Nam có chiều dài bờ biển 2,828 hải-lý (tức 5,237 km), hải-phận EEZ rộng 210,600hl. vuông, không thua Trung-Cộng bao nhiêu.

Qua tất cả những văn-bản chính-thức liên-hệ đến ngoại-giao, nội-vụ, giáo-dục...; chính-quyền Việt Nam công-bố nước ta có 3,260km bờ biển từ Móng Cái đến Hà Tiên, trải qua 13 vĩ độ, từ 8o23' bắc đến 21o39' bắc. Diện tích vùng nội thủy và lãnh hải của Việt Nam rộng 226,000km2 và vùng biển đặc-quyền kinh-tế trên 1 triệu km2, rộng gấp 3 lần diện tích đất liền. Tuy-nhiên văn-bản không bao giờ kèm theo bản-đồ chỉ-dẫn hay chứng-minh.
Vùng đặc-quyền kinh-tế của CHXHCN Việt Nam, theo công-bố, là vùng tiếp liền với lãnh hải và tạo với lãnh hải một vùng rộng 200 hải-lý tính từ đường cơ sở. Bản-đồ của Mark J. Valencia ước-lượng Việt-Nam trong điều-kiện này không thể chiếm hơn 210,600hl. vuông (tức 722,338km2).
Luật Biển Liên-Hiệp-Quốc (United Nations Convention on the Law of the Sea - UNCLOS) cũng quy-định rằng hải-đảo cũng có những hải-phận giống như đất liền. Tại Biển Đông, nước nào có chủ-quyền trên các đảo Hoàng-Sa và Trường-Sa sẽ được sở-hữu những tài-nguyên trong các hải-phận liên-hệ. Những vùng biển như vậy rất to lớn, đặc-biệt lại nằm trong khu-vực có nhiều tiềm-năng dầu-khí.
Đối với Việt-Nam, đặt giả-sử nếu ta kiểm-soát trọn-vẹn cả Hoàng-Sa lẫn Trường-Sa, hải-phận khai-thác kinh-tế (EEZ) của quốc-gia ta sẽ lớn gấp 3 lần lãnh-thổ hiện-thời trong lục-địa. Tài-nguyên dưới biển nếu khai-thác hết, có lẽ nhiều hơn sản-lượng thu-đạt trên đất liền.

8.4 – THỀM LỤC-ĐỊA VÀ EEZ
Trong những danh-từ thường dùng của Luật Biển ngày nay, người ta còn nói đến "Thềm lục-địa" (Continental Shelf). Trước hết, quan-niệm này phát-sinh khi khảo-sát bờ biển trên thế-giới, người ta thấy đáy biển thường thoai-thoải từ bờ ra khơi một khoảng xa, tùy nơi có thể từ vài chục hải-lý cho đến hàng trăm hải-lý; rồi đột nhiên, đáy biển dốc sâu hẳn xuống trước khi chạy tiếp ra ngoài lòng đại-dương. Hình-dạng phần đáy biển thoai thoải sát bờ đó giống như cái nền của lục-địa.
Vì chủ-quyền thềm lục-địa đối với các quốc-gia duyên-hải cũng như chủ-quyền cái nền nhà đối với người chủ của cái nhà, các quốc-gia thường không đồng-ý với nhau về ranh-giới này. Tổng-quát có hai khuynh-hướng:


Hình 81. Quan-niệm địa-lý về thềm lục-địa

1- Dùng độ sâu đáy biển.
Theo khuynh-hướng này thềm lục-địa nằm trong khu-vực có độ sâu nước biển tới 200m.
Trường-hợp dùng đường đồng-thâm (hay đẳng sâu) 200m này cho Việt-Nam, chúng ta thấy:


Hình 82. Biển Đông, thiết-đồ đáy biển và thềm lục-địa (200m). Từ bờ Việt-Nam, đáy biển chạy thoai-thoải ra khơi. (Hình của Nguyễn-Khắc-Ngữ, 1981).

* Vì đáy biển nông, thềm lục-địa ở Bắc-phần nước ta rất lớn, choán ra khắp vịnh Bắc-Việt. — đây, việc phân chia thềm lục-địa giữa Việt-Nam và Trung-Hoa đang trong vòng tranh-chấp. Việt-Nam muốn giữ đường Hồng-Tuyến (Đường Đỏ vẽ theo Kinh-tuyến 108 độ 03' Đông) là thoả-hiệp “Constans-Lý Hồng Chương” đã ký từ năm 1887 giữa Pháp, lúc đó đang bảo-hộ Việt-Nam và nhà Mãn-Thanh, lúc đó đang cai-trị toàn cõi Trung-Hoa. Còn Trung-Cộng muốn chia vịnh Bắc-Việt theo cách riêng. Nói là đường trung-tuyến giữa những bờ biển nhưng họ tính chỗ lõm của ta tại vịnh Diễn-Châu, chỗ lồi của đảo Hải-Nam. Họ không chấp-nhận hai ngàn đảo ven bờ Việt-Nam làm đường cơ-sở. Trung-Cộng cũng không chịu kể Bạch-long-Vĩ là một hòn đảo dùng để phân chia trung-tuyến.


Hình 83. Vùng tranh-chấp hải-phận trong vịnh Bắc-Việt. Việt-Nam muốn: hoặc theo đường Đỏ (KT 108o03' Đông) hoặc lấy trung-tuyến giữa hai bờ biển hay giữa 2 đảo Bạch-Long-Vĩ / Hải-Nam. Trung-Cộng không đồng-ý cả hai, nay đã lấn sâu vào sát đất Việt-Nam (đường 21 điểm).

Trong việc phân-chia vịnh Bắc-Việt giữa hai đảng Cộng-Sản Tàu/Việt, trừ vài điểm sát bờ, người ta không thấy “trung-điểm, trung-tuyến” nào như được quy-định theo Luật Biển UNCLOS.
Khi được hỏi, Bộ trưởng Ngoại-giao Nguyễn Dy Niên đã trả lời phỏng vấn TTXVN mà VietNamNet ghi lai nội dung: Đường phân định đi cách đảo Bạch Long Vĩ 15 hải-lý, tức đảo được hưởng lãnh-hải rộng 12 hải-lý, vùng đặc-quyền kinh-tế và thềm lục-địa 3 hải-lý (25% hiệu lực?).


Hình 84. Trị-số các khoảng cách cho thấy rõ sự bất công trong việc phân chia.
Ông Niên không nói đến sự kiện đảo Hải-Nam được hưởng vùng đặc-quyền kinh-tế và thềm lục-địa 43 hải-lý. Rất có thể Vị Bộ trưởng Ngoại giao nghĩ con số không nhiều, và như vậy là một sự công-bình?! "Hiệp định giữa nước CHXHCN Việt Nam và nước CHND Trung Hoa về phân định lãnh hải, vùng đặc-quyền kinh-tế và thềm lục-địa của hai nước trong Vịnh Bắc Bộ" cũng được Bắc Kinh phổ-biến trên mạng lưới Internet.
Chỉ ít ngày sau khi Cộng-Sản hai nước công-bố bản-đồ hải-phận thì tàu Trung-Cộng vào hải-phận Việt-Nam (vĩ-độ 18o16’Bắc, kinh-độ 197o06 Đông) bắn chìm thuyền cá xã Hòa-lộc Thanh-Hóa ngày 9/1/2005, giết chết 9 ngư-dân vô-tội, làm bị thương nhiều người, rồi kéo tàu bắt người về đảo Hải-Nam. Cả hai đảng Cộng-Sản Việt-Tàu coi rẻ mạng người nên bỏ qua, không một lời xin lỗi chính-thức hay bồi-thường cho gia-đình nạn-nhân bị chết thảm, bị thương-tích, tàu chìm cũng không.


Hình 85. Bản đồ khu-vực đánh cá chung, Beijing Review công-bố. (http://www.bjreview.com.cn/200432/World-200432(A).htm).

* Ở miền Trung Việt-Nam, thềm lục-địa nhỏ hẹp. Đặc-biệt tại Mũi Đại Lãnh (Varella), vì đáy biển đột-nhiên sâu hẳn xuống nên có nơi thềm lục-địa không rộng quá 40 km.
Việt-Nam vẫn muốn quản-trị hải-phận 200hl. nhưng vùng “Lưỡi Rồng 9 gạch” của Trung-Hoa sẽ là một trở-ngại lớn, khó vượt qua trong tình-thế hiện nay. Có lẽ vì sự ngần-ngại đó mà trong bản-đồ dầu khí mới đây, Việt-Nam chỉ vẽ những lô đấu thầu sát bờ mà thôi.
* Càng về Nam, biển càng trở nên nông cạn và thềm lục-địa nước ta lại rộng ra rất nhiều. Ngoài khơi Đông-Đông-Nam, cách Vũng-Tàu 200km qua khỏi bãi Đông-Sơn, gần bãi Tư-Chính chiều sâu đáy biển mới bắt đầu xuống quá 200m. Kể từ khu này vòng qua Phú-Quốc, biển rất nông và toàn thể khu-vực vịnh Thái-Lan bao quanh bởi Việt-Nam, Kampuchea, Thái-Lan, Mã-lai-Á, Nam-Dương trở thành thềm lục-địa của các quốc-gia ven biển.
Vùng này ngoài sự cản-trở của “Lưỡi Rồng” còn có cả khu-vực xuyên hông là “Bãi Vạn An”, Trung-Cộng tự-ý nhường quyền khai-thác cho hãng Crestone. Nay hãng Benton đã thanh-toán tiền và tiếp-tục thay-thế Crestone cùng đi với Trung-Cộng.

2 - Dùng khoảng cách 200hl. tính từ bờ
Có những quốc-gia duyên-hải tuyên-cáo chiều rộng thềm lục-địa riêng cho họ. Theo nhu-cầu quốc-gia, nhiều chính-quyền đã ra tuyên-cáo về chiều rộng thềm lục-địa. Ranh-giới 200 hải-lý hiện đang được nhiều quốc-gia chấp-nhận. Việt-Nam có thể được kể là một trong những quốc-gia này. Thềm lục-địa Việt-Nam thông-thường đã được chính-quyền đương-thời đồng-hóa với vùng hải-phận chủ-quyền kinh-tế EEZ 200hl. Có lý-lẽ nới rộng hải-phận ra 350hl, nhưng chưa thấy Việt-Nam đệ-trình LHQ.

8.5 – ĐƯỜNG CĂN-BẢN DUYÊN-HẢI VÀ NỘI-HẢI
Trước đây năm ba thập-niên, phần lớn các quốc-gia duyên-hải thường lấy lãnh-hải là 3hl. Có tới 45 nước nhìn nhận ranh-giới này, tính vào ngày 1-1-1958.
Ngày nay, hầu hết các nước tuyên-cáo lãnh-hải 12hl. và một vùng tiếp-cận - Continguous Waters- 12 hl. phía ngoài lãnh-hải đó. Khoảng rộng được tính từ bờ biển hay bờ đảo lúc nước ròng sát.
Bờ biển và bờ đảo thường lởm chởm, chỗ lồi chỗ lõm. Các đường ranh giới vì vậy rất ngoằn ngoèo phức-tạp. Để giải-quyết vấn-đề chung cho các quốc-gia duyên-hải hay quần-đảo, một sự đồng-ý đã được đưa vào Luật Biển LHQ. cho phép những nước đó được vẽ đường thẳng cơ-sở (Baselines) nối liền những mũi đất và mép đảo.


Hình 86. LHQ. công-bố hình vẽ này như tiêu-biểu cho cách-thức vẽ những đường cơ-sở duyên-hải. Chiều dài bờ biển có thể công-bố nhiều hay ít... Cần lưu-ý đến khoảng cách chuẩn 12 hải-lý.

Theo các chuyên-gia về Luật Biển, đường cơ-sở được dùng làm "căn-bản" cho chủ-quyền lãnh-hải nên chính-quyền các nước duyên-hải cần thảo ra cho sớm và cho chính-xác!
Vào ngày 12-11-1982, Việt-Nam công bố một số đường căn-bản (mà họ gọi là đường cơ-sở) từ Đảo Cồn Cỏ đến Poulo Wai. Các đường cơ-sở trong vịnh Bắc-Việt, vịnh Thái-Lan, cùng các quần-đảo Hoàng-Sa và Trường-Sa, vì đang trong vòng tranh-chấp nên chưa được vẽ (?!).
Vài quốc-gia láng giềng và cả những nước lớn như Hoa-Kỳ đã lên tiếng phản-đối Việt-Nam. Họ cho rằng những đường này là không hợp-lệ và rằng Việt-Nam đã tuyên-bố một vùng nội-hải lớn lao một cách quá đáng. Các luật-gia ở Viện Đông-Tây tại Hawaii nhận-xét: "Có nhiều nơi, đường này nằm quá xa bờ lục-địa hay có nơi đường cơ-sở không nhất-thiết phải đi quá xa ngoài khơi vì bờ biển phía bên trong rất phẳng-phiu".
Từ khi đường cơ-sở được ấn-định, ranh giới lãnh-hải và những hải-phận liên-hệ đến chủ-quyền quốc-gia trên biển bị thay đổi hết. Trường-hợp Việt-Nam, theo luật gia Kriangsak Kittichaisariee, nếu chỉ kể bốn đoạn (162, 161, 149 và 105hl) trong 10 đoạn thẳng cơ-sở (dài tổng-cộng 850hl), nội hải (internal waters) Việt-Nam cũng đã chiếm tới 27,000 dặm vuông. Đường cơ-sở như vậy làm gia-tăng diện-tích những khu-vực thuộc chủ-quyền quốc-gia lên rất nhiều.


Hình 87. Những đường cơ-sở (baselines) của duyên-hải Việt-Nam tuyên-bố ngày 12/11/1982. Nội-hải Việt-Nam gồm hai khu-vực ranh-giới lịch-sử trong vịnh Bắc-Việt, vịnh Thái-Lan và khu-vực biển nằm bên trong những đường cơ-sở.

Hai luật-gia Mark J. Valencia và Jon M. Van Dyke, sau khi bàn-luận đến những lợi-điểm của Việt-Nam trong việc ký-nhận thi-hành Luật Biển LHQ., cũng khuyến-cáo Việt-Nam nên tu-chỉnh lãnh-hải lịch-sử (historic waters) và thu bớt phần nội-hải bằng cách duyệt lại các đường cơ-sở baselines. (Vietnam's National Interests and the Law of the Sea, trong Ocean Development and International Law, Vol.25, Apr/Jun 1994: 217-250).
Trên quan-điểm của chính-quyền CHXHCN Việt-Nam, những đường cơ-sở đã vẽ đúng theo Luật Biển LHQ. Các lý-do được nêu ra có thể tóm tắt như sau:
- Những đoạn thẳng trong khu-vực từ vĩ-độ 11o00 N đến 14o00 N phù-hợp với điều 7(1) quy-định việc xác-định đường cơ-sở qua những hòn đảo nằm ngoài vùng bờ biển khúc-khủyu, bị ăn sâu vào đất liền Trung-Việt.
- Những đoạn còn lại phù-hợp với điều 7(5) quy-định các đường thẳng cơ-sở cho khu-vực biển có quyền-lợi kinh-tế đặc-biệt và hiển-nhiên đã được dân-cư Việt-Nam sử-dụng từ lâu đời.
Đường Cơ Sở thật là quan-trọng, dùng làm căn-bản khi phân chia hải-phận. Các đoạn từ Vịnh Phú-Quốc qua Côn-Sơn, Cù-lao Thu đã hoàn-tất nhiệm-vụ chính của nó sau khi có sự thoả-thuận Việt-Nam/Nam-Dương về khu-vực đặc-quyền kinh-tế. Những gì mất đã mất rồi. Chúng tôi thiết tưởng những vùng bịển kinh-tế mất hay còn tạo đó đã xong, nay là lúc có thể tu-chỉnh lại Đường Cơ Sở cho hợp với luật-lệ, đồng thời cũng giảm trách-nhiêm quản-trị cho quốc-gia trên một vùng nội-hải quá lớn, trong khi khả-năng hải-quan và quân-sự chúng ta còn chưa mạnh-mẽ. Vả lại quyền-lợi khai-thác Biển không vì thế mà có gì thiệt-thòi trong khi khi không bị mang tiếng sái luật.

Hình 88. Bản-đồ thu nhỏ này của HQ Hoa-Kỳ họa hình nội-hải và lãnh-hải Việt-Nam theo như công-bố của chính-quyền VN, 226,000km2.

Việt-Nam định-nghĩa “vùng nước phía trong đường cơ sở và giáp với bờ biển, hải đảo của Việt Nam là nội thủy của nước CHXHCN Việt Nam”. Tài-liệu chính thức cũng xác-định là diện tích vùng nội thủy và lãnh hải của Việt Nam rộng 226,000km2.

8.6 – THỀM LỤC-ĐỊA KÉO DÀI
Biển Việt-Nam là sự nối-tiếp địa-hình đất liền chạy dài ra biển. Việt-Nam có thể được đặc-quyền tuyên-bố chiều rộng thềm lục-địa và hải-phận kinh-tế cho tới 350 hải-lý.
Những điều luật UNCLOS quy-định thềm lục-địa tính từ đường cơ sở không được vượt quá 350 hải-lý (648.2km) hoặc cách đường đẳng sâu 2,500 mét một khoảng cách không vượt quá 100 hải-lý (185.2km). Nhờ địa-hình đáy biển phía Đông-Nam VN thoai-thoải, Việt-Nam có đầy đủ điều kiện như vậy. Việt-Nam phải tuân thủ các quy định cụ thể để vẽ xác định đường ranh giới ngoài của thềm lục-địa sao phù-hợp Luật Biển, rồi chuyển cho Ủy Ban Ranh Giới Thềm Lục-Địa duyệt, chấp-thuận đệ trình lên đại hội-đồng của Công ước UNCLOS. Hạn-kỳ này là năm 2009, nghĩa là rất gần.


Hình 89. Biểu-thị Nội-hải, Lãnh-hải, Vùng ĐQKT chuẩn, Vùng ĐQKT nối dài ra 350 hl. và Thềm lục-địa theo tài-liệu của Bách khoa toàn thư mở Wikipedia.

Chi-tiết việc mở rộng hải-phận quá 200 hải-lý này còn có thêm 2 điều kiện nữa là:
- Quốc-gia phải xác định rõ tọa độ, thông báo các thông tin tính toán cho Ủy ban ranh giới thềm lục-địa với hạn cuối cùng là năm 2009.
- Quốc-gia có nghĩa vụ đóng góp tài-chính hay hiện-vật cho việc khai thác các tài nguyên phi sinh vật của phần biển nằm ngoài phần thềm lục-địa cơ bản (200 hải-lý đầu).
Tính chung cộng lại một cách tối-thiểu, Việt-Nam rất có cơ-hội sở-hữu ít nhất một hải-phận kinh-tế ngoài biển rộng gấp ba lần lãnh-thổ trên đất liền, cho dù rằng nước ta không giữ được toàn vẹn tất cả Trường-Sa cũng như không phục-hồi lại được quần-đảo Hoàng-Sa.


Hình 90. Khu-vực tranh-chấp Việt-Nam với Nam-Dương và Mã-lai-Á. Hình nhỏ vẽ khu đáy biển sâu ở phía Bắc đảo Natuna.

Có những lý-lẽ tranh cãi khác nhau về chủ-quyền thềm lục-địa và hải-phận kinh-tế nơi những vùng biển nhiều quốc-gia giao-tiếp như vậy. Tranh-chấp lẻ tẻ có thể dẫn đến chiến-tranh. Trong nhiều trường-hợp, các nước thường bàn cãi đến ranh-giới là đường Trung-tuyến (Meridian). Đường này chạy giữa hai đường cơ-sở của bờ biển, giữa hai hòn đảo hay giữa bờ biển nước này và hòn đảo nước kia, giữa các đường cơ-sở, đảo, bờ... tùy trường-hợp lý-luận trong thương-thảo.
Vì Việt-Nam ở trong trường-hợp có ưu-thế vì thềm lục-địa kéo dài, Việt-Nam đòi hỏi các nước láng giềng phân-chia sao cho hợp-lý như ở Vịnh Bắc-Việt, Vịnh Phú-Quốc và vùng thềm lục-địa Sunda, phía Bắc đảo Natuna.
Việt-Nam và Nam-Dương không thoả-thuận được với nhau về đường ranh-giới này. Nam-Dương muốn chia hải-phận theo đường trung-tuyến giữa đảo Natuna và bờ biển Việt-Nam, còn Việt-Nam lấy lý-lẽ đáy biển sâu về phía Nam-Dương nên phải lấy trung-tuyến của bờ biển Nam-Dương và đường cơ-sở baseline Việt-Nam. Vụ việc này đã giải-quyết xong và Nam-Dương đã họa hình hải-phận của họ chiếm cả vùng tranh-chấp, đồng thời khởi-sự khai-thác.

8.7 - DIỆN-TÍCH THỀM LỤC-ĐỊA VIỆT-NAM
Có nhiều quốc-gia tuyên-cáo thềm lục-địa 200 hl, họ đồng-hoá giữa hai vùng Biển ĐQKT và thềm Lục-Địa làm một, với cùng một trị-số về diện-tích. Trường-hợp Việt-Nam diện-tích Vùng Biển Đặc-quyền Kinh-tế là 1 triệu km2, còn thềm Lục-Địa lại chừng 700,000 km2. Con số này do tham-dự-viên Việt-Nam đưa ra trong buổi hội-thảo biển tại Trường Đại-Học Tufts, xin trích: “The EEZ in the country of Vietnam is larger than its continental shelf. Vietnam’s continental shelf is about 700,000km, but their EEZ is 1 million km2).
Vùng Biển Đặc-quyền Kinh-tế VN lớn là vì Việt-Nam sở-hữu hai quần-đảo Hoàng-Sa và Trường-Sa. Các quần-đảo này một phần nhỏ cách bờ 200 hl. nhưng hầu hết các đảo nằm rất xa ngoài khơi, có nơi cách bờ tới 400 hải-lý.

8.8 - CÁC NƯỚC LỚN VÀ LUẬT BIỂN
Nhiều cường-quốc không vừa lòng với Luật Biển LHQ., hải-quân của họ muốn được tự-do hải-hành khắp nơi theo ý họ muốn. Tuy vậy, chưa có sự chống-đối, cản-trở nào đáng gọi là quyết-liệt.

8.8.1 – HOA-KỲ
Nếu nói đến cường-quốc mạnh nhất về hải-lực hiện nay, người ta phải nói đến Hoa-Kỳ. Kể từ khi đối-thủ đáng nể của họ là Liên-bang Sô-Viết tan rã, lực-lượng Hoa-Kỳ trên biển giữ vai trò độc-bá, đang tung-hoành khắp mặt đại-dương. Vì Hoa-Kỳ luôn luôn cổ-võ cho sự tự-do hải-hành nên họ vẫn đứng ra ngoài những nỗ-lực của các quốc-gia khác muốn tiến tới một bộ Luật Biển toàn-cầu. Hầu hết những tuyên-cáo nới rộng hải-phận của các quốc-gia khác trên thế-giới đều bị Hoa-Kỳ phản-đối. CHXHCN Việt-Nam cũng đã mấy lần nhận giấy tờ ngoại-giao của Hoa-Kỳ gởi đến tỏ ý chống-báng như vậy.
Trong một kế-hoạch toàn-cầu mới nhất về hợp-tác quốc-tế cùng nhau khai-thác các vùng biển sâu, LHQ. đã phải đối đầu với sự bất-hợp-tác của Hoa-Kỳ. Vì Mỹ là nước có khả-năng lớn nhất về lãnh-vực khai-thác biển sâu nên LHQ. phải cố-gắng rất nhiều trong việc thuyết-phục HoaKỳ trợ giúp. Tin-tức mới nhất cho hay Hoa-Kỳ đã bớt lạnh nhạt và ngỏ ý sẽ tham-gia.
Đã qua nhiều đời, Tổng-Thống Mỹ nào cũng tuyên-bố hết sức hậu-thuẫn UNCLOS, nhưng dù nếu ngành Hành-pháp có thuận thì cũng phải chờ Lưỡng-Viện Quốc-Hội chuẩn-y. Như vậy phải cần một thời-gian nữa, thế-giới mới có thể biết được sự đóng góp thực-sự của Hoa-Kỳ ra sao trong việc thi-hành Luật Biển.

8.8.2 – TRUNG-CỘNG
Trung-Cộng là một trường-hợp ngoại-lệ thật kỳ-dị. Mặc dù là hội-viên Liên-Hiệp-Quốc nhưng họ lại bất-chấp công-pháp quốc-tế. Trung-Cộng cũng đã ký-kết Luật Biển Liên-Hiệp-Quốc, nhưng luôn luôn cố ý diễn-tả Luật Biển sai-lệch làm sao cho có lợi riêng.
Không cần căn-cứ pháp-lý, Trung-Cộng nhận chủ-quyền toàn-thể Biển Đông. Ranh giới vùng "Lưỡi Rồng" của họ sát bờ biển Trung-Việt (cách Cù-lao Ré 40 hl) xuống Indonesia qua sát Mã-Lai-Á (cách Borneo 25 hl) vòng lên sát Phi-luật-Tân (cách Palawan 25 hl.) Trung-Cộng và Đài-Loan, tuy không phải là các quốc-gia Đông-Nam-Á, đã cùng đứng trên một lý-lẽ, cùng sử-dụng một tấm bản-đồ với đường "ranh giới lịch-sử nước Tàu " lấn sâu xuống gần hết biển Đông-Nam-Á. Trung-Hoa Dân-Quốc đã tự-ý vẽ ra những đường ranh-giới này từ năm 1947.
Chính-sử Trung-Hoa chưa bao giờ ghi-chép việc quân-đội của họ chiếm-đóng Hoàng-Sa/Trường-Sa. Địa-dư chí nước Tàu cũng chẳng bao giờ viết rằng nước Trung-Hoa phía Nam giáp Nam-Dương, Mã-Lai-Á... Vậy mà người Trung-Hoa thời nay giám cho rằng lịch-sử là một yếu-tố chính làm căn-bản cho chủ-quyền nước Tàu trên toàn-thể Biển Đông.
Khi đề-cập đến sự tham-lam và ngoan-cố nhận liều hải-phận một cách vô-lối của hai nước Trung-Hoa Lục-địa và Đài-loan như vậy, Luật-gia chuyên về hải-dương Mark J. Valencia đã nhận-định: "Không có một nguyên-lý nào trong luật-pháp quốc-tế thời hiện-đại cho phép một kiểu lý-luận như thế!".
Trung-Cộng coi "Nam-Hải" không những là vùng biển đánh cá (Exclusive Fishery Zone), vùng biển kinh-tế (Exclusive Economic Zone) của Trung-Cộng mà còn mặc-nhiên nhận như nội-hải (Inner Sea), lãnh-hải riêng (Territorial Sea) hay cái vườn sau (Back Yard) của họ vậy.


Hình 91.- Khu-vực ranh-giới lịch-sử "Lưỡi Rồng" của Trung-Cộng chiếm gần trọn Biển Đông.

Một khi hải-quân của Trung-Cộng đủ mạnh để kiểm-soát mặt biển và hành-sử chủ-quyền theo tham-vọng của họ thì mọi hoạt-động thương-mai, kinh-tế của các nước Đông-Nam-Á trên Biển Đông bị bóp nghẹt. Các nước khác trên thế-giới rồi đây cũng sẽ bị ngăn cản về cả hai đường hàng-hải lẫn hàng-không.

9 – LUẬT BIỂN LHQ. VÀ BIỂN ĐÔNG
Trong khi áp-dụng Luật Biển Quốc-tế cho Biển Đông, mỗi nước duyên-hải trong vùng đã suy-luận theo cách-thức riêng-biệt có lợi cho họ. Sự tranh-chấp của nhiều nước về chủ-quyền trên các đảo Hoàng-Sa Trường-Sa, ngoài cơ-nguy đụng-độ quân-sự trên biển, còn lôi kéo theo nhiều tranh-luận rắc rối về luật-lệ.

9.1 – VIỆT-NAM VÀ LUẬT BIỂN
Việt-Nam cùng với 159 nước trên thế-giới (tính đến đầu năm 1993) đã ký-duyệt bản dự-thảo Luật Biển 1982 của Liên-Hiệp-Quốc. Tháng 7/1994, Việt-Nam lại ký tên vào danh-sách các quốc-gia tự-nguyện chấp-hành luật quốc-tế này. Dự-luật này chỉ đòi hỏi 60 quốc-gia ký-nhận để mang ra thi-hành. Trong số 60 quốc-gia đầu tiên ký-kết đã có nhiều nước lớn như Brazil, Ai-Cập, Nam-Dương, Mễ-tây-cơ... Vào ngày 16/11/1994, thoả-ước có hiệu-lực thi-hành (enter into force). Cho tới 16/1/2004, một số “áp-đảo” là 145 quốc-gia đã làm xong thủ-tục chuẩn-y, chỉ trừ một nước lớn là Hoa-Kỳ thì chưa (the only major nation remaining to ratify UNCLOS).
Việt Nam cũng phê chuẩn một số Công ước biển chuyên ngành về Hàng hải quốc tế IMO, Công ước SOLAS về cứu hộ trên biển, London 1/11/1974, Công ước về mớn nước, Công ước MARPOL chống ô-nhiễm tàu thuyền (Prevention of Pollution from Ships) ngày 2/11/1973 và phần bổ sung năm 1978 về phòng chống ô nhiễm biển.


Hình 92. Tiền phạt khi vi-phạm luật của MARPOL rất cao, từ ¼ tới ½ triệu dollars.
Hai Luật-gia Mark J. Valencia & Jon M. Van Dyke nhận xét rằng việc CHXHCN Việt-Nam chấp-nhận Thỏa-ước về Biển-Cả Quốc-tế đã tạo được tối-thiểu một sự an-tâm về lý-thuyết. Đặc-biệt Việt-Nam cũng tìm ra một vị-thế thuận-lợi trên trường ngoại-giao khi tranh-chấp với Trung-Cộng. Hai Ông này cũng đề-nghị:
- Việt-Nam nên thu nhỏ những vùng nội-hải, sửa lại đường cơ-sở duyên-hải, vẽ những vùng lãnh-hải, cận-hải, chủ-quyền kinh-tế mới sao cho phù-hợp với Luật Biển.
- Sửa lại luật-lệ về giao-thông trên biển, cho phép “quyền đi qua không gây hại” (thông-quá vô-tư - innocent passage) các loại thương-thuyền và chiến-hạm v.v... đúng với sự quy-định quốc-tế.
- Tham-dự vào các chương-trình liên-hệ của Luật Biển như ngư-nghiệp, bảo-vệ môi-sinh, chống ô-nhiễm, cứu người trên biển, truy-diệt ma-túy buôn lậu, nghiên-cứu khoa-học...

9.2 – TRƯỜNG-HỢP CÁC ĐẢO HOÀNG-SA TRƯỜNG-SA
Trong tiến-trình đi tới một Luật Biển hoàn-bị cho toàn-cầu, các cơ-cấu luật-pháp quốc-tế lần đầu tiên sẽ phải đối đầu với một vấn-đề mới khó khăn và tế-nhị về chủ-quyền trên các hòn đá san-hô tí-hon của Biển Đông. Xin nêu một vài thí-dụ:
- Đảo theo nguyên-nghĩa phải là do thiên-nhiên tạo ra. Đến nay, vẫn chưa ai hiểu được luật quốc-tế phải làm sao để truy-tầm và giải-quyết trường-hợp đảo xây lên bằng cách "nhân-tạo".
- Luật Biển vẫn chưa xác-định được rõ-rệt sự khác nhau giữa Đảo và Cồn, Đụn. Những "đảo" san-hô thường chỉ như những cồn, đụn; hôm nay nổi mai chìm. Trường-hợp như Đảo Tro (vùng hòn Hai, Cù-lao Thu) đùn cao lên tới 30m một thời-gian (các đảo Trường-Sa chỉ cao chừng 2m) rồi tan theo tro bụi cũng khó giải-quyết.
- Sự kiện càng thêm rắc rối vì vấn-đề hợp-pháp của hải-đăng trên các bãi ngầm cũng đã được Luật Biển đề-cập tới. Nhiều quốc-gia, kể cả CHXHCN Việt-Nam đang thiết-lập một số hải-đăng tại quần-đảo Trường-Sa mà một vài chiếc đặt trên các hòn đá ngầm (reef).
Giả-sử nếu có nước mua một tàu hải-đăng cũ đem đến một bờ bãi ngầm hay cạn nào đó rồi cho chìm xuống, nước đó có thể chứng-minh hợp-pháp cho lãnh-hải quốc-gia 12hl. và cho vùng kinh-tế 200hl. của họ được không? Có lẽ là không.

Hình 93. Một tàu hải-đăng như bên, nếu cho đánh chìm xuống biển, có lẽ không đủ điều-kiện để hưởng quy-chế của một hòn đảo theo Luật Biển LHQ.

- Qua những bức hình cho công-bố nhiều năm gần đây, rõ ràng là Trung-Cộng muốn xác-nhận chủ quyền lãnh-thổ, lãnh-hải ngay nơi đứng của người lính Tàu mà nước ngập ở dưới chân.


Hình 94. Bia chủ-quyền Trung-Cộng tại một hòn đá ngầm Trường-Sa.
Luật-gia quốc-tế chỉ đành lắc đầu không nói gì được về sự ngoan cố "kiểu Tàu" như vậy!
Có những luật-gia như Jon M. Van Dyke và Dale L. Bennett cho rằng tất cả các đảo Hoàng-Sa Trường-Sa chưa bao giờ có dân-cư sinh-sống thường-trực và cũng chưa bao giờ có một đời sống kinh-tế riêng của nó (no economic life of their own) nên cùng lắm, các đảo chỉ dùng để tính lãnh-hải 12hl. mà thôi. Hai ông này đề-nghị: Trong Biển Đông các yếu-tố như chiều dài bờ biển tiếp-cận, số lượng cư-dân vùng duyên-hải, lịch-trình sử-dụng hải-sản nên được dùng làm các mấu chốt chính-yếu để xác-định quyền sở-hữu hải-phận hơn là sự chiếm-cứ (bằng quân-sự) những đảo, đá tí-hon.
Lý-lẽ Dyke và Bennett tuy vậy lại ngập ngừng, không vững vì hai ông phát-biểu rằng có lẽ nên để cho (một mình) đảo Phú-Lâm được hưởng phần nào quyền sở-hữu hải-phận (EEZ) trong vùng.
Giống hệt như Phú-Lâm, nhiều đảo khác trên Biển Đông cũng có hàng trăm quân trú-phòng sinh sống, với cơ-sở phi-quân-sự như đài khí-tượng, trạm hải-đăng. Đảo được khai-thác phốt-phát bởi công-ty tư-nhân. Đảo là nơi nghỉ chân khi hải-hành. Đảo cung- cấp nguồn tiếp-liệu, nhà kho, sửa chữa, bảo-trì ngư-thuyền, ngư-cụ của thường-dân. Các đảo như Hoàng-Sa (Pattle) của Việt-Nam Cộng-Hoà (VNCH) trước 1974, và các đảo Trường-Sa, Nam-Yết, Song-tử Tây, An-Bang... ngày nay đáng được kể là "Đảo" khi dựa vào các điều-lệ của Luật Biển như vậy. Đã có 5 ngọn hải-đăng, nhiều cảng cá, nhà cư-trú dân-sự, cơ-sở khí-tượng, kỹ-thuật... và sắp có cả phi-trường tốt cho du-lịch nữa.
Trên bàn thương-thảo quốc-tế, khi đi tìm một chiến-thuật tranh-cãi cho việc thụ-hưởng một vùng biển kinh-tế rộng lớn nào đó, người ta cần nghiên-cứu rõ từng trường-hợp. Căn-cứ vào những hoạ-đồ, sự hơn thiệt về hải-phận có thể thấy rõ. Cứ như trường-hợp Việt-Nam trong hiện-tình quân-sự, ngoại-giao hiện-tại, việc chia cắt lãnh-hải theo quan niệm "Biển Đông không có đảo" có lẽ đem lại một vùng đặc-quyền kinh-tế EEZ lớn nhất mà nước ta có thể được hưởng.
Về phương-diện Luật Biển LHQ., nếu đứng riêng rẽ, các đảo ngoài khơi Biển Đông diện-tích quá nhỏ bé và nằm rải rác trên một vùng biển quá rộng; không đủ điều-kiện để hưởng quy-chế quốc-gia quần-đảo (Archipelago State). Điều số 47 của UNCLOS - Archipelagic Baselines quy-định tổng-số diện-tích đất/biển phải chiếm trong khoảng tỷ-lệ từ 1/1 tới 1/9.

9.3 – NHỮNG ĐƯỜNG RANH BIỂN ĐÔNG

Hình 95. Bản-đồ ghi các vị-trí chiếm-đóng quân-sự ở Trường-Sa.
Việt-Nam chiếm 21 vị-trí, Phi-luật-Tân chiếm 8 vị-trí, Trung-Cộng chiếm 9 vị-trí, Mã-lai-Á chiếm 3 vị-trí, Đài-Loan chiếm 1 vị-trí.
Tình-trạng chủ-quyền của các quốc-gia trên Biển Đông không rõ rệt lúc này. Việt-Nam, Trung-Cộng và Trung-Hoa Đài-Loan cùng nhận làm chủ toàn-thể Hoàng-Sa và Trường-Sa.
Ở Trường-Sa, ngoài quân-đội của Việt-Nam và hai nước Trung-Hoa, còn có lính phòng-thủ của Phi-luật-Tân, Mã-lai-Á trên các hải-đảo chen kẽ nhau. Quần-đảo ví như mối bòng bong không cách gỡ.
Trường-Sa có tới nhiều trăm "đơn-vị đất đá" nhưng chỉ có 26 đảo, cồn, đụn và 7 hòn đá nổi thường-trực trên mặt biển. Theo như các tin-tức thâu-thập được qua báo-chí tại Hoa-Kỳ, tình-trạng hiện nay như sau:
- Việt-Nam chiếm đóng nhiều nơi nhất, ít ra là 21 vị-trí mà 14 có cao-độ được kể về mặt pháp-lý (3 đảo, 7 cồn, 1 đụn, 3 đá).
- Phi-luật-Tân chiếm 8 vị-trí đều là "cao-địa (5 đảo, 3 cồn).
- Trung-Cộng chiếm 9 vị-trí, nhưng chỉ có 2 "cao-địa" (1đảo, 1 đá).
- Mã-lai-Á chiếm 3 vị-trí với 2 "cao-địa" (1 đảo, 1 đá).
- Đài-Loan chiếm 1 vị-trí (1 đảo).
- Còn lại chừng 6 "cao-địa" (?) (4 đảo, 2 đá) chưa ai chiếm-đóng.
Các đảo sau đây do Việt-Nam kiểm-soát:
Tên Việt-Nam Tên quốc-tế (Anh) Tên Trung-Hoa
Ðá Lát Ladd Reef Riji Jiao
Ðảo Trường-Sa Spratly Island Nanwei dao
Ðá Tây West London Reef Xi jiao
Ðá Giữa Central London Reef Zhong jiao
Ðá Ðông East London Reef Dong jiao
Ðảo An-Bang Amboyna Cay Anbo Shazhou
Thuyền Chài Barque Canada Reef Bai jiao
Ðá Phan Vinh Pearson Reef Bisheng jiao
Bãi Tốc Gan Alison Reef Liumen jiao
Ðá Núi Le CornwallisSouthReef Hanhua jiao
Ðá Tiên-Nữ Tennent Reef Wumei jiao
Ðá Lớn Great Discovery Reef Daxian jiao
Ðá Len Dao Landsdowne Reef Qiong jiao
Ðá Hi Gen Higgens Reef Quyuen jiao
Ðảo Sinh-Tồn Sin cowe island Jinhong jiao
Ðá GriSan-ST Đông Grierson Reef ?
Ðảo Nam-Yết Nam yit island Hongxiu dao
Ðảo Sơn-Ca Sand cay Guoqian Shazhou
Ðá Núi Thị Petley Reef Bolanjiao
Ðảo Song Tử Tây South west cay Nanzi dao
Ðá Nam South Reef Nalluo Jiao
Theo tinh-thần Điều 121 của UNCLOS nói về Quy-chế Hải-đảo (Article121- Regime of islands) thì chỉ những đảo nào có công-đồng dân-cư sinh-hoạt tự-túc được mới được quyền lợi 200hl. hải-phận EEZ. Tuy vậy theo một số luật-gia, đảo nhỏ như cồn (cay), đụn (dune) cũng có thể được hưởng quy-chế 200hl. hải-phận EEZ; còn đá thì nhất-định chỉ được tính 12hl. của lãnh-hải mà thôi.
Như đã nói ở trên, theo một vài luật-gia về biển cả; Việt-Nam là một trong số các quốc-gia có thể viện-dẫn những lý-lẽ hợp-pháp để kéo dài thềm lục-điạ và hải-phận kinh-tế ra tới 350 hải-lý.
Không giống như trường-hợp bờ biển bao quanh Phi-luật-Tân và bờ biển bao quanh phía Nam của Nam-Dương, bờ biển Việt-Nam thoai-thoải trải dài ra biển không có sự ngăn cách của các rãnh biển sâu (trench, trough) gần bờ nên sự nới rộng hải-phận hợp-lý hơn các nước kia.
Đường rãnh “thâm-thủy” chỗ sâu nhất của đáy Biển Đông trong khi nằm rất xa bờ biển Việt-Nam, lại nằm thật gần với các nước Trung-Hoa, Phi-luật-Tân, Mã-lai-Á, Nam-Dương.
Tình-trạng đáy biển càng rõ rệt trong cả hai vịnh Bắc-Việt và vịnh Thái-Lan. Tuy vậy lý-lẽ của Việt-Nam chưa bao giờ được các nước tranh-chấp liên-hệ chấp-nhận.

9.3.1 – ĐƯỜNG RANH BIỂN VỚI KAMPUCHEA

Hình 96. Đường Brévié có 4 cách thể-hiện. Đây là một cách thể-hiện theo chính-phủ Kampuchea.
Bản-đồ ranh-giới tại vịnh Bắc-Việt đã được trình-bày ở một đoạn trên. Dưới đây là các hình vẽ mô-tả những vùng tranh-chấp tại vịnh Phú-Quốc với Kampuchea (hay Cambodge) và Thái-Lan.
Theo bài viết của Ông Lê Minh Nghĩa đề ngày 15 và 16 tháng 8 năm 1998, phía Campuchia (CPC) giữ quan điểm muốn lấy đường do Toàn quyền Brévié vạch ra tháng 1/1939 làm đường biên giới biển của hai nước. Việt-Nam không chấp nhận đường này làm đường biên giới biển giữa hai nước và đề nghị hai bên thoả thuận: áp dụng luật biển quốc tế, tham khảo thực tiễn quốc tế, tính đến mọi hoàn cảnh hữu quan trên vùng biển hai nước để đi đến một giải pháp công bằng trong việc phân định vùng nước lịch sử, lãnh hải, vùng đặc-quyền kinh-tế, thềm lục-địa của hai nước.
Cuộc thương-thuyết kết-thúc tốt đẹp. Tin-tức ngày 12/11/2005 cho hay, Quốc hội Kampuchea đã phê chuẩn một hiệp định về biên giới với Việt Nam trong đó có cả việc phân chia hải-phận giữ hai quốc-gia.

9.3.2 – ĐƯỜNG RANH BIỂN VỚI THÁI-LAN

Hình 97. Khu-vực tranh-chấp hải-phận trong vịnh Phú-Quốc: Việt-Khmer phía tây-bắc, Việt-Thái phía Tây-Nam.
Ông Lê Minh Nghĩa cũng cho biết giữa Việt Nam và Thái Lan, vấn đề phân định vùng đặc-quyền kinh-tế và thềm lục-địa cũng đã giải-quyết.
Giữa hai nước có một vùng chồng lấn rộng khoảng 6000km2 do Việt Nam có tính đến hiệu lực của đảo Thổ Chu còn Thái Lan thì phủ nhận hiệu lực của đảo Thổ Chu.
Từ năm 1992 hai bên đàm phán qua 9 vòng cấp chuyên viên. Ngày 9/8/1997 hai nước ký Hiệp định về phân định ranh giới trên biển giữa hai nước. Theo hiêp định, Việt Nam được 32.5% diện tích vùng chồng lấn.

9.3.3 – ĐƯỜNG RANH BIỂN VỚI INDONESIA
Năm 1972, Indonesia và chính quyền Sài Gòn đàm phán 1 vòng, quan điểm của Indonesia là phân định theo trung tuyến giữa các đảo xa nhất của hai bên, quan điểm của Sài gòn là trung tuyến Giữa bờ biển Việt Nam và Bornéo, hai quan điểm tạo nên vùng chồng lấn rộng khoảng 37,000km2. (Đảo Natuna Bắc là đảo xa nhất của Indonesia đối diện với miền Nam Việt Nam cách Boméo 320km; Côn đảo, đảo đối diện với Natuna bắc chỉ cách đất liền 9km).

Hình 98. Một Bản-đồ dầu khí Indonesia xác-định hải-phận kinh-tế nước họ ráp ranh với Lô dầu khí số 7 & 8/97 của VN.

Từ năm 1978 CHXHCN Việt Nam và Indonesia bắt đầu đàm phán. Indonesia giữ quan điểm cũ, quan điểm của ta dựa vào định nghĩa thềm lục-địa là sự kéo dài tự nhiên của lục địa, do đó ranh giới nên theo đường rãnh ngầm ngăn cách sự kéo dài tự nhiên của hai thềm lục-địa, hai quan điểm tạo ra vùng tranh chấp lúc đầu rộng khoảng 92,000km2.
Cho đến ngày 16 tháng 8 năm 1998, khi bài viết của Ông Lê Minh Nghĩa được công-bố thì hai bên chưa đi đến thoả thuận trong đàm phán. Người ta biết trong dịp bà Megawati Sukarno sang thăm Việt-Nam năm 2003, hai chính-phủ Việt-Nam và Indonesia cùng cho biết họ đã thoả-thuận xong việc phân chia hải-phận. Tuy vậy, Việt-Nam chưa bao giờ công-bố tọa-độ hay bản-đồ vùng biển phía Nam, còn bản-đồ của Indonesia vẫn vẽ hải-phận như cũ.

9.3.5 – ĐƯỜNG RANH BIỂN NÀO Ở TRƯỜNG-SA?

Hình 99. Bảng ghi-nhận chiều rộng các loại hải-phận của những nước Đông-Nam-Á.
Tại Biển Đông, trở ngại lớn lao nhất trong việc xác-định ranh-giới là sự độc-đoán, ương-ngạnh của Trung-Cộng và sau đó là Đài-Loan. Hai nước này nhận chủ-quyền toàn-thể hai quần-đảo Hoàng-Sa và Trường-Sa cùng với "nội-hải" chiếm 80% Biển Đông. Việc thương-thảo với các nước láng giềng Đông-Nam-Á phần nào có vẻ dễ dàng hơn.
Cho dù không thể đi đến sự xác-định đường chia cắt, các dân-tộc Đông-Nam-Á cũng có thể sống hoà-hoãn với nhau không sắt máu. Thoả-ước cùng chung nhau khai-thác tài-nguyên một vài vùng biển đã được các nước Nam-Dương, Mã-lai-Á thi-hành. Việt-Nam và Mã-lai-Á lại tiến được một bước lớn về hợp-tác tương-tự như vậy. Việt-Nam cũng ngỏ-ý dễ dãi đôi-phần về việc thuyền Thái-Lan được phép đánh cá trong vài vùng Việt-Nam vẫn kiểm-soát chặt chẽ xưa nay.
Trung-Cộng là một quốc-gia đông dân tới hàng tỷ người, đường bờ biển khá dài (8890hl) nhưng diện-tích hải-phận kinh-tế EEZ lại không có bao nhiêu (281,000hl. vuông).


Hình 100. Luật Biển LHQ. quy-đinh những nguyên-tắc phân-chia hải-phận cho các quốc-gia nằm cạnh nhau. Theo Brice M. Clagett, Việt-Nam phải được hưởng tới 27% vùng biển Trường-Sa , trong khi hai nước Trung-Hoa & Đài-Loan cộng chung lại chỉ được 26%.

Trung-Cộng đã thăm dò và khai-thác các giếng dầu trên đất, ngoài biển từ nhiều hai thập niên qua nên nắm vững được số trữ-lượng dầu khí. Theo các nhà nghiên-cứu quốc-tế thì Trung-Cộng biết rõ đất nước của họ không chứa nhiều dầu. Tình-trạng sản-xuất dầu khí của Trung-Hoa không khả-quan như trước đây họ từng tiên-đoán. Biển Đông chính là nơi họ thèm muốn về cả hai phương-diện kinh-tế và quân-sự.
Với tham-vọng quá lớn của Trung-Cộng, Biển Đông sẽ càng trở nên sóng gió. Không ai có thể vẽ ra được bản-đồ ranh-giới hải-phận thực-sự thuộc ai trong tình-hình quá rắc rối như lúc này.

9.4 – NHỮNG HÌNH VẼ HẢI-PHẬN THEO GIẢ-THUYẾT
Để giản-dị-hóa vấn-đề, chúng tôi xin trình-bày một số bản-đồ với các đường ranh giới hải-phận kinh-tế theo những giả-thuyết trong những trang dưới đây:

9.4.1 – BẢN-ĐỒ TỔNG-QUÁT BIỂN-ĐÔNG

Hình 101. Tổng-quát Biển Đông.

Với những vùng hải-phận tranh-chấp. Các ranh-giới bao quanh Đài-Loan, Pratas, Hoàng-Sa, Trường-Sa trong giả-thuyết các quần-đảo này đứng riêng rẽ độc-lập.

9.4.2 – HẢI-PHẬN KINH-TẾ EEZ CỦA VIỆT-NAM
Trong hai giả-thuyết:
- tối thiểu khi mất hết biển cho Trung-Hoa và các nước láng giềng
- tối-đa trong giả-thuyết Việt-Nam sở-hữu cả hai quần-đảo Hoàng-Sa Trường-Sa, và không có sự tranh chấp hải-phận với các quốc-gia lân-bang. Trường-hợp này VN sẽ sở-hữu một hải-phận gấp 3, 4 lần lãnh-thổ.

Hình 102. Hải-phận Việt-Nam. Dựa trên một số luận án về hải-phận và sơ-đồ khai-thác dầu khí, chúng ta có thể ước-đoán một diện-tích triệu km2 như vậy chăng?

9.4.3- HẢI-PHẬN KINH-TẾ EEZ CỦA TRUNG-CỘNG
Trong hai giả-thuyết:
- tối-thiểu khi Đài-Loan đứng độc-lập và Việt-Nam kiểm-soát cả Hoàng-Sa lẫn Trường-Sa. Nước Tàu với dân-số gần 1/4 nhân-loại nhưng hải-phận kinh-tế EEZ không hơn Việt-Nam bao nhiêu.
- tối-đa nếu hoàn-thành được mộng xâm-lược, hải-phận vùng Nam-Hải của họ tăng lên 5, 6 lần.


Hình 103. Hải-phận Trung-Cộng đòi hỏi quá đáng


9.4.4 – HẢI-PHẬN EEZ CỦA CÁC NƯỚC VIỆT-NAM, TRUNG-CỘNG, ĐÀI-LOAN, PHI-LUẬT-TÂN, MÃ-LAI-Á & BRUNEI

Trên Biển Đông trong gỉả-thuyết không có các quần-đảo Hoàng-Sa/Trường-Sa.
Trung-Cộng quyết-liệt ngăn-chặn đề-nghị này, cho dù bằng cả biện-pháp bạo-lực quân-sự.


Hình 104. Hải-phận Biển Đông nếu không có Hoàng-Sa Trường-Sa.


9.4.5 – HẢI-PHẬN EEZ CỦA VIỆT-NAM NẾU CÓ ĐẢO TRI-TÔN.
Tuy Tri-Tôn chỉ cách bờ Cù-lao Ré có 121 hl. nhưng về ranh-giới EEZ, đảo này chiếm vị-trí quan-trọng. Đảo Tri-Tôn kết-hợp với đảo Song-Tử Tây (CHXHCN Việt-Nam đang chiếm-đóng) cho Việt-Nam lý-lẽ để sở-hữu thêm một vùng hải-phận rộng lớn, diện-tích suýt soát lãnh-thổ trên lục-địa.

Hình 105. Vị-trí đảo Tri-Tôn trong Biển Đông tương-ứng với Song-Tử Tây trong việc phân-chia hải-phận.



Hình 106. Một đề-nghị phân-chia Hải-phận (200hl) Biển Đông theo Tiến-sĩ Mark J. Valencia của East-West Center, Hawaii. Việt-Nam chiếm 722,338km2.

Frédéric Lasserre sưu-tầm được một số họa-đồ hải-phận của Việt-Nam trong sách “Le Dragon et la Mer. Stratégies géopolitiques chinoises en mer de Chine du Sud”, L'Harmattan xuất-bản, Montréal /Paris, 1996. Kèm đây là 2 tấm trong tập bản-đồ đó, trình-bày nơi trang 190 của cuốn sách trên.



Hình 107. Vị-trí tổng-quát các lô dầu khí Việt-Nam theo hãng dầu BHP Petroleum.

Hình 108. Có lẽ đường vẽ đậm nét nằm phía ngoài cho Việt-Nam một vùng hải-phận ĐQKT lớn nhất, tới 1 triệu km2(?)

10 – ĐẶC-TÍNH TỔNG-QUÁT CỦA CÁC ĐẢO HOÀNG-SA VÀ TRƯỜNG-SA

Khí hậu trên cả hai quần đảo đều thuộc nhiệt đới hải dương, không có mùa lạnh. Thực vật ở Hoàng-Sa phong phú hơn ở Trường-Sa nhiều, phần lớn có nguồn gốc lục địa như dưa, bàng bể (Terminalia Catappa), mù u (Calophyllum Inophyllum), bìm bìm (Convolulaceae), cỏ còng còng (Zoysia Matrelle), cỏ xạ tử (Sporolobus Virginicus) v.v... Chim, chủ yếu là hải âu, sống thành đàn cùng với ba họ chim chính là Laridés, Stéganopodés và Zosterops (chim sâu nghệ). Chính các loài chim này đã thải ra một lượng phân chim dày phủ kín nhiều khu vực trên các đảo, đã được dùng làm phân bón.

10.1 – CẤU-TẠO ĐỊA-CHẤT
Có nhiều điểm đáng nói về cách cấu-tạo địa-chất của các đảo Hoàng-Sa và Trường-Sa. Trước hết, chúng ta duyệt xét các giả-thuyết cấu-tạo và sau đó tìm hiểu tuổi-tác các đảo.
Không giống như các đảo khác nằm gần bờ biển Việt-Nam, các đảo thuộc hai quần-đảo Hoàng-Sa và Trường-Sa không được tạo thành bởi các khoáng-chất như đất đá Regosol trong đất liền mà là tập-thể chồng chất các xác thân của san-hô, một loài sinh-vật dưới biển.
Kết-quả điều-nghiên của các chính-quyền Pháp, Mỹ và Việt-Nam cho biết hầu hết các đảo nằm giữa biển khơi vùng nhiệt-đới như Hoàng-Sa và Trường-Sa đều là các ám-tiêu san-hô, tiêu-biểu cho kiến-trúc ám-tiêu loại Thái-bình-Dương. San-hô là một loại sinh-vật nhỏ thuộc dòng Xoang-tràng (classes Anthozoa and Hydrozoa of the Phylum Coelenterata), sống tập-đoàn trên mặt những đảo ngầm vùng biển nhiệt-đới.


Hình 109.Hai loại san-hô thông-thường.
Đã có khá nhiều lý-thuyết hình-thành đảo san-hô. Trước hết là thuyết Darwin, sau này có các thuyết như của Quoy và Gaimard, Darwin, Krempf, Murray, Agassir v.v... Các công-trình nghiên-cứu của người Pháp, đặc-biệt của ông P. Chevey thuộc viện Hải-học Đông-Dương, rất hữu-ích cho những ai muốn tìm hiểu thêm về chi-tiết cấu-tạo đảo san-hô Biển Đông.
Lý-thuyết Darwin được một số nhà địa-chất tin-tưởng là chính-xác trong trường-hợp những ám-tiêu viền được thành-lập. Theo Darwin thì san-hô đã nhờ hoàn-cảnh thuận-lợi sinh-sản thành một tập-đoàn rộng lớn viền quanh một hòn đảo. Sau đó, chính sức nặng của san-hô và sự lún của đáy làm cho đảo từ từ chìm xuống, còn san-hô vẫn tiếp-tục phát-triển.
* Khi đảo không chìm hoàn-toàn, hệ-thống gồm đảo ở giữa, ám-tiêu viền ngoài bao bọc đầm nước bao quanh đảo.
* Khi đảo chìm hẳn, ta chỉ còn thấy ám-tiêu san-hô bao một đầm nước yên-lặng.


Hình 110. Sự hình-thành các đảo san-hô theo thuyết "lún đáy" của Darwin.


Hình 111. Thuyết của Darwin diễn-giải bởi Press & Siever.

Sau đây là tóm tắt một số kiến-thức về sự hình-thành các đảo san-hô, trích từ hai bài "Thử khảo-sát về quần-đảo Hoàng-Sa" của giáo-sư Sơn-Hồng-Đức, đăng trong Đặc-san Sử-Địa số 29 năm 1975, trang 185-206 và "Iles et Récifs de Coraux de la Mer de Chine" báo Bulletin de la Société des Etudes Indochinoises, bộ IX, số 4, Saigon ngày 10/12/1934, trang 48-56.
Các lý-thuyết hình-thành đảo san-hô khá nhiều. Không có thuyết nào hoàn-toàn sai lạc. Có lẽ mỗi giả-thuyết đúng vào một khía cạnh nào đó trong tiến-trình kết-tụ những đảo san-hô:
a- Thuyết của Quoy và Gaymard cho rằng san-hô thành-lập trên miệng những hoả-diệm-sơn ngầm dưới biển. Khoa địa-chất đã ghi nhận nhiều núi lửa ngầm hình-thành khi có địa-chấn trong vùng Biển Đông. Thuyết này không hoàn-toàn đúng vì tại vài vùng có ám-tiêu san-hô lại không thấy có núi lửa.


Hình 112. Thuyết hình-thành các đảo san-hô trên miệng núi lửa của Quoy và Gaimard.

b- Thuyết của Murray là một thuyết tác-động hóa-học. Các phân-tử vôi có trong nước biển kết-tụ trên những đỉnh núi ngầm. Khi khối vôi này cao dần đến tầng nước có ánh-sáng mặt trời đầy đủ thì san-hô bám vào và sinh sản. Murray cho rằng chính giữa khối san-hô, khí CO2 tích-tụ nhiều đã xâm-thực-hóa san-hô làm vùng giữa biến mất.

Hình 113.Thuyết hình-thành các đảo san-hô của Murray.

c- Thuyết của Agassiz cho rằng nền đất đá tạo-lập nên quần-đảo san-hô là quan-trọng. Agassiz nghiên-cứu vùng Great Barrier ở Úc thấy rằng lớp san-hô không dầy lắm. Phải có cái nền thích-hợp là dải núi ngầm dưới biển thì mới có dẫy đảo san-hô. Phần kết-tụ được Agassiz trình-bày phần nào giống như thuyết Murray.


Hình 114. Thuyết hình-thành các đảo san-hô của Agassiz đặt quan-trọng ở dải núi ngầm.

d- Thuyết của Krempf liên-hệ đến gió mùa. Đây là một giả-thuyết mới về sự tạo-lập những đảo san-hô. Theo ông nhờ các phản-ứng hóa-học, những vật-chất lững lờ trong nước kết-hợp với san-hô. Tập-thể này tiến-triển theo chiều thẳng đứng và dần dần tạo thành đảo. Krempf cho rằng khi san-hô nổi lên thì bị sóng và gió xâm-thực, những vật-liệu bị gió mùa xâm-thực sẽ bị cuốn rơi vào bên trong đè lớp san-hô bên trong và giết chết đi. Tới khi gió mùa nghịch lại thì vùng bên kia lại bị xâm-thực và vật-liệu cũng rơi vào bên trong... Vòng đai san-hô vì thế thường có hình bầu dục kéo dài theo chiều ảnh-hưởng của gió mùa.
Biển Đông là vùng biển có hai vụ gió mùa Đông-Bắc và Tây-Nam thật rõ rệt trong năm. Lý thuyết Krempf giải-thích được tại sao các ám-tiêu san-hô lớn trong các quần-đảo Hoàng-Sa và Trường-Sa lại giống như những hình bầu-dục khổng-lồ kéo dài theo cùng hướng, từ Đông-Bắc đến Tây-Nam.


Hình 115. Thuyết hình-thành đảo san-hô với gió mùa của Krempf

10.2 – ĐẤT-ĐAI SAN-HÔ
Các đảo ở Trường-Sa và Hoàng-Sa đều là các ám-tiêu san-hô. Đặc-tính đất đai vì đó khác-biệt với đất-đai các đảo ven biển cũng như đất đai vùng duyên-hải.
Trong bản "Phúc-trình Cuộc Thám-sát Hòn Nam Yít thuộc Quần-đảo Trường-Sa vào mùa thu năm 1973" Kỹ-sư Trịnh-tuấn-Anh viết như sau:
"...Đây là những ám-tiêu san-hô tiêu-biểu trong vùng Thái-bình-Dương. Trong quá-trình địa-chất, hòn Nam-Yít được thành-lập do sự nguội đặc của dung-nham huyền-vũ phún-xuất ngầm dưới mặt nước. Về sau san-hô bám vào đó và tăng-trưởng mau lẹ nhờ vào các điều-kiện thích-hợp cho môi-trường sinh sống của chúng như chiều sâu của mực nước biển, nhiệt-độ lượng Oxy...
San-hô nhờ có vỏ vôi nên khi chết, vỏ sẽ hóa cứng và thành-lập nên đá vôi san-hô có nguồn-gốc sinh-học.
...Đất đai thuộc nhóm Regosol trắng ở ven bìa hòn là các đụn cát thấp nằm che phủ lớp đá vôi san-hô bên dưới. Trắc-diện đất (được đo) có chiều sâu thay đổi từ 40cm đến 120cm.
...Trắc-diện (đụn cát ven bìa) có sa-cấu cát pha thịt nên độ thoát thủy mạnh và khả-năng giữ nước kém. — ven bìa hòn đảo, nước mặn thấm-nhập nên độ dẫn điện trong dung-dịch đất khá cao. Ngoài ra vì trong cát có lẫn thật nhiều mảnh vỏ sò, ốc, san-hô bằng CO3Ca bị nát vụn nên lượng Ca trao đổi được chiếm tỉ-lệ thật cao.
Trong khi các trắc-diện lấy ở giữa hòn, nơi các chỗ trũng có cây cối mọc tươi tốt nên trong đất có lượng chất hữu-cơ rất giàu do thực-vật bị hủy-hoại cung-cấp, độ dẫn-điện, lượng Ca và Na giảm đi một cách rõ rệt, đồng thời chất lân và Mg đồng-hóa cao hơn so với nơi bìa đảo. Sa cấu của đất tương-đối cũng ít cát hơn, giàu đất thịt và sét hơn, do đó đất tương-đối chậm thoát thủy hơn.
Các nhận-xét trên cho thấy là đất đai ở giữa hòn thích-hợp cho việc canh-tác hơn so với ven bìa nhờ khá giàu chất hữu-cơ, lân, chậm thoát thủy và nhất là ít bị mặn.
...Kết-quả cuộc thám-sát tại chỗ cho thấy đất đai trên hòn Nam-Yết không đủ khả-năng nuôi sống vài chục người nếu chỉ tự-lực canh-tác."


Hình 116. Bảng phân-chất đất trên đảo Nam-Yết của Kỹ-sư Trịnh-tuấn-Anh.

Tuy vậy Kỹ-sư Trịnh-tuấn-Anh cũng kêu gọi các quân-nhân đồn-trú nên ý-thức việc tự-lực cánh-sinh mạnh mẽ như Lỗ-Bình-Sơn hơn là chỉ lệ-thuộc hoàn-toàn vào nguồn thực-phẩm tiếp-tế từ đất liền.

10.3 – KÍCH-THƯỚC VÀ TUỔI-TÁC CÁC ĐẢO
Các đảo Hoàng-Sa và Trường-Sa thường thấp và nhỏ. Tuổi của san-hô cấu tạo nên đảo khó mà biết được chính-xác.

10.3.1 - KÍCH-THƯỚC CỦA ĐẢO SAN-HÔ
San-hô, nguyên-chất cấu tạo nên đảo, là loài thủy-sinh-vật; tuy chúng có thể nảy nở và phát-triển theo chiều cao, nhưng khi đạt đến một cao-độ giới-hạn nào đó thì chúng ngưng lại vì san-hô không thể sinh-tồn được nếu bị đẩy ra ngoài nước quá lâu. Trong khi mặt biển lên xuống theo thủy-triều, độ cao mực nước lại cũng ảnh-hưởng theo với cả tình-trạng nóng lạnh của trái đất. Khi băng đá tích-tụ nhiều ở hai địa-cực thì mực nước biển thấp, khi băng đá tan rã thì mực nước dâng lên cao.
Giáo sư Sơn-Hồng-Đức cho rằng các đảo san-hô không thể nào cao hơn mực nước cao nhất của bể thời trước.
Tại quần-đảo Hoàng-Sa, ngoài Đảo Đá là hòn cao nhất, tới 50ft (16 m); những hòn đảo khác thấp hơn nhiều. Nhìn chung các đảo Hoàng-Sa cao hơn hẳn những đảo ở Trường-Sa vì Nam-yết hay Song Tử Tây là đảo cao nhất của quần-đảo Trường-Sa chỉ vào khoảng 15ft, hay chưa quá 5m (có tài-liệu ghi 20m hay 60ft, những con số này không đúng).


Hình 117. Theo P. Chevey, các ám-tiêu san-hô không mọc cao được vì phần san-hô nằm trên mực nước lớn của thủy-triều sẽ bị chết.

Chỉ cách Hoàng-Sa chừng hơn 100 Hải-lý về phía đất liền Việt-Nam, mà hòn Cù-Lao Ré nhờ sự cấu-tạo địa-chất khác-biệt nên rộng lớn (dài khoảng 5km) và cao hơn nhiều, tới 590ft (180m).
Vì cao-độ của các đảo san-hô khiêm-tốn như vậy, những người lái tàu thuyền chỉ nhận ra đảo khi lại thật gần. Đảo đã thấp sát mặt biển, lại còn rải rác nhiều bãi cạn hay rặng san-hô mọc ngầm nữa. Những nguy-cơ thảm khốc cho người đi biển thật bất ngờ và thật nhiều. Khi thời-tiết xấu và trong đêm tối, đặc-biệt lúc giông bão; số lượng thương-thuyền hay chiến-hạm đã mắc cạn ở những vùng này không có thống-kê nào ghi lại cho hết được. Có nhiều xác tàu trơ trọi, những ống khói và đài chỉ-huy nhô lên mặt biển nhắc nhở bao tai-nạn hãi-hùng đã xảy ra.

10.3.2 – TUỔI ĐẢO: THẬT GIÀ VÀ THẬT TRẺ
- Hiện chưa có sự định tuổi chính-xác cho các đảo Hoàng-Sa/ Trường-Sa, nên chúng ta chỉ có thể phát-biểu một cách tổng-quát là sự hiện-hữu của chúng đã từ cuối đệ tứ nguyên-đại, trong vòng nhiều triệu năm...
Xin lấy một thí-dụ để so sánh tuổi-tác của bãi ngầm san-hô Bikini thuộc quần-đảo Marshall Islands, nơi vụ thí-nghiệm nổ nguyên-tử ngầm dưới nước diễn ra năm 1946. San-hô nơi đây, tương-tự như Hoàng-Sa/Trường-Sa, nhưng dầy tới hàng ngàn feet, được định tuổi là 30,000,000 năm.
Chúng ta biết rằng từ khi biển thành-hình, mực nước biển đã từng lên xuống nhiều lần. Vì mực nước ngày nay đang ở cao-độ tối-đa và san-hô chỉ mọc trong nước, thế nên phần phía trên của đảo chắc chắn chỉ mới xuất hiện trong vòng mười mấy ngàn năm trở lại đây, khi nước biển ở mức-độ 40m hay 50m thấp hơn hiện-thời. Phần san-hô chìm sâu trong lòng biển hẳn nhiên phải già nua hơn nhiều.
- Căn-cứ trên những tài-liệu nghiên-cứu đã phổ-biến, các nhà địa-chất tin-tưởng rằng nhiều đảo san-hô trong Biển Đông đang tiếp-tục thành-hình và một số đảo sẽ có thể bị biến mất vì những chuyển-động địa-chấn.
Báo Economist, July 7, 1990 loan tin chỉ mới đây, vào năm 1988 bỗng-nhiên có một hòn đảo nhỏ nổi lên gần bờ vùng Sabah của Mã-lai-Á, cho dù không có những rung-chuyển địa-chấn gì dữ dội (bài "Fishing for Trouble in the Spratlys", trang 36).
Ngoài ra sự hình-thành cũng như sự tồn-tại của các đảo còn lệ-thuộc vào môi-trường sinh sống của san-hô như ánh-sáng, nhiệt-độ, đặc-tính đáy biển, độ mặn và lượng Oxy trong nước biển...
- Theo những tài-liệu ghi nhận được từ các nhà hàng-hải thì trong khoảng vài trăm năm nay trở lại đây, một số đảo mới tiếp-tục xuất-hiện và cao dần:
* Vào tiền-bán thế-kỷ XIX, ông Gutzlaff thuộc hội Geographical Society of London đã viết trong bài nhan-đề "Geography of the Cochinchinese Empire" như sau: “...quần-đảo Cát Vàng gần bờ biển An-Nam, nằm giữa các vĩ-tuyến 15 và 17 độ Bắc và các kinh-tuyến 111 và 113 độ Đông... không biết vì san-hô hay vì lẽ gì khác mà các ghềnh đá ấy cứ lớn dần, thật rõ ràng là các đảo nhỏ ấy cứ mỗi năm mỗi cao hơn. Có vài hòn bây giờ có thể cư-trú được mà mấy năm trước, sóng còn vỗ mạnh đập tràn qua...”
* Bãi Thuyền Chài tại quần-đảo Trường-Sa chỉ mới nổi lên mấp mé mặt nước hồi gần đây. Toàn bãi hiện nay đã dài khoảng 32km, chỗ rộng nhất vào khoảng 5-6km (Lịch văn-hóa Việt-Nam, Hà-nội 1989). Như vậy bãi đang cao dần, có thể sau này vài ba chục năm sẽ trở thành đảo hay một nhóm đảo nhỏ. Tuy vậy hiện nay bãi Thuyền Chài chưa có đủ an-toàn cho con người cư-trú.
10.4 – HOÀNG-SA VÀ TRƯỜNG-SA THUỘC VIỆT-NAM VỀ PHƯƠNG DIỆN VỊ TRÍ

Quần-đảo Hoàng-Sa nằm giữa vùng Biển Đông của nước Việt-Nam, ngang bờ biển các tỉnh Quảng-Trị, Thừa-Thiên, Quảng-Nam và một phần Quảng-Ngãi. Còn hầu hết các đảo của Quần-đảo Trường-Sa nằm ngang vĩ-độ với Phan-Rang – Cà-Mâu.
Về khoảng cách đất liền, quần-đảo Hoàng-Sa nằm gần Việt-Nam nhất. Sự so sánh như sau:
- Khoảng cách từ đảo Tri-Tôn (15o47'N, 111o12'E) tới Lý-Sơn hay Cù-lao Ré (15o22'N, 109o07'E) là 2 độ 03 phút trên thước đo khoảng cách vĩ-độ, tức chỉ có 123 hải-lý.


Hình 118. Bản-đồ ghi khoảng cách các đảo gần nhất của quần-đảo Hoàng-Sa đến các đảo gần đất liền (Trích từ Bản-đồ Southeast Asia - National Geographic Society - Washington DC, 1968).

Nếu lại lấy toạ-độ (Lý-Sơn 15o23.1'N, 109o09.0'E) từ trong bản tuyên-cáo đường cơ-sở nội-hải của chính-quyền CHXHCN Việt-Nam (Declaration on Baseline of Territorial waters, 12 Nov. 1982) thì khoảng cách đến bờ Cù-lao Ré thu ngắn lại dưới 121 hải-lý.
Từ đảo Tri-Tôn này đến Mũi Ba Làng An (Cap Batangan 15o14'N, 108o56'E) tức đất liền lục-địa Việt-Nam, khoảng cách đo được 135 hải-lý.
- Trong khi đó, khoảng cách đảo gần nhất tới bờ đảo Hải-Nam xa tới 140 hải-lý (đảo Hoàng-Sa - 16o32N, 111o36 E và Ling-sui Pt hay Leong-soi Pt - 18o22 N, 110o03 E). Khoảng cách từ Hoàng-Sa tới đất liền lục-địa Trung-Hoa còn xa hơn rất nhiều, tối-thiểu là 235 hải-lý.
- Nếu người Trung-Hoa dùng "bãi đá ngầm" (North Reef) làm chuẩn để đo đến bờ "đảo" Hải-Nam tại Ling-sui Pt, họ "tạo" ra khoảng cách thật gần: 112 hải-lý! Điều đó không thể là một lý lẽ tranh cãi vì đá ngầm không có giá-trị như đảo trong việc chuẩn-định ranh giới.
Luận-lý khoảng cách và số lượng đảo của người Việt lúc xưa như Đỗ-Bá, Lê-quý-Đôn không hoàn-toàn sai lạc quá đáng như cách-thức xuyên-tạc của người Trung-Hoa khi cho rằng Bãi Cát Vàng trong sách cổ Việt-Nam không phải là quần-đảo Hoàng-Sa ngày nay. Lý-luận của họ thật ngoan-cố hay kiến-thức hàng-hải của họ ấu-trĩ khi nói rằng thuyền đi một vài ngày làm sao tới được Hoàng-Sa.
Các nhà hàng-hải ngoại-quốc như Pierre Paris (1942), J. B. Piétri (1949) cho biết ghe thuyền chạy buồm Việt-Nam xưa nay có vận-tốc rất cao, vượt các tàu thuyền Âu-châu đồng thời. Chiến-thuyền thời chúa Nguyễn đã chứng tỏ luôn luôn chiếm ưu-thắng về vận-tốc khi hải-chiến. Hải-quân Việt nhiều lần đánh đuổi tàu Hòa-Lan (năm 1644) cũng như đã từng trước đó đánh chìm hai tàu của họ (năm 1643) nhờ chạy nhanh.
Sự thật rành rành, Tri-Tôn là một trong các đảo Hoàng-Sa chỉ cách bờ đất Trung-Việt có 135 hải-lý, cách bìa Cù-Lao Ré 121 hải-lý. Các đội Hoàng-Sa đặt căn-cứ và xuất-phát từ Cù-lao-Ré. Khi thuận buồm, suôi gió, với vận-tốc 12 gút (hl/giờ), cơ-hội cho những ghe bầu Việt vượt khoảng này trong vòng nửa ngày không phải không có.
Ngay trong những sách cổ cũng nói là thuyền ta đi từ Quảng-Ngãi đến Quảng-Đông chỉ trong 3, 4 ngày. Từ bờ ra Tri-tôn khoảng cách ngắn ngủi hơn 1/6 đoạn đường kể trên. Người thời nay, có lẽ vì ít đi biển nên cho rằng việc chạy ra đảo khó khăn quá chăng? Học-giả Lê-quý-Đôn khi viết trong "Phủ-biên Tạp-lục", đã cho biết những đường giao-thương vượt biển dễ dàng hồi hai ba thế-kỷ về trước như sau: "Xứ Thuận-Quảng, đường thủy và các đường lục giao-thông với tỉnh Quảng-Nam... Còn đường biển thì hai xứ Thuận Quảng chỉ cách tỉnh Mân và tỉnh Quảng-Đông của Trung-Quốc có ba bốn ngày đường nên các tàu buôn Trung-Quốc từ xưa đến nay thường-thường tụ-tập ở hải-phận Thuận-Hóa và Quảng-Nam."


Hình 119. Bản-đồ cổ chỉ-định vị-trí Hoàng-Sa/Trường-Sa ngoài khơi Biển Đông. (Trích Đại-Nam Nhất-thống Toàn-đồ triều Nguyễn).

Nếu Trung-Cộng nói Hoàng-Sa trong sách cổ Việt-Nam không phải Hoàng-Sa vậy thì ngoài khơi Cù-lao-Ré (Lý-sơn) trở ra biển có còn bất cứ một đảo hay quần-đảo nào (ngoài Hoàng-Sa) hay không? ...còn có đảo nào nằm giữa Cù-lao Ré và quần-đảo Hoàng-Sa nữa đâu?
Bản-đồ cổ của Á-Đông không đặt nặng tỷ-lệ. Trên các bản-đồ tượng-hình của ta và của Tàu có khi cả mContent-Type: text/plain Timeout

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét