Trang

Thứ Hai, 25 tháng 4, 2011

Giáo dục VN

cả một hệ thống giáo dục cứ mãi rơi vào cái vòng luẩn quẩn của sự giáo điều, hình thức và “ăn xổi ở thì” để rồi cuối cùng người học (học sinh, sinh viên…) là người lãnh đủ…” 

Giáo dục Việt Nam:
nghịch lý cười ra nước mắt

Nguyễn Trọng Bình


1. Nghịch lý ít người quan tâm

Hàng năm, mỗi khi đến mùa tuyển sinh đại học lại thấy có không biết bao nhiêu là chương trình “tiếp sức” cho các em học sinh lớp 12 ở bậc phổ thông như:“Tư vấn tuyển sinh”, “Tiếp sức mùa thi”…. Hay trước mỗi đợt sinh viên đại học tốt nghiệp ra trường lại có những chương trình như: “Tư vấn kỹ năng xin việc”, “Kỹ năng trả lời phỏng vấn”… diễn ra rất rầm rộ trên khắp cả nước. Ví như vừa qua báo Tuổi Trẻ đã kết hợp với các đơn vị tài trợ, các trường đại học tổ chức hàng loạt các chương trình “Tư vấn mùa thi” cho các em học sinh phổ thông lớp 12 trên khắp mọi miền đất nước như: Sài Gòn, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hà Nội, Cà Mau… 

Trước hết, phải nói rằng chương trình tư vấn này của báo Tuổi Trẻ là rất rất đáng hoan nghênh vì đã góp phần cùng xã hội chung tay chăm lo cho thế hệ trẻ - đội ngũ kế thừa của đất nước. Tuy nhiên, điều tôi muốn nói ở đây là tại sao một tổ chức ngoài giáo dục như báo Tuổi Trẻ phải “xắn tay” vào để lo chuyện này trong khi lẽ ra trách nhiệm chính phải thuộc về ngành giáo dục với một hệ thống quản lý giáo dục rất đồ sộ (Bộ, Sở, Phòng, Viện, Trường học…) cùng mạng lưới giáo dục rất đa dạng và phong phú. Nói cách khác, ở đây có một câu hỏi đặt ra là suốt 12 năm ngồi trên ghế nhà trường phổ thông các em học sinh đã tiếp thu được những gì; mục tiêu và triết lý giáo dục của chúng ta như thế nào mà sao con em chúng ta – những người bạn trẻ đã bước sang tuổi 18 nhưng tư duy và nhận thức về xã hội, về cuộc sống nói chung gần như chỉ là con số không?

Qua báo chí, chúng ta được biết trong quá trình tổ chức các cuộc tư vấn tuyển sinh nhiều thầy cô ở các trường đại học nhận được những câu hỏi và thắc mắc từ các em học sinh lớp 12 nhiều khi rất “ngô nghê” và “tội nghiệp” (đại loại như Tại sao em học bài hoài không thuộc?; Bây giờ em rất hoang mang chưa biết chọn ngành nào, em phải làm sao?; Em muốn học ngành kiến trúc xây dựng vậy em thi khối nào?; Em muốn học để trở thành bác sĩ nhưng em sợ sức em không thi đậu vậy em phải làm gì…?); những câu hỏi “ngô nghê” ấy phản ánh năng lực tư duy và nhận thức độc lập về những vấn đề của cuộc sống của các em học sinh sắp rời mái trường phổ thông rất đáng để chúng ta (nhất là lãnh đạo ngành giáo dục nước nhà) phải suy nghĩ. Tại sao lại như vậy? Tại sao học đến lớp 12 rồi, đã sang tuổi 18 rồi mà các em không thể tự mình định hướng nghề nghiệp cho mình; lớp 12 rồi mà mỗi khi ra khỏi nhà là phải có cha mẹ theo kèm cập mới an tâm; lớp 12 rồi mà còn để cha mẹ lo lắng đủ thứ chuyện về học hành, thi cử của bản thân mình? Lớp 12 rồi mà khả năng nhận thức và tính độc lập trong việc chọn nghành, chọn nghề, chọn trường sao cho phù hợp với sở thích, năng lực học vấn của bản thân, năng lực tài chính của gia đình… còn rất mơ hồ?

Trở thành những “cậu cử, cô cử” rồi mà 
những kỹ năng giao tiếp và ứng xử với xã hội 
đôi khi chỉ là con số không
Đáng nói hơn, thậm chí sau khi tốt nghiệp đại học rồi, trở thành những “cậu cử, cô cử” rồi mà những kỹ năng giao tiếp và ứng xử với xã hội đôi khi chỉ là con số không, xã hội lại tiếp tục mở những cuộc “tiếp sức” về “kỹ năng trả lời phỏng vấn” và “kỹ năng xin việc làm”…? 

Trong khi đó, tuy không có một suy nghĩ, một nhận thức đúng đắn để có thể tự quyết những chuyện quan trọng của đời mình nhưng các bạn trẻ lại thừa những suy nghĩ “độc lập” trong nhiều vấn đề “linh ta linh tinh” khác. Không dám từ quê ra phố một mình để tham gia chương trình tư vấn tuyển sinh nhưng lại rất hăng hái trong việc lập những “băng nhóm” rồi “thanh toán” bạn mình chỉ vì những xích mích nhỏ trong trường học; không biết tìm hiểu và truy cập vào những trang web của các trường đại học để biết thông tin về ngành, nghề tuyển sinh và đào tạo nhưng lại rất sành sỏi trong việc tìm và truy cập vào những trang “web đen” thiếu lành mạnh; không biết chọn ngành, chọn nghề, chọn trường nào cho phù hợp với năng lực, sở trường và ước mơ của mình nhưng rất “cá tính” trong việc tung video clip “sex” lên mạng để chứng tỏ mình là “dân chơi” và “sành điệu”; không dám và cũng không biết tự giới thiệu về bản thân mình trước một hội đồng tuyển dụng khi đi xin việc nhưng lại rất “hăng hái” trong việc “yêu đương nhăng nhít” hay vùi đầu vào những thú vui thâu đêm suốt sáng với game online dẫn đến những hậu quả rất đau lòng mà xã hội đang phải lên tiếng…? 

Có thể nói, những điều vừa phân tích ở trên phản ánh rất rõ cái nghịch lý “cười ra nước mắt”, cười mà đau xót và xấu hỗ cho thực trạng buồn của giáo dục nước nhà hiện nay – một thực tế mà ít người quan tâm và dũng cảm “đối mặt”.

2. Lỗi tại ai?

Công bằng mà nói, các bạn trẻ (học sinh, sinh viên) - đội ngũ kế thừa của chúng ta hiện nay không phải tất cả đều thụ động, vẫn có không ít các bạn trẻ rất giỏi và rất năng động và sáng tạo trong học tập. Tuy nhiên, nhìn chung đại bộ phận các bạn trẻ thật sự vẫn chưa “trưởng thành”, chưa có nhiều những “đột phá” trong nhận thức và tư duy để có thể tự quyết định những vấn đề mang tính “bước ngoặt” của cuộc đời mình và rộng hơn nữa là những vấn đề của đất nước (dĩ nhiên ở mức độ các bạn trẻ có thể tham gia phát biểu chính kiến). Có nhiều nguyên nhân lý giải cho vấn đề này nhưng nghiêm túc nhìn nhận thì lỗi này phần nhiều hoàn toàn do cơ chế và môi trường giáo dục của ta hiện nay. Cụ thể hơn, sở dĩ giáo dục nước nhà đang tồn tại nghịch lý “cười ra nước mắt” như đã phân tích ở trên là do nền giáo dục mang nặng tính “giáo điều” chỉ chăm chăm hướng đến những “mục tiêu” nhất thời; là hệ quả của cách làm giáo dục theo kiểu “ăn xổi ở thì”; một nền giáo dục không có “triết lý” rõ ràng. Ví như ở cấp phổ thông thì mục tiêu giáo dục chỉ là “tỉ lệ đậu tốt nghiệp” sao cho “đẹp mắt” lãnh đạo và “nở mày nở mặt” với địa phương bạn; cấp đại học thì “xã hội hóa” bằng cách ồ ạt mở trường đào tạo và cấp bằng theo “nhu cầu xã hội” (mà xã hội thì vốn mang trong mình căn bệnh nan y là “trọng bằng cấp hơn trọng năng lực”). Và để đạt được những mục tiêu nhất thời ấy chỉ có cách duy nhất là bắt buộc và yêu cầu học sinh học “thuộc lòng” sách giáo khoa và sách “chuẩn kiến thức” nhằm đối phó với các kỳ thi. Hoặc không thì tìm “cách này cách nọ” để “đảm bảo tỉ lệ tốt nghiệp” và “nâng cao mặt bằng dân trí” cho đơn vị mình, địa phương mình. Nói tóm lại, chất lượng giáo dục gần như chỉ được đánh giá qua những bảng báo cáo thành tích về “tỉ lệ bình quân” trên… giấy. Điều này tất yếu dẫn đến hậu quả học sinh, sinh viên sau khi ra trường ngẫm kỹ lại phần nhiều chỉ là những “bản sao”, là “thế hệ F1” của giáo viên và sách giáo khoa; nhận thức và tư duy độc lập của học sinh, sinh viên gần như bị thủ tiêu; nền giáo dục từ đó lâm vào căn bệnh trầm kha có tên là “thành tích”… 

Không dừng lại ở đó, có thể thấy nền giáo dục “giáo điều” và “ăn xổi ở thì” vốn thường chỉ xem trọng và hay chạy theo những cái gọi là “phong trào” mang tính bề nổi (nhằm đối phó) mà thiếu những cái nhìn mang tính chiến lược căn cơ và lâu dài. Mà giáo dục làm theo kiểu “phong trào” thì cùng lắm chỉ giải quyết được “phần ngọn” chứ thực chất bên trong thì vẫn “giậm chân tại chỗ” bởi cái căn nguyên, cái gốc rễ sâu xa không được xem xét tường tận, thấu đáu. Ví như, trong khi nhiệm vụ chính của giáo dục là phải rèn luyện, bồi dưỡng nhân cách và tri thức cho học sinh thì nay nhiệm vụ ấy phải đưa xuống hàng thứ yếu vì tất cả đang phải cùng nhau triển khai và thực hiện cái “phong trào”“nói không với tiêu cực và bệnh thành tích trong giáo dục” (và chỉ “nói” là chủ yếu chứ thực “làm” thì chẳng bao nhiêu). 

Hay như lẽ ra trong thời điểm hiện tại, nguyên nhân cốt lõi của thực trạng chất lượng giáo dục phổ thông thấp là do sự hạn chế về kiến thức, tri thức của đội ngũ giáo viên (là nguyên nhân mang tính “dây chuyền” và là cái vòng luẩn quẩn liên quan đến việc đào tạo giáo viên ở các trường đại học) và nội dung và chương trình dạy học (sách giáo khoa ở phổ thông, bài giảng và giáo trình ở đại học) thì không chịu thừa nhận lại đi phát động phong trào “đổi mới phương pháp dạy học” ở tất cả các cấp (suy cho cùng “phương pháp” chính là “cách tư duy” về đối tượng, một khi không có tri thức, không có “tư duy”, không “biết tư duy” thì làm sao có “phương pháp”, nếu có chăng vẫn chỉ là những “phương pháp” mang nặng sự “giáo điều”). Và khi tiến hành “đổi mới phương pháp” lẽ ra, trước hết phải xuất phát từ tình hình thực tế về điều kiện, môi trường dạy học hay sâu xa hơn là đặc trưng văn hóa xã hội của đất nước thì không chịu xem xét, nghiên cứu lại đi “bê nguyên xi” và áp dụng một cách máy móc những “phương pháp” của nước ngoài (vốn có tiền giả định là nền giáo dục đã phát triển ở trình độ cao). Cho nên hậu quả là năm nào cũng “đổi mới phương pháp”, năm nào cũng tổ chức “hội thảo”, tập huấn về “phương pháp mới”; đi đâu cũng nghe người ta bàn luận về “phương pháp”’; tiền bạc, thời gian và công sức đổ ra không biết là bao nhiêu nhưng thực tế thì chất lượng giáo dục thì vẫn cứ giậm chân tại chỗ…; các “chuyên gia phương pháp” thì trong lòng hoang mang còn giáo viên – những người được lệnh phải “đổi mới phương pháp” sau khi được tập huấn “phương pháp mới” lại e dè không dám áp dụng vào thực tế dạy học (sợ học sinh học theo “phương pháp mới” thi rớt tốt nghiệp, không đảm bảo chỉ tiêu tốt nghiệp đã đề ra)… Cứ như thế, cả một hệ thống giáo dục cứ mãi rơi vào cái vòng luẩn quẩn của sự giáo điều, hình thức và “ăn xổi ở thì” để rồi cuối cùng người học (học sinh, sinh viên…) là người lãnh đủ; xã hội lại phải mất thời gian, tiền bạc và công sức để “tiếp sức” cho các em. 

3. Thay lời kết

Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh trong khi nói về thành phần và lực lượng sáng tác văn học nghệ thuật (đồng thời cũng là đội ngũ trí thức) nước nhà trước 1945, trong sách Giáo trình lịch sử văn học Việt Nam giai 1930-1945, có viết:“Nếu lấy năm 1930 làm mốc thì hầu hết những cây bút này tuổi đời chỉ từ 10 đến 20 (Nguyễn Tuân, Thạch Lam 20 tuổi; Thanh Tịnh 19 tuổi; Vũ Trọng Phụng, Hàn Mạc Tử, Nguyễn Huy Tưởng 18 tuổi; Hồ Dzếnh, Xuân Diệu, Vũ Hoàng Chương 14 tuổi, Nam Cao 13 tuổi; Huy Thông, Mộng Tuyết, Nguyên Hồng 12 tuổi; Huy Cận, Nguyễn Bính, Bùi Hiển 11 tuổi; Tố Hữu, Chế Lan Viên, Tô Hoài 10 tuổi… Lớn hơn có Khái Hưng 34 tuổi, Hoài Thanh 21 tuổi. Nhỏ hơn có Tế Hanh 9 tuổi”. [1]

Đọc thông tin này làm chúng ta không khỏi giật mình và kinh ngạc về khả năng tư duy và nhận thức về cuộc sống, xã hội của thế hệ trẻ nước nhà những năm trước 1945 nếu so với khả năng tư duy và nhận thức của thế hệ trẻ nước nhà hiện nay. Làm thế nào mà những người có tuổi đời còn rất trẻ lại có thể cầm bút sáng tác thơ văn, thậm chí là viết phê bình và tranh luận các vấn đề học thuật trên báo chí thời ấy một cách đầy tự tin và bản lĩnh như thế? Chắc chắn là do nhiều yếu tố nhưng có một yếu tố quan trọng hơn cả đó là do tư duy của nền giáo dục thời ấy (khoa học, dân chủ và cầu thị…) đã tác động và rèn luyện cho họ. Không biết những người trong bộ máy điều hành và quản lý giáo dục của chúng ta nghĩ gì nếu như biết rằng ngày nay các em học sinh lớp 12 và nhiều sinh viên đại học ra trường rồi nhưng viết không nổi một câu văn; không dám đứng lên trình bày quan điểm và suy nghĩ của mình trước lớp; cả xã hội năm nào cũng vậy đến mùa thi phải “đầu tắt mặt tối” “tiếp sức” cho các em… Trong khi đó cùng trang lứa với các em thì Chế Lan Viên ngày xưa đã cho xuất bản tập thơ Điêu tànnổi tiếng, Hoài Thanh thì cho ra đời Thi nhân Việt Nam – công trình phê bình văn học xuất sắc của thế kỷ XX…? 

Thê thảm lắm rồi, phải dũng cảm “nhìn nhận” để cải cách thôi

Thê thảm lắm rồi, phải dũng cảm “nhìn nhận” để cải cách thôi (nhưng không phải bằng các “phong trào” mang nặng tính “đối phó” rất hình thức như hiện nay)!
Cần Thơ, 13/04/2011
Nguyễn Trọng Bình
Nguồn: Viet-Studies, ngày 17/04/2011
[1] Nguyễn Đăng Mạnh, Giáo trình lịch sử văn học Việt Nam giai 1930-1945. Nhà xuất bản Đại học quốc gia Hà Nội, 2000
 
Trang liên hệ
· Đọc thêm về Giáo Dục

Bài được đọc nhiều nhất trong Giáo Dục:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét