Trang

Thứ Sáu, 29 tháng 4, 2011

Âu dương THệ


Dự án về một sách lược chung trong giai đoạn chuyển tiếp
Những Người Dân chủ Đa nguyên
hãy thống nhất sách lược và hành động
để thắng độc tài toàn trị!
ÂU DƯƠNG THỆ
Tình hình đất nước đang chuyển vào một giai đoạn mới cả cho phía độc tài bảo thủ và những người dân chủ đa nguyên (DCĐN). Trong khi thế của phe độc tài đang đi xuống và lực đang bị phân hóa, nhưng nó đã nhận ra các điểm yếu và khuyết điểm của phía DCĐN và biết cách chia để trị để mong duy trì và kéo dài chế độ…Giữa lúc ấy, thế của phía DCĐN đang được sự hậu thuẫn của nhân dân trong và ngoài nước và dư luận quốc tế; nhưng chúng ta vẫn chưa khai thác được các cơ hội, lợi điểm và cũng chưa khoét sâu thêm những phân hóa của phe độc tài. Sở dĩ rơi vào tình trạng này, vì lực của phía DCĐN vẫn còn quá mỏng, không những thế lại còn phân tán, suy tính cục bộ và ở nơi này hay nơi kia còn có các hành động phiêu lưu. Nếu muốn trở thành mũi nhọn tấn công hiệu quả vào thành lũy độc tài và làm ngọn đuốc đánh tan màn đêm của bảo thủ và tham nhũng...thì các nhân sĩ và tổ chức DCĐN phải nghiêm túc nhận diện được chính mình, bạn hữu và đồng minh, đồng thời phải sớm biết ngồi lại với nhau thống nhất sách lược đấu tranh và phân công hành động với hiệu năng cao nhất. Giải quyết dứt khoát và mau chóng được những điều cơ bản này thì chắc chắn các lực lượng DCĐN sẽ sớm chuyển từ thế bị động sang chủ động, làm chủ được tình hình, đẩy lùi được độc tài và đưa đất nước một cách chắc chắn sang DCĐN.
Hiện nay trên báo chí đang có các cuộc tranh luận công khai và ngay trong nội bộ nhiều tổ chức DCĐN cũng đang có những cuộc thảo luận về những nguyên nhân khiến cho cuộc vận động dân chủ đang gặp khó khăn và tìm giải pháp hoàn hảo để có thể đưa cuộc vận động dân chủ vững bước tiến lên. Trong sinh hoạt chính trị đa nguyên thì đây là một qui luật tự nhiên. Đa nguyên về tư tưởng thì tất phải có đa dạng về cách nhìn và những giải pháp khác nhau cho từng vấn đề. Đây cũng còn là qui luật cạnh tranh trong chính trị theo DCĐN ở tất cả các nước theo chế độ DCĐN. Điều này không phải chỉ diễn ra giữa các chính đảng mà nhiều khi ngay trong nội bộ từng chính đảng. Tranh luận để tìm ra ánh sáng, tìm ra con đường đi thích hợp. Đây là điểm mạnh và ưu điểm rất quí của các chế độ DCĐN. „Cãi nhau không nguy hiểm bằng giết nhau“!
Trong chế độ độc tài toàn trị thì mọi hoạt động chính trị phải theo một qui luật hoàn toàn ngược lại, chỉ một vài người có quyền lực suy nghĩ và quyết định cho tất cả. Ai chống lại thì sẽ bị loại trừ, triệt tiêu kể cả giết hại! Vì không được phép tranh luận công khai và thẳng thắn, thành thử trong chế độ này những mục tiêu, đường lối và các biện pháp của nhóm thống trị dù có sai lầm và nguy hiểm cho nhân dân và đất nước nhưng vẫn được duy trì cả hàng mấy chục năm. Đây là kinh nghiệm vô cùng đau thương mà nhân dân ta đang phải chiụ đựng dưới chế độ độc tài toàn trị của ĐCS. Nhược điểm này đã là mồ chôn cho các chế độ XHCN ở Liên xô và Đông Âu gần hai thập kỉ trước đây. Chắc chắn trong một tương lai không xa, nó cũng là mồ chôn cho chế độ XHCN hiện nay ở VN, nếu những người DCĐN có một sách lược thích ứng.
Giữa những người DCĐN, chúng ta nhìn nhận quyền tranh luận và bảo vệ cho quyền này được tự do phát triển, nhưng phải phát triển một cách lành mạnh và trong sáng! Vì đây không chỉ là cái quyền mà còn là trách nhiệm của những người DCĐN. Nguyên tắc đáng trân trọng này là một sự khác biệt căn bản giữa chúng ta với những người chủ trương độc tài toàn trị. Nhưng mặt khác quan trọng cũng không kém là, làm sao để những cuộc tranh luận chính trị diễn ra ở trình độ các bên biết tôn trọng lẫn nhau, tránh chụp mũ và mạ lị. Tạo một không khí tranh luận nghiêm túc, thẳng thắn nhưng không ném bùn vào mặt nhau, đó là cách sinh hoạt „chính trị có văn hóa“, hay người hoạt động chính trị phải có „văn hóa (trong) chính trị“ là thái độ cần có và nên giữ giữa những người DCĐN.
Những ai tự nhận đứng trong hàng ngũ những người DCĐN thì đều có thể thừa nhận với nhau là, thời gian qua chúng ta chưa khai thác được tình hình thuận lợi đến nơi đến chốn. Nói đúng ra, nếu biết khai thác những điểm yếu của phe độc tài, biết hàng ngũ hóa các lực lượng dân chủ và biết phân công phối hợp tốt với nhau thì những người DCĐN đã có thể tận dụng thế thuận lợi ở trong nước và quốc tế để cô lập từng bước những phần tử bảo thủ độc tài tham nhũng và mở rộng lực lượng phía DCĐN!
Ở đây chúng tôi không dám đổ lỗi riêng cho ai. Chống độc tài, tham nhũng là trách nhiệm chung của những người DCĐN, nên các khuyết điểm và lỗi lầm vừa qua là trách nhiệm của mỗi cá nhân và tổ chức DCĐN. Trong ý thức này thì người viết cũng tự xét đã chưa làm đủ và làm đúng phần đóng góp của mình vào công việc chung. Nay trước các vị cao niên, đồng niên và các bạn trẻ,  người viết xin nghiêm túc tự nhận khuyết điểm và khiển trách của quí vị.
Trở về đề tài chính của bài này là, làm sao có thể dẹp độc tài tham nhũng để đưa đất nước vào kỉ nguyên DCĐN một cách chắc chắn và ít bất lợi nhất cho nhân dân?
Mục tiêu chung và ưu tiên hàng đầu của những người DCĐN chúng ta là thay đổi chế độ toàn trị, trong đó đứng đầu là những phần tử độc tài bảo thủ trong ĐCS đang lộng quyền và tham nhũng, thì phải cùng nhau tìm ra một sách lược chung và hành động thống nhất ít nhất là trong giai đoạn chuyển tiếp từ độc tài toàn trị sang DCĐN
Trước khi đi tìm một đồng thuận về một sách lược chung, chúng ta cần nhận diện rõ và đánh giá khách quan tình hình phe độc tài toàn trị và hoàn cảnh của phía DCĐN.
Phần một
NHẬN ĐỊNH VÀ ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH
I. Nhận định và đánh giá tình hình chế độ độc tài toàn trị
Một số đặc điểm của tình hình hiện nay
Nhóm lãnh đạo độc tài bảo thủ CSVN đã tính toán và chuẩn bị ra tay thanh toán những người đối kháng ra làm sao và từ bao giờ?
Trong khi họ hồ hởi ca ngợi thành công của Hội nghị cấp cao APEC, ca tụng „chiến thắng“ việc vào WTO vào cuối năm qua, rồi cho Nguyễn Tấn Dũng sang gặp Giáo Hoàng….. Tất cả những việc này họ muốn tạo một ấn tượng với các nước Tây phương là họ đang giữ ổn định chính trị và đang cởi mở trong chính sách tôn giáo. Đối với nhân dân trong nước thì họ cố trình bày cho đây là những chiến thắng ngoại giao lớn của chế độ và rằng, các chính khách Tây phương chỉ nhìn nhận những người cầm đầu hiện nay của chế độ. Không những thế, họ còn tìm cách tạo dựng lại niềm tin trong đảng viên và nhân dân đã bị mất mát nhiều trong thời gian qua, bằng việc phát động phong trào chống tham nhũng với sách lược lần này „xuất tướng“ chứ không chỉ xuất quân như trước đây.
            Suốt trong thời gian có những cuộc vận động ngoại giao thì họ cố nhịn, theo dõi và chờ đợi chứ chưa ra tay bắt các người đối kháng. Nhưng đấy chỉ là mặt nổi, bề ngoài mà thôi. Trong thực tế nhóm lãnh đạo độc tài bảo thủ đã có chủ định là phải thanh toán những người đối kháng và giao cho các cơ quan an ninh chuẩn bị kế hoạch hành động. Khi cơ hội tới thì phải ra tay. Vì họ biết rằng, những cuộc chống đối của các người dân chủ để lâu thì nguy hiểm, nhất là vào giai đoạn chuẩn bị bầu cử QH khóa 12 vào cuối tháng 5.07. Nó có thể trở thành một phong trào quần chúng và kéo theo cả một bộ phận quan trọng trong đảng như thời 1989 ở Trung Hoa. Cho nên họ đã chọn dịp Tết Đinh hợi làm thời điểm ra tay bắt một số người đối kháng, vì vào dịp đó mọi người đang chuẩn bị đón Xuân. Mới đây họ đã xác nhận việc này và đã biện minh tại sao họ đã áp dụng biện pháp sắt máu đối những người đối kháng ở trong nước trong các tháng vừa qua là rập khuôn mẫu chủ trương „ổn định là trên hết“ của Đặng Tiểu Bình trong việc đàn áp cuộc nổi dậy của sinh viên Trung Hoa vào mùa Xuân 1989:
„Kịp thời và kiên quyết loại trừ những nhân tố có khả năng gây mất ổn định chính trị-xã hội trong suốt quá trình đổi mới; đặc biệt, trong những năm đầu đất nước gia nhập WTO, khi chúng ta chưa có đầy đủ những điều kiện thuận lợi và kinh nghiệm hòa nhập với „sân chơi“ quốc tế.“ („Giữ vững ổn định chính trị-xã hội để phát triển đất nước trong thời kì mới“, Nhật Tân, Tạp chí Cộng sản, số 2.07, 86-91, 91).
Phân tích sách lược này của nhóm độc tài bảo thủ sẽ thấy một số mặt:
1. Hiện nay chế độ không mạnh như người ta tưởng, nhưng nó vẫn còn đủ sức để đánh phá những đối thủ trong nước hoạt động lẻ tẻ và rời rạc. Những người độc tài bảo thủ biết rằng, thời gian đang chống lại họ và càng mở cửa thì thế của họ càng yếu và lực càng bị chia, cho nên trong từng thời kì phải biết đánh vào trọng điểm, những sơ hở hay chủ quan của phía đối kháng để dập tắt những điểm nóng, mong cố duy trì và kéo dài chế độ (kế hoạch trụ).
2. Tuy hiện nay những người cấp tiến trong ĐCS càng ngày càng bất bình, bất mãn với thành phần bảo thủ độc tài, nhưng họ thấy chưa đủ mạnh và còn dây dưa tình cảm, dính dấp quyền lợi; cho nên nhiều người vẫn còn chần chừ chưa dám ra tay hay dám có hành động chung với các thành phần không CS.
3. Trong tình hình đó, nếu những người đối kháng chọn giải pháp đấu tranh trực diện và lại còn tính đánh dàn trận…thì không khác chứng trọi đá. Anh hùng thì có, nhưng thất bại phải thấy trước!
Những điểm cần lưu ý về tình hình trong các năm tới
Trong các năm tới phe độc tài bảo thủ trong ĐCS sẽ phải đối đầu với các cuộc vận động đan xen lẫn nhau chống lại họ: Đó là lực của các đảng viên tiến bộ trong ĐCS, có ý thức và tinh thần trách nhiệm; sự kết hợp và chống đối công khai của những người DCĐN và nhiều thành phần trong xã hội cả ở trong nước lẫn ngoài nước; áp lực quốc tế trong nhiều lãnh vực chính trị, ngoại giao, kinh tế và nhân quyền. Sự vận động của các lực này sẽ như thế nào?
1. Thành phần độc tài bảo thủ sẽ tiếp tục tìm cách cố trụ, trong thì ám hại những người đối kháng; dùng tiền, quyền để mua chuộc một số người cấp tiến thôi chống họ. Bên ngoài thì ngả theo Bắc kinh về ý thức hệ và bắt chước Bắc kinh về cách giữ vững chế độ; đồng thời thực hiện Lobby đa dạng (kể cả tiền bạc…)  đối với các nước Tây phương để tìm cách mua chuộc một số thành phần dân biểu, nghị sĩ, doanh nhân lớn… trong các nước EU và nhất là Mĩ để mong chính giới các nước này làm lơ những biện pháp đàn áp ở VN, đồng thời tăng cường sự buôn bán, đầu tư với chế độ CSVN.
Tham vọng của họ vẫn cao, nhưng khả năng thực hiện thì càng yếu, do sự phân hóa trong nội bộ, ý thức cao của người dân chủ và sự nhạy cảm của dư luận quốc tế. So với một số năm trước thì hiện nay sự tranh chấp quyền hành, sự bất hòa về tiền bạc giữa một số nhân vật và sự khác biệt về đường lối đối ngoại giữa các phe ở trong Trung ương ĐCS đã đạt tới mức độ căng thẳng hơn. Các vụ lợi dụng „quyền uy và quyền lực“ ở trung ương và địa phương để tham nhũng, chia ghế, chia phần đang diễn ra ngày một trắng trợn hơn. Vì thế, uy tín của họ không còn  cao, nên đối với nhân dân họ đã phải tăng cường sử dụng bạo lực đàn áp những người đối kháng, còn trong đảng thì giở các thủ đoạn đe dọa và loại trừ những người cứng đầu, đồng thời tìm cách mua chuộc bằng tiền-quyền những ai không đủ bóng vía. (Điển hình là các vụ tham nhũng động trời Năm Cam, PMU 18, cho thấy tham nhũng đang nhẩy từ Bộ Công an, Trung ương đảng, nay nhẩy lên Bộ chính trị và nhẩy vào cả gia đình Tổng bí thư! Hay vụ lộng quyền của Tổng cục 2, T4, các Hiệp định biên giới, hải đảo kí bất lợi với Trung quốc, tái diễn trò bầu cử  độc diễn của QH khóa 12…)
2. Mặt khác, sự tan rã của Liên xô, thất bại toàn diện của chủ nghĩa Marx-Lenin và mô hình XHCN đã làm chế độ CSVN mất chỗ tựa cả vật chất lẫn tinh thần. Áp lực lớn trên các lãnh vực chính trị, ngoại giao, quân sự và kinh tế của Bắc kinh ngày càng gia tăng và trắng trợn đối với Hà nội. Sự hội nhập của VN vào thế giới, sức ép kinh tế, tài chánh của các nước tư bản, các ảnh hưởng của cam kết trong WTO và hiệp định song phương với Mĩ trong các năm tới càng lớn sẽ tác động mạnh lên toàn bộ kinh tế, tài chánh, thương mại và cuối cũng cả trong bộ máy chính trị.  Nên về trung hạn nhóm bảo thủ độc tài sẽ tứ bề thụ địch.
3. Trong khi ấy, sự phát triển kinh tế khá tốt trong hai thập niên qua đã hình thành một số tầng lớp mới trong xã hội. Các thành phần này có cuộc sống vật chất tương đối ổn định và độc lập hơn, nên nhận thức càng rõ hơn về các quyền lợi của mình. Thái độ của nhân dân cũng đang từ chịu đựng, thờ ơ, nay đang chuyển sang coi thường lãnh đạo, bất mãn với những cán bộ tham nhũng, sẵn sàng đón nhận những thay đổi và tích cực dấn thân đấu tranh mạnh hơn. Cụ thể rõ ràng là cuộc biểu tình suốt hơn ba tuần lễ của cả hàng ngàn nông dân ở ngay Sài gòn từ cuối tháng 6 tới giữa tháng 7.07, trước thời gian QH khóa 12 khai mạc để „bầu“ những người cầm đầu các cơ quan chính của chế độ độc tài toàn trị. Đặc biệt giới trẻ ở trong nước dễ nhạy cảm và có kiến thức nhiều với thế giới bên ngoài biết sử dụng thông tin Internet nên giành cảm tình và có thể nhập cuộc với các vận động dân chủ.
Ngoài ra, các vụ nổi dậy kéo dài của nông dân Thái bình giữa thập niên 90 của thế kỉ trước và của đồng bào Tây nguyên vài năm trước đây… tỏ rõ thái độ thay đổi của ngừơi dân không còn biết sợ hãi trước bạo quyền. Cuối năm 2005 đầu năm 2006 lần đầu tiên có những vụ đình công kéo dài nhiều ngày của trên 40.000 công nhân ở nhiều xí nghiệp ở Sài gòn, Bình dương…đã chứng tỏ người công nhân VN đang thấy rằng, chế độ hiện nay đã không đại diện cho quyền lợi của họ mà còn đang cấu kết với tư bản để bóc lột công nhân! Việc nhân dân và báo chí công khai tố cáo các tham quan đã biến „nhà công thành nhà ông, đất công thành đất ông“ trong các tháng gần đây đã cho thấy tâm trạng và thái độ của các thành phần công nhân, viên chức, nông dân, chuyên viên và giới trẻ đã thay đổi mạnh một cách bất lợi cho chế độ độc tài toàn trị.
Nói tóm lại, sự tham nhũng và lộng quyền ngay từ cấp cao nhất của chế độ toàn trị, sự sụp đổ của Liên xô và sự băng hoại của chủ nghĩa Marx-Lenin, áp lực của Bắc kinh, sức ép phải đổi mới theo kinh tế thị trường và làn sóng của việc hội nhập quốc tế dưới ảnh hưởng quyết định của các nước Tây phương, sự ý thức và tự tín của nhiều thành phần trong nhân dân… tất cả những sự kiện này ảnh hưởng hổ tương lên nhau, đan xen lẫn nhau, tác động ngày càng mạnh và càng rõ vào xã hội ở mọi tầng lớp đang gây bất lợi rất lớn đối với chế độ độc tài toàn trị. Sức ép mạnh này đang chuyển vào trong lòng chế độ và đang tạo phân hóa, kình chống lẫn nhau ngày càng trầm trọng ở ngay cấp trung ương.
 Nạn tham quyền, tham tiền và các tệ trạng xã hội, sức chống đối ngày càng mạnh của nhân dân và áp lực của quốc tế khiến cho chế độ CSVN hiện nay có thể ví như một viên gạch bị mục, lại bị ngâm trong nước lâu năm, nên rất dễ bị vữa ra bất cứ lúc nào! Nó cũng có thể ví như một con đê  trông bề ngoài thì tưởng là còn rất vững chắc, nhưng phía trong bọn chuột và mối đã đục khoét vữa ra, cho nên nhiều khi chỉ một cơn lũ cũng có thể làm tan vỡ con đê!
Mức độ phân hoá, nghi kị và đối kháng lẫn nhau giữa các phe trong nội bộ ĐCS là một sự thực, tuy vẫn muốn bưng bít nhưng nay chính họ cũng không thể chối cãi. Trong những điều kiện đặc biệt như hiện nay (tự do kinh tế nhưng vẫn giữ độc quyền chính trị của một vài người có quyền lực và vắng bóng một nền pháp trị) thì sự kình chống giữa các phe có khả năng gia tăng mạnh, sẽ dễ đưa tới những biến động ngay trong lòng chế độ. (Xem thêm bài của cùng tác giả phân tích về quan điểm và nhận định của cựu TT Võ Văn Kiệt trong cuộc phỏng vấn của BBC). Mặt khác, những tác động chính trị khu vực và quốc tế trong thời kì toàn cầu hoá có khả năng đẩy mạnh các biến động này và có thể tạo ra những đột biến. Vì thế, khả năng diễn ra những biến động và chuyển thành đột biến trong nội bộ ĐCS đang trở thành hiện thực hơn trong các năm tới, nhất là một khi các „thái thượng hòang“ và „đại thần“ của chế độ mất đi! Khi đó sự chống đối và tranh giành quyền-tiền trong nội bộ đảng sẽ gia tăng và trở thành công khai. Cụ thể như cuối hè 2006, họ chỉ mới phát động rầm rộ cuộc chống tham nhũng cho „xuất tướng“ bằng cách cử tân  TT Nguyễn Tấn Dũng kiêm Trưởng ban chỉ đạo Trung ương phòng, chống tham nhũng. „Tướng“ Dũng vừa hô hoán diệt tham nhũng bất cứ người đó là ai, giữ cương vị gì. Nhưng liền đó „Tướng“ mạnh hơn trong phe bảo thủ là Nguyễn Phú Trọng đã ra lệnh dừng lại, phán rằng, ông Dũng chỉ được phép đụng tới cấp Thứ trưởng trở xuống mà thôi!
Nói tóm lại, tất cả những biện pháp vận động, mua chuộc ngoại giao, phất cao ngọn cờ hòa giải dân tộc giả hiệu và trở mặt quay sang đàn áp những người khác chính kiến không còn là cái mạnh của chế độ và cũng mất sức lôi cuốn như thời chiến tranh. Trái lại, đây chỉ là thái độ thụ động, những dấu hiệu chống đỡ, co cụm, như một con hổ đang bị đẩy vào cũi. Cố vùng vẫy, nhưng số phận đã bị định đoạt. Nhưng phải coi chừng, thế bị lùi vào chân tường của nó.
II. Thế và lực hiện nay của các lực lượng dân chủ đa nguyên
Chúng ta đang có nhiều lợi thế,
nhưng tại sao lực của những người DCĐN vẫn còn yếu?
Sự sụp đổ của Liên xô đã mở cơ hội tốt cho hàng chục nước Đông Âu đứng lên chuyển từ chế độ độc tài toàn trị sang dân chủ đa nguyên hầu như  không tốn một viên đạn. Kinh tế thị trường và làn sóng toàn cầu hóa cùng với bùng nổ của thông tin Internet đã tràn cả vào các thành trì cuối cùng của các chế độ toàn trị. Nó đang đe dọa sự sống còn của các chế độ này. Đấy là một lợi thế quốc tế rất lớn cho những người dân chủ VN về chính trị, ngoại giao, kinh tế và truyền thông.
Một lợi thế quan trọng khác cho chúng ta là, ba triệu người Việt đang sinh sống ở nước ngoài, nhất là tại Mĩ, Gia nã đại, Liên minh Âu châu và Úc châu. Trong những năm qua hàng triệu người Việt ở hải ngoại đã là hậu phương rất lớn cho các cuộc vận động dân chủ ở trong nước. Họ đã vận động ngoại giao bén nhậy và giúp đỡ tiền bạc quan trọng cho các tổ chức và cá nhân đấu tranh dân chủ ở trong và ngoài nước. Ba triệu kiều bào chỉ có một ước mong rất chân thành và chính đáng là, những người dân chủ chúng ta cần phải có sách lược đấu tranh sáng suốt và thích hợp để đưa cuộc vận động dân chủ ở trong nước đi đến thành công!
Lợi thế thứ ba vô cùng quan trọng đang hình thành và phát triển ngay ở trong nước và ngay trong nội bộ chế độ độc tài toàn trị. Đó là sự bất mãn ngày càng lớn, ngày càng mạnh của nhiều thành phần nhân dân; không chỉ trong các tôn giáo, trí thức, chuyên viên nay cả công nhân, nông dân, dân tộc ít người và giới trẻ cũng đang nhập cuộc đứng lên tố cáo và chống đối bọn tham quan đang đàn áp, nhũng nhiễu và bòn rút nhân dân.  Sự bất mãn và khinh miệt của nhân dân đối với thành phần lãnh đạo đã khiến cho nhiều „lão thành cách mạng“ còn biết tự trọng và đảng viên cán bộ có tầm nhìn cấp tiến đã công khai kịch liệt tố cáo đích danh nhiều nhân vật trong và ngoài BCT đang lợi dụng chức quyền để mua quan bán chức, làm giầu bất chính qua tham nhũng!
            Chúng ta đang có thế thuận lợi như vậy, nhưng lực của những người DCĐN hiện nay vẫn còn rất mỏng và yếu! Tại sao như vậy?
Ngoài khó khăn khách quan do chế độ độc tài toàn trị, nhưng phần quan trọng là do các khó khăn chủ quan từ ngay trong hàng ngũ những người DCĐN. Trong khi phe độc tài dùng chiến lược giành từng thắng lợi trước mắt để cố trụ thì nhiều người dân chủ lại chỉ biết đưa ra mục tiêu đấu tranh chung chung và các đòi hỏi chỉ thích hợp với khẩu vị và sự hiểu biết chủ quan của mình, không bám sát được tình hình trong nước, trong nhân dân và trong nội bộ ĐCS. Vì thế, nhiều hoạt động đưa ra của một số nhóm rất chủ quan, nóng vội, chỉ thỏa mãn những ước muốn của mình, nhưng lại không hiểu rõ những bức xúc của quần chúng, không khai thác tốt được các điểm nóng trong xã hội và những khó khăn mà nhóm lãnh đạo độc tài đang gặp phải.
Không những thế, nhiều người dân chủ lại rất chủ quan và nôn nóng trong cách hành động. Hiện nay số người dân chủ ở trong nước chưa đông, đã thế lại chưa có thống nhất trong tư tưởng và tổ chức. Nhưng đã có một số người, một số nhóm đã mở ra các trận đánh lớn, đánh xả láng. Đây là chủ nghĩa thí quân, đốt giai đoạn rất nguy hiểm! Nhiều người không nhận ra được rằng, trong tương quan lực lượng hiện nay thì phe cầm quyền vẫn còn rất mạnh. Nếu chống đối đơn độc một mình thì như trứng chọi với đá.
Một khuyết điểm quan trọng khác của một số người dân chủ là quá đa nghi và thiếu tự tin, nên đã không biết khai thác những mâu thuẫn, đối kháng và sự chống đối lẫn nhau trong hàng ngũ phe cầm quyền. Vì không cập nhật hóa được tình hình ở trong nước và nội tình của ĐCS, nên nhiều người vẫn còn phân tích chế độ theo lăng kính cách đây 30-40 chục năm! Họ cho rằng, những chống đối giữa một số nhân vật hay khuynh hướng trong nội bộ ĐCS hiện nay chỉ là trò đánh lừa, chống đối cuội giữa họ với nhau mà thôi! Thận trọng là cần thiết trong hoạt động chính trị. Nhưng thận trọng không có nghĩa là thụ động, chờ đợi và không biết khai thác những rạn nứt, những chống đối trong hàng ngũ độc tài! Có người dân chủ chưa nhận ra là, nhóm bảo thủ đang tứ bề thụ địch, thù của họ có thể là bạn đồng minh có điều kiện ngắn hạn và trung hạn của chúng ta! Thụ động và quá đa nghi, chỗ nào cũng chỉ thấy „địch“ sẽ dẫn tới tự cô lập mình và phân hóa lẫn nhau chỉ có lợi cho phe độc tài, thay vì  khôn khéo và tỉnh táo sử dụng sách lược dùng sức của đối phương để hạ đối thủ!
Luồng nước lớn và luồng nước nhỏ: Nếu so sánh toàn cầu hóa là một trào lưu thế giới đang lên của thời đại từ cuối thế kỉ 20 thì các chế độ độc tài còn sót lại chỉ như vài con rạch nhỏ, những luồng nước nhỏ. Những luồng nước nhỏ này có thể bị sát nhập, hòa tan, biến mất trong một thời gian ngắn.  Nhưng cũng chưa hẳn như vậy, vẫn có những dòng nước rất nhỏ, nó vẫn giữ nguyên thể của nó, chạy song hành với luồng nước lớn.
Trong chính trị không thể thờ chủ nghĩa tự động, ngồi chờ sung rụng! Trong chính trị cũng không thể đánh phá lung tung, vô kế hoạch, hành động chỉ bằng bắp thịt. Vì trong lịch sử Đông Tây đã có những sự kiện tương tự như giữa các dòng nước lớn và nhỏ. Có khi có những dòng chảy cách mạng rất lớn của thời đại, nó có sức phá băng tất cả những lực cản. Như cuộc cách mạng tư sản, dân quyền ở Âu châu sau Cách mạng Pháp 1789.  Nhưng người ta vẫn thấy một số những chế độ  phong kiến của các vua chúa độc tài vẫn tồn tại song hành!
Vì thế, một chế độ đã lỗi thời có thể tiêu vong nhanh trước một trào lưu chính trị mới đang dâng lên. Nhưng nó cũng có thể vẫn tồn tại bên cạnh trào lưu mới đó! Việc mất đi hay vẫn trụ được của một chế độ tùy thuộc nhiều yếu tố chủ quan, khách quan, trong và ngoài. Nếu chế độ đó biết khôn khéo, củng cố nội bộ, che những cái xấu (chưa hẳn là sửa những cái xấu!) và tìm cách giảng hòa (mua chuộc) với trào lưu mới thì rất có thể nó vẫn trụ được. Hoặc giả, những lực lượng ở trong nước, đồng minh của trào lưu mới, không biết tự kết hợp xây dựng thành một lực lượng quan trọng làm chủ lực, không biết chủ động khai thác những khó khăn của chế độ và điều kiện quốc tế thuận lợi, thì chưa chắc nắm được thời cơ để đánh đổ chế độ đương thời, dù nó đã rất lỗi thời!
So sánh tương quan lực lượng trong điều kiện và hoàn cảnh hiện nay ở VN thì rõ ràng tạm thời phe độc tài còn mạnh hơn phía DCĐN rất nhiều. Do đó các cá nhân và tổ chức DCĐN chưa thể đứng một mình, lại càng chưa thể mở các trận „tổng tấn công“ hay dùng cách „đánh dàn trận địa lâu ngày“….Chạy theo chủ nghĩa cục bộ, phe nhóm, phiêu lưu và chủ trương đốt giai đoạn là tự chuộc lấy thất bại; không những thế, còn chưa ý thức đầy đủ trách nhiệm chung với tiền đồ của cuộc vận động chung chuyển đất nước từ độc tài sang DCĐN!
Phải thực hiện sách lược ba xây một chống để kết hợp ba mũi nhọn tấn công
vào nhóm độc tài bảo thủ, lộng quyền và tham nhũng hiện nay!
Cân nhắc một cách nghiêm túc, khách quan toàn bộ tình hình hiện nay ở trong nước, trong nội bộ ĐCS, trong hàng ngũ những người DCĐN và trong tương quan quốc tế theo qui luật sinh động trong chính trị để từ đó vạch ra một sách lược đấu tranh sáng suốt và thích hợp, nhằm mục tiêu xuyên suốt là làm sao chuyển đổi đất nước một cách chắc chắn và vững chắc sang DCĐN bằng phương pháp phi bạo lực phải được coi là nhiệm vụ trung tâm của những người dân chủ chúng ta. Muốn như vậy thì chúng ta phải mạnh dạn và can đảm  khắc phục những khó khăn trong hàng ngũ những người DCĐN, biết khai thác tối đa các điểm yếu của chế độ độc tài và biết tận dụng thật tốt các lợi điểm của thời đại. Dựa vào nhân dân trong nước, dựa vào sự hậu thuẫn cùa các Cộng đồng VN ở nước ngoài và dựa vào sự ủng hộ của các nước DCĐN, những người DCĐN VN chúng ta ở trong và ngoài nước cần phải chủ động thực hiện một sách lược ba xây một chống. Nghĩa là biết sử dụng và kết hợp cả ba mũi tấn công vào các phần tử độc tài bảo thủ, lộng quyền và tham nhũng của chế độ tài toàn trị hiện nay ở VN.
Ba xây là:
1. Kiên trì và cương quyết tự xây dựng các thành phần dân chủ đa nguyên cho vững về tư tưởng, tổ chức, nhân sự và hành động; biết liên minh gắn bó với nhau tạo thành chủ lực vững chắc trong mục tiêu chung trước mắt, là cô lập thành phần độc tài bảo thủ của ĐCS để có thể chuyển đổi VN sớm và gọn từ độc tài toàn trị sang DCĐN.
2. Kêu gọi và thúc đẩy thành phần cấp tiến trong ĐCS phải chui ra khỏi vỏ sên, dấn thân nhập cuộc vào cuộc tranh đấu rất chính đáng hiện nay của nhân dân; đừng nuôi ảo vọng là nhóm bảo thủ độc tài sẽ tự biết điều, tự sửa mình, thôi tham nhũng và sẵn sàng nhường quyền hành! Hãy cùng với những lực lượng DCĐN đứng lên chống nhóm độc tài bảo thủ. Chúng ta chủ động và tỉnh táo mời một số nhân vật trong thành phần cấp tiến đã thức tỉnh và tỏ rõ tấm lòng can trường làm đồng minh chiến lược có điều kiện trong việc loại bỏ nhóm độc tài bảo thủ.
3. Chúng ta phải biết tận dụng sức mạnh của dư luận quốc tế, nhất là ở các nước có nhiều người Việt sinh sống. Chủ động và tự tin trong các cuộc vận động ngoại giao. Biết kết hợp sức mạnh của kiều bào, của chính giới và các tổ chức nhân quyền quốc tế làm đòn bẩy động viên ngoại giao trong cuộc vận động dân chủ ở VN.
Một chống là: Chúng ta phải biết kết hợp ba mũi nhọn này tập trung tấn công vào những phần tử độc tài bảo thủ đang tham nhũng và lộng quyền trong ĐCS hiện nay. Trong đó, từng thời kì phải nhận ra những điểm nóng trong xã hội, những điểm yếu của chế độ. Biết chọn trận địa, thời gian, sử dụng các lực lượng „xung kích“ thích hợp, chứ không được đánh tràn lan…Phải biết thực hiện cách đánh „châu chấu đá xe“. Phải làm sao sau mỗi „trận đánh“ thế của ta mạnh hơn, lực của ta đông hơn, để đến khi thời gian thích hợp có thể chuyển sang „tổng tấn công“, áp đảo những phần tử cuối cùng của phe bảo thủ độc tài. Dứt khoát đưa đất nước sang DCĐN và kiến tạo một nước VN mới dân chủ, tự do, giầu mạnh và văn minh sánh vai ngang hàng với các nước tiên tiến trên thế giới! Đấy là nhiệm vụ và vinh dự rất lớn lao cho những người DCĐN!
Phần hai
NHẬN THỨC SÁNG SUỐT ĐỂ TÌM SỰ ĐỒNG THUẬN CĂN BẢN
 TRONG MỤC TIÊU VÀ NHIỆM VỤ GIẢI THỂ ĐỘC TÀI,
THIẾT LẬP CHẾ DỘ DÂN CHỦ ĐA NGUYÊN
            Chắc chắn chúng ta chưa thể bằng lòng với một số thành quả nhỏ bé và bấp bênh đã giành được. Cho nên câu hỏi trung tâm đang chất vấn tư tưởng và lương tâm những người DCĐN là: Làm sao vượt qua những nhược điểm và khó khăn hiện nay để các nhân sĩ và các tổ chức DCĐN có thể biến thành những mũi nhọn tấn công sắc bén và hiệu quả vào thành lũy độc tài? Làm thế nào để các lực lượng DCĐN có thể thành các ngọn hải đăng tỏa sáng vững vàng hướng dẫn tầu thuyền trước các cơn giông tố?
Hoạt động chính trị rất phức tạp, nó bao gồm nhiều lãnh vực như: tư tưởng + sách lược + tổ chức + nhân sự + tài chính + thực hiện + kiểm soát… Nó như cơ thể con người, bao gồm nhiều cơ quan và bộ phận. Trong đó mỗi thành phần đều có giá trị cao. Một cơ thể lành mạnh khi các cơ quan và bộ phận đều lành mạnh và có phân công cũng như phối hợp nhip nhàng, liên tục với nhau.
Những người DCĐN chúng ta cũng phải tiến lên như vậy; biết phối hợp, phân công và tổ chức hoàn hảo như một cơ thể; nếu không thì sẽ bệnh hoạn, què quặt, ốm yếu...
Nếu những người DCĐN chúng ta muốn kết hợp trở thành lực chủ động, một mũi nhọn sắc bén trong cuộc vận động chuyển đất nước từ độc tài sang dân chủ; nếu chúng ta muốn kết hợp trở thành một ngọn hải đăng soi sáng đường đi cho các tầu thuyền trong cơn giông tố thì các nhân sĩ và tổ chức DCĐN ở trong và ngoài nước cần nghiêm túc và rốt ráo xem lại mục tiêu, sách lược, cách tổ chức và hoạt động hiện nay không còn đáp ứng  và thích hợp được những đòi hỏi của tình hình.
Như trong phần nhận định về tình hình trên đây, chúng ta đang thấy những diễn biến dồn dập không chỉ riêng trong phe cầm quyền mà cả trong các thành phần đối kháng ở trong và ngoài VN. Có nhiều việc khó lường trước. Trong đó có những tín hiệu cho thấy, từng lúc và từng nơi có thể xẩy ra đột biến cả phía địch lẫn phía ta. Trong những điều kiện đó đòi hỏi từng nhân sĩ và mỗi tổ chức DCĐN phải có những cái nhìn và phân tích sắc bén, các quyết định sáng suốt và kịp thời. Chỉ khi nào làm được như vậy thì chúng ta mới có thể như một ngọn hải đăng hướng dẫn tầu thuyền trước những cơn phong ba, bão lớn và là một mũi nhọn quan trọng trong việc loại độc tài!
Trước khi đi sang các đề nghị cụ thể,
thiết tưởng chúng ta hãy cùng nhau xác nhận một số thực tế chung:
1. Các thành viên DCĐN, dù thuộc khuynh hướng hữu hay tả, đều đồng thuận với nhau trong các mục tiêu quan trọng trong giai đoạn chuyển tiếp trước mắt là: a) Dẹp độc tài toàn trị sang một bên. b) Lập chế độ dân chủ đa nguyên. c) Xây dựng một nước VN mới dân chủ, tự do, phú cường và văn minh.
2. Căn cứ vào tình hình quốc tế hiện nay và kinh nghiệm đau thương mà nhân dân ta đã phải gánh chịu do chủ trương dùng bạo lực của các thế lực độc tài, cho nên phương pháp đấu tranh phi bạo lực là con đường duy nhất cho những người DCĐN. Phương pháp này đòi hỏi phải có sự kết hợp quần chúng rộng rãi và một tập hợp chính trị lớn có bề thế về nhân sự, tổ chức, phương tiện và đường lối.
3. Trước sức mạnh và sự tàn bạo của phe độc tài bảo thủ ĐCS thì trong điều kiện hiện nay không một cá nhân hay tổ chức DCĐN nào đủ mạnh về nhân sự, tài chánh và phương tiện để có thể làm một mình được. Do đó chúng ta không có giải pháp nào khác là phải liên minh với nhau về lực lượng, thống nhất về sách lược và kế hoạch đấu tranh, phân công và phối hợp  với nhau trong hành động.
Liên minh giữa các lực lượng ở đây không có nghĩa là gộp các đoàn thể và nhân sĩ vào một tổ chức chung duy nhất, làm như vậy là hoàn toàn sai.  Tạm thời các đoàn thể hoặc nhân sĩ nào nếu không thấy nhu cầu đó thì cứ duy trì tổ chức của mình. Tập hợp lực lượng ở đây là biết kết hợp sức mạnh và sở trường của từng tổ chức và cá nhân lại với nhau; tổ chức hay cá nhân nào có sở trường gì, hoặc đang hoạt động ở trọng tâm nào thì nên phát huy tiếp tục và sẽ nhận được sự tiếp tay trực tiếp hay hỗ trợ của những tổ chức và cá nhân khác. Nhưng mỗi thành viên DCĐN chỉ tập trung vào lãnh vực sở trường của mình và nên nhường lãnh vực khác thuộc sở trường của tổ chức khác hay cá nhân khác. Biết dựa vào nhau như vậy thì chúng ta mới nhân được sức mạnh chung của nhau và phát huy tối đa được tài năng của từng thành viên…Cách tập hợp của chúng ta như cách cấu tạo và  hoạt động trong cơ thể một con người lành mạnh , trong đó các bộ phận và cơ quan đều giữ vai trò quan trọng và thiên chức trong việc điều hòa hoạt động.
Để tiến tới thống nhất sách lược và kế hoạch đấu tranh, phân công và phối hợp hành động đòi hỏi từng thành viên DCĐN chúng ta phải cùng nhau hoạch định các kế hoạch trong nội bộ cũng như đối với bên ngoài cho thật sát thực tế, đưa ra được các đối sách thích hợp và khả thi đánh trúng được những nhược điểm và khó khăn của kẻ thù chung. Khi có kế hoạch chung, sách lược chung thì khâu quyết định cho thành bại của chúng ta là phải biết tổ chức công việc, phân công và phối hợp cho nhịp nhàng, hợp lí và chắc chắn giữa các thành viên DCĐN: Tiến cùng tiến, lùi cùng lùi; khi cần giữ im lặng thì không để có một tiếng động nào, nhưng khi cần lên tiếng thì mọi nơi, mọi người phải cùng đồng loạt hô vang…
Muốn đạt được các mục tiêu và giải quyết tốt các nhu cầu trên thì phải có một đầu não chung, một thành phần lãnh đạo sáng suốt, thống nhất và có ý chí tự tin và quyết thắng!
Các nhận định và đánh giá trên đây căn cứ vào trào lưu của thế giới vào đầu Thế kỉ 21, căn cứ trên tình hình của chế độ độc tài, về các thách đố và cơ hội cho những người dân chủ và căn cứ vào các mặt mạnh và yếu hiện nay của các thành viên DCĐN.
 Để triển khai vào hoạt động thực tiễn, dưới đây là một số đề nghị cụ thể để mỗi thành viên chúng ta, từ cá nhân tới tổ chức, có thể tự lượng định để tập trung sức mạnh và sở trường trong mục tiêu là cùng nhau làm cho các hoạt động của những người DCĐN trở thành một mũi nhọn sắc bén chống độc tài, một ngọn hải đăng vững vàng tỏa sáng cho những người dân chủ trong cuộc vận động chuyển đổi gọn và chắc chắn đất nước từ độc tài toàn trị sang DCĐN.
Phần ba
DỰ ÁN VỀ MÔ HÌNH HỢP TÁC VÀ
LIÊN MINH CỦA NHỮNG NGƯỜI DÂN CHỦ VIỆT NAM
I. Mục tiêu
Tất cả những ngừơi dân chủ Việt Nam, dù ở trong nước hay ở ngoài nước, đều có một khát khao chung và nguyện vọng chính đáng lớn nhất là làm sao thay đổi được chế độ độc tài toàn trị hiện nay bằng một chế độ dân chủ đa nguyên. Bởi vì chỉ như vậy mới chấm dứt được nạn đàn áp những người khác chính kiến, ngăn chặn được tệ tham nhũng, bệnh lộng quyền, xã hội vô pháp luật, đất nước tụt hậu, lãnh thổ và chủ quyền bị đe dọa. Để từ đó xây dựng một nước VN mới theo dân chủ đa nguyên, xã hội pháp trị, dân chủ tự do, công bằng, nhân ái, bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ và đưa đất nước cường thịnh, văn minh, sánh vai bình đẳng thân hữu với các nước trong khu vực và bạn bè trong năm châu!
II. Ý thức
1. Không ai phủ nhận được rằng, hiện nay trong giai đoạn trước mắt những ngừơi dân chủ đa nguyên có một cái chung rất lớn, nó đứng trên tất cả những cái riêng và nó phải được ưu tiên giải quyết, đó là nhiệm vụ giải thể chế độ độc tài toàn trị. Chỉ khi nào nhiệm vụ chung này giải quyết xong thì những cái riêng mới có cơ hội phát triển! 
2.  Chúng ta thừa nhận những khác biệt của nhau về chính kiến, quá khứ chinh trị, đoàn thể và sở thích…Tính độc lập và cạnh tranh của mỗi tổ chức là những đặc điểm tốt trong sinh hoạt chính trị dân chủ đa nguyên. Chính nó là những động cơ thúc đẩy xã hội tiến bộ không ngừng trong dân chủ và ổn định.  Chúng ta tôn trọng và bảo vệ nó và coi đó là rất tự nhiên trong sinh hoạt dân chủ đa nguyên.
3. So sánh với đối thủ độc tài đang cầm quyền hiện nay về lực lượng, phương tiện và tổ chức thì những ngừơi dân chủ chúng ta, nếu chỉ đứng riêng từng đoàn thể hay cá nhân, sẽ không đủ sức và phương tiện để đối đầu một cách hữu hiệu được. 
4. Vì thế chúng ta quyết tâm tự nguyện cùng đứng chung sát cánh với nhau để đấu tranh giải thể chế độ độc tài và thành lập một xã hội dân chủ đa nguyên.  Trong thời hạn hợp tác chung với nhau thì tạm thời phải xếp lại cái riêng để tập trung vào cái chung lớn nhất.
5. Từ những nhận định trên đây, do ý thức trách nhiệm chung chúng tôi hoàn toàn đồng ý cùng nhau thành lập Liên minh  những Ngừơi Dân chủ Việt Nam. là tập hợp các tổ chức và cá nhân thuộc những ngừơi dân chủ Việt Nam có ý thức và dám nhận trách nhiệm - bất kể khuynh hướng và quá khứ chính trị, tôn giáo, lãnh vực, không gian và môi trừơng hoạt động - tự nguyện tập hợp lại với nhau trong một liên minh của những ngừơi dân chủ VN cùng theo đuổi một mục tiêu duy nhất là thay đổi chế độ độc tài bằng một thể chế dân chủ đa nguyên theo phương thức tranh đấu phi bạo lực.
III. Thời hạn hợp tác
1. Thời gian hợp tác chung đựơc tính từ khi tham gia liên minh với nhau tới khi thay đổi được chế độ độc tài toàn trị và hoàn tất giai đoạn chuyển tiếp thành lập một chính phủ đầu tiên theo dân chủ đa nguyên.
2. Thời gian hợp tác chung sẽ được coi là hoàn tất khi chấm dứt giai đoạn chuyển tiếp từ độc tài toàn trị sang dân chủ đa nguyên. Gian đoạn chuyển tiếp được dự tính tối thiểu là ba (3) năm và tối đa là năm (5) năm sau khi đất nước có một chính quyền DCĐN.
IV. Tên gọi và Thành phần thành viên
 Tên gọi của tập hợp những người DCĐN là Liên minh những Người Dân chủ Việt Nam (LMNNDCVN).
LMNNDCVN bao gồm hai loại thành viên: Những thành viên của các đoàn thể và các thành viên cá nhân. Các chính đảng, hội nhân quyền, hội nghiên cứu, cơ quan báo chí, hội văn nghệ sĩ, tôn giáo, tổ chức sinh viên, thanh niên và xã hội đều có thể trở thành thành viên của LMNNDCVN. Các nhân sĩ, trí thức, chuyên viên, nhà báo, nhà văn, nhà tư bản và doanh nhân… đều có thể trở thành thành viên của LMNNDCVN.
Do hoàn cảnh đặc biệt ở trong nước, vì lí do an ninh và nhiều trở ngại khác, cho nên nhiều cá nhân không thể hoặc chưa muốn đứng vào hàng ngũ các tổ chức. Nhưng họ đã từng và đang đóng góp tích cực và hiệu quả bằng nhiều phương thức khác nhau trong cuộc vận động DCĐN. Cho nên bên cạnh các đoàn thể, vai trò đóng góp của những người này rất quan trọng trong giai đoạn chuyển tiếp cũng như tương lai của VN.
V. Tiêu chuẩn kết hợp các thành viên
LMNNDCVN là một tập hợp những ngừơi DCĐN gặp gỡ trao đổi thông tin, thảo luận sách lược chung, phân công và phối hợp các hoạt động trong việc chống độc tài. Vì thế LMNNDCVN là nơi qui tụ những ngừơi đấu tranh có kinh nghiệm hoạt động và có uy tín trong các thành phần của xã hội. LMNNDCVN lấy chất lượng và hiệu năng hoạt động của các thành viên làm tiêu chuẩn trong việc kết hợp. Các thành viên LMNNDCVN sẽ phổ biến những sách lược chung và hoạt động chung xuyên qua các tổ chức, báo chí hay các môi trường ảnh hưởng của mình. Nhờ đó các quyết định của LMNNDCVN sẽ được nhân lớn, có ảnh hưởng rộng rãi và nhanh chóng trong nhiều giới và nhiều lãnh vực.
Bốn (4) tiêu chuẩn mời làm thành viên LMNNDCVN:
-         Lập trường: những tổ chức và cá nhân hoạt động tích cực theo dân chủ đa nguyên (DCĐN theo định nghĩa của Chính trị học)
-         Phương pháp tranh đấu: phi bạo lực (theo định nghĩa của các Công ước Quốc tế của Liên hiệp quốc)
-         Có thành tích hoạt động, có uy tín cao và đạo đức tốt.
-         Đồng ý về mục tiêu, phương pháp và mô hình hợp tác và liên minh của những người dân chủ VN (Phần ba trong Dự án này)
VI. Tinh thần hợp tác
-         Giữa các thành viên LMNNDCVN khi chúng ta ngồi chung với nhau không có ngừơi thắng kẻ thua; mà chỉ có, hoặc chúng ta cùng nhau thắng độc tài để trở thành tiên phong xây dựng một nước VN mới theo DCĐN. Hoặc cùng thua độc tài để đất nước tiếp tục trong tham nhũng, đàn áp, nghèo đói và tụt hậu.
-         Thắng cùng hưởng, thua cùng chịu, có tình và lí giữa anh em cùng một lí tưởng; không được chân trong chân ngoài, nói chung làm riêng, ăn mảnh.
-         Bảo vệ và giúp đỡ lẫn nhau khi bị các thế lực độc tài đàn áp hay mạ lị.
VII. Phương thức hợp tác
-         Sự hợp tác được thực hiện qua cách làm việc theo tinh thần teamwork, đồng đội, thảo luận dân chủ, quyết định dân chủ, tôn trọng đa số, bảo vệ thiểu số.
-         Lập sách lược tranh đấu chung.
-         Phối hợp tối đa với nhau trong các hoạt động (cách đánh chiến thuật).
-         Tận dụng tối đa sở trường, khả năng và phương tiện của mỗi tố chức và cá nhân.
-         Lập quĩ hoạt động chung.
VIII. Cách kết hợp trong giai đoạn đầu
Hiện nay do an ninh khó khăn ở trong nước và do các trở ngại về địa lí giữa các nước có đông người Việt sinh sống, nên trong giai đoạn đầu không thể tập hợp ồ ạt nhiều nhân sĩ và đoàn thể DCĐN vào LMNNDCVN. Trong bước đầu chúng ta hãy hợp tác theo từng địa phương (hay từng nước), hoặc từng lãnh vực với nhau (các tổ chức và cá nhân thích về chính trị với nhau, các hội nhân quyền với nhau, các hội và chuyên viên trong lãnh vực nghiên cứu với nhau, các nhà báo và cơ quan truyền thông với nhau, giữa các tôn giáo với nhau hoặc giữa các tu sĩ của các tôn giáo…).
Ở trong nước, nếu điều kiện an ninh chưa cho phép, có thể trong lúc khởi đầu chỉ giới hạn việc kết hợp giữa các cá nhân và các nhóm đã quen biết với nhau. Khi điều kiện cho phép thì sẽ từng bước mời thêm các thành viên mới để tăng cường và mở rộng sự hoạt động.
Mọi sự tập hợp cần phải theo sự tự nguyện và theo đúng các tiêu chuẩn chung đề nghị trong Phần ba trên đây để làm nền tảng cho sự làm việc chung giữa các thành viên ngay trong các cơ sở ban đầu của LMNNDCVN. Nếu làm đúng được như thế thì sau này, khi điều kiện cho phép, các cơ sở ban  đầu ở từng địa phương, ở từng nước hay giữa các nước với nhau có thể triển khai mở rộng sự hợp tác với nhau một cách dễ dàng giữa các thành viên của LMNNDCVN.
Về cơ cấu tổ chức, tùy theo điều kiện của từng nơi, nếu chỉ là một tổ chức cơ sở với số thành viên giới hạn thì cơ cấu có thể đơn giản. Nhưng nếu là một sự kết hợp giữa nhiều đoàn thể và cá nhân thì cơ cấu tổ chức nên mở rộng cho thích hợp. Tuy nhiên, trong mọi trường hợp chúng ta nên thực hiện cơ cấu tổ chức và nhân sự theo đúng tiêu chuẩn hoàn hảo như cách cấu tạo cơ thể con người lành mạnh. Mọi thành viên sẽ trở thành các cơ quan, bộ phận quan trọng và hữu ích trong Liên minh. Muốn được như vậy cần lưu ý đầy đủ về sở trường, sở thích của từng cá nhân và trọng tâm hoạt động của từng tổ chức trong Liên minh.
*          *          *
Tổng kết lại, Dự án LMNNDCVN có mục tiêu rất trong sáng, chính đáng và rất khẩn thiết đối với mọi người DCĐN có ý thức và tinh thần trách nhiệm muốn cho công việc chung đạt được kết kết quả chắc chắn và vững vàng. Đó là đấu tranh bằng phương pháp phi bạo lực để chống lại những phần tử độc tài bảo thủ, lộng quyền và tham nhũng, chấm dứt chế độ độc tài toàn trị và thiết lập  thể chế DCĐN. Thời gian liên minh cũng rất rõ ràng là từ nay cho tới khi cùng nhau hoàn thành thắng lợi việc loại bỏ guồng máy độc tài toàn trị và thiết lập một chính quyền DCĐN đầu tiên ở VN. Hai thành phần tham gia Liên minh là các tổ chức và cá nhân biết đấu tranh hiệu quả, có uy tín cao và đạo đức tốt thuộc nhiều khuynh hướng và thành phần xã hội. Đây là hai trụ cột nhân sự của Liên minh và bảo đảm cho một sự kết hợp rộng rãi và tự nguyện của đại đa số nhân dân VN trong việc chống độc tài toàn trị và xây dựng chế độ DCĐN!
Chúng ta cần công bố cho quảng đại dư luận nhân dân trong nước, các cộng đồng VN ở nước ngoài và dư luận thế giới hiểu rõ mục tiêu trong sáng, phương pháp đấu tranh phi bạo lực, chương trình làm việc thiết thực và cụ thể, các nguyên tắc kết hợp vừa có lí có tình và cách hoạt động dân chủ của Liên minh những Người Dân chủ Việt Nam để mọi người, mọi giới ở trong và ngoài nước tham gia, cũng như chính giới và nhân dân các nước DCĐN trên thế giới ủng hộ …
Dự án này được đưa ra vào thời điểm thích hợp và cấp thiết trong lúc này là nhằm khai thác thời cơ trong và ngoài nước, sớm khắc phục được những nhược điểm của chúng ta để những người DCĐN có thể cùng nhau tập trung đánh vào những điểm yếu của phe độc tài bảo thủ. Dự án này bao gồm những đề nghị nhằm mục tiêu làm thế nào để các tài năng, sở trường, phương tiện và ý chí dấn thân của các thành viên DCĐN được sử dụng đúng chỗ với hiệu quả cao nhất trong cuộc tranh đấu chung của chúng ta, nhằm thay thế độc tài toàn trị bằng chế độ DCĐN một cách chắc chắn trong một tương lai không xa. Từ đó cùng nhau kiến tạo một nước VN mới dân chủ, tự do, phú cường và văn minh.
Đây chính là lời mời chân thành, lời kêu gọi thiết tha tới các tổ chức và cá nhân ở trong và ngoài nước hãy hăng hái quyết chí cùng nhau gánh vác nhiệm vụ và vinh dự chung của những Người Dân chủ Đa nguyên Việt Nam đầu Thế kỉ 21!♣
Trích: Tạp chí Dân chủ & Phát triển số 34, 10. 2007
Mục Thời sự Tạp chí Dân chủ & Phát triển điện tử:
            www.dcpt.org     hay    www.dcvapt.net

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét